Từ xa xưa, người Khmer không có họ, mà chỉ có tên. Trải dài theo lịch sử, họ tên của họ dần thay đổi và có nhiều nét độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Và sự thay đổi này vẫn còn tiếp diễn, như một quy luật của cuộc sống.
Theo ông Chau Sa Oanh (Biên dịch viên Phòng Dân tộc, Đài Phát thanh– Truyền hình An Giang), điểm đặc sắc nhất trong tên gọi của người Khmer là khi đọc lên, dễ dàng phân biệt được họ là… người Khmer sinh sống ở tỉnh nào. “Trước đây, người Khmer không có họ, mà chỉ có tên gồm 1-2 âm tiết (nếu là từ thuần Khmer) hoặc 3-4 âm tiết (nếu theo tiếng Phạn). Năm 1698 trở đi, các vua, chúa Nguyễn tiếp tục củng cố cơ cấu chính quyền của mình tại vùng đất mới để quản lý các cư dân. Các vị vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã đặt cho người Khmer Nam Bộ phải mang họ, như: Thạch, Lâm, Sơn, Kim, Danh… Các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên ngày trước trực thuộc tỉnh Hà Tiên, nên người Khmer đều mang họ Danh. Sau khi người Pháp sang xâm lược, đưa Tri Tôn, Tịnh Biên về thuộc tỉnh Châu Đốc, họ lại được mang họ Châu. Trong quá trình sinh sống, phần vì không biết chữ, phần vì cách phát âm đặc trưng, người Khmer dần thay đổi họ Châu thành Chau khi nào không rõ. Trong tiếng Khmer, từ “Châu” không có nghĩa, nhưng từ “Chau” lại có nghĩa là “Chàng”. Thời điểm này, phụ nữ vẫn chưa có họ, mà sử dụng “Thị” để phân biệt giới tính trong tên gọi. Để tạo ra đối trọng giữa nam và nữ, người dân đã tạo ra họ cho phụ nữ bằng từ .
Chỉ cần nghe giới thiệu ai đó họ Chau hoặc Néang, dễ dàng khẳng định họ sinh sống ở An Giang. Ông Oanh cho rằng, trước đây, tên thuần Khmer của dân tộc mình đại đa số là vô nghĩa. Bản thân ông cũng khó lý giải điều này, nhưng khả năng lớn là do đặt tên cho giống cách phát âm với tên của cha, mẹ, anh, chị em trong gia đình. Ví dụ, phải cùng phụ âm, nguyên âm: Mon – Phon – Thon; Kan – Than, Phên – Chên; Phin – Sin – Min; Uôn – Suôn – Kun – Ươn – Sươn– Phươn… Một bộ phận người dân khác, khi có điều kiện tiếp xúc tiếng Phạn, họ mới chú trọng đặt tên con theo những từ ngữ mỹ miều, ý nghĩa như: Thi Đa (cô gái đẹp), Vanh Na (sắc, trong “sắc đẹp”), Đa Ra (tú, trong “tinh tú”), Bô Pha (hoa), Som Bô (phú, trong “phú quý”)… Đặc biệt, người Khmer không đặt tên con có ý nghĩa tục, bạo lực (như Nguyễn Văn Cu, Búa, Dao…) hoặc theo 12 con giáp như người Kinh. Nhưng lại giống như người Kinh, khi sinh con ra, sợ khó nuôi, người Khmer đặt tên xấu cho con để ngăn ma quỷ lại gần, như sử dụng tên loài vật: Trây kon-trop (cá rô biển), Trây on-đeng (cá trê), Moan (gà), Cô (con bò), Kro-bây (trâu)... Trong gia đình, những người thân gọi nhau một cách thân mật, như: Prós (dùng cho nam), srây (dùng cho nữ). Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (Tri Tôn) cho biết thêm: “Nhiều khi đứa trẻ sinh ra chưa có tên. Người xung quanh cứ gọi theo tên cha mẹ. Con trai thì được gọi trại theo tên cha, con gái thì đặt theo tên mẹ. Có trường hợp, cha tên Tuy, mẹ tên Ươn, khi sinh con ra thì đặt lần lượt là Tươn, Uy. Cha mẹ hâm mộ diễn viên, ca sĩ nào thì cũng lấy tên người đó đặt luôn cho con (kể cả ca sĩ người Kinh lẫn người Khmer, Thái…). Hiện nay, do dân trí được nâng cao, người Khmer đã đặt tên con với nhiều ý nghĩa. Nếu không biết chọn tên gì, họ đến gặp sư cả, người có học trong vùng để “xin tên” cho con. Những cái tên ấy được chuẩn bị trước khi đứa con chào đời, dù chưa biết trai, gái
Theo ông Oanh, từ năm 1990 đến nay, việc lấy tên cha làm họ cho con dần phổ biến. Không rõ việc đặt tên này xuất phát từ đâu, nhưng có lẽ do người dân quá nhàm chán với việc họ Chau, Neáng xuất hiện dày đặc, khó phân biệt ai với ai, nên họ tự tìm thêm nhiều họ khác. Riêng đối với ông Oanh, do gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, nên ông quyết định đặt tên các con mình là Oanh Ánh Dương, Oanh Diệu Huyền, mong các con có cuộc sống ổn định. Cái tên là lạ, nhưng với ông lại đầy ý nghĩa. Kha Thúy Sang (sinh năm 1988, ngụ xã Châu Lăng, Tri Tôn) lại chia sẻ: Tôi thích tên của mình, vì nghe rất hay. Ông nội tôi tên Chau Frôm, đặt tên cha là Frôm Sóc Kha. Đến tôi, cha lại lấy tên Kha làm họ. Vì mẹ tôi là người Kinh, nên ông chọn tên Thúy Sang. Thành ra, tên họ tôi không còn âm hưởng gì của người Khmer, mà cứ như là tên người Kinh vậy. Bạn bè đều thích gọi cả họ lẫn tên tôi, nghe vui tai lắm. Có lẽ, bài viết vẫn chưa khái quát hết những điểm đặc sắc trong cách đặt tên của người Khmer ở An Giang, vì khả năng của tác giả còn hạn chế, việc tìm gặp người hiểu biết về vấn đề này khá khó khăn. Thế nhưng, qua quá trình đi tìm tư liệu, tôi nhận ra một điều đáng quý rằng: Người dân tộc Khmer yêu cái tên và quê hương mình sinh sống đến lạ kỳ!
Khi kết hôn cùng người Kinh, cách đặt tên con phụ thuộc vào vị trí, quyền hành về kinh tế trong gia đình của chồng hoặc vợ. Nếu người chồng là người Kinh, là trụ cột gia đình thì đứa con sẽ mang tên họ theo người Kinh. Ngược lại, nếu người vợ Khmer làm kinh tế giỏi, đứa con sẽ mang họ Chau hoặc Néang. Nhưng phần lớn, để dung hòa việc giữ gìn truyền thống cả hai dân tộc, tên đứa con sẽ mang đầy đủ nét đặc trưng của cha lẫn mẹ. Từ đây, dẫn đến việc kết hợp tên, họ ghép trở nên phổ biến, như: Chau Quốc Việt, Chau Minh Anh, Chau Thái Sơn, Néang Mỹ Hoa… Đặc điểm này khiến cho họ tên của người Khmer càng thêm thú vị.
Nông Gia Cát (sưu tầm)