Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Kháng
Showing posts with label ₪ Dân tộc Kháng. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Kháng. Show all posts

Sunday, April 2, 2017

Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng, Sơn La ( Hoàng minh Thắng)

Sơn La: Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Đến nay, đồng bào Kháng vẫn còn duy trì được một số lễ nghi nông nghiệp như lễ Xíp Xí, lễ mừng cơm mới. Tuy nhiên tiêu biểu nhất vẫn là Lễ hội Xen Pang ả, do Pa ả (thầy cúng) tổ chức.
Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các "ma nhà", "ma bản", "ma trời" hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài.
Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa ả là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao duyên; múa ống, múa khăn.
Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc
Hoàng Minh Thắng.

Thursday, July 14, 2016

Lễ cúng thần thổ địa của người Kháng (Đỗ Đôn Chử)

Nghi lễ cúng thổ địa

Hằng năm, cứ vào ngày 3/3 và 6/6 âm lịch, cộng đồng dân tộc Kháng (mường Khoa, huyện Than Uyên, Lai Châu) lại nô nức tổ chức nghi lễ cúng thổ địa, cầu mong những điều tốt đẹp cho dân bản.
Nghi lễ cúng thần thổ địa tiếng dân tộc Kháng có tên là Mừ té mà ngặt tia. Theo quan niệm của đồng bào, trong năm, nhất định phải tổ chức nghi lễ trên hai lần, nếu vì lý do nào đó không thực hiện được thì năm đó, cuộc sống dân làng sẽ khó khăn, mùa màng thất bát, con người đau ốm, lợn, gà khó nuôi…

Chuẩn bị lễ cúng thần thổ địa.
Theo các vị trưởng bản, nghi lễ cúng thần thổ địa có từ rất lâu đời, khi cộng đồng dân tộc Kháng về đây sinh sống. Việc tổ chức nghi lễ này, trước là để người dân bày tỏ lòng tưởng nhớ, ghi ơn vị thần thổ địa đã dẫn dắt dân tộc Kháng khai hoang, lập bản, sau là dịp để họ gửi gắm đến thần lời cầu nguyện, ước mong được che chở, bảo vệ khỏi những điều không may mắn.

Mâm cỗ cúng thần thổ địa

Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Kháng phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Thông qua một buổi họp bàn, trưởng bản sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong thôn, bản. Mỗi người giữ một nhiệm vụ như: trang trí lại nhà cúng thần, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, giúp thầy cúng khi làm lễ… Ai nấy phấn khởi, lo làm tốt công việc của mình với mong muốn thần sẽ vui và phù hộ cho mình và cho buôn làng.

Điều đặc biệt là trong nghi lễ là chỉ có nam giới mới tham dự. Mỗi gia đình sẽ có một đại diện tham gia, mỗi người mang theo một ít đồ ăn bằng xôi màu và một ít rượu.
Bắt đầu tiến hành nghi lễ cúng thổ địa.

Không gian tiến hành nghi lễ cúng thần thổ địa là ngoài  cánh đồng đồng. Địa điểm tổ chức mỗi năm có thể khác nhưng đều phải đáp ứng các yêu cầu như: gần nguồn nước, có cây, đặc biệt là cây tre để lấy nguyên liệu phục vụ lễ. Vật cúng thần là một con lợn và một con gà. Trong các đồ cúng chuẩn bị cho nghi lễ, quan trọng nhất là mâm cho các thần. Thông thường, có các mâm cúng thần của bốn phương và thần thổ địa, trong đó mâm của thần thổ địa là to hơn cả.
Tín hiệu cấm người lạ xâm phạm khu vực hành lễ.

Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiệc rượu của những người tham gia nghi lễ bắt đầu. Người Kháng quan niệm, việc thưởng thức những thức ăn đã qua cúng lễ và ăn ngay tại nơi hành lễ là một điều may mắn, đem lại cho gia đình và cộng đồng những điều tốt đẹp, vì đó là những vật phẩm đã được thần linh về chứng giám. Ngoài việc thưởng thức tại nơi hành lễ, mỗi thành viên trong cộng đồng sẽ được chia một chút lộc về gia đình lấy may.

Sau khi thực hiện nghi lễ cúng thần Thổ địa, người dân tộc Kháng an tâm bắt tay vào công việc trồng, cấy… Nghi lễ cúng thần thổ địa của dân tộc Kháng mang giá trị nhân văn to lớn, thể hiện tinh thần cộng cảm, cộng mệnh và cố kết cao giữa các thành viên trong cộng đồng.

Đỗ Đôn Chử (sưu tầm)

Tục bói chén đặt tên cho trẻ của người Kháng ở Lai Châu (Nông ích Lập)

Đặt tên là nghi lễ bắt buộc và phổ biến của nhiều dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nhằm chọn và đặt tên cho đứa trẻ khi mới ra đời. Người Kháng ở Lai Châu có phong tục rất độc đáo đó là “bói chén” để đặt tên cho con em mình.
Cũng như việc tổ chức bất kỳ một nghi lễ khác, việc chuẩn bị cũng như trình tự làm lễ đặt tên của dân tộc Kháng được thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính và trước sự tham gia, chứng kiến của các thành viên trong gia đình dòng họ và đông đảo cộng đồng dân bản. Ngay khi gia đình có đứa trẻ chào đời, các thành viên trong gia đình người Kháng đã lo cho chuẩn bị cho nghi lễ này. Trong đó, người ông và bố đứa trẻ có vai trò chủ trì.

Ngay từ sáng sớm hôm tiến hành nghi lễ, các thành viên trong gia đình đã phải hoàn tất mâm cúng các ma nhà “Mà ngạt nha” để người ông cúng báo cho tổ tiên. Mâm cúng các ma nhà được đặt trước bàn thờ gia tiên gồm: một đôi gà trống mái (khoảng 2 kg) luộc chín để nguyên con, không chặt, kèm theo đầy đủ tiết và các bộ phận nội tạng; một con lợn luộc (khoảng 20 kg) cũng để nguyên con, hai quả trứng luộc để nguyên không bóc vỏ, một bát cơm, hai nén hương; hai chén rượu, một đĩa muối ớt,  hai cái bát, hai đôi đũa, hai cái thìa, bát canh... Tất cả các đồ cúng này không được đựng vào bát đĩa mà phải sắp lên một tàu lá chuối tươi.

Sau nghi lễ cúng báo tổ tiên và các ma nhà kết thúc, anh em trong gia đình dòng họ cũng như cộng đồng dân bản sẽ biếu quà mừng cho gia đình và cho đứa bé. Thông thường thì người mang theo chai rượu, người mang theo bát gạo, người mang theo gà, người mang theo đùi lợn... đến vừa để làm quà mừng vừa để giúp mẹ đứa bé có thức ăn nuôi con.

Trong khi mọi người biếu quà, những mâm rượu thịt cũng được chủ nhà bày ra dọc gian nhà mời mọi người ngồi vào chúc mừng gia đình, nghi lễ “bói chén” tìm tên cho đứa trẻ bắt đầu. Nghi lễ này chỉ dành cho những người nam giới, có vai vế từ cao xuống thấp. Người đầu tiên được vinh dự tung và bói chén là người đàn ông cao tuổi hoặc có vai vế cao nhất bên họ nhà ngoại, tiếp đến là người đàn ông cao tuổi hoặc có vai về cao nhất bên họ nhà nội và lần lượt đến những người khác cho đến khi tìm được tên cho đứa trẻ. Người được giao trọng trách “bói chén” sẽ phải nghĩ sẵn ra một cái tên phù hợp và nói ra cho mọi người cùng biết rồi sẽ bói xem tên ấy liệu có phù hợp không.

Sau khi mọi người cho ý kiến đồng ý về tên này người bói sẽ dùng ngay chén uống rượu trong mâm và tung lên cao chừng 50-60cm cho rơi xuống mâm. Việc tung chén được tiến hành ba lần, nếu cả ba lần chiếc chén đều nằm ngửa thì coi như thần linh đã chấp thuật tên do tung nghĩ ra. Trong trường hợp hai trong ba lần tung mà chén nằm sấp thì việc chọn tên sẽ được chuyển cho người khác.

Bói chén chọn tên được thực hiện một cách nghiêm túc và thành kính vì người Kháng cho rằng cái tên đúng có tác động rất lớn đến tính tình và sức khoẻ cũng như số phận của đứa trẻ sau này. Nếu đặt tên đúng thì đứa trẻ ấy sẽ lớn nhanh, khoẻ mạnh, hiền lành, tốt tính...Còn nếu cái tên mà đặt sai thì đứa trẻ sẽ chậm lớn, yếu ớt, độc ác, xấu tính, thậm chí là sẽ chết yểu...

Mọi người vỗ tay tán thưởng vì đứa trẻ đã có tên, ông đứa trẻ cảm ơn người đã đặt được tên cho cháu mình bằng hai chén rượu đầy. Ngược lại, người đã đặt được tên cho đứa trẻ lại uống với người cha của đứa trẻ hai chén kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho đứa trẻ. Sau nghi lễ mời rượu cảm ơn và chúc mừng kết thúc cũng là lúc cuộc vui mừng lễ đặt tên lên cao trào. Tất cả những người tham dự nghi lễ đều chúc mừng ông và bố đứa trẻ hai chén rượu, chủ nhà cũng lần lượt mời lại mỗi người hai chén cảm ơn mọi người đã đến mừng cho đứa trẻ và gia đình.

Tiệc rượu chúc mừng cũng đánh dấu sự kết thúc tốt đẹp của nghi lễ bói chén đặt tên, đứa trẻ đã có tên gọi và chính thức là thành viên của cộng đồng dân tộc Kháng.

Nông ích Lập (sưu tầm)

Lễ hội Xen Pang Ả của dân tộc Kháng ở vùng Tây Bắc (Đinh Thý Hường)

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Kinh tế chính của đồng bào là nương rẫy, trồng lúa kết hợp với ngô khoai. Ở một số vùng sống ven sông, đồng bào rất giỏi làm thuyền độc mộc.
Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng - một trong những dân tộc ít người cư trú lâu đời ở miền núi Tây Bắc. Lễ hội Xen Pang Ả là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khoẻ, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để thanh niên trai gái trong bản tìm hiểu hẹn hò, nên duyên vợ - chồng.

Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức 2 – 3 năm/lần, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” (theo quan niệm của đồng bào Kháng) về hưởng lễ vật và những người được Pa ả (thầy cúng) chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn. Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần cúng lễ còn là nơi diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản của người dân thông qua các trò diễn, trò chơi dân gian như hát giao duyên, múa ống, múa khăn. Tuy nhiên, điểm khác của lễ hội Xen Pang Ả với các lễ hội khác là trừ buổi sáng ngày đầu tiên, còn thì phần lễ và phần hội diễn ra đan xen.

Đinh Thúy Hường (sưu tầm)

Phong tục hôn nhân của dân tộc Kháng (Nông Gia Khánh)

Các nghi thức hôn nhân của dân tộc Kháng chịu ảnh hưởng cơ bản từ phong tục cưới hỏi của dân tộc Thái, trong đó có một nghi lễ đặc biệt giống với tập quán của dân tộc Thái. Đó là nghi lễ đi ở rể.
Nghi lễ hôn nhân ở dân tộc Kháng trải qua 5 bước: dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lễ về nhà chồng, lại mặt.
Dân tộc Kháng có phong tục tìm người mai mối cho đôi trẻ. Người được chọn làm mối có thể là nam hoặc nữ, phải là người có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, đông con, vợ chồng biết làm ăn. Vì theo quan niệm của họ, người làm mối sẽ mang lại may mắn, cuộc sống đầy đủ, đông con nhiều cháu cho cặp vợ chồng tương lai.

Khi đôi trai gái đã ưng ý nhau thì bố mẹ bên nhà trai sẽ tìm một người mối, đại diện cho nhà trai mang lễ vật sang nhà gái dạm ngõ. Lễ vật dạm ngõ thường rất đơn giản chỉ cần một con gà và một chai rượu. Sau buổi gặp mặt đầu tiên, nếu nhà gái nhận lễ và mời nhà trai ở lại ăn cơm hoặc nhà gái nhận lời thì tức là việc hôn nhân của đôi trai gái sẽ được tiến hành.

Nhà trai chọn ngày lành tháng tốt mang một ít lễ vật gồm: lợn, gà, rượu, gạo... đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức về cuộc hôn nhân cho đôi trẻ. Trong lễ này, nhà gái mời họ hàng thân thích đến dự để bàn bạc thống nhất với đại diện nhà trai về lễ vật thách cưới mà nhà trai phải nộp cho nhà gái theo phong tục dân tộc Kháng. Đặc biệt, trong ngày lễ ăn hỏi nhà trai phải chuẩn đồ sính lễ cho cô dâu - tuỳ theo kinh tế của từng gia đình nhưng thông thường gồm 1 bộ váy áo, 1 đôi tóc giả, 1 đôi hoa tai, 1 trâm cài tóc và nếu giàu có thêm 1 đôi vòng tay bạc. Các thứ này là của lấy lòng tin con dâu. Nếu sau này 2 vợ chồng cãi nhau muốn bỏ nhau, cô dâu phải trả lại những vật này cho bố mẹ chồng.

Lễ cưới là lễ cưới ban đầu hay còn gọi là lễ búi tóc cho cô dâu. Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới thời gian thường từ vài ba tháng, hoặc một năm, tuỳ thuộc vào sự bàn bạc thống nhất giữa nhà trai với nhà gái hoặc tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình. Sau khi chọn được thời gian thích hợp, nhà trai chủ động bàn bạc với nhà gái để chuẩn bị cho lễ cưới. Tại lễ cưới này, cô dâu sẽ làm luôn lễ búi tóc ngược. Chọn được ngày lành, tháng tốt nhà trai mang đủ lễ vật như đã thoả thuận với nhà gái để làm lễ cưới. Trong lễ cưới, người đại diện cho nhà trai nói lời cảm ơn nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Khi đến nhà gái, chú rể phải có lễ trình tổ tiên, cũng như cô dâu phải lạy trước bàn thờ ma của gia đình và quỳ xuống để bà mối hoặc một người phụ nữ lớn tuổi có uy tín làm lễ búi tóc cho cô dâu. Sau đó cô dâu được đưa về nhà trai để ra mắt bố mẹ và họ hàng nhà chồng rồi mới quay về nhà mẹ đẻ để chú rể ở rể.


Lễ vật thách cưới của dân tộc Kháng chủ yếu là nông phẩm: gà, vịt, lợn, gạo, rượu,... và sản phẩm từ nghề dệt nhu vải, chăn, đệm, khăn, gối, trang phục cô dâu. Đặc biệt là phải có các ống cá chua (tu ca bloong). Cá chua là một món ăn truyền thống được người Kháng rất ưa dùng. Người Kháng thường dùng để đãi khách quý đến nhà. Đám cưới nào không có cá chua coi như đám cưới đó không to, không được dân bản khen ngợi.

Lễ về nhà chồng hay còn được coi như lễ cưới lần 2 của đôi vợ chồng sau thời gian ở rể một vài năm. Đây là một nghi lễ đánh dấu mốc cô dâu chính thức về cư trú bên nhà chồng và chú rể kết thúc hạn ở rể. Nghi lễ này diễn ra gọn nhẹ hơn lễ cưới, lễ vật gồm có thịt, rượu, gạo nếp. Cô dâu mang đồ đạc cá nhân, quần áo, quà gia đình mình tặng bố mẹ chồng và họ hàng bên chồng. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng mang theo xôi, gà, rượu trở lại nhà gái để làm lễ lại mặt.

Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, cha mẹ cô dâu có thể cho thêm tiền, vải, đồ trang sức, trâu, bò, gà lợn, đồ dùng gia đình để con gái mang về nhà chồng. Ngoài ra, cô dâu còn mang theo quần áo, chăn màn... là những sản phẩm do cô dâu tự làm hoặc do nhà gái chuẩn bị cho con.

Mùa cưới của dân tộc Kháng thường diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Theo quan niệm của đồng bào thì đây là thời gian thuận lợi để thu hoạch mùa xong xuôi, no đủ, công việc nông nhàn.

Ngày nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, các nghi lễ trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của đồng bào Kháng tuy vẫn được duy trì nhưng chỉ còn về mặt hình thức, còn các lễ vật và trang phục cô dâu chú rể sử dụng trong các nghi lễ đã có sự thay đổi.

Nông Gia Khánh (sưu tầm)

“Cà tảm mạn” của dân tộc Kháng là gì? (Vi Gia Lễ)

Người Kháng cho rằng, con người có 2 phần, phần hồn và phần xác luôn luôn gắn kết, giao hòa không thể tách rời. Khi người ốm, phần hồn rời khỏi xác và lưu lạc nơi rừng thiêng, nước độc, bị các thần cây, thần núi giữ lại.
Muốn chữa khỏi bệnh chỉ có cánh làm lễ gọi hồn lưu lạc hay còn gọi là (lễ hội cà tảm mạn).
Với quan niệm đó, từ lâu “Cà tảm mạn” trở thành một loại hình lễ hội tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc Kháng.

Lễ cà tảm mạn được kể lại rằng: trong bản dân tộc Kháng có chàng trai tên là Ọi, đẹp trai, thông minh, khỏe mạnh và chăm làm nhất bản. Sau mùa làm nương, chàng bị ốm, ngày nào chàng Ọi cũng ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, người chàng càng ngày càng gầy gò, da vàng, chân tay run rẩy, không cầm nổi con dao, cái cuốc. Đã hơn 3 tuần trăng sáng, lúa chín vàng trên nương, chàng uống đủ thứ lá rừng làm thuốc mà vẫn không khỏi bệnh. Biết chàng không còn sống được lâu, cha chàng bèn thịt gà và mời tất cả mọi người đến ăn cùng.

Thầy mo làm lễ cúng gọi hồn.

Ai cũng thương xót chàng, nên mỗi người bón cho chàng một miếng xôi cùng thịt gà và nói rằng “Đây là hồn cơm, hồn thịt của người khỏe đem đến, ăn vào sẽ thành thuốc” để an ủi chàng. Sau đó mọi người buộc vào tay chàng một sợi chỉ coi đó là sợi dây buộc phần hồn lưu lạc nhập vào chàng. Không ngờ cũng từ ngày hôm đó chàng ăn được nhiều cơm, da chàng hồng hào trở lại, chàng khỏe dần và đi làm nương cùng cha mẹ.

Câu chuyện trên được lưu truyền trong đời sống dân tộc Kháng hết đời này sang đời khác. Cũng từ đó trở đi hễ trong bản có người ốm đều được làm lễ gọi hồn về. Đến nay, tại các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả (thầy cúng) chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả đại diện cho dân bản để tiếp xúc với các thần linh, truyền lời khẩn cầu của người sống và cũng là người có uy tín, được dân bản tin và làm theo.

Mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà.

Lễ vật dùng để cúng hồn gồm có xôi, thịt gà, rượu, bánh kẹo, hoa quả. Tất cả được bày trên bàn thờ. Thầy mo mặc áo cúng, đội mũ, tay cầm quạt. Bên cạnh thầy mo còn có 2 mo pí, mỗi lần thầy mo cúng, mo pí thổi theo cùng với giai điệu hành khúc để phù họa cho lời cúng của thầy thêm linh thiêng.
Gia đình mời tất cả những người thân trong nhà và bà con dân bản đến dự lễ cúng hồn làm theo thầy mo, mỗi người cầm một sợi chỉ buộc vào tay người ốm, lấy xôi, thịt gà bón cho người ốm ăn và nói:
“Ăn thịt gà ngọt lưỡi
Ăn thịt lợn ngọt môi
Hồn ăn, hồn ở nhà...”.

Sau đó, gia chủ mời mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà và trống chiêng cùng nổi lên, con trai, con gái Kháng từng đôi múa Hưn mạy, tăng bu cho đến thâu đêm, suốt sáng.
Không biết, sau đó người ốm có khỏe lại không, chỉ có một điều chắc chắn rằng người được cúng hồn sẽ được giải tỏa tâm lý để chống chọi với bệnh tật.

Vi Gia Lễ (sưu tầm)

Sự tích lễ hội Pang Phoóng dân tộc Kháng ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên (Nông gia Cát)

Sự tích lễ hội Pang Phoóng dân tộc Kháng ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên  (Nông gia Cát)
Người Kháng là dân tộc thiểu số cư trú ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng cư trú ở các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé với dân số khoảng hơn 4000 người. Là dân tộc mang trong mình biết bao truyền thuyết,giai thoại huyền bí, việc nghiên cứu, tìm hiểu tộc người Kháng sẽ góp phần khơi mở thêm nét đẹp truyền thống dân tộc Kháng, qua đó bảo tồn và phát huy những giá trị Di sản văn hóa dân tộc.

Từ xa xưa đồng bào dân tộc Kháng dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo đã sáng tạo ra lễ hội Pang Phoóng (Pang dịch ra là lễ, Phoóng là tổ tiên). Lễ hội thường diễn ra 03 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Lễ hội Pang Phoóng chứa đựng nhiều lễ thức dân gian hết sức sinh động và có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc thiểu số khác. Hàng năm trước khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào Kháng tổ chức lễ hội để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.

Khi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên trên khắp bản mường là lúc báo hiệu mùa lễ hội bắt đầu. Theo truyền thuyết, lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ một sự tích. Đó là câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về cội nguồn. Chuyện kể rằng:

"Thủa xưa có một bản người Kháng nằm giữa một vùng thiên nhiên kỳ vĩ bốn mùa rộn tiếng chim ca, vượn hót đón chào mỗi buổi bình minh.

Vào một buổi chiều đông, tiết trời hanh hao đã đưa bước chân chàng trai con Tạo bản dòng họ Lò Khun vốn ham săn bắn tới một cánh rừng xa. Nhìn qua khe lá, chàng trai phát hiện thấy một đàn vượn đang chuyền cành, hái quả, nô đùa. Cảnh vui vẻ, thanh bình khiến chàng không nỡ giương cung bắn. Chàng trai nảy ra trò tinh nghịch là đi tiểu đầy hốc đá gốc cây gần đó để lừa lũ vượn xuống uống.

Chiều xế bóng, cô vượn xinh xắn nhất đàn nhìn thấy hốc đá đầy nước liền uống một hơi cho đã cơn khát. Ngày qua ngày, nàng vượn xinh đẹp không biết một sinh linh bé nhỏ trong cô đang lớn dần. 9 tháng 10 ngày nàng vượn sinh ra một cậu bé đẹp tựa thiên thần. Nàng nâng niu niềm hạnh phúc bé bỏng của mình trong lời ru Ú dơ, lả ú dơ -  nghĩa là à ơi con ngủ ngoan đi.

Lời ru trong gió chiều đã đưa bước chân chàng trai dòng họ Lò Khun tìm về chốn cũ, nơi cánh rừng chàng dừng chân chiều đông năm trước. Khung cảnh trước mắt chàng hiện lên như trong giấc chiêm bao. Nàng vượn tay bồng con thơ bỗng hóa thành thiếu phụ, ánh mắt chan chứa yêu thương, nụ cười rạng rỡ của nàng khiến chàng ngây ngất. Người con gái chàng hằng mơ ước là đây. Chàng bế trên tay đứa con yêu quý, sánh bước bên nàng về bản và cùng làm hôn lễ.

Về làm dâu nhà Tạo bản, ngày ngày vợ chồng nàng làm nương rẫy. Ngày mùa bận rộn, gia đình nàng phải nhờ thêm anh em tới giúp. Bữa cơm ngày mùa không thể thiếu được món hoa chuối rừng.

Hàng năm, cứ đến mùa hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín. Đồng bào Kháng dòng họ Lò Khun lại tổ chức lễ hội Pang Phoóng tại nhà trưởng họ. Mỗi lần lễ hội diễn ra các gia đình trong dòng tộc nô nức kéo về hội tụ để cùng tưởng nhớ về "Mẹ Vượn". Đây cũng là dịp họ hàng, anh em, bạn bè, trai tài gái sắc gặp nhau sau những ngày tháng lao động vất vả.Trong không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi của lễ hội, cả bản mường cùng hân hoan trong lễ hội.

Thầy mo làm lễ cúng

Sự tích lễ hội Pang Phoóng mang màu sắc huyền ảo đã phản ánh một hiện thực trong đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng: luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng tộc vạn sự may mắn, tốt đẹp. Dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao lưu hoà nhập cộng đồng nhưng lễ hội Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Cho đến nay, vốn di sản văn hóa phi vật thể quí báu đó vẫn giữ được sức sống và trở thành ngọc quí trong kho tàng văn hoá dân tộc Kháng. Lễ hội Pang Phoóng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, là sợi dây tạo lên sự gắn kết cộng đồng.
Nông Gia Cát (sưu tầm)