Lễ cơm mới là một trong lễ hội riêng biệt và độc đáo của người dân tộc ở Hà Giang. Nhưng nổi bật nhất phải nhắc tới người Tày, Mông, SiLa. Đây được xem là nét văn hoá đặc sắc truyền thống của những người dân tộc này.
Lễ cơm mới của người dân tộc ở Hà Giang thường được tổ chức vào khi màu vàng óng của lúa đã ngập tràn lên những thửa ruộng bậc thang. Lúc này, người Tày, Mông, SiLa và nhiều đồng bào dân tộc ít người khác bắt đầu rộn rã, nhộn nhịp chuẩn bị giã gạo, làm khẩu rang chuẩn bị cho lễ ăn cơm mới.
Chúng được tổ chức vào thời điểm này với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động để cúng trời, cảm ơn vì đã cho một mùa bội thu và cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cầu mong sức khoẻ cho mọi người đồng thời thể hiện sự tôn kính với ông bà tổ tiên đã khuất.Lễ cơm mới là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hoá lau đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà ở đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng. Người dân tộc dù ít người, dù cuộc sống nghèo khó nhưng tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt lên mọi khó khăn, cùng làm ăn và phát triển cuộc sống được thể hiện rất rõ.
Theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng “cơm mới”. Vì lễ “cơm mới” còn là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của mỗi gia đình người Tày, nên được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Lễ cúng cơm mới diễn ra vừa cúng trời và cúng ông bà tổ tiên luôn. Mọi nghi lễ cũng như đồ cúng đều được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, không được bỏ sót bất cứ điều gì. Trong lễ cúng cơm mới của người Tày sẽ có một thầy mo, thầy là người cao tuổi nhất trong nhà, đã có kinh nghiệm và mọi người đều tín nhiệm. Với người Tày thì lễ cúng thường tổ chức vào buổi chiều.
Đối với lễ cơm mới của người Mông, nghi lễ đầu tiên là thiếu nữ Mông ra thửa ruộng chọn chỗ lúa chín vàng nhất, gặt đủ một Lù Cở rồi mang về nhà chuẩn bị mâm cỗ cúng. Khi đó, người thiếu nữ Mông phải mặc trang phục của dân tộc mình một cách nghiêm trang và gọn gàng.
Mâm cúng lễ cơm mới của người Mông có bát cơm mới (không thể thiếu), các món ăn quen thuộc, dân dã như : thịt lợn luộc, cá suối, hoặc cá ruộng nướng, một bát nước canh, muối trắng và một vài gia vị khác. Đều là món ăn mang đậm chất sinh hoạt thường ngày của người dân tộc Mông.
Lễ cơm mới của người Si La đặc biệt hơn một chút. Người Si La tổ chức lễ cơm mới cũng vào đầu vụ thu hoạch nhưng sẽ chọn các ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn để cúng. Khác người Mông, họ cử trưởng dòng họ đi lên nương lúa chín và hái một nắm lúa về phơi khô và giã lấy một bát xôi làm lễ vật cúng chính. Người trưởng họ làm việc này thể hiện trách nhiệm với dân làng, trách nhiệm đoàn kết và giúp cho dân làng có cuộc sống ấm no. Làm việc đầu tiên quan trọng nhất cho lễ cơm mới là thể hiện rằng trưởng làng luôn mong muốn vụ mùa thuận lợi, mưa thuận gió hoà cho cây cối tốt tươi.
Lễ cúng thường làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Khi lễ vật được các gia đình trong dòng họ đem đến, trưởng họ bày ra một mâm tròn và bắt đầu làm lễ cúng. Con cháu sẽ quây tròn quanh mâm cúng, trưởng họ vừa cúng vừa đọc những câu cầu cho mùa màng năm sau được tốt tươi, cho thu hoạch bội thu. Lễ cúng không thắp hương mà chỉ thắp nến.
Lễ cúng đã xong, các gia đình hạ lễ và ngồi quây quần bên nhau để cùng ăn mừng mùa lúa mới. Có gia đình sẽ được mang lễ vật về nhà ăn cùng con cái và người thân.
Lễ cúng cơm mới của người Si La vừa là tín ngưỡng vừa là cơ hội để người trong dòng họ quay quần, uống với nhau chén rượu tâm sự và chia sẽ cuộc sống hằng ngày.
Hoàng Thị Lân