Người Kháng cho rằng, con người có 2 phần, phần hồn và phần xác luôn luôn gắn kết, giao hòa không thể tách rời. Khi người ốm, phần hồn rời khỏi xác và lưu lạc nơi rừng thiêng, nước độc, bị các thần cây, thần núi giữ lại.
Muốn chữa khỏi bệnh chỉ có cánh làm lễ gọi hồn lưu lạc hay còn gọi là (lễ hội cà tảm mạn).
Với quan niệm đó, từ lâu “Cà tảm mạn” trở thành một loại hình lễ hội tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc Kháng.
Lễ cà tảm mạn được kể lại rằng: trong bản dân tộc Kháng có chàng trai tên là Ọi, đẹp trai, thông minh, khỏe mạnh và chăm làm nhất bản. Sau mùa làm nương, chàng bị ốm, ngày nào chàng Ọi cũng ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, người chàng càng ngày càng gầy gò, da vàng, chân tay run rẩy, không cầm nổi con dao, cái cuốc. Đã hơn 3 tuần trăng sáng, lúa chín vàng trên nương, chàng uống đủ thứ lá rừng làm thuốc mà vẫn không khỏi bệnh. Biết chàng không còn sống được lâu, cha chàng bèn thịt gà và mời tất cả mọi người đến ăn cùng.
Thầy mo làm lễ cúng gọi hồn.
Ai cũng thương xót chàng, nên mỗi người bón cho chàng một miếng xôi cùng thịt gà và nói rằng “Đây là hồn cơm, hồn thịt của người khỏe đem đến, ăn vào sẽ thành thuốc” để an ủi chàng. Sau đó mọi người buộc vào tay chàng một sợi chỉ coi đó là sợi dây buộc phần hồn lưu lạc nhập vào chàng. Không ngờ cũng từ ngày hôm đó chàng ăn được nhiều cơm, da chàng hồng hào trở lại, chàng khỏe dần và đi làm nương cùng cha mẹ.
Câu chuyện trên được lưu truyền trong đời sống dân tộc Kháng hết đời này sang đời khác. Cũng từ đó trở đi hễ trong bản có người ốm đều được làm lễ gọi hồn về. Đến nay, tại các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả (thầy cúng) chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả đại diện cho dân bản để tiếp xúc với các thần linh, truyền lời khẩn cầu của người sống và cũng là người có uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà.
Lễ vật dùng để cúng hồn gồm có xôi, thịt gà, rượu, bánh kẹo, hoa quả. Tất cả được bày trên bàn thờ. Thầy mo mặc áo cúng, đội mũ, tay cầm quạt. Bên cạnh thầy mo còn có 2 mo pí, mỗi lần thầy mo cúng, mo pí thổi theo cùng với giai điệu hành khúc để phù họa cho lời cúng của thầy thêm linh thiêng.
Gia đình mời tất cả những người thân trong nhà và bà con dân bản đến dự lễ cúng hồn làm theo thầy mo, mỗi người cầm một sợi chỉ buộc vào tay người ốm, lấy xôi, thịt gà bón cho người ốm ăn và nói:
“Ăn thịt gà ngọt lưỡi
Ăn thịt lợn ngọt môi
Hồn ăn, hồn ở nhà...”.
Sau đó, gia chủ mời mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà và trống chiêng cùng nổi lên, con trai, con gái Kháng từng đôi múa Hưn mạy, tăng bu cho đến thâu đêm, suốt sáng.
Không biết, sau đó người ốm có khỏe lại không, chỉ có một điều chắc chắn rằng người được cúng hồn sẽ được giải tỏa tâm lý để chống chọi với bệnh tật.
Vi Gia Lễ (sưu tầm)