Đặt tên là nghi lễ bắt buộc và phổ biến của nhiều dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nhằm chọn và đặt tên cho đứa trẻ khi mới ra đời. Người Kháng ở Lai Châu có phong tục rất độc đáo đó là “bói chén” để đặt tên cho con em mình.
Cũng như việc tổ chức bất kỳ một nghi lễ khác, việc chuẩn bị cũng như trình tự làm lễ đặt tên của dân tộc Kháng được thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính và trước sự tham gia, chứng kiến của các thành viên trong gia đình dòng họ và đông đảo cộng đồng dân bản. Ngay khi gia đình có đứa trẻ chào đời, các thành viên trong gia đình người Kháng đã lo cho chuẩn bị cho nghi lễ này. Trong đó, người ông và bố đứa trẻ có vai trò chủ trì.
Ngay từ sáng sớm hôm tiến hành nghi lễ, các thành viên trong gia đình đã phải hoàn tất mâm cúng các ma nhà “Mà ngạt nha” để người ông cúng báo cho tổ tiên. Mâm cúng các ma nhà được đặt trước bàn thờ gia tiên gồm: một đôi gà trống mái (khoảng 2 kg) luộc chín để nguyên con, không chặt, kèm theo đầy đủ tiết và các bộ phận nội tạng; một con lợn luộc (khoảng 20 kg) cũng để nguyên con, hai quả trứng luộc để nguyên không bóc vỏ, một bát cơm, hai nén hương; hai chén rượu, một đĩa muối ớt, hai cái bát, hai đôi đũa, hai cái thìa, bát canh... Tất cả các đồ cúng này không được đựng vào bát đĩa mà phải sắp lên một tàu lá chuối tươi.
Sau nghi lễ cúng báo tổ tiên và các ma nhà kết thúc, anh em trong gia đình dòng họ cũng như cộng đồng dân bản sẽ biếu quà mừng cho gia đình và cho đứa bé. Thông thường thì người mang theo chai rượu, người mang theo bát gạo, người mang theo gà, người mang theo đùi lợn... đến vừa để làm quà mừng vừa để giúp mẹ đứa bé có thức ăn nuôi con.
Trong khi mọi người biếu quà, những mâm rượu thịt cũng được chủ nhà bày ra dọc gian nhà mời mọi người ngồi vào chúc mừng gia đình, nghi lễ “bói chén” tìm tên cho đứa trẻ bắt đầu. Nghi lễ này chỉ dành cho những người nam giới, có vai vế từ cao xuống thấp. Người đầu tiên được vinh dự tung và bói chén là người đàn ông cao tuổi hoặc có vai vế cao nhất bên họ nhà ngoại, tiếp đến là người đàn ông cao tuổi hoặc có vai về cao nhất bên họ nhà nội và lần lượt đến những người khác cho đến khi tìm được tên cho đứa trẻ. Người được giao trọng trách “bói chén” sẽ phải nghĩ sẵn ra một cái tên phù hợp và nói ra cho mọi người cùng biết rồi sẽ bói xem tên ấy liệu có phù hợp không.
Sau khi mọi người cho ý kiến đồng ý về tên này người bói sẽ dùng ngay chén uống rượu trong mâm và tung lên cao chừng 50-60cm cho rơi xuống mâm. Việc tung chén được tiến hành ba lần, nếu cả ba lần chiếc chén đều nằm ngửa thì coi như thần linh đã chấp thuật tên do tung nghĩ ra. Trong trường hợp hai trong ba lần tung mà chén nằm sấp thì việc chọn tên sẽ được chuyển cho người khác.
Bói chén chọn tên được thực hiện một cách nghiêm túc và thành kính vì người Kháng cho rằng cái tên đúng có tác động rất lớn đến tính tình và sức khoẻ cũng như số phận của đứa trẻ sau này. Nếu đặt tên đúng thì đứa trẻ ấy sẽ lớn nhanh, khoẻ mạnh, hiền lành, tốt tính...Còn nếu cái tên mà đặt sai thì đứa trẻ sẽ chậm lớn, yếu ớt, độc ác, xấu tính, thậm chí là sẽ chết yểu...
Mọi người vỗ tay tán thưởng vì đứa trẻ đã có tên, ông đứa trẻ cảm ơn người đã đặt được tên cho cháu mình bằng hai chén rượu đầy. Ngược lại, người đã đặt được tên cho đứa trẻ lại uống với người cha của đứa trẻ hai chén kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho đứa trẻ. Sau nghi lễ mời rượu cảm ơn và chúc mừng kết thúc cũng là lúc cuộc vui mừng lễ đặt tên lên cao trào. Tất cả những người tham dự nghi lễ đều chúc mừng ông và bố đứa trẻ hai chén rượu, chủ nhà cũng lần lượt mời lại mỗi người hai chén cảm ơn mọi người đã đến mừng cho đứa trẻ và gia đình.
Tiệc rượu chúc mừng cũng đánh dấu sự kết thúc tốt đẹp của nghi lễ bói chén đặt tên, đứa trẻ đã có tên gọi và chính thức là thành viên của cộng đồng dân tộc Kháng.
Nông ích Lập (sưu tầm)