Dân tộc Thái có cả một kho tàng văn học dân gian quý báu ca ngợi tình yêu đôi lứa.
Dân tộc Thái có cả một kho tàng văn học dân gian quý báu với truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ… làm say đắm bao thế hệ người nghe.
Người Thái có vốn văn hóa dân gian rất phong phú và đặc sắc. Về cơ bản, văn học Thái được thể hiện qua các lĩnh vực như: Các câu truyện thần thoại, các câu truyện cổ tích, truyện thơ…
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang lưu giữ một số tác phẩm còn nguyên vẹn qua các bản ghi chép bằng chữ Thái cổ trên giấy bản, giấy dó hoặc trên lá cây. Đây thực sự là những tác phẩm văn học cổ từ nội dung đến hình thức, trong đó một số tác phẩm đặc sắc về chủ đề tình yêu đã để lại rất nhiều ý nghĩa cho thế hệ sau, phải kể đến hai tác phẩm: "Xống chụ xon xao" và truyện "An Đức".
Tác phẩm "Xống chụ xon xao" là một truyện thơ, nổi tiếng có giá trị văn hóa cao, được nhân dân Thái yêu mến, say mê, là niềm tự hào của dân tộc Thái. Sức lôi cuốn của Tiễn dặn người yêu có thể được thấy qua câu ca từ từ xưa của người Thái: "Hát Tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, anh đi cày, quên đi cày…".
"Xống chụ xon xao" kể về một đôi trẻ lớn lên rồi họ yêu nhau. Trong hạnh phúc tình yêu họ cảm thấy nhiều lo ngại. Chàng trai chạy vạy tìm sắm lễ vật, rồi tìm đến xin ở rể nhà cô gái. Nhưng cha mẹ cô chê anh nghèo hèn, không nhận lời. Cùng lúc đó, một người trai khác cũng đến xin ở rể. Cha mẹ cô bằng lòng ngay.
Khi cô gái biết chuyện thì mọi việc đã thu xếp xong. Cô hết sức đau đớn, nhà cô có người ở rể - cô đã có chồng. Nhận được tin này, chàng trai đau khổ vô cùng. Anh quyết chí đi buôn làm giàu, dặn cô gái dù thế nào cũng chờ và tin ở anh.
Sau một thời gian, nhà chồng đuổi cô về nhà mẹ đẻ. Cô vừa về lại có người đến hỏi, cha mẹ bán đứt cô cho một gia đình cửa quan. Ở đây cô càng khổ hơn. Họ lại đem cô ra chợ bán rao với giá chỉ "một cuộn lá dong đổi lấy người"... Và rồi người đổi lấy cô với giá như thế chính lại là người yêu cũ của cô. Bây giờ anh đã có nhà cao cửa rộng. Đôi bạn tình nhận ra nhau. Anh quyết định lấy cô làm vợ.
Tác phẩm thứ hai, Tập truyện An Đức là một bài trường ca trong tình yêu bất hủ của chàng trai An Đức với nàng Chiêu Nghĩa. Cuộc sống hạnh phúc của họ chỉ được trong khoảnh khắc ngắn ngủi thì một kẻ gian ác có quyền thế tên Cửu Hoa đến giết hại chồng nàng rồi cướp nàng Chiêu về làm vợ.
Từ đó, cuộc sống tủi nhục bất hạnh của nàng trải qua năm tháng triền miên cộng với sự nhớ nhung chồng cũ An Đức của mình, nàng đã tự sát mong kiếp mới được gặp lại chồng cũ. An Đức bị giết hại oan ức, đổi kiếp tái sinh lên trời đã được đức chúa trời hiểu thấu và sai người tìm nàng Chiêu cho An Đức.
Trải qua những lần tìm kiếm…, khi trở lại cõi trần với quê hương bản mường yêu quý của mình, An Đức và Chiêu Nghĩa không những là tình thủy chung trong sáng mà còn là tình thương nghĩa nặng.
Chàng An Đức và nàng Chiêu Nghĩa đã được dân qúy trọng phong tặng ngai vua và từ đó những bất công, bất hạnh đã không còn nữa, dân bản mường đâu đâu cũng được hưởng cuộc sống yên vui từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong kho tàng văn học của người Thái còn rất nhiều tác phẩm được lưu truyền làm say đắm bao nhiêu thế hệ người đọc, người nghe. Góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Dân tộc Việt Nam.