Năm 2015, Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apuih (Vua lửa), ở Plei Ơi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Thung lũng Cheo Reo, nơi cư trú của 14 đời Pơtao Apuih (Vua lửa) vẫn được cư dân khắp nơi trên đất Tây Nguyên nhắc đến như những thần linh có sức mạnh huyền bí.
Không chỉ vậy, vùng đất này còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đến ngôi làng Plei Ơi, địa bản người Jrai, ở xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện để tìm hiểu về câu chuyện Vua lửa, gươm thần.
Cách T.p Peiku chừng 60km, theo Quốc lộ 14 rẽ sang Quốc lộ 25, vượt qua đèo Chư Sê là chúng ta tiếp cận với thung lũng Cheo Reo. Ít có vùng đất nào trên cao nguyên nhuốm màu huyền ảo hơn Plei Ơi, nơi cư trú của các Pơtao Apuih (tức Vua lửa) với hiện tượng thanh kiếm thiêng đầy bí ẩn, quyền năng.
Plei Ơi nằm dưới chân đèo Chư Sê, có dòng sông Yun, một nhánh quan trọng ở hữu ngạn sông Ba vốn là không gian cư trú của các Pơtao Apuih suốt vài thế kỷ.
Trong trí nhớ của những người già am hiểu lịch sử, thì Siu Luynh là vị Pơtao Apuih thứ 14, vị Vua lửa cuối cùng (ông mất năm 1999), còn Rơ Chăm Anua, vị Pơtao thứ 3 là người đầu tiên thực hiện các nghi lễ cúng thần gươm và làm lễ cầu mưa.
Theo tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên: So với Pơtao Ia (Vua nước), Pơtao Angin (Vua gió), thì Pơtao Apuih (Vua lửa) xuất hiện sớm nhất.
Câu chuyện Vua lửa, gươm thần nói lên khát vọng khắc chế thiên nhiên, nhưng khả năng của con người có hạn, họ không làm nổi nên đành dựa vào tâm linh để an ủi mình, đó là cầu xin thần linh hãy tạo ra một thứ gì đó có thể, “hô phong, hoán vũ”, bắt thiên nhiên phục vụ con người… Cho dù hôm nay, dòng nước từ hồ chứa Ayun Hạ đã đem lại mùa màng bội thu, thì trong sâu thẳm tâm linh người Jrai bản địa vẫn luôn lưu dấu những câu chuyện về quyền năng bí ẩn của gươm thần.
Hiện nay, gươm thần của Vua lửa đã được chuyển vào khu di tích lịch sử – văn hóa Plei Ơi để trông coi, cất giữ – Nó là một phần khí thiêng trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa này.
Hiện nay đang tiến hành trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục như: Nhà dài của người Jrai, nhà của Vua lửa, nhà để gươm thần… nơi đây đã trở thành điểm tham quan của người trong và ngoài tỉnh khi có dịp dừng chân.
Ông Rơ Mah Thuyên, huyện Phú Thiện cho biết: “Về thanh gươm của Vua lửa, khi người tới tham quan, nếu có ý muốn xem thì theo nghi thức phải làm theo phong tục, đó là phải có lễ vật cúng xin phép mới được xem”.
Ông Rơ Mah Thuyên, huyện Phú Thiện nói: “Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền để bà con có ý thức, trách nhiệm bảo tồn khu di tích lịch sử – văn hóa Plei Ơi, để sau này làm thêm ao đâm trâu của Vua lửa thứ 12. Song song đó, gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa của Plei Ơi”.
Hiện nay, người dân Plei Ơi vẫn thực hiện các nghi thức cúng lễ cầu mưa, các đồ vật của Vua lửa đều được giữ gìn có sự quản lý của cộng đồng làng…/
Song Nguyễn (sưu tầm)