Lễ cưới là dịp công bố cho họ hàng và người thân hai bên về sự kết hợp
của đôi uyên ương. nên thành phần tham dự được mở rộng, thường là gia
đình, người thân hai họ và bạn bè của cô dâu - chú rể.
Chuẩn bị trước lễ cưới
Với nhà trai, trước ngày đón dâu, người ta sẽ tập cho chú rể nghi thức lạy gia tiên và lạy ông bà cha mẹ.
Ở nhà gái, khi khách khứa đã về hết, khoảng 9, 10 giờ đêm, người ta cử
hành lễ “Lạy xuất giá“. Cô dâu đến trước bàn thờ ông bà tổ tiên lạy bốn
lạy, kế đó lạy cha, mẹ hai lạy, sau đó theo thứ tự từ ông bà bên nội,
bác, cô dượng, chú thím, anh, chị. Tới bên ngoại cũng theo thứ tự ông
bà, cậu mợ, dì dượng… lạy hai lạy. Trong dịp này, những người trong thân
tộc dự lễ “Lạy xuất giá” của cô dâu, đều mừng cho cô dâu nữ trang, quà
hoặc tiền, để làm của hồi môn mang theo về nhà chồng.
Trình tự lễ đón dâu
Lễ xin dâu
Trước giờ đón dâu, nhà trai cử một hai người, thường là bà bác, bà cô,
bà chị của chú rể đưa một cơi trầu, một be rượu đến xin dâu, báo trước
giờ đoàn đón dâu sẽ đến, để nhà gái sẵn sàng đón tiếp. Trường hợp hai
gia đình cách nhau quá xa hoặc quá gần, hai gia đình có thể thỏa thuận
với nhau miễn bớt lễ này hoặc nhập lễ xin dâu và đón dâu làm một.
Lễ rước dâu
Trước khi đi rước dâu, cha mẹ hoặc bậc trưởng họ nhà trai phải kiểm tra,
sắp xếp lại các mâm quả - sính lễ sau đó đậy nắp các mâm quả và phủ vải
đỏ. Cùng lúc đó, chú rể phải thắp nhang để báo cáo cho ông bà tổ tiên
xin phép được xuất gia rước cô dâu về nhà. Đoàn rước dâu của nhà trai đi
thành từng đoàn, các cụ già đi trước cùng với người mang lễ vật. Nhà
gái cho mời cụ già thắp hương vái trước bàn thờ rồi cùng ra đón đoàn nhà
trai vào.
Khi đến nhà gái, đi trước là rể phụ với khai trầu rượu, kế đến là chủ
hôn(có thể là cha mẹ hay trưởng tộc hoặc một người trong thân tộc, vợ
chồng đầy đủ, nói năng hoạt bát), tiếp sau là chú rể, sau chú rể là
những người bưng các mâm lễ vật, và những người đi rước dâu. Vào nhà,
những mâm lễ vật để trước bàn thờ, nhà gái sẽ mời nhà trai ngồi vào
những vị trí riêng biệt, nhất là hai bên sui gia sẽ ngồi đối diện nhau.
Chú rể và rể phụ sẽ đứng gần bàn thờ, khi mọi người ổn định chỗ ngồi
xong, rể phụ sẽ rót rượu ra – Khi rót rượu không bao giờ rót đầy, vì có
người uống, có người chỉ nhấp môi một chút cho phải phép, nhưng dù chum
rượu còn hay không, người rể phụ cũng rót một chút rượu mới – Người chủ
hôn nhà trai xin phép chủ hôn nhà gái để tiến hành cuộc lễ, trước tiên
trình lễ vật là đôi đèn cầy, mâm trầu cau, rượu, trà, bánh mứt, trái cây
sau đó là trình nữ trang và số tiền đồng- là số tiền nhà trai phụ cho
nhà gái làm Lễ Vu quy.
Sau màn chào hỏi và tuyên bố lý do của họ nhà trai, nhà gái cho phép chú
rể được lên phòng đón cô dâu xuống chào họ hàng. Tiếp đến, bố mẹ cô dâu
hướng dẫn cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ nhà gái và hai người
cùng bưng trầu ra mời họ hàng. Bố mẹ cô dâu tặng quà và căn dặn cô dâu
trước khi về nhà chồng khi cả đoàn chuẩn bị rời nhà gái, đưa dâu về. Họ
nhà gái chọn sẵn người đi theo cô gái, gọi là các cô phù dâu.
Khi đoàn rước dâu về tới nhà trai, đại diện nhà trai sẽ giới thiệu các
thành viên tham dự lễ thành hôn và hướng dẫn cô dâu chú rể thắp hương
trên bàn thờ tổ tiên. Tiếp đó, cô dâuvà chú rể sẽ được đại diện nhà trai
tặng quà cưới và đi rót nước mời các vị khách tham gia lễ cưới. Nếu hai
gia đình tổ chức tiệc cưới chung tại khách sạn, nhà hàng thì sau khi lễ thành hôn kết thúc, cả hai sẽ cùng đến tiệc cưới.
Còn nếu hai nhà tổ chức riêng, nhà gái sẽ phát biểu xin phép ra về và
cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống của cô dâu mới.
Lễ lại mặt
Sau đám cưới,
khi cô dâu đã về nhà chồng, mẹ chồng sẽ chuẩn bị một mâm lễ nhỏ để cô
dâu và chú rể mang về nhà gái, làm lễ chào hỏi bố mẹ cô dâu. Đây được
gọi là lễ Lại mặt, hay lễ Nhị hỷ. Thời gian đôi vợ chồng mới cưới về nhà
gái lại mặt là từ 1 đến 4 ngày sau khi thành hôn. Thời gian này tùy
thuộc vào khoảng cách địa lý giữa hai nhà cũng như tùy thuộc vào điều
kiện, công việc của cô dâu chú rể. Nhưng thông thường, nghi lễ này
thường tiến hành vào buổi sáng, hiếm khi để sang tới buổi chiều muộn.
Trước kia, lễ Lại mặt khá cầu kỳ, thường phải có trầu cau, rượu, xôi,
thịt gà hoặc thịt lợn để mang về thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Tuy
nhiên, hiện nay các gia đình đã giản tiện bớt, nhiều gia đình chỉ chuẩn
bị một gói quà gồm bánh kẹo, rượu, thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà
ngoại. Gia đình nào có điều kiện hơn sẽ chuẩn bị một phong bì nhỏ để
thắp hương trên bàn thờ.
Khi về tới nhà cô dâu, bố mẹ cô dâu sẽ làm cơm để mời con rể, đây là bữa
cơm thân mật,chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình thân thiết.
Việc sắp xếp lễ Lại mặt ít hay nhiều, cầu kỳ hay đơn giản tùy thuộc vào
phong cách, nếp sống của từng gia đình. Tuy nhiên, đây được coi như một
phong tục đẹp trong nghi lễ cưới hỏi
của người Việt mà các gia đình nên gìn giữ, duy trì. Bởi lẽ, lễ Lại
mặt mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, như lời nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới
về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà cũng phải quan tâm, chăm sóc tới
gia đình nhà vợ. Đặc biệt, lễ lại mặt sẽ giúp gia đình hai bên gắn bó,
thắt chặt mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu. Nhà gái cũng
sẽ cảm thấy vui vì con gái đã tìm được người chồng ân cần, chu đáo,
được sống trong gia đình nhà chồng hiểu biết, quan tâm tới thông gia.
Ngoài ra, lễ Lại mặt cũng khiến tâm lý cô dâu thấy thoải mái, dù phải xa
gia đình đi làm dâu nhưng vẫn được thường xuyên gặp gỡ cha mẹ và giữ
mối quan hệ gắn bó. Cũng từ đây mà mối quan hệ của đôi vợ chồng mới cưới
thêm bền chặt, gắn bó vì sự ân cần, biết quan tâm của chú rể.
Theo traucau.vn