Theo phong tục truyền thống của địa phương, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) nhân dân xã Đại Đồng, huyện Tràng Định lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Bủng Kham.
Chuyện xưa kể lại rằng, có bảy Nàng tiên đã trốn Vua Cha Ngọc Hoàng xuống trần gian vân du ngắm cảnh. Khi bay qua vùng đất này, thấy phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, đã dừng chân vãn cảnh và tắm mình trong dòng nước trong xanh mát rượi. Cảnh đẹp quyến rũ, làm say lòng người, vì mải vui các nàng tiên quên cả về trời. Chợt nghe tiếng gọi của Thiên Đình, các nàng giật mình, vội mặc xiêm áo bay về trời, để quên bảy dải lụa lung linh huyền ảo.
Bảy dải lụa biến thành bảy dòng suối trong xanh lượn quanh khắp cánh đồng Thất Khê phì nhiêu, màu mỡ. Đó là suối: Nặm Ăn, Khuổi Nộc, Pác Chác, Khuổi Nghìn, Khuổi Sao, Khuổi Mịt, Thâm Luông. Trong đó, suối Nặm Ăn là lớn nhất, có nước trong xanh, phong cảnh trữ tình, là nơi các tiên nữ thường xuyên giáng trần. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, các nàng tiên thường đến vui chơi vãn cảnh và khắc lên gò đá gần đó bàn “Chẹt Khum” nghĩa là “ô ăn quan”, là một trò chơi dân gian phổ biến của nhân dân địa phương, hiện nay dấu tích bàn “Chẹt Khum” vẫn còn đó. Nhân dân quanh vùng quan niệm, gò đá “Chẹt Khum” Bủng Kham và dòng suối Nặm Ăn là nơi vân du vãn cảnh của các Thần tiên nên rất linh thiêng, nếu ai thành tâm lễ bái ở đó thì sẽ luôn được các Thần tiên phù hộ, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn, cuộc sống bình yên, gia đình no ấm, hạnh phúc. Từ quan niệm đó, bà con nhân dân thôn Nà Phái và các thôn trong xã Đại Đồng đã duy trì tổ chức lễ hội Bủng Kham hàng năm.
Khai mạc lễ hội Bủng Kham
Phần lễ: Sáng sớm, ngày 12 tháng Giêng, thầy Mo và một số người trong thôn mang mâm lễ: Hoa quả, bánh trái, rượu, trà đến miếu Thổ Công của thôn Nà Phái thắp hương, lễ bái Thần linh để xin mở hội Bủng Kham. Sau nghi lễ này, Thầy Mo tiếp tục đến thắp hương tại các mâm lễ bên gò đá “Chẹt Khum” và thực hiện nghi lễ xin phép các vị thần linh (Thần Nông, Thần Tiên và Thần Hoàng Trùng) cho dân làng mở hội.
Kết thúc phần cúng của Thầy mo là phần dâng lễ vật của 24 thôn bản thuộc xã Đại Đồng. Những nam thanh, nữ tú người Tày, Nùng mặc những bộ trang phục truyền thống (nữ chít khăn đen mỏ quạ, cổ đeo vòng bạc, áo chàm, eo mang xà tích, giày vải nhung đen; nam vận bộ trang phục nhuộm chàm), họ lần lượt mang mâm lễ vật có đề tên thôn của mình lên dâng cúng các vị thần linh. Các mâm lễ của 24 thôn được trang trí cẩn thận, với những sản vật đặc trưng trông rất đẹp mắt và ngon nhất của địa phương. Các mâm lễ được đặt thẳng hàng và ngay ngắn tại nơi tế lễ theo từng cung bậc, lễ vật của mỗi thôn gồm: 01 con gà trống thiến hoặc một thủ lợn (đã được luộc chín) đặt trên mâm xôi cùng bánh dày, bánh chưng, hoa quả, khẩu sli, khẩu xà, xôi, oản, rượu, vàng hương…
Tiếp đến, ba già làng (người có uy tín, đại diện cho 24 thôn) trong trang phục áo the, khăn xếp cùng làm lễ bái thần linh và lần lượt đọc tên các lễ vật của 24 thôn dâng cúng cho thần linh. Sau đó, các thầy lần lượt dâng lễ: Trà, tửu, thực lên các ban thờ Thần Nông, Nàng Tiên Cả, Thần Hoàng Trùng, cùng cầu khấn cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng bản yên vui, nhà nhà hạnh phúc… Sau phần dâng lễ, đoàn sư tử của xã vào múa chào mừng khai mạc lễ hội. Sau màn đánh trống khai hội, Ban tổ chức lễ hội tiến hành chấm thi và tổ chức trao giải thưởng cho các thôn có mâm lễ đẹp nhất.
Nghi thức “Lồng thồng” (xuống đồng): Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị một thửa ruộng ở gần nơi diễn ra lễ hội, ruộng đã được cày bừa sẵn và được cắm cờ hội xung quanh. Sau một hồi trống, chiêng nổi lên, đại diện Ban tổ chức lễ hội và đại diện nhân dân trong xã sẽ xuống ruộng và cùng cấy những cây lúa đầu tiên của năm mới…
Nghi thức “Xuống Đồng” (lồng thồng)
Phần hội: Gồm các trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống được thể hiện trong ngày Lễ hội.
Trò chơi "Chẹt khum” (ô ăn quan): Sân chơi là một hình chữ nhật được chia đôi theo chiều dài và ngăn thành 5 hàng dọc cách khoảng đều nhau (tạo thành 10 ô vuông nhỏ). Hai đầu hình chữ nhật được vẽ thành 2 hình vòng cung, đó là 2 ô quan lớn đặc trưng cho mỗi bên, người chơi đặt vào đó một viên sỏi lớn có hình thể và màu sắc khác nhau để dễ phân biệt hai bên, mỗi bên có 05 ô vuông, trong đó được đặt 05 viên sỏi nhỏ. Cách chơi và luật chơi cũng rất đơn giản: Hai người chơi ngồi hai bên hình vẽ, người thứ nhất đi quan với nắm sỏi trong một ô vuông (tùy vào người chơi chọn ô), sỏi được rải đều từng viên một vào từng ô vuông và ô quan lớn; Khi đến hòn sỏi cuối cùng, người chơi vẫn bắt lấy ô bên cạnh và cứ thế tiếp tục đi quan tiếp (bỏ những viên sỏi nhỏ vào từng ô liên tục). Cho đến lúc nào viên sỏi cuối cùng được dừng cách khoảng là một ô trống, người chơi sẽ bắt lấy phần sỏi trong ô bên cạnh để nhặt ra ngoài. Vậy là những viên sỏi đó đã thuộc về người chơi, và người đối diện mới được bắt đầu chơi.
Đến lượt người cùng chơi đi quan cũng như người đầu tiên, cả hai thay phiên nhau đi quan cho đến khi nào nhặt được phần ô quan lớn và lấy được hết phần của đối phương. Như thế người đối diện đã thua hết quan. Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia (tính thắng thua theo nợ các viên sỏi - Quan ăn 10 viên sỏi). Cách chơi "Chẹt khum” đơn giản, người chơi giỏi thì việc tính toán rất tài tình và làm người đối diện phải thua cuộc vì không còn quan (sỏi) bên phần mình để tiếp tục cuộc chơi… Trò chơi "Chẹt khum" là một trò chơi phổ biến của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong lễ hội Bủng Kham.
Trò Đánh Đu: Trước ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức đã lựa chọn khoảng đất bằng phẳng, chọn tre, đẵn tre, đào hỗ để chôn cột đu. Bắc qua hai cột đu vững chắc là một thanh tre khỏe, thẳng. Tại đây có cả một hệ thống ròng rọc, những con sỏ, những cây tre cuốn xoắn, buộc chặt với khớp đu. Từ đây, buông xuống sát mặt đất là hai thanh tre thẳng, dài, dẻo và rắn chắc (còn gọi là tay đu). Phần cuối của hai tay đu được nối liền với nhau bằng một thanh gỗ (bàn đu), để người đánh đu đứng lên. Khi chơi đu, người tham gia sẽ đứng lên bàn đu, hai tay nắm chặt lấy tay đu rồi nhún cho đu bay. Khi bắt đầu đu, họ thường đu là là trước rồi mới lấy đà bay lên cao dần dần, đu bay lên rồi hạ xuống, càng nhún mạnh đu càng lên cao. Lên đu có thể là 01 hoặc 02 người, thường là 01 đôi nam nữ. Trò chơi này ngoài tính chất thể thao, giải trí, còn là dịp để trai gái tỏ tình, tìm hiểu lẫn nhau. Qua trò chơi đu, đôi nam nữ còn thể hiện được lòng tin vào người bạn chơi, đồng thời thể hiện sự nhịp nhàng kết hợp, đề cao tính đồng đội giữa 2 người chơi.
Trò “Gieo lộc”: Biểu tượng của “lộc” là bỏng ngô, bỏng thóc nếp và hạt thóc giống được gói trong giấy đỏ. Ban tổ chức chọn ra một người lớn tuổi, có uy tín của địa phương đóng vai “Thần Nông” để tiến hành gieo lộc. “Thần Nông” trong trang phục áo chàm, đầu đội khăn xếp mang thúng lộc to bên cạnh. Từ trên đài cao, “Thần Nông” tung lộc xuống xung quanh chân đài trong tiếng trống, chiêng nổi lên liên hồi… người tham gia hội phấn khởi hứng lộc của thần linh ban xuống… theo quan niệm của người dự hội, ai hứng được nhiều lộc thánh thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc…
Trò “gieo lộc” trong lễ hội
Ngoài ra trong lễ hội Bủng Kham còn có nhiều trò chơi khác như: Đẩy gậy, đánh yến, kéo co, tung còn; các làn diệu hát then, sli, lượn…
Lễ hội Bủng Kham diễn ra đã đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Đại Đồng nói riêng và nhân dân huyện Tràng Định nói chung; đã trở thành lễ hội điển hình của huyện Tràng Định mỗi độ xuân về và là nét đặc sắc của văn minh nông nghiệp lúa nước vùng núi nơi địa đầu Tổ Quốc.
Đức Cường