Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Kinh tế
Showing posts with label ₪ Kinh tế. Show all posts
Showing posts with label ₪ Kinh tế. Show all posts

Wednesday, April 27, 2016

Chắt lọc, bảo tồn, và phát triển văn hóa dân tộc (Văn Hóa Tây Bắc)

Huyện Thuận Châu
Cách tân văn hóa là động lực của sự phát triển nhân bản. Không thể nói đến sự phát triển mà tư­ớc bỏ đi tính kế thừa, cũng không thể nói đến kế thừa mà tách rời khỏi sự phát triển. Kế thừa là sự bảo tồn những đặc điểm, đặc tính của một sự vật và hiện tư­ợng cũ trong quá trình phát triển. Còn phát triển không chỉ là sự bảo tồn mà còn là sự mở rộng, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao về chất những đặc điểm, đặc tính vốn có trong sự vật và hiện t­ượng.
Như­ vậy, "để phát triển đ­ược bao giờ cũng cần có sự kế thừa, tức là bảo tồn, giữ lại những đặc điểm, đặc tính của đối tượng để trên cơ sở đó mở rộng, nâng cao trình độ, còn phát triển chính là sự kế thừa tốt nhất, tích cực nhất". Mặt khác, kế thừa phải luôn gắn liền với chắt lọc và đổi mới. Ngay cả đối với nhân tố tích cực của cái bị phủ định đư­ợc giữ lại, nó vẫn đ­ược duy trì dưới dạng chắt lọc, chứ không phải bê nguyên xi, không phê phán, không cải tạo và không phải lắp ghép một cách máy móc từ cái cũ vào cái mới. Nếu kế thừa mà không gắn với đổi mới và chắt lọc thì sự kế thừa đó không thể xuất hiện cái mới tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn cái cũ mà cùng lắm chỉ lặp lại cái cũ một cách phiến diện. Trong tự nhiên, tính kế thừa đư­ợc biểu hiện, chẳng hạn nh­ư những nhân tố vô cơ đ­ược giữ lại khi chuyển sang giới tự nhiên hữu cơ. Trong sự phát triển của xã hội, tính kế thừa cũng đ­ược biểu hiện rõ nét, mà lịch sử phát triển của lực l­ượng sản xuất và quan hệ sản xuất là một minh chứng. Trong tư­ duy, sự phát triển của các hình thái ý thức xã hội nh­ư khoa học, triết học, nghệ thuật, đạo đức, pháp quyền...cũng thể hiện rõ tính kế thừa trong nhận thức của con ng­ười qua các thời đại lịch sử khác nhau. Chủ nghĩa Mác đã kế thừa và cải tạo cả chủ nghĩa duy vật siêu hình lẫn phép biện chứng duy tâm để xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tất nhiên, học thuyết của Mác cũng không phải là tuyệt đối, bất di bất dịch, không phải là một cái gì đã xong xuôi mà nó cần không ngừng đ­ược bổ sung và phát triển trong điều kiện mới theo quan điểm kế thừa. Như­ vậy, qua sự phân tích ở trên, chúng ta thấy rõ rằng: kế thừa, đổi mới là một quá trình mang tính quy luật, biểu hiện đặc tr­ưng của sự phát triển bất kể đó là sự phát triển trong tự nhiên, xã hội hay t­ư duy. Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực cụ thể, tính kế thừa có những đặc thù riêng. Quy luật kế thừa không phải chỉ biểu hiện về mặt thời gian, không gian, mối liên hệ giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai mà cả trong không gian. Việc kế thừa không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay thì kế thừa còn bao hàm cả sự tiếp thu có chọn lọc, có phê phán những tinh hoa trong nền văn hóa nhân loại nhưng đồng thời phải cải biến cho phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc mình như Đảng ta khẳng định: "Tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác". Quá trình kế thừa những giá trị tạo nên bản sắc văn hóa của một dân tộc cũng có những đặc thù riêng của nó.
Sự cần thiết phải kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong giai đoạn hiện nay Kế thừa là một hiện tượng mang tính quy luật đối với sự phát triển nói chung. Không có một sự phát triển nào lại được bắt đầu từ con số "0". Mọi sự phát triển luôn luôn là quá trình phủ định có kế thừa. Những yếu tố tích cực của cái cũ bao giờ cũng được giữ lại, kế thừa và phát triển trong sự ra đời của cái mới. Sự phát triển của những giá trị tạo thành bản sắc văn hóa của một dân tộc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bản sắc văn hóa của một dân tộc là di sản vô cùng quý giá; đó là tinh hoa, cốt lõi và là linh hồn của chính dân tộc đó. Tuy nhiên, những giá trị tạo nên bản sắc đó, không phải là bất biến và tuyệt đối như nhau trong mọi thời đại. Khi điều kiện lịch sử đã có sự thay đổi thì cần phải có sự chọn lọc, kế thừa, bổ sung và đổi mới đối với những giá trị đó. Việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và củng cố cộng đồng các dân tộc, vì sự phát triển toàn diện cho mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (trong đó có dân tộc Thái ở Tây Bắc), là phương hướng và nội dung cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta hiện nay. Đó cũng xuất phát từ quan niệm coi việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, là vấn đề trung tâm của chính sách dân tộc về văn hóa. Văn hóa không phải là một hiện tượng siêu nhiên từ bên ngoài áp đặt và ban phát cho con người, cũng không phải do ý muốn chủ quan của con người, mà nó hình thành dựa trên nhiều những nhân tố khác nhau như kinh tế, chính trị - xã hội…Chính vì lẽ đó mà không phải bất kỳ một giá trị văn hóa nào, hay một nét văn hóa nào cũng đều phù hợp với mọi chế độ xã hội, và đều được con người chấp nhận và tiếp thu. Cũng không phải giá trị văn hóa nào cũng có thể phát huy tác dụng để thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội. Ngược lại, có những giá trị văn hóa lại làm cản trở sự phát triển vì nó đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời kỳ mới. Thậm chí, ngay trong một giá trị văn hóa, có mặt còn là nhân tố thúc đẩy, nhưng mặt khác lại là nhân tố cản trở. Vì vậy, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái ở Tây Bắc là một việc làm đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể kế thừa tất cả những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đã có từ xa xưa. Chúng ta chỉ nên và cần kế thừa những nét văn hóa thực sự có giá trị, những nét văn hóa còn phù hợp với yêu cầu của xã hội và với giai đoạn hiện tại, nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Kế thừa những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, mà những nét văn hóa đó mặc dù trải qua nhiều những thăng trầm, biến cố của lịch sử xã hội nó vẫn trường tồn, không mất đi nét độc đáo, riêng có của dân tộc Thái. Kế thừa bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là kế thừa những nét văn hóa đặc trưng nhất, mà người ta có thể dựa vào đó để phân biệt cộng đồng tộc người Thái với các dân tộc khác. Những đặc trưng văn hóa này không bị pha trộn, mặc dù luôn có sự giao thoa rất mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, của các cộng đồng tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc là sự thừa hưởng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đã được hình thành từ rất lâu đời cùng với quá trình hình thành, phát triển của dân tộc Thái hàng ngàn năm nay. Với đặc điểm của tự nhiên và môi trường sinh tụ của dân tộc đã tạo cho văn hóa Thái nói chung, văn hóa của dân tộc Thái ở Tây Bắc nói riêng, những điểm độc đáo tạo nên bản sắc riêng của văn hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc.Việc giữ gìn một nền văn hóa như nó vốn có đã khó, nhưng tìm những cái hay, cái tốt, cái phù hợp với giai đoạn mới và phát triển nó, làm cho nó phát huy tác dụng mà không làm mất đi bản sắc, cái cốt lõi của nền văn hóa đó là việc làm còn khó hơn nhiều. Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là kế thừa những nét văn hóa có ý nghĩa tích cực thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội. Vì vậy, nói kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở Tây Bắc hiện nay thì trước hết phải xuất phát từ yêu cầu thực tế của từng địa phương mà lựa chọn, để có thể đưa ra những phương hướng và giải pháp khả thi theo thực tế.

Trong lịch sử mấy hàng ngàn năm của dân tộc, các bộ phận người trong nhóm nói tiếng Thái do phát triển theo mạch vừa tụ cư - định cư vừa di cư - lan tỏa từ khắp các địa bàn rộng lớn. Chính điều này đã làm cho họ luôn phải tiếp xúc với mọi loại hình ngôn ngữ, văn hóa của những người thuộc nhóm tộc khác mình. Trong bối cảnh đó, người của nhóm tiếng Thái vừa theo mạch vừa bảo lưu những nét cơ bản nhất của ngôn ngữ, văn hóa mang tính gốc gác nhóm tiếng Thái. Vừa mở rộng vừa tiếp thu, chọn lọc nhuần nhuyễn mọi luồng, làm cho ngôn ngữ, văn hóa của mình luôn đổi mới, khác với những biểu hiện của nhóm tiếng Thái xưa. Chính điều này, đã hình thành quy luật phổ biến về sự phát triển văn hóa lịch sử của tất cả những người thuộc nhóm tiếng Thái: Từ một cội nguồn chung ngôn ngữ, văn hóa dần vỡ ra để tạo thành từng luồng lan tỏa đi khắp nơi, đến khi ngưng tụ tại nơi nào đó thì địa văn hóa mang màu sắc Thái xuất hiện. Trên cơ sở đó, cộng đồng tộc người với sắc màu ngôn ngữ, văn hóa riêng mới trải ra ở nhiều quốc gia khác nhau. Các cộng đồng như thế, cho dù có phát triển thành quốc gia dân tộc như người Lào và Thái Lan chăng nữa, ta vẫn thấy những nét Thái rất đặc trưng. Với bản lĩnh của một dân tộc qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dân tộc Thái đã khẳng định được vị trí của mình và khẳng định một nền văn hóa Thái với những đặc trưng của một nền văn hóa thung lũng, trên đó hình thành một hệ thống các giá trị văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của nhiều nhân tố khác nhau cho nên kinh tế - xã hội Thái có những biến đổi về mọi mặt…Đặc biệt, là xu thế toàn cầu hóa cũng như cơn lốc của cơ chế thị trường đã dần đi vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, thì đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc cũng bắt đầu tiếp cận với xu thế chung này. Bên cạnh rất nhiều những ưu thế mà nó đem lại cho đời sống của họ, thì mặt trái của nó cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần, cũng như tộc người này đang đứng trước những nguy cơ đe dọa về sự mai một của bản sắc văn hóa dân tộc. Đứng trước thực trạng đó, các cấp ngành trực tiếp và liên quan tới văn hóa và các hoạt động văn hóa, cũng như chính quyền địa phương các tỉnh Tây Bắc đã có chủ trương, những chương trình nhằm giữ gìn, phục hồi một số giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trong khu vực. Song, trên thực tế việc triển khai thực hiện diễn ra rất chậm chạp, chủ yếu mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Do đó việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có dân tộc Thái) vẫn đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc.
Thực trạng của việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở Tây Bắc hiện nay (Qua thực tế ở tỉnh Sơn La) Là người chủ đã sáng tạo ra văn hóa thung lũng, người Thái đã có nhiều thế kỷ sống hòa vào trong sự cân bằng của môi trường tự nhiên, và tạo lập được hệ sinh thái nhân văn của mình. Người Thái xưa với mô thức khai thác theo truyền thống cổ truyền hết sức hợp lý, vừa khai thác vừa đảm bảo được sự tái hiện thiên nhiên với dáng vẻ tự nhiên vốn có của nó. Các nhu cầu của cuộc sống con người lấy từ nguồn thiên nhiên chứng tỏ vừa đủ để xã hội tồn tại và phát triển. "Vì thế có thể nói rằng, cho đến năm 1954, cộng đồng người Thái đã tạo lập được hệ sinh thái nhân văn của mình khá hoàn hảo. Điều đó có thể thấy rất rõ trong những điều khoản quy định phân vùng đất đai thành lệ luật bản mường. Nhưng kể từ khi có nương rẫy, mô thức văn hóa thung lũng luôn biểu hiện tính hai mặt: một mặt, nó đã đem lại cho con người khá nhiều sản phẩm, kể cả nhu cầu về lương thực mà đồng ruộng không đáp ứng được. Nhưng mặt tiêu cực của nó lại lớn hơn rất nhiều, đó là sự triệt phá rừng bừa bãi chỉ biết tước bóc tự nhiên, không cho nó có sức hồi sinh vô tận. Bên cạnh việc khai thác, do nhu cầu của đời sống con người đã phá vỡ thế luân canh truyền thống, rừng xanh bị san trụi, đã làm cho sự cân bằng hệ sinh thái nhân văn của thung lũng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ một cách nghiêm trọng. Có thể thấy rất rõ điều này trong những năm gần đây. Văn hoá thung lũng được hình thành trong thời kỳ tiền công nghiệp đã bị lung lay đến tận gốc, do nạn bùng nổ dân số theo tự nhiên và cơ học. Xưa, "đất rộng người thưa" thì ngày nay "người đông đất chật". Những năm gần đây, tỉ lệ sinh của người Thái rất cao (Năm 1995 người Thái ở miền Tây Bắc mới có 22 vạn người, thì ngày nay riêng dân số Thái ở một tỉnh Sơn La đã có ngót 52 vạn) lại cộng thêm cả bà con người Kinh tới cộng cư trong thung lũng lòng chảo ngày càng tăng nhanh. Với một trình độ văn hóa thấp, nhận thức còn hạn hẹp, nghèo đói buộc người ta phải phá rừng để trồng lúa và hoa màu, tự túc lương thực tại chỗ đã làm cho văn hóa thung lũng đứng trước nguy cơ bị phá hủy. Người Thái bước vào cơ chế thị trường trong tình trạng thiên nhiên bị tàn phá trầm trọng. Trước tình hình đó, mặc dù đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, của nạn khai phá rừng một cách bừa bãi dẫn tới thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Họ đã sớm có ý thức khẩn trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm cứu vãn môi trường tự nhiên. Tình trạng phá rừng của chính quyền, khai thác lâm sản một cách tùy tiện không ngăn chặn. Trong 5 năm (1996-2000) tỉnh Sơn La đã trồng mới được gần 5 vạn ha rừng, thì lại khai thác trên 20 vạn ha rường, nhu cầy kinh tế của nhà nước quá lớn trong khi ấy rừng có hạng, đặc biệt nhân dân khai thác đất không đáng kể bởi chỉ bằng con số thừa của nhà nước.

Văn Hóa Tây Bắc

Saturday, March 26, 2016

Sơn La bản sắc nhạt phai


Những phụ nữ Thái Đen bán hàng ở chợ Sơn La.

Nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng vừa có chuyến đi khảo sát vùng Tây Bắc. Dưới đây là ghi nhận của ông từ vùng Sơn La và những biến đổi của miền đất này sau ba thập niên.

Sau 30 năm tôi mới quay lại Sơn La. Những cánh rừng già và những nếp nhà sàn người Thái to rộng đã biến mất, đó là một thực tế phải chấp nhận, cũng như thay vì đi từ Hà Nội - Sơn La mất hai ngày đường xưa kia thì bây giờ mất tám giờ thôi.
Thành phố Sơn La thay đổi hoàn toàn khiến tôi không nhận được ra những vẻ cũ, trừ di tích nhà tù Sơn La trên ngọn đồi cao có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố dưới những dãy núi đá rất đẹp. Ban đêm thành phố vẫn còn nhiều quán ăn và nhiều thanh niên đi chơi.
Nhà sàn chỉ cho một thế hệ
Những nếp nhà sàn bản người Thái Đen ở gần thành phố và những huyện xung quanh có lẽ thuộc thế hệ năm 2000. Chúng nhỏ hơn, xộc xệch, lợp bằng mái tôn hoặc fibrô ximăng, chỉ dùng cho một thế hệ - tức là một gia đình nhỏ, chứ không phải đại gia đình người Thái như xưa kia. Xen lẫn đó là những nhà xây.
Đời sống của những người dân Thái cũng không đồng đều, có người giàu, rất giàu, xe ôtô đẹp đắt tiền, còn phần lớn nghèo, có người nghèo hơn mức tưởng tượng, đó cũng là kết quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, không thể bình quân như thời đầu hòa bình (năm 1955) hay thời bao cấp.
Ở thành phố Sơn La và những bản lân cận, hiếm thấy một phụ nữ Thái nào ăn mặc hoàn toàn truyền thống. Họ chỉ mặc váy theo lối cũ, còn trên là áo kiểu thông thường, duy chỉ có cái tằng cấu là vẫn thế, tức những phụ nữ đã có chồng thì búi tóc cao thành một búi lớn trên đỉnh đầu (người chưa có chồng thì búi sau gáy).
Người có chồng thường phải làm ăn buôn bán, chạy chợ, họ đi xe máy, đội mũ bảo hiểm nhưng thòng dây dài để đội cho cả tằng cấu, nên thực chất mũ bảo hiểm che cho cái búi tóc nhiều hơn. Đó là tập tục, người phụ nữ Thái Đen không muốn thay đổi. Tôi thấy rất nhiều phụ nữ Thái Đen gánh chút hàng ra chợ, vài mớ rau, vài bắp ngô, đòn gánh chỉ là một cây bương nhỏ, họ đi lại rất thong thả.
Tôi không tưởng tượng được nếu chỉ có chút hàng kia thôi thì họ thu được bao nhiêu tiền, có lẽ là một hai chục cho một buổi đi chợ. Một người Thái thì thầm với tôi: nếu những cô này bị phạt một lần về giao thông thì đi toi cả nương ngô.

Gốm Thái qua thời cực thịnh
Vùng Mường La nơi có đập thủy điện Sơn La rất vắng vẻ, hầu như không có người ở. Mùa này nước cạn trơ ra những mép nước bên sườn núi. Gần đập vài cây số là thị trấn huyện, tên là Ít Ong, có lẽ là một tên tiếng Thái, không rõ nghĩa gì, mặc dù vậy đây là vùng rất nhiều ong. Thị trấn cũng đơn sơ nghèo nàn, những chủ hàng cơm người xuôi rất đon đả niềm nở mời ăn và mua mật ong. Giống ong ruồi mật trong và có vị mát chứ không đậm đặc như mật ong thông thường.
Vùng Mường Chanh, nơi quý tộc Thái ở cũ, đường đi quanh co rất ngoạn mục, làng bản gần nhau và nghèo. Chúng tôi tìm đến nghệ nhân làm gốm Thái duy nhất tên là Hoàng Văn Nam.
Ông năm nay chừng ngoài 70 tuổi, nhưng còn khỏe, hình như hằng tháng được trợ cấp 250.000 đồng để duy trì nghề này, tuy vậy sản phẩm ông làm ra không nhiều ý nghĩa sử dụng, mà thường được mua làm kỷ vật sưu tập, giá cũng đắt, một đồ gốm cỡ trung bình khoảng 300.000 đồng. Với số tiền đó, người ta mua được năm, bảy món đồ nhựa, nên gốm Thái tự nhiên chết.
Gốm Mường Chanh hoàn toàn là gốm đất nung không men, có màu đen. Lò gốm của ông Nam đào và nung ngay bên sườn đồi. Gốm Mường Chanh có làm bàn xoay, nhưng hình dáng cũng không cân đối lắm do bàn xoay thô sơ, quay không ổn định... Nghề này vốn không thông dụng ở người Thái, mà chỉ được làm thi thoảng.
Năm 1977, do thời bao cấp quá khó khăn nên nhiều nghề cổ phục hồi để tự cung tự cấp, nhiều gia đình bản Thái cùng nhau làm đồ gốm. Khoảng năm 1986 việc làm gốm lại suy thoái do đồ nhựa, đồ sắt nói chung toàn quốc rẻ hơn, tiện dùng hơn chiếm ưu thế. Mười năm đó là thời cực thịnh của gốm Mường Chanh.
Bản sắc xa vời
Dẫn đường cho chúng tôi đi là một bạn nhà báo cũ tên Sơn, rất thông thạo quê hương mình và trước có nhiều bài phóng sự về Sơn La. Hiện hằng năm anh chỉ làm vài món thịt hun khói theo truyền thống ẩm thực Thái. Món thịt hun khói của anh đã nổi tiếng không chỉ ở Sơn La và rất đắt hàng vào dịp tết.
Trên đường về chúng tôi tạt vào một gia đình nông dân dưới xuôi, lưu lạc lên Sơn La lập nghiệp. Gia chủ cho biết ở quê anh rất nghèo, khi mất hết đất nông nghiệp bèn bán nhà được hơn 30 triệu đồng, đưa ba con lên Sơn La thuê nhà gần một trường học, vợ đi bán xôi cho học sinh, chồng bán tạp hóa rong.
Trời đất phù hộ, vùng này cũng dễ sống, anh mua được mảnh đất nhỏ, dựng nhà, sau năm năm kiếm được mảnh đất to hơn nuôi ong lấy mật, hiện kinh doanh mật ong hoàn toàn với hơn 200 tổ. Con cái đã trưởng thành và có cháu để bế bồng hằng ngày. Vợ chồng anh chừng 50 tuổi.

Một quầy hàng quần áo di động do người miền xuôi bán ở Mường Chanh

Trên đường vào các bản Thái, tôi thấy nhà buôn dưới xuôi mang xe tải nhỏ chở quần áo, rồi dựng cửa hàng tạm ngoài đường làng bán rong, vài chục ngàn đồng một áo sơmi. Đời sống cứ thế, không ai chết đói cả, nhưng ai cũng vất vả, còn bản sắc văn hóa có lẽ là câu chuyện ngày càng xa vời.

Phan Cầm Thượng