Đây không phải là một bài viết nhằm “bóc trần” sự thật về cuộc sống sau khi kết hôn
như những bài viết khác. Đây cũng không phải là bài viết để tôn vinh
tình yêu hay hôn nhân, mà chỉ là việc đặt hai vấn đề lên một bàn cân để
chúng ta có thể thấy sự khác biệt nhất.
kinh nghiệm đám cưới, |
Tình yêu và kết hôn khác nhau thế nào?
Một ngày nọ, Plato hỏi thầy giáo của mình: “Tình yêu là gì? Và làm thế nào để con có thể tìm thấy nó?”. Thầy giáo trả lời: “Có một cánh đồng lúa mì rộng lớn ở phía trước. Con hãy đi và đừng ngoảnh lại, và chỉ chọn một thân cây trong số những cây con đi qua. Nếu con tìm thấy được một thân cây đẹp nhất, con đã tìm thấy tình yêu”. Plato ra đi và chẳng bao lâu anh trở về với tay không. Thầy giáo hỏi: “Tại sao con không chọn gì hết?” Plato trả lời: “Bởi vì con chỉ có thể chọn một lần, nhưng con không thể quay đầu lại. Con đã tìm thấy những thân cây tuyệt vời nhất, nhưng không biết nếu có bất kỳ tốt cây nào tốt hơn không. Khi con đi xa hơn nữa, các thân cây mà con nhìn thấy lại không tốt như trước đó, vì vậy con đã không chọn bất kỳ cái cây nào”. Và thầy giáo trả lời: “Đó là tình yêu”.
Lại một ngày khác, Plato hỏi thầy giáo
của mình: “Kết hôn là gì? Và làm thế nào để con có thể tìm thấy nó?”.
Thầy giáo trả lời: “Có một khu rừng rộng lớn ở phía trước. Con hãy đi
và đừng ngoảnh lại. Nếu con tìm thấy được một thân cây cao nhất, hãy
chặt và mang nó về”. Plato ra đi và trở về ngay sau đó.Trên tay anh là
một thân cây không hề cao và thậm chí nó rất bình thường. Thầy giáo hỏi:
“Tại sao con lại lấy một cái cây rất bình thường?” Plato trả lời: “Bởi
vì kinh nghiệm trước đây, con chỉ đi nữa rừng và thấy đây là một cái cây
tốt. Con không muốn bỏ lỡ cơ hội của mình”. Và thầy giáo trả lời: “Đó
là hôn nhân”.
Vì sao người ta vẫn muốn kết hôn?
Có một bộ phim Hàn Quốc, tựa đề là “Vẫn muốn
lấy chồng”, kể chuyện cô gái 35 tuổi tưởng đã ở vậy tới nơi với một tấm
lòng chai sạn và cứng rắn, sau những thất bại ly tan trong tình cảm. Một
ngày nọ, duyên tình cờ, một anh chàng 25 tuổi, đã phải lòng cô, quyết
tâm “cưa đổ” cô bằng đủ mọi cách. Cuối cùng anh thành công, và họ đã lấy
nhau với khoảng chênh lệch là 10 tuổi.
Tôi nhớ trong đó, cô gái có nói một câu “Tình yêu buồn là thế, mà tôi
vẫn cứ muốn được yêu và được lấy chồng. Cuối cùng thì tôi cũng cần một
gia đình mà!”. Câu nói khiến tôi chấn động và suy nghĩ…Chúng ta hãy tưởng tượng, hai con người thuộc hai giới tính khác nhau, thuộc hai gia đình khác nhau, được giáo dục khác nhau, có hai tư tưởng khác nhau, thói quen khác nhau, tính tình khác nhau, mong muốn khác nhau… rồi bỗng dưng họ tự buộc nhau lại bằng một sợi dây tình cảm gọi là “tình yêu” rồi sau đó là kết hôn để sống suốt đời với nhau. Thật là khó tưởng tượng. Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại cái gọi là hôn nhân và những cặp vợ chồng sống trọn đời bên nhau đó thôi. Chỉ bởi vì…
Tình yêu đẹp và lãng mạn đến mấy vẫn có những điều không thể làm được. Tình yêu cho bạn những tin nhắn buổi sáng, còn hôn nhân cho bạn những bữa điểm tâm. Tình yêu cho bạn những phút giây ngọt ngào nhưng xen lẫn cảm giác mạo hiểm, còn hôn nhân cho bạn sự an toàn và bình yên. Nếu đem so tiếp thì tình yêu chẳng là gì khi mà hôn nhân đem lại một mái ấm gia đình, những đứa trẻ, hạnh phúc tuyệt vời khi được nhìn những giọt máu của mình lớn lên…
Nhưng sự thực thì chẳng ai so sánh việc trước
và sau khi kết hôn cả. Những người khi lấy nhau họ nghĩ tới những lý do
khác. Theo thống kê của tạp chí Askmen, đứng đầu những lý do khi một người đàn ông muốn kết hôn là vì điều đó làm họ trở thành một người tốt hơn,
có trách nhiệm hơn. Lý do thứ hai là họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Bất ngờ
nhất là lý do thứ ba, làm họ hấp dẫn và cuốn hút hơn. Các thống kê về
hôn nhân cũng cho thấy rằng, khi người đàn ông kết hôn, công việc của họ
cũng thành công hơn, và họ kiếm ra nhiều tiền hơn. Ở phái nữ, những lý
do này hoàn toàn khác. Họ lấy một người có thể cho họ một chỗ dựa vững chắc về tinh thần lẫn vật chất.
Họ cảm thấy đây là người đàn ông của mình và họ chỉ có thể sống với
người mà đem lại cảm giác an toàn và che chở cho họ suốt quãng đời còn
lại. Lý do thứ hai để họ kết hôn là vì họ cần một sự cam kết giữa họ và người yêu. Và lý do cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến một quan điểm khác sau đây:
Và kết hôn là tiêu chuẩn “thành công” của người phụ nữ
Gia đình là một phần tử của xã hội. Người phụ nữ chỉ cảm thấy được xã hội công nhận một khi đã kết hôn và có một gia đình đầm ấm hạnh phúc.
Đây là một tiêu chuẩn đã ăn sâu vào tiềm thức của bất kỳ một người phụ
nữ nào, ở bất kỳ xã hội nào. Quan điểm này đã trở thành tư tưởng của phụ
nữ Á Đông và là một tư tưởng hết sức cao đẹp và đáng quý trọng.
Một người đàn ông có thể chỉ nghĩ về sự nghiệp
cho tới khi họ 30t. Một người phụ nữ khi bước qua tuổi trưởng thành đã
nghĩ về người chồng và hạnh phúc gia đình sau này của mình. Khi đã “có
tuổi”, họ bắt đầu nghĩ về con cái và cả việc dựng vợ gả chồng cho chúng.
Cuộc sống hiện đại ngày nay đã thoáng hơn trong
suy nghĩ, nhưng người phụ nữ độc thân vẫn mang nặng tâm lý “lạc lõng”.
Nếu chưa kết hôn sẽ bị “giục cưới”. Nếu chưa muốn cưới sẽ bị xem là “có
vấn đề”.
Hôn nhân có thật sự đem lại hạnh phúc?
Không phải đời sống hôn nhân lúc nào cũng
toàn màu hồng. Khi hôn nhân trở thành một đề tài nhạt nhẽo và đáng sợ
nhất trên các phương tiện truyền thông thì tình yêu lại lấy lại vị trí
của mình.
Khi nói đến hôn nhân, người ta thường buộc cho
nó là thủ phạm làm mất đi nhiều điều hấp dẫn của tình yêu. Tuy nhiên tất
cả có thể đặt chung lại dưới một cái tên đó là sự thay đổi về lối sống.
“Hầu hết các cố vấn hôn nhân đều cho rằng đa số
những trục trặc, rạn nứt trong gia đình là do hai bên không “giao tiếp
và truyền thông (communicate)” với nhau, khiến cho người nầy không hiểu
người kia. Thật sự không phải vậy, có lẽ cả hai đã “truyền thông” với
nhau quá nhiều cho nên không còn gì để nói nữa. Họ trở thành hai người
xa lạ sống chung trong một mái nhà. Tại sao? Lý do chính như sau: Sau
khi thành vợ chồng, cả hai đều tăng trưởng về nhiều phương diện trong đó
có tình cảm, kiến thức (knowledge) và khát vọng (aspiration). Nếu cả
hai đều tăng trưởng cùng chiều thì tốt, bằng không cả hai đều tăng
trưởng theo hai hướng khác nhau, khoảng cách tình cảm và hiểu biết giữa
họ càng ngày càng lớn, khiến hai người tuy sống chung nhưng xa cách nhau
như hai thế giới riêng biệt.” (An Giang – TLVN).
Thực tế cho thấy, hôn nhân không còn là đề tài
của những tư tưởng lãng mạn và bay bổng. Người ta lấy nhau vì áp lực của
xã hội lẫn nhu cầu có một mái ấm gia đình, một nơi để đi về và một chỗ
dựa vững chắc nhiều hơn. Thế nhưng những ai phủ nhận sự tồn tại của cả
hai tình yêu và hôn nhân tồn tại song hành thì vẫn chỉ là những người tự
lừa dối chính bản thân mình. Nếu như tình yêu là một công việc
“freelance” (tự do), thì hôn nhân là một “full-time job” (toàn thời
gian) mà bạn phải lao động và làm việc cật lực mới gặt hái được kết quả
xứng đáng. Nếu có tình yêu mà không chăm sóc nó thì một ngày nào đó cũng
sẽ héo mòn. Đừng vội đổ lỗi cho hôn nhân.
Theo marry.vn