Nhà ở đây chủ yếu xây bằng đất sét và đất thịt, tường rào được dựng bằng đá xanh.
Những ngôi nhà trình tường của đồng bào Lô Lô (Hà Giang) không chỉ mang lại nét đẹp cho vùng cao nguyên vốn chỉ có đá núi chập chùng mà còn thể hiện kỹ thuật làm nhà đơn giản nhưng không kém phần tinh xảo của người vùng cao.
Con đường dẫn vào bản nhỏ xíu thoai thoải dốc như bị che khuất bởi những ruộng ngô, Lô Lô Chải hiện ra với những căn nhà trình tường lợp ngói âm dương ba gian đã trải qua hàng trăm năm tuổi.
Tường nhà bằng đất lâu ngày đã rạn chân chim.
Cầu thang nhà người Lô Lô rất đơn giản nhưng vững chắc.
Nhà thường có gác xép dùng làm nơi cất trữ lương thực.
Nhà của người Lô Lô thường có hai cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa và một cửa phụ ở gian bên trái để đi ra vườn. Trên mỗi cánh cửa đều dán những lá bùa với ký tự và hình vẽ lạ trên giấy hồng điều để trừ tà. Trong nhà không có vách ngăn các phòng mà người dân thường dùng những tấm vải để ngăn.
Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô khá đơn giản, thường chỉ làm ba gian, không có trái và chỉ có hai vì kèo gỗ, hai đầu hồi trốn cột, kèo gác ngay lên tường. Gỗ làm nhà thường là các loại gỗ tốt, chắc và bền như thông đá, sa mộc…
Ngày xưa hầu hết nhà được lợp bằng cỏ tranh, những nhà khá giả thì lợp ngói âm dương. Từ xà ngang lên mái được bố trí thành không gian riêng để làm kho chứa lương thực và đồ dùng gia đình. Gian giữa, đối diện với cửa chính là bàn thờ tổ tiên. Buồng ngủ của vợ chồng ở bên trái gần cửa phụ, buồng ngủ của con cái ở gian bên phải. Trước buồng ngủ của vợ chồng là bếp nấu ăn, nấu rượu. Buồng của vợ chồng cũng là nơi cất giữ các đồ dùng quý giá của gia đình. Trước buồng ngủ của con cái là bếp sưởi và cầu thang lên trên gác. Cầu thang làm rất đơn giản, đóng bằng gỗ hoặc bằng tre, có từ 9-11 bậc.
Ngoài những nhà làm hàng rào bằng cách xếp đá thì cũng có những nhà làm hàng rào bằng trình tường.
Làm nhà trình tường tốn kém nên Lô Lô Chải bây giờ có hơn nửa số nhà được xây gạch và lợp tôn xi măng.
Ông Sìn Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết: Nhà trình tường có thể dựng hai tầng, tuổi thọ vài chục năm và có đặc tính ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, phù hợp với điều kiện sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Sau khi gia cố móng bằng những tảng đá cuội xếp kè cẩn thận, người ta lấy khung gỗ làm khuôn, đổ đất sét mịn và nện chặt làm tường nhà, sau đó làm nhẵn bề mặt bằng vồ gỗ (tường nhà thường dày khoảng 50- 60cm), sau đó lợp mái bằng ngói âm dương.
Dương Công Đà (sưu tầm)