Dân tộc Chăm – Bề dày lịch sử gần 20 thế kỷ (Hoàng Thị Vinh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, September 3, 2016

Dân tộc Chăm – Bề dày lịch sử gần 20 thế kỷ (Hoàng Thị Vinh)

Nghệ nhân Chăm.

Dân tộc Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Mã lai – Đa đảo (ngữ hệ Nam Đảo), có quan hệ họ hàng với người Raglai, người Ê Đê, người Chu Ru và người Gia Rai. Người Chăm cũng có nhiều nét tương đồng về mặt tộc người với người Indonesia, người Malaisia, người Brunei… ở khu vực Đông Nam Á. Họ là những cư dân bản địa ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Có ý kiến cho rằng, người Chăm và các dân tộc thuộc nhóm Mã lai – đa đảo khác, như: Ê Đê, Gia Rai, Raglai… từ vùng biển Đông Nam Á và Thái Bình Dương di cư đến Việt Nam. Trên mảnh đất mà tổ tiên người Chăm sinh sống từ xa xưa, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh, một nền văn hóa tiền sử ở Trung bộ nước ta. Do đó, lại có ý kiến cho rằng, người Chăm vốn là những cư dân bản địa ở khu vực này. Họ chính là hậu duệ của các cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở thời kì đồ sắt. Dù vẫn còn những quan điểm khác nhau, nhưng có một thực tế mà tất cả các nhà khoa học đều thừa nhận: người Chăm xưa kia từng là chủ nhân của một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử và có nền văn hóa phát triển rực rỡ. Đó là nhà nước Chăm Pa, hay còn gọi là Chiêm Thành.

Thánh địa Mỹ Sơn.

“Nhà nước Chăm Pa là một trong những nhà nước xưa nhất, ra đời sớm nhất và cũng tồn tại lâu nhất của khu vực Đông Nam Á này. Nhà nước này, theo sử sách, đã xuất hiện vào cuối thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên. Nhà nước đầu tiên của người Chăm là nhà nước Lâm Ấp. Sau này, nhà nước này lớn mạnh, trở thành 1 nhà nước lớn, có 1 lãnh thổ kéo dài suốt từ đèo Ngang cho tới vùng Đồng Nai bây giờ, tức là suốt dọc dải đất miền Trung. Thậm chí, có những thời, vương quốc này mở rộng lãnh thổ tới vùng Tây Nguyên, sử sách gọi là vùng Thượng Nguyên của Chiêm Thành. (Nghiên cứu của ông Ngô Văn Doanh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia).

Cũng như những nhà nước khác ở Đông Nam Á thời kì này, vương quốc Chăm Pa chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ. Theo ông Ngô Văn Doanh,  từ thế kỉ thứ 4, văn hóa Ấn Độ đã được truyền bá vào Chăm Pa và Ấn Độ giáo trở thành tôn giáo chính thống của đất nước: “Thể chế chính trị, văn hóa của Nhà nước Chăm Pa ngay từ đầu cho đến khi không còn tồn tại nữa, là một nhà nước theo mô hình của Ấn Độ. Có thể thấy ngay trong sử sách, các bia kí ghi lại, tổ chức triều đình, cách lên ngôi vua, cách truyền ngôi, rồi các bộ luật, rồi các quy chế trong triều đình… đều làm theo quy chuẩn của Ấn Độ. Còn trong lĩnh vực văn hóa, gần như tất cả các khía cạnh lớn: văn học, tôn giáo, chữ viết, rồi phong tục tập quán, cả ăn mặc… đều theo các mẫu của Ấn Độ. Cũng chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học gọi Chăm Pa và một số nước Đông Nam Á là các vương quốc “Ấn Độ hóa”.
Từ thế kỉ thứ 10, các thương nhân Ả Rập đã mang tôn giáo và văn hóa đạo Hồi vào Chăm Pa. Vào thế kỉ 17, hoàng gia Chăm đã lấy đạo Hồi làm quốc giáo và đa số người dân theo đạo này.
Trong suốt thời gian tồn tại Nhà nước với gần 20 thế kỉ, văn hóa Chăm Pa phát triển rực rỡ. Điêu khắc Chăm Pa đã đạt đến tầm cỡ thế giới, sánh ngang với nền điêu khắc của người Khmer và người Java trong khu vực. Các vị vua Chăm đã cho xây dựng nhiều ngôi đền tháp theo phong cách của Ấn Độ giáo. Một số đền tháp còn tồn tại đến ngày nay. Những bia kí Chăm Pa được viết bằng chữ Phạn được viết chủ yếu bằng các thể thơ của Ấn Độ. Người Chăm Pa có một hệ thống lễ hội phong phú. Âm nhạc và ca múa đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Chăm xưa, đặc biệt trong các lễ hội như lễ Ka tê, lễ mở cửa đền tháp….

Tư thế và nụ cười an nhiên và bình thản của Siva, Tháp Bánh Ít, Bình Định (thế kỷ XI).

Người Chăm ở Việt Nam ngày nay được thừa hưởng một nền văn hóa phong phú, đa dạng từ tổ tiên của mình là những cư dân Chăm Pa ngày trước. Điều này được thể hiện qua các lĩnh vực: tổ chức xã hội, kiến trúc, văn học, nghệ thuật…
Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Share with your friends