Một góc hồ Ba Bể
Tục ngữ của người Tày vùng hồ Ba Bể có số lượng phong phú, chủ đề đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống. Có thể nhận thấy một điều: Dù chân thực, giản dị nhưng ca dao, tục ngữ Tày vùng hồ Ba Bể cho thấy người dân nơi đây có những lối suy nghĩ không kém phần sâu sắc.
Người Tày vùng hồ Ba Bể có một kho tàng tục ngữ phong phú, có lẽ xuất phát từ cuộc sống tự nhiên ở một vùng dù không là rộng lớn nhưng là tiêu biểu cho người Tày ở Bắc Kạn. Người dân tộc Tày vùng hồ Ba Bể làm lúa nước, làm rẫy và săn bắt các loài thủy sản trên hồ Ba Bể và dòng sông Năng quanh năm nước chảy đầy ăm ắp. Người dân lao động, sản xuất và có cuộc sống yên bình xung quanh một không gian hữu tình, đầy chất huyền thoại với danh thắng hồ Ba Bể, động Puông huyền ảo, thác Đầu Đẳng hùng vĩ, những bến đò, bến sông nên thơ…Có lẽ chính khung cảnh nên thơ ấy đã đem đến cho người dân tộc Tày nơi đây một tâm hồn đẹp thể hiện không chỉ trong tục ngữ mà trong ca dao, trong các làn điệu dân ca, dân vũ và những câu chuyện cổ tích huyền ảo. Có thể nói người Tày vùng hồ Ba Bể lưu giữ một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc và đa đạng.
Người Tày vùng hồ Ba Bể có còn lưu giữ nhiều câu tục ngữ, ca dao về những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Cổ nhân Tày đưa ra những lời khuyên hữu ích về thời vụ gieo cấy, chăm sóc ngô lúa dễ hiểu, ngắn gọn, đôi lúc khéo léo ví von với những thực thể gần gũi khác, ví như:
“ Mất mùa mảy thai giác
Mất mùa mác đảy chin”
( Mất mùa măng ắt đói
Mất mùa quả được mùa)
Hay những lời khuyên hữu ích về thời vụ:
“ Thây nà lập đông
Khẩu thuổm tằng tổng
Lặm cằn nưa phưa cằn tâử”
( Cày ruộng lập đông
Thóc lúa đầy đồng
Đan trĩu bờ trên bờ dưới)
Cũng như các dân tộc khác, người Tày đặc biệt coi trọng lòng hiếu nghĩa của con cháu với cha mẹ, ông bà. Cổ nhân người Tày thường răn dạy con cháu:
“ Công mẻ bặng bó nặm luây mà
Công pỏ slung bặng phja bặng đán”
( Công mẹ như nước suối chảy ra
Công cha cao như là núi đá)
Đôi khi, cổ nhân Tày lại sử dụng tục ngữ để nói về phương pháp giáo dục con cái:
Điếp lủc điếp bưởng lăng
Chằng lủc chằng bưởng nả
( Yêu con yêu sau lưng
Mắng con mắng trước mặt)
Cộng đồng người dân tộc Tày xưa khá coi trọng lễ nghi, phép tắc trong gia đình, họ tộc. Điều này thể hiện rõ trong kho tàng tục ngữ giáo dục con cháu về các phong tục trên- dưới. Ví như:
“ Pú dả nẳng nưa
Lủc lùa nẳng tẩu”
( Bố mẹ chồng ngồi phía trên
Con, dâu ngồi phía dưới)
Có lúc, những câu tục ngữ lại chứa đựng một quan niệm nhân sinh rộng lớn, có tính triết lý:
“Hết phúc nhằng chẩp đức lỏi pầy
Hết lóa bấu chẩp đây kỉ pửa”
( Làm phúc thường gặp đức
Ở xấu không gặp tốt bao giờ)
Bản chất người dân tộc Tày sống ngay thẳng và thật thà. Chính vì vậy, người Tày cổ ghét những lời nói và cách sống giả dối, hai lòng. Giáo dục con cháu phải sống chân chính, người Tày xưa dạy rằng:
"Chin dú tồng mảc pjạ sloong pác
Mì vằn táng bác mẻn đang lầu"
( Ăn ở như con dao hai lưỡi
Có ngày tự chém trúng thân mình)
Ngoài nhiệm vụ giáo dục con cháu về cách làm lụng, rèn luyện nhân cách, tục ngữ của cổ nhân Tày còn mong muốn con cháu luôn có lòng yêu quê hương, bản xứ. Ca ngợi về vẻ đẹp quê hương vùng hồ Ba Bể, cổ nhân người Tày có những câu tục ngữ vô cùng đẹp đẽ. Cảnh đẹp quê hương với những địa danh quen thuộc có thể làm lay động bất cứ ai sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống văn hóa này:
“ Phja Dạ bấu lìa moóc
Phja Boóc bấu lìa phân
( Núi Phja Dạ lúc nào cũng mây
Núi Phja Boóc mưa không khi nào tạnh”
Bất cứ ai khi tìm hiểu về tục ngữ cổ nhân Tày với những lối giáo dục hóm hỉnh, chân thực đều dễ dàng cảm nhận được đời sống vật chất và tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Tục ngữ của cổ nhân Tày là một trong những giá trị văn hóa dân tộc cần lưu giữ, bảo tồn bằng nhiều công trình nghiên cứu văn hóa đặc biệt./.
Minh Nguyệt