Lễ cưới của người Nùng U (Minh Lý) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Friday, April 21, 2017

Lễ cưới của người Nùng U (Minh Lý)


Dân tộc Nùng ở huyện Xín mần cư trú trong những làng bản lẻ loi và heo hút giữa khung cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Họ coi con người là vốn quí, coi trọng hôn nhân và luôn mong muốn nhà có đông con cháu sum vầy, cho nên việc tiến hành lễ cưới được chuẩn bị công phu và người Nùng U coi đó là cơ hội đầu tiên làm nên gia đình, làm nên xã hội.

Người Nùng coi việc cưới xin là thiêng liêng nhất của đời người, là ngày hội của dòng họ, hàng xóm láng giềng.
Gom tiền, nuôi lợn chuẩn bị cưới…

Người Nùng coi việc cưới xin là thiêng liêng nhất của đời người, là ngày hội của dòng họ, hàng xóm láng giềng. Lễ cưới được cộng đồng sáng tạo nên nhằm trình bày những khát vọng thẩm mĩ của con người.

Khi con cái trong nhà bắt đầu lớn, người Nùng U tính ngay đến việc dựng vợ gả chồng cho con để sớm có con cháu, đông vui nhà cửa. Người cha hết sức quan tâm, chuẩn bị tổ chức lễ cưới chu đáo cho các con.

Theo tập quán gia đình nhà gái sẽ mua sắm cho con gái một ít đồ dùng cần thiết gọi là của hồi môn. Ngày nhà trai đón dâu, cô gái sẽ mang của hồi môn về nhà chồng như: chăn màn, áo váy, 2 cái hòm đựng đồ dùng hàng ngày, 2 cái chiếu cói, 2 khăn rửa mặt và 2 bộ quần áo cho bố mẹ chồng. Việc mua sắm này dẫn đến thách cưới của bên nhà gái to hay nhỏ. Lễ cưới càng linh đình thì càng đông vui, người ta coi đó là bước đầu xây dựng hạnh phúc lớn và cuộc tình duyên bền vững lâu dài.

Còn gia đình có con trai lớn thông thường là 14 đến 15 tuổi, cha mẹ phải lo tìm vợ cho con. Đám cưới của dân tộc Nùng tốn kém rất nhiều tiền của cho nên cha mẹ phải lo sớm những việc cần thiết như tiền bạc, quần áo, đồ trang sức..., nếu thiếu tiền nhà trai phải vay mượn anh em họ hàng. Số tiền giúp này được coi như tiền gửi nhau, sau này sẽ được hoàn trả đầy đủ khi gia đình người giúp mình cũng lo việc cưới. Người Nùng coi việc giúp nhau là việc hệ trọng và họ không tính đến tiền lãi, một khi đã hứa giúp, người ta giữ đúng lời hứa, không ai dám để lỡ hẹn. Lễ cưới con bạn cũng coi như lễ cưới con mình.

Trong đám cưới, nhà trai phải có lợn dẫn lễ sang nhà gái. Mỗi đám cưới phải có từ 80 đến 100kg lợn móc hàm, nhà trai phải tự nuôi từ 3 đến 5 năm.

Gia đình có con trai từ 12 tuổi, cha mẹ đã đặt vấn đề ướm tìm con dâu tương lai.

Ướm nàng dâu tương lai
Gia đình có con trai từ 12 tuổi, cha mẹ đã đặt vấn đề ướm tìm con dâu tương lai, qua những người thân bên nội, ngoại hay các vị thân thích, bạn bè, cha mẹ các chàng trai sẽ tiến hành thẩm tra, hỏi han, thăm dò về đạo đức, tính nết, tác phong, cách cư xử, sự quan hệ giao du bạn bè, lai lịch gia đình của cô con gái xem dòng họ có môn đặng hộ đối, có “sạch sẽ” hay không (“sạch sẽ” ở đây là không có “ma gà”). Nếu nghi có ma gà, họ lập tức bỏ qua ngay, vì họ cho rằng ma gà sẽ di truyền từ đời này sang đời khác làm con trai khó lấy vợ, con gái khó lấy chồng.

Bắt đầu các nghi lễ…

Khi tìm được những cô gái ưng ý cho con trai, bố mẹ đầu tiên sẽ trực tiếp trao đổi với cha mẹ nhà gái. Ở buổi gặp gỡ này chưa có lễ vật nào. Khi được nhà gái ưng thuận, nhà trai xin nhà gái cho biết ngày, giờ, tháng năm sinh của cô gái (tính theo tuổi Âm lịch) để đem về nhà nhờ ông thầy tướng số xem giúp hai đứa trẻ có hợp hay sung, cuộc sống tương lai của đôi trẻ sau này có hạnh phúc không.

Khi thấy hợp tuổi nhà trai sẽ làm lễ dạm. Đến lúc này, cha mẹ con trai và cha mẹ con gái mới cho các con biết tin và hỏi ý kiến các con có nhất trí lấy người đó làm vợ, làm chồng hay không. Nếu đôi trẻ ưng thuận, nhà trai tìm bà mai mối. Bà mai mối là người đã có gia đình và có con trai, con gái, thường nói là (có nếp có tẻ) là người nhanh nhẹn hoạt bát, hiểu biết khá rõ các nghi thức mai mối thay mặt nhà trai đến nhà gái bàn luận việc hôn thú của đôi trẻ. Nếu nhà gái cũng nhất trí, lần thứ hai sẽ mang một chai rượu và một gói kẹo, buộc vào cổ chai rượu một sợi dây đỏ hoặc vải đỏ đặt lên bàn thờ, sau bảy ngày, nếu nhà gái không trả lại thì coi như bố mẹ nhà gái đã nhất trí việc dẫn lễ ăn hỏi.

Sau lễ dạm hỏi thì đến lễ ăn hỏi được tổ chức trang trọng hơn, sau lễ dạm hỏi khoảng độ ba tháng. Nhà trai phải báo trước một tháng trở lên để nhà gái có thời gian mời người thân thích bên nội, ngoại, bạn bè xa gần dến dự.

Trong buổi lễ ăn hỏi, hai bên bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đám cưới như: của hồi môn, tiền bạc, chăn màn, ngày giờ đón dâu... Trên cơ sở đó nhà trai chọn cử ra một người con trai hoạt bát, tháo vát biết về nhiều thủ tục cưới xin để thay mặt nhà trai bàn bạc và quyết định mọi việc xung quanh về lễ cưới ở bên nhà gái.

Các lễ vật cho lễ ăn hỏi gồm: một con lợn hơi 60 kg, 12 chiếc bánh dày, 15 lít rượu, 1 vòng bạc. Nhà gái mời khách đến dự lễ ăn hỏi và cử ra một đại diện phát ngôn chính trong lễ ăn hỏi. Hai bên trao đổi bàn bạc và quyết định số lượng lễ vật dẫn cưới đi sâu vào từng khoản cụ thể như: bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu cân lợn móc hàm, bao nhiêu bạc giấy, bao nhiêu bạc già, bao nhiêu rượu và định thời gian trao cho nhà gái. Ngày làm lễ cưới phải chọn rất cẩn thận. Từ lễ ăn hỏi đến ngày cưới kéo dài từ 2 đến 3 năm.

Nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt sẽ chủ động làm lễ báo ngày cưới, lễ này phải tiến hành trước từ 2 đến 3 tháng trở lên để nhà gái và nhà trai có nhiều ngày tháng thông báo cho những người đã giao ước hứa hẹn giúp các khoản gạo, rượu, lợn... và có thêm thời gian mời bạn bè, họ hàng

Tại buổi lễ báo ngày cưới gia đình nhà gái quyết định mọi vấn đề cụ thể cho lễ cưới. Nhà trai cử một người con trai hoạt bát nhanh nhẹn am hiểu các phong tục tập quán liên quan đến đám cưới sang nhà gái bàn bạc mọi việc lễ vật gồm: 3 lít rượu, một con gà sống thiến, 12 cái bánh dày đưa sang nhà gái. Nhà gái mời anh em họ hàng thân thích đến bàn và chứng kiến nhà trai trao các lễ vật như: Tiền mặt, bạc già, dây truyền bạc, vòng bạc, cúc bạc, hoa tai... với số lượng đã được định ở lễ ăn hỏi. Số tiền đưa trước này để cho nhà gái mua sắm hòm, chăn màn, chiếu để làm của hồi môn cho con gái. Trong buổi lễ báo ngày cưới, hai bên cũng bàn bạc ngày giờ tốt dẫn đại lễ, định ngày giờ chú rể sang đón dâu và cô dâu xuống nhà để sang nhà chồng.

Ngày cưới nếu mời nhiều khách, phải mổ lợn từ 1 đến 2 tạ (thịt lợn móc hàm), rượu 100 đến 150 lít, tổ chức ăn uống từ 1 đến 2 ngày. Nhà trai phải dẫn sang nhà gái từ tối hôm trước một con lợn to, béo khoảng 80 đến 100kg cộng 100kg gạo tẻ, 100 lít rượu ngon, rượu dẫn lễ trước khi nấu kị nhất là rượu khê, chua. Nhà gái mổ con lợn dẫn lễ của nhà trai, nếu mời đông khách, phải mổ thêm lợn nhà mình. Việc tiếp khách chủ yếu là khách ở gần ăn 2 bữa, khách ở xa và người thân nội ngoại cũng như nhà trai và nhà gái ăn 2 ngày, các vị khách được mời dự lễ cưới đều có tiền mừng, người thì bằng tiền mặt, người thì bằng vật chất như: khăn mặt, chăn màn. Gia đình cử một người trong dòng họ biết viết chữ ghi chép lễ mừng của khách, mỗi một khách đến mừng, người ghi sổ mời lại một chén rượu tạ ơn.

Đón dâu linh đình

Lễ đón dâu phải đúng thời gian qui định đã được ước hẹn trong lễ báo ngày cưới vì ngày tốt đã chọn, đoàn chú rể bắt đầu từ nhà trai sang nhà gái để đón dâu. Đoàn chú rể có một đôi vợ chồng trẻ đã xây dựng gia đình có con, làm đoàn trưởng cùng với phù rể và khoảng từ 8 đến 10 người trong đó từ 4 đến 6 người là con gái chưa chồng, mặc quần áo mới, khăn giầy mới, mọi người trong đoàn đều không bệnh tật, ốm đau ăn nói hoạt bát, hiểu biết các câu đối đáp của nhà gái trong lễ cưới và thuộc nhiều bài hát lướn mừng đám cưới và có tài ứng khẩu thành văn tại chỗ. Theo phong tục tập quán, họ kiêng con số lẻ. Khi đoàn chú rể lên đường, bố mẹ hoặc ông thầy cúng đưa cho chú rể một cái ô đã mở sẵn và quàng một chiếc khăn bằng vải đỏ dài từ vai đến hông để dân làng biết đó là chú rể đi đón dâu và chúc đoàn đi trên đường gặp mọi sự may mắn, tốt lành, đi đến nơi về đến chốn. Đoàn chú rể ở nhà ra đi đúng giờ và đến nhà cô dâu cũng phải đúng giờ qui định. Việc đưa đón cô dâu có thành công hay không là do những người đại diện bố mẹ nhà trai, nó cũng quyết định sau này đôi vợ chồng trẻ làm ăn mới được may mắn, mọi mặt đều khá giả hoạt bát, con cái đông vui và dễ có địa vị trong xã hội hay không.

Đoàn đưa dâu cũng phải có đôi vợ chồng trẻ đại diện bố mẹ nhà gái có trách nhiệm giao tiếp với nhà trai và hướng dẫn cô dâu các nghi lễ cần thiết. Cứ nhà trai đi đón 8 người thì nhà gái phải đưa 10 người tức là hơn hai... Tiêu chuẩn là những bạn gái chưa có chồng, thuộc nhiều bài hát lướn. Người đại diện bố mẹ hai bên đều thưa gửi bằng lời ca tiếng hát thay cho câu đối thoại thông thường giữa hai họ.

Khi chú rể đến nhà gái phải cúi lạy bàn thờ tổ tiên và các cụ trong mâm cỗ. Các cô gái chờ dịp té nước vào chú rể, chú rể bị té nước nhiều, đó là điều may mắn.

Khi đoàn đưa dâu ra khỏi nhà, cô dâu phải cưỡi ngựa, không được đi bộ đến nhà trai. Đến nhà trai, cô dâu xuống ngựa và phải ở ngoài sân cho thầy cúng làm thủ tục diệt trừ tà ma và cầu phúc cho đôi bạn trẻ khỏe mạnh làm ăn phát đạt. Làm xong thủ tục, cô dâu cầm một bát nước lên nhà đổ vào chảo đã đặt sẵn ở trên bếp đun cho bố mẹ rửa mặt. Cô dâu xách theo một cum lúa đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên đánh dấu việc trưởng thành của đôi bạn trẻ cũng là niềm vui, niềm hy vọng cuộc sống tốt đẹp của một gia đình mới.

Mọi người đến dự cưới là tất cả anh em, dân bản và những người bạn của gia đình, lễ cưới vui vẻ, hai gia đình thể hiện lòng quý khách. Họ chúc rượu, hát đối vui mừng, tạo nên không khí vui tươi như ngày hội của bản làng.
Thời điểm tổ chức lễ cưới của dân tộc Nùng Xín Mần từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Lễ cưới được phân ra làm ba lớp, đứng đầu là các cụ ông, cụ bà được xếp vào cùng mâm ở chỗ trang trọng nhất, để các cụ nói chuyện với nhau và cũng có khi hát đối đáp với nhau. Lớp thứ hai là các bạn trẻ của hai cô dâu chú rể, họ ngồi cùng ăn cùng hát lướn mừng cho hai bên gia đình. Đây là một tập tục đặc sắc nhất. Họ sẽ ăn cỗ uống rượu và hát đối thâu đêm đến sáng. Lớp thứ ba là tất cả dân bản, bạn bè và những người trong gia đình cùng ăn uống chuyện trò và có thể tham gia hát đối đáp với nhau, không khí lễ cưới vui vẻ thường kéo dài trong hai, ba ngày.

 Minh Lý

Share with your friends