Ngôi nhà truyền thống của người Chăm. Những ngôi làng của đồng bào Chăm luôn có sức cuốn hút lạ kỳ bởi lối kiến trúc và văn hóa vô cùng độc đáo, quyến rũ.
Kiến trúc độc đáo của làng Chăm
Theo quan niệm của người Chăm, vị trí tốt nhất của làng Chăm là cổng hướng về Nam, phía núi. Tục ngữ: Cơk mưraung, kraung birak - Núi hướng Nam, sông hướng Bắc.
Nhưng khác với làng người Kinh mà ngõ chẹt nhỏ hẹp với nhà san sát nhau, đường, chẹt trong palei Chăm khá thoáng. Nhà cửa được bố trí theo liên gia trong dòng họ (gơp); dòng họ này lại chia ra thành chi họ (ciet prauk). Các liên gia được bố trí theo từng dãy nằm song song cách nhau bằng lối rộng và thẳng đủ cho xe bò có thể tránh nhau. Lối này đi sang lối khác bằng các chẹt; chẹt này thì nhỏ hơn.Nhà Chăm luôn được bao bọc bởi hàng rào, xưa là cây củi hay tre, nay bằng tường thành. Cổng vào nhà hướng về Nam. Đi theo lối chính rẽ vào chẹt, chưa bắt gặp cổng ngay mà phải ngoặt thêm 3-4 bước nữa mới tới cổng. Đến lúc này vị khách mới thật sự bước vào cổng nhà.
Khuôn viên nhà Chăm có thể có một hay vài gia đình chung sống. Một gia đình Chăm ăn nên làm ra thường có 5 căn, tùy công dụng của nó, được bố trí khác nhau. Sang Yơ, là ngôi nhà được dựng đầu tiên, hướng Đông tây, vừa để ở vừa dùng cho phong tục tập quán mang tính gia đình. Sang Mưyuw dựng song song với Sang Yơ, cửa lớn mở ra hướng Nam, thông với Sang Yơ. Sang Twai hay Sang Halơm dùng để tiếp khách và dành cho khách lưu trú. Sang Gan (nhà ngang), cửa mở hướng Đông nối với đầu hồi Sang Yơ. Sang Ging (nhà bếp) nằm biệt lập và cách quãng hẳn các nhà kia, có khi nằm khuất sau Sang Gan.
Ngoài ra người Chăm còn dựng thêm một gian trống và thoáng ở chỗ thuận tiện trong khuôn viên nhà, dùng làm bên dưới là cối xay lúa, phía trên là giàn để cất nông ngư cụ và các dụng cụ khác. Nếu khuôn viên nhà rộng rãi, người Chăm có thể bố trí một vài giàn mướp, bầu.
Văn hóa trong ngôi làng Chăm
Dù sống trong những ngôi nhà khác xa so với ngày xưa nhưng người Chăm hiện nay vẫn giữ được một số nét văn hóa truyền thống của mình. Chẳng hạn trong ngày cưới, cô dâu chú rể vẫn trải chiếu 2 lớp nằm trên sàn nhà, còn sau đó lại nằm giường như người Kinh. Hay một số kiêng kị trong văn hóa vẫn được lưu giữ ở địa phương như sinh ra ở ngôi nhà nào thì chết tại ngôi nhà đó hoặc khi vào nhà người Chăm kiêng không huýt gió, không chắp tay phía sau, không đứng ngó nghiêng bên ngoài mà phải đi thẳng vào nhà...
Người Chăm vẫn giữ được nhiều phong tục cổ xưa
Theo quan niệm của người Chăm, người chết ở ngoài làng thì thi thể không được đưa vào làng, là điều đầu tiên phải biết đến. Tuy nhiên, đối với dân tộc khác sống sen kẽ trong làng Chăm, họ vẫn được phép mang vào, với điều kiện sau đó làm lễ tẩy uế làng.
Người Chăm nghèo thế, nhưng mang của cải cho người chết phải là “hàng thật” chứ không được đem hàng mã (dù là để đốt đi). Họ tin sinh hoạt ở cõi âm cũng hệt như cõi dương vậy. Người Chăm tin có quỷ ma. Là ma, khi bạn chết “không lành”, và nhất là khi chưa làm đám thiêu.
Để tránh tà ma, bà con Chăm còn có lệ dùng nồi gốm trét vôi trắng treo hai bên cổng vào nhà. Trong tháng nằm lửa kiêng kị, người ta treo nhánh xương rồng ở hai bên cổng vào nhà để làm hiệu nhà có người sinh. Ngoài ra người Chăm còn cho đốt lửa giữa sân, vừa sáng tránh ma tà vừa giữ “vệ sinh”.
Có thể thấy, dù thời gian cứ tiến dần đến những nền văn hóa mới, những giá trị nghệ thuật cổ xưa đang lùi dần vào dĩ vãng, ẩn giấu trong những chứng tích lịch sử. Song cũng chính thời gian soi sáng những trang sử quá khứ mà nghệ thuật Chăm còn in đậm trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Huỳnh Tâm