Dân tộc Phù Lá ở huyện Tủa chùa hiện nay có hơn 100 người sinh sống tập trung ở bản Kép và bản Túc thuộc xã Mường Đun.
Bản vùng cao Tủa Chùa, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Ngược dòng thời gian, vào những năm 40 của thế kỷ trước dân tộc Phù Lá di cư từ xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) về định cư tại bản Kép và bản Túc thuộc xã Mường Đun (Huyện Tủa Chùa).
Những người cao tuổi dân tộc Phù Lá ở hai bản cho chúng tôi biết: Hiện nay chỉ còn lại một số ít người nói được tiếng của dân tộc mình. Các lễ hội truyền thống, các nghi lễ ma chay, cưới hỏi đã bị mai một và đang mất dần. Về trang phục dân tộc Phù Lá hiện nay đã và bị ảnh hưởng của trang phục dân tộc Mông, dân tộc Thái sinh cư cận kề.
Ông Quàng Văn Lọ dân Tộc Phù Lá ở Bản Kép xã Mường Đun cho biết: "Trước đây dân tộc phù là mang họ: Sê Pạ, Dề Lọ Xệ, Ả Cáp Pả, Ả Háp Pả, bây giờ đang dùng họ của Dân tộc thái như họ Quàng, họ Lò".
Văn hoá truyền thống dân tộc của người Phù Lá ở Mường đun không những đang mai một mà còn bị chi phối bởi những nền văn hoá khác. Hậu quả để lại những thế hệ sau này sẽ không biết cội nguồn văn hóa dân tộc mình,về những nghi thức truyền thống và tiếng nói của dân tộc mình.
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Từ năm 1994, Chính phủ bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của dân tộc Phù Lá ở huyện Tủa Chùa hiện nay, nếu như không có sự quan tâm kịp thời để bảo tồn và khôi phục chắc chắn không bao lâu văn hoá dân tộc Phù Lá sẽ mai một hoàn toàn./.
Lê Hùng (sưu tầm)