Rừng đối với người dân ở vùng núi cao không chỉ gắn liền với đời sống vật chất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh của họ. Đối với người dân Pu Péo ở Sủng Tráng (Yên Minh, Hà Giang) cũng vậy, ở mỗi nơi họ sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng được người dân đặc biệt giữ gìn và bảo vệ bởi những luật tụcvà những điều kiêng kị.
Chính vì vậy, lễ cúng thần Rừng là lẽ dĩ nhiên không thể thiếu và là một trong những tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời. Cùng đến với Hà Giang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá và khám phá một trong những nét văn hóa đặc sắc và bí ẩn của người Pu Péo.
Lễ cúng thần Rừng được tổ chức vào ngày mồng 6-6 âm lịch hàng năm, là ngày được cho là sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng, tại khu rừng cấm – rừng thiêng đầu bản. Đây là một nghi lễ đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng người Pu Péo, được tổ chức với những nghi thức trang trọng nhất. Đây không chỉ là một nét văn hóa riêng mà còn là một tín ngưỡng dân gian, gắn liền với đời sồng triết lí đa thần của cư dân nông nghiệp như: thần suối, thần sông, thần núi, …
Lễ cúng không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Thiên nhiên, đặc biệt là rừng bảo vệ con người, cho con người sự sống và con người cũng luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng, coi đó như là “cội nguồn”. Đối với người dân Pu Péo, rừng luôn tồn tại trong đời sống của họ, vì vây, ở đâu có người Pu Péo sinh sống thì rừng ở đó được bảo vệ tốt nhất, nó trở thành trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân, mỗi gia đình, làng bản.
Lễ cúng thần Rừng được mọi người chuẩn bị vô cùng chu đáo, mỗi gia đình sẽ phải chuận bị lễ vật của mình, đến ngày làm lễ thì mỗi nhà sẽ cử một người mang lễ vật tới bìa rừng phía sau làng để cùng làm lễ. thầy cúng là một người có uy tín, được người dân lể trọng chọn lựa. Thầy cúng sẽ thay mặt người dân úp mặt vào một thân cây lớn, quỳ lạy, mong thần rừng, thần nước che chở cho bản làng. Người Pu Péo quan niệm rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần nước là cầu thần rừng. Đây là một quan niệm vữa có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có ý nghĩa về mặt khoa học cần được giữ gìn và phát huy.
Tuy đây là một nghi lễ quan trọng nhưng lễ cúng của người Pu Péo cũng không quá cầu kì và còn mang nét đơn sơ, giản dị như chính con người nơi đây, những người con của núi rừng Tây Bắc, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần 2m, quay mặt về phía đỉnh núi cao.
Phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống, các lễ vật đã được chuẩn bị sẽ được dâng lên thần rừng, mời các vị thần về tham dự lễ cúng và chứng nhận lòng thành của người dân. Lễ vật chỉ đơn giản là thịt gà, lợn, trứng luộc…
Phần thứ hai là cúng chính, là đàn cúng tượng trưng cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ không có nơi cư ngụ. Sau đó thầy cúng sẽ bắt đầu bài cúng chính của buổi lễ, bài cúng này là để tưởng nhớ về công lao của các vị thần, cảm tạ và cầu mong các vị thần che chở cho người dân, bản làng.
Kết thúc phần cúng, mọi người sẽ cùng ăn uống vui vẻ, họ tổ chức các trò chơi như ném còn, đánh yến…, những chàng trai, cô gái thể hiện tình yêu của mình qua những tiếng kèn, những điệu múa uyển chuyển. Chính sự nhiệt tình và gần gũi của những người dân Pu Péo đã khiến cho nghi lễ cúng thần rừng không còn trở nên khô khan hay nghi thức, mà thu hút nhiều người dân trong vùng cũng như khách du lịch đến tham gia. Du khách vừa có cơ hội chứng kiến và khám phá một trong những nét bí ẩn của văn hóa tộc người mà còn được tham gia vào những hoạt động, những trò chơi truyền thống của các dân tộc vùng cao.
Hoàng Thúy Vinh