Nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, chợ phiên Hoàng Su Phì (Hà Giang) họp vào ngày chủ nhật hàng tuần.
Hàng hóa trao đổi trong phiên chợ là những vật phẩm trong sinh hoạt hằng ngày như thực phẩm, rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy...
Không sầm uất như chợ dưới xuôi, việc trao đổi mua bán diễn ra khá đơn giản để nhanh chóng nhường chỗ cho phần giao lưu tinh thần. Dăm ba quả trứng, vài chai mật ong, mấy trái su su... đổi lấy túi mì chính, viên pin, cái ô, ít chỉ khâu... nhưng chợ phiên vùng cao lại thấm đậm tình người bởi đến chợ chỉ là cái cớ để trai gái được gặp nhau, được ngắm nhìn, được khoe những bộ váy áo đẹp nhất.
Nhu cầu trao đổi hàng hóa thì ít mà mong muốn được vui chơi, hẹn hò, tâm tình thì nhiều. Người dân đi chợ nhưng náo nức như đi hội. Vì thế, có những chàng trai, cô gái chuẩn bị xuống chợ từ đêm hôm trước để kịp giờ họp chợ. Họ quan niệm đến chợ là phải mặc đẹp, quần áo phải mới tinh tươm nên họ dành những bộ quần áo đẹp nhất để vào chợ.
Trên quãng đường đến chợ, họ vẫn mặc quần áo bình thường, đến gần chợ thì thay ra. Phiên chợ là nơi trai gái gặp gỡ làm quen, người già thì gặp lại bạn cũ, vợ chồng đưa nhau đi mua hàng, con trẻ háo hức được mẹ mua cho cái cặp, cái nơ..., là nơi lòng người được sống lại những kỷ niệm một thời. Đến chợ phiên Hoàng Su Phì, du khách sẽ ngập trong sắc màu sặc sỡ của váy áo và trang sức đặc trưng của các chàng trai, cô gái người Dao, Nùng và người Cơ Lao.
Nơi đông vui nhất trong phiên chợ có lẽ là cửa hàng bán rượu. Những can rượu ngô, sắn được bày bán rất nhiều. Cô gái người Dao với nụ cười óng ánh chiếc răng vàng ngọt ngào mời khách thử rượu. Ngon, ưng thì mua, không vừa miệng thì thôi. Nhưng cứ nâng chén cho mát lòng người bán hàng hiếu khách. Thế là đàn ông, đàn bà... đều nhấp môi cho ấm lòng, ấm tình người vùng cao.
Đến chợ phiên Hoàng Su Phì một lần, bạn sẽ nhớ mãi những tấm lòng hiếu khách. Men rượu lâng lâng mà lòng không muốn cất bước quay về bởi nụ cười vùng cao cứ vương vấn. Chỉ mong phiên chợ cứ dài mãi, dài mãi...
Hoàng Hải