Nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn và được bao bọc bởi những cánh đồng lúa xanh mướt, từ lâu đồng bào dân tộc Tày thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã gắn bó với nghề làm ngói thủ công truyền thống.
Tuy nhiên, ngày nay, làng làm ngói của người Tày cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với những lò sản xuất hiện đại. Dù vậy, tinh thần quyết tâm duy trì làng nghề của người dân vẫn không thay đổi. Bởi lẽ tinh thần đó đã được “nung nấu” từ đời này qua đời khác và họ mong muốn bảo tồn một giá trị truyền thống của quê hương mình.
Công việc hàng ngày của người dân thôn Long Hưng là cần mẫn nhào nặn, khuân vác, đóng ngói… Ngói làm ra được bán với giá 1.500 đồng/ viên, phần lớn là bán cho bà con dân tộc Tày, Nùng ở các vùng lân cận để dựng nhà sàn. Theo bà con, ngói thủ công ở Long Hưng vẫn luôn đắt hàng đến tận ngày nay vì được khách hàng đánh giá là đẹp và chuẩn hơn làm máy.
Đất sau khi được chất thành đống sẽ được lọc sỏi cho nhuyễn trước khi mang vào khuôn đóng. Những người phụ nữ có sức khỏe cũng tham gia sới, ủ và nhào đất.
Đôi bàn chân nhịp nhàng thực hiện những động tác quen thuộc.
Dụng cụ quan trọng người dân dùng để xén đất trước khi cho đất vào khuôn đóng.
Ngói trước khi xếp thành hàng đều phải tẩm tro để tách các viên ngói cho khỏi bị dính và nung dễ dàng hơn.
Từ bàn tay khéo léo và thuần thục, người thợ dùng hai thanh gỗ để gõ nhằm tạo nếp cho ngói, tránh bị vỡ.
Ngói được phơi khô trong thời gian 3 tháng và nung trong vòng 10 ngày đêm với nhiên liệu là thân cây gỗ mục.
Đàm Minh Phiếu