Món bánh dùng trong lễ tục và thết đãi bạn bè
Trong tháng Ramadan,“Những người ở tình trạng phải ăn chay mà không thực hiện được, đều có thể chuộc lỗi lầm bằng cách nuôi dưỡng một kẻ nghèo khó” hoặc phải tự giác chuộc lỗi bằng cách sau đó nhịn ăn một thời gian dài gấp đôi, nếu không thì xem như bị tội nặng.
Hầu hết người Chăm ở An Giang đều theo đạo Islam (Hồi giáo). Trong năm, họ phải ăn chay liên tục 1 tháng (Hồi lịch) theo cách riêng mà luật đạo đã quy định, hay nói một cách khác, đó là tháng bắt buộc người tín đồ Islam phải “nhịn ăn”, nhưng chỉ nhịn vào ban ngày và cố gắng không phạm bất cứ điều gì khả dĩ làm mất “phước chay” của mình. Cụ thể, chiều thứ ba ngày 11/9 mà thấy trăng, thì nhịn Chay vào ngày thứ tư 12/9. Nếu không thấy trăng, thì nhịn chay vào ngày thứ năm 13/9, và phải nhịn từ một giờ rưỡi trước khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Đêm thì “xả chay” tức được phép ăn hai bữa vào lúc trời sụp tối và sắp sáng, nhưng phải cự tuyệt các loài vật có Najis (là vật hoặc chất dơ như máu, mủ, rượu, phân, nước tiểu…).
Với các loài vật khi giết thịt cần phải cắt cổ, như gà vịt …, thì phải tuân hành “Luật cắt cổ”, gồm 4 điều: 1. Phải là người Islam; 2. Phải dùng dao thật bén; 3. Phải cắt ngay giữa cổ; 4. Lúc sắp cắt, người cắt phải quay mặt ngay hướng Tây (hướng thánh địa La Mecque) và đọc từ 3 đến 7 lần câu Kinh Tak-bir: “Nhân danh Olloh, Đấng Rộng Rãi và Thương Mến, tôi cầu xin với Olloh cho con vật này Halal dùng, được tốt đẹp và có phước đức. Olloh lớn nhất!” để xác định rằng Thượng đế cho phép cắt cổ súc vật dùng làm thực phẩm cho loài người. Đồng thời luật đạo cũng“Cấm tín đồ ăn thịt các thú vật tự nhiên ngã ra chết; cấm dùng máu huyết thịt heo, thịt thú vật bị giết bằng cách siết cổ, đập đầu, bị ngã, bị húc hay đang bị mãnh thú xé xác”.
Trong tháng Ramadan,“Những người ở tình trạng phải ăn chay mà không thực hiện được, đều có thể chuộc lỗi lầm bằng cách nuôi dưỡng một kẻ nghèo khó” hoặc phải tự giác chuộc lỗi bằng cách sau đó nhịn ăn một thời gian dài gấp đôi, nếu không thì xem như bị tội nặng.
Bà con theo Hồi giáo tuyệt đối không được uống rượu và các thứ có chất men gây say. Tuy nhiên có người cho rằng nếu vì đau yếu bắt buộc phải dùng rượu thuốc để chữa trị, và nhờ nó mà thực sự khỏi bệnh thì không có tội. Trái lại, khi đã dùng mà bệnh vẫn không thuyên giảm thì là có tội. Do vậy, khi muốn dùng phải cân nhắc thận trọng.
Luật lệ là vậy, song thực tế dường như nó chỉ được thi hành một cách nghiêm chỉnh đối với những người ngoan đạo mà thôi.
Trong tháng Ramadan những người Islam sau đây thuộc diện bắt buộc phải ăn chay: người có trí khôn; người tới tuổi (trưởng thành); có đủ sức khỏe để ăn chay; và điều quy định riêng với nữ giới là lúc không có Hiđ (chảy máu kinh) và lúc không bị Nifas (huyết hậu sản).
Trong tháng ăn chay, nếu ai phạm trong 10 điều sau đây thì coi như “hư chay”: 1. Cho thức ăn qua các lối dẫn vào cơ thể; 2. Vợ chồng giao hợp; 3. Làm cho xuất tinh (Many); 4. Làm cho mửa; 5. Murtađ; 6. Phát điên trong ngày đó; 7. Bất tỉnh trong ngày đó; 8. Ăn hoặc uống trước khi mặt trời lặn; 9. Ra hiđ hoặc nifas; 10. Sinh sản.
Trong thời gian “vô chay”, vẫn có xảy ra những trường hợp “đứt chay”. Cách giải quyết là những người đứt chay trong tháng Ramadan, khi hết tháng ăn chay, tùy từng trường hợp mà có sự bắt buộc phải ăn trả lại, hoặc phải bố thí theo quy định. Cụ thể, đứt chay do đi đường xa quá mệt, hoặc bệnh hoạn, hay quên Niết (cầu nguyện thầm) trong đêm thì không bắt buộc phải ăn chay; những người quá lớn tuổi, sức khỏe yếu không thể ăn chay được; những người có thai hoặc có con đang bú sữa mẹ vì sợ bệnh hoạn chính bản thân, hay sợ con bệnh hoạn thì có quyền “xả chay”, nhưng bắt buộc sau đó phải ăn chay trả lại những ngày bị “đứt chay” và phải bố thí khoảng 1/2 lít gạo/ngày cho người Islam nghèo khổ. Đối với những người đàn bà có hiđ hoặc nifas thì không nhất thiết phải trả Xăm-bah-dăng (hầu lạy Ollohu-Ta-Ala), nhưng bắt buộc phải ăn chay trả vào những ngày khác; những người giao hợp ban ngày trong tháng ăn chay, bắt buộc sau đó họ phải ăn chay trả lại những ngày “đứt chay”, và còn bị phạt ăn chay 3 tháng liên tiếp nữa. Nếu họ không thể ăn chay 3 tháng liên tiếp thì bắt buộc họ phải bố thí khoảng 1/2 lít gạo cho mỗi người trong số đúng 60 người Islam nghèo khổ.
Đặc biệt, người Islam không được ăn chay trong một số ngày nhất định như ngày mùng 10, 11, 12, 13 của tháng 12 Hồi lịch. Cũng không được ăn và uống bất cứ thứ gì trong khi đang Xăm-bah-dăng.
Ngày cuối tháng Ramadan, cộng đồng người Chăm Hồi giáo hân hoan bước vào ngày hội “Rona Pittak” (mãn chay), mọi người mở tiệc, cùng nhau ăn uống thoải mái.
Để ăn mừng sự nghiêm cẩn thi hành chu toàn luật đạo và cũng nhằm kỷ niệm ngày thánh Muhamad vâng lệnh đức Allah thiêng liêng truyền chuyển xuống trần gian Kinh Coran, cộng đồng người Chăm Hồi giáo không thể không mở tiệc liên hoan ngay tại nhà, hoặc tại các tiểu thánh đường ở thôn xóm. Tiệc tùng khá thịnh soạn, thường là những món bánh truyền thống như nằm-prăng, ha-pum, pây-kgah, cha-đoll, pây-nung, và nhất là loại bánh din-pà-gòn làm bằng nếp như nước cốt dừa, dồn đầy vào ống tre tươi, đem đốt cho đến chín, ăn rất béo, thơm ngon lạ thường. Còn tiệc mặn thì không thể thiếu các món cà ri, cà púa, hay tung lò mò…, nhưng không được uống rượu, bia hoặc bất cứ loại nước uống nào có men gây say. Tuy nhiên không vì thế mà mất đi không khí vui vẻ, bởi đây là dịp gia đình được đoàn tụ, bà con chòm xóm thăm hỏi chúc mừng và nói với nhau những lời xin lỗi nếu trong thời gian qua có điều gì phật ý. Sau suốt một tháng khép mình theo luật đạo, tự tiết chế để “di dưỡng tinh thần”, bà con được phép trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường ngay khi trời vừa sụp tối của ngày ấy.
Nguyễn Hữu Hiệp