Chợ phiên Pác Khuông xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia được họp cách nhau 5 ngày một lần, vào các ngày mồng 5, mồng 10, 15, 20, 25 và 30 Âm lịch hàng tháng. Ngay từ sáng sớm, từ khắp các nẻo đường, già, trẻ, trai, gái các dân tộc Tày, Nùng, Dao thuộc 8 xã quanh vùng, bao gồm các xã: Thiện Long, Tân Hòa, Hòa Bình, Thiện Hòa, Yên Lỗ, Quang Trung, Mông Ân và Thiện Thuật lại tụ hội về chợ. Vào khoảng 9h sáng phiên chợ sẽ trở nên đông đúc nhất.
Thời điểm này cũng là lúc diễn ra cảnh kẻ mua người bán sôi nổi và nhộn nhịp nhất. Từ những tấm bánh quê do bà con tự làm như bánh trưng, bánh dày, cơm lam cho đến những sản phẩm nông sản quen thuộc dùng làm gia vị khác như gừng, nghệ, chanh…đặc biệt, một loại rau được xem như thứ thực phẩm phổ biến nhất của đồng bào các dân tộc vùng cao cũng được bày bán tại đây, đó là măng rừng.Một góc chợ phiên Pác Khuông
Đến với chợ phiên Pác Khuông, du khách còn bắt gặp những dụng cụ thủ công bày bán, dùng để hỗ trợ con người trong lao động, sản xuất do chính những bàn tay lao động thô ráp nhưng cũng rất khéo léo của bà con dân tộc chế tác ra, như dao quắm, máy thái sắn, khuôn ép bún thủ công...
Trước đây, trong cuộc sống sinh hoạt cũng như trong những bữa ăn hàng ngày, bà con các dân tộc vùng cao chủ yếu tự sản tự tiêu, thứ duy nhất mà họ quan tâm nhưng không thể tự làm ra được mà phải đổi lấy bằng nông sản của mình là muối và dầu hỏa thì ngày nay đã không còn là hàng sa xỉ nữa, bởi cùng với sự phát triển của đất nước thì đời sống tinh thần và vật chất của bà con đã được nâng lên rất nhiều. Vì thế những hàng thịt, cá cũng đã xuất hiện nhiều hơn để phục vụ nhu cầu cải thiện bữa ăn của bà con. Cùng với đó là vô số mặt hàng từ trang phục, đồ dùng sinh hoạt, những vật dụng phục vụ trong lao động, sản xuất… và cả những chiếc điện thoại di động cũng được các chủ hàng từ phố huyện đem đến chợ để phục vụ bà con. Tất cả đã hòa quyện, giao thoa tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu tại chợ phiên Pác Khuông.
Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao thuộc 8 xã vùng cao nơi đây, nhất là phụ nữ đã lập gia đình và người cao tuổi vẫn giữ được nét riêng độc đáo thể hiện qua trang phục của mình. Quần đen, áo bà bà, khăn chéo đã nói lên điều đó. Trước kia, những trang phục của họ chủ yếu tự cắt may, nhưng giờ đây đã có cả một sạp quần áo, trang phục dân tộc tại chợ phiên Pác Khuông để phục vụ bà con. Tất cả những trang phục này đều do chính bàn tay khéo léo của chị Lưu – một người bản địa tạo nên.
Đến với chợ phiên Pác Khuông, dù không còn được thưởng thức những câu Sli giao duyên say đắm lòng người của những đôi trai gái dân tộc, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể bắt gặp những những cử chỉ mộc mạc, tình tứ của các chàng trai, cô gái, hay cảnh những cụ ông, cụ bà đã ngoài 70 tuổi vẫn đến chợ để gặp gỡ bạn bè, chứng kiến cảnh đổi thay trên quê hương mình và hồi tưởng về thời son sắc với những điệu Sli giao duyên nồng thắm tại chính nơi này…
Một nét văn hoá rất độc đáo khác được thể hiện tại chợ phiên Pác Khuông, đó là: đàn ông người Nùng, người Dao khi đã quý mến nhau họ liền kết làm bạn bè (lạo tồng) không phân biệt tuổi tác. Có đôi bạn (lạo tồng) có thể chênh nhau đến hai chục tuổi. Khi đã kết bạn, họ không tự nhiên đến thăm gia đình nhau, mà thường gặp gỡ nhau trong những ngày chợ phiên. Có thể dễ dàng bắt gặp trong những quán nhỏ tại chợ phiên Pác Khuông từng tốp thanh niên và cả những người đã có tuổi (những đôi lạo tồng) quây quần, hỉ hả, tâm sự, thăm hỏi sức khỏe, gia đình của nhau qua những chén rượu men lá thơm nồng.
Sau khi đã hàn huyên, tâm sự, chúc tụng nhau những điều tốt lành thông qua những chén rượu ân tình thì ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi, cũng là lúc mặt trời đã đứng bóng, những đôi tạm biệt nhau và không quên hẹn gặp lại trong những phiên chợ sau.
Mai Thế Hòa