Thuận Châu là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, là nơi quần cư của cộng đồng 6 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm chủ yếu. Thuận Châu là miền đất có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng thông qua các hoạt động tín ngưỡng, các phong tục tập quán và các lễ hội dân gian đặc sắc của mình.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số lễ hội đã và đang được khôi phục lại. Những lễ hội đó đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm nay, được lưu truyền qua bao thế hệ, cho đến hôm nay vẫn được đồng bào các dân tộc bảo tồn và phát triển. Tùy theo tính chất và mục đích, ý nghĩa của lễ hội, bà con tổ chức thành quy mô khác nhau, theo định kỳ hằng năm, hoặc từ 3 đến 5 năm tổ chức một lần.
Lễ hội Xên Lẩu Nó
Những năm gần đây, vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp chính quyền quan tâm. Để tránh thất truyền, nhiều lễ hội đã được khôi phục. Lế hội Xên lẩu nó đã được tổ chức tại bản Mòn xã Thôm Mòn, Bản Nhộp xã Chiềng Bôm, bản Cóng xã Phổng Lăng và một số bản ở xã Phổng Lập. Lế hội Xên Lẩu nó là nghi lễ quan trọng của người Thái đen mà bản chất nhằm tri ân công đức những thầy cúng đã chữa khỏi bệnh cho mọi người, đặc biệt là những người từng bị bệnh nặng đã khỏi, được coi là những con đẻ "Lụ hỏi" và những người bệnh nhẹ đã chữa khỏi được coi là con nuôi "Lụ liểng" gửi áo hồn chủ thờ cúng tại nhà thầy mo. Đồng thời đây cũng là ngày hội lớn của cộng đồng, thu hút được mọi đối tượng tham gia, bởi ý thức tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc, mọi người được gặp gỡ chan hòa cùng người thân, bạn bè, mừng cho nhau tai qua nạn khỏi và tham gia các trò chơi, điệu xòe truyền thống. Lễ hội "Xên Lảu nó" bao giờ cũng được tổ chức tại nhà "Mo một" trường gọi là thầy cúng. Lễ hội này thường được tổ chức vào mùa măng mới nhú hàng năm, khi cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa ban trắng tinh khôi tỏa hương thơm mát, các "Lụ hỏi" và các "Lụ liểng" đem lễ vật đến nhà thầy mo tạ ơn tái sinh. Những người này gửi áo đã mặc, tức là áo mang con vía của mình treo ở bàn thờ của thầy mo ngay từ khi đặt niềm tin vào tài năng và đức độ của thầy mo để được thường xuyên cầu cúng mong cho khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tán. Đến khi người bệnh hoặc chính thầy mo qua đời, người bệnh hoặc người nhà phải đem lễ vật đến xin về. Tùy theo người đã từng có bệnh nặng hay nhẹ mà lễ vật là lợn hay gà, ngoài ra còn có khăn piêu, rượu, hương, nến, rau rừng, xôi tổng hợp, đặc biệt không thể thiếu măng rừng để tượng trưng cho sự hồi sinh, mạnh khỏe sau khi được chữa khỏi bệnh. Những người từng bị bệnh nặng còn đem theo một cây "báng" để cả ngọn cho vào sọt dựng ở bên cạnh bàn thờ tượng trưng cho lễ vật là con trâu đen; cây chuối non cả gốc tượng trưng cho trâu trắng, trên đó có treo quả Còn tượng trưng cho con Rồng. Trong truyền thuyết, với người Thái, rồng là con vật đẹp nhất, là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất, tua Còn như tám tia nắng, chín tia mưa, mang theo những hạt giống như lúa, ngô, bông… chờ gieo xuống sinh sôi nẩy nở, tốt tươi.
Lế hội xên bản
Lễ hội Xên bản là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Hàng năm Xên bản được tổ chức vào những tháng đầu năm. Theo phong tục của người Thái, khi cả bản được chuyển về nơi ở mới hay bắt đầu vào vụ gieo hạt, dân bản tổ chức Lễ Xên bản để cầu may mắn. Để chuẩn bị cho lễ hội, dân bản cử đại diện là người cao tuổi trong bản, được nhân dân tín nhiệm đi mời thầy mo về cúng. Từ sáng sớm, ở hai lối vào và ra của bản người ta dựng hai cổng tre, cử người canh gác nghiêm ngặt không cho khách vào bản trong thời gian tế lễ. 8 giờ sáng, thầy mo bắt đầu làm lễ cúng dưới gốc cây to đầu bản. Lễ vật gồm một đầu lợn (phải là lợn đen), hai con gà, một quả trứng, bát gạo, hương, nến. Thầy mo lấy một bung thóc, một chiếc chài quăng cá, một chiếc búa đặt lên bàn cúng rồi đọc tục mo (lời cúng) cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua đuổi tà ma, đem lại sức khỏe, cuộc sống ấm no cho mọi nhà. Sau đó, thầy mo lấy một đoạn tre, bổ đôi rồi tung lên. Khi hai mảnh tre rơi xuống nếu một úp một ngửa, đó là điềm tốt, lời cầu khấn đã được Giàng chấp nhận. Lễ xong người đại diện mang mâm lễ vật về nhà, lấy một chum rượu cần mời thầy mo và bà con dân bản cùng ngồi ăn uống vui vẻ. Lễ Xên bản thường kèm theo hội đánh trống, ném còn, chơi kéo co. Sau lễ Xên, bà con trong bản ra đồng cày bừa, xuống mạ, bắt đầu một vụ lúa mới. Lễ hội đã được tổ chức tại bản Lạn Bóng xã Tông Lạnh, bản Quỳnh Châu xã Phỏng lái, bản Mỏ xã Chiềng Bôm, bản Nộc Cốc xã Long Hẹ.
Lế hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú,
Sau một thời gian bị mai một, lễ hội này đã được phục dựng ở bản Nà Trạng, bản Tịm Khem, bản Lựu xã Chiềng Bôm; bản Nong ỏ xã Púng Tra. Thường thì cứ vào rằm tháng 9 (âm lịch) hàng năm, khi mà trên khắp cánh đồng lúa của bản đã chín vàng, bà con gặt hái về làm Khảu hang (dạng cốm) để tổ chức lễ mừng cơm mới. Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Khơ Mú, trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm "Khảu hang" phải là lúa nếp ngon. Người ta chọn những bông lúa hạt to, mẩy tuốt về xôi lên, phơi khô rồi đem ra giã bằng cối giã gạo, sau đó lại xôi lên. Khi xôi chín, một bà cụ trong bản đã được lựa chọn, phân công từ trước mang "khảu hang" đã được sôi chín cùng con gà, lợn con, ruợư, hương, hoa mang ra đầu bản cúng, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người người khoẻ mạnh, nhà nhà no ấm, sau đó cùng lên nhà trưởng bản ăn uống, múa hát vui vẻ.
Do nhiều yếu tố, các lễ hội dân gian ở huyện Thuận Châu chưa được tổ chức thường xuyên, chưa nâng tầm lên thành lễ hội truyền thống. Nguyên nhân chính không phải do yếu tố kinh phí mà phần lớn, do lễ hội còn nặng về phần lễ, chưa coi trọng phần hội, dẫn đến thiếu tính hấp dẫn và sự phong phú, đa dạng mà người ta cảm nhận được từ lễ hội. Hầu hết các lễ hội còn đơn điệu về nội dung và hình thức. Phần lễ được chắp vá, chưa thống nhất nội dung, thiếu kịch bản xuyên suốt; sự gắn kết giữa phần lễ và phần hội còn nhiều bất cập, nhất là mục đích, ý nghĩa sâu xa của lễ hội tác động lên thực tiễn cuộc sống chưa thực sự thuyết phục. Phần hội, thiếu hẳn các nghi thức vệ tinh xung quanh, ngoài khua trống, đánh chiêng, múa xòe, múa sạp, uống rượu cần, kéo co, đẩy gậy... cần có thêm các tiết mục hát đối, câu khắp; tổ chức thi giọng hát hay tiếng dân tộc; thi thổi khèn và các nhạc cụ dân tộc; thi trình diễn trang phục dân tộc; thi các món ăn truyền thống; thi làm sản phẩm, quà lưu niệm mang đặc trưng vùng miền. Mặt khác, cần có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về lễ hội; có sự chuẩn bị dài hơn về điều kiện cơ sở vật chất, phục vụ trong tuần diễn ra lễ hội. Đồng thời, ngoài sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, các lễ hội cần từng bước xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, nhất là việc đầu tư vào phần hội, thí điểm xây dựng mô hình.
Một số văn hóa ẩm thực đặc sắc ở Thuận Châu.
Trong dân gian, từ quá trình lao động và sản xuất, người dân Thuận Châu có hàng trăm món ăn được sáng tạo từ những sản vật sẵn có ở địa phương để phục vụ cuộc sống con người đã được lưu giữ và truyền lại cho lớp lớp con cháu như là di sản quý báu về văn hóa ẩm thực quê hương.
Nhắc đến văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu, không thể không nhắc đến những món nướng của đồng bào dân tộc Thái, đó là các món được chế biến từ thịt trâu, thịt bò, cá, gà được đồng bào tẩm, ướp gia vị rồi kẹp bằng thanh tre bổ đôi để nướng. Gia vị để ướp là "mắc khén", ớt, tỏi, gừng, muối. Khi nướng cũng phải có kỹ thuật, nướng bằng than hồng, và xoay kẹp nướng liên tục để khỏi bị cháy. Đặc trưng nhất là món “lam nhọ”, đó là các món thịt gia súc, gia cầm hay thủy sản băm nhuyễn hoặc thái miếng nhỏ ướp gia vị, cho ít bột gạo nếp, rồi cho vào ống tre để nướng trên than hồng, khi chín thịt rất mềm và thơm, ăn không ngán. Món cá nướng cũng rất hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món cá "pỉnh tộp" cũng là cá nướng, nhưng thường dùng cá to như chép, trôi, trắm... mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ, tẩm ớt tươi nướng, mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, dùng để uống rượu rất độc đáo. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món "pa giảng" là cá hun khói. Do đặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi. Và ở bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu. Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món luộc, món hấp, hương vị thơm ngon. Từ thịt, cá, người dân Thuận Châu còn có các món lạp, luộc, canh chua... với vị ngon đặc trưng. Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào "ép khẩu" hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi. Mùa nào thức nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt, rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị gọi là "Chẳm chéo" đậm đà vị cay của ớt, tỏi, riềng, vị mặn của muối rang, hương thơm của rau làm biết bao người phải ngẩn ngơ khi đã một lần nếm thử.
Nhắc đến văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu, không thể không nhắc đến những món nướng của đồng bào dân tộc Thái, đó là các món được chế biến từ thịt trâu, thịt bò, cá, gà được đồng bào tẩm, ướp gia vị rồi kẹp bằng thanh tre bổ đôi để nướng. Gia vị để ướp là "mắc khén", ớt, tỏi, gừng, muối. Khi nướng cũng phải có kỹ thuật, nướng bằng than hồng, và xoay kẹp nướng liên tục để khỏi bị cháy. Đặc trưng nhất là món “lam nhọ”, đó là các món thịt gia súc, gia cầm hay thủy sản băm nhuyễn hoặc thái miếng nhỏ ướp gia vị, cho ít bột gạo nếp, rồi cho vào ống tre để nướng trên than hồng, khi chín thịt rất mềm và thơm, ăn không ngán. Món cá nướng cũng rất hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món cá "pỉnh tộp" cũng là cá nướng, nhưng thường dùng cá to như chép, trôi, trắm... mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ, tẩm ớt tươi nướng, mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, dùng để uống rượu rất độc đáo. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món "pa giảng" là cá hun khói. Do đặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi. Và ở bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu. Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món luộc, món hấp, hương vị thơm ngon. Từ thịt, cá, người dân Thuận Châu còn có các món lạp, luộc, canh chua... với vị ngon đặc trưng. Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào "ép khẩu" hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi. Mùa nào thức nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt, rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị gọi là "Chẳm chéo" đậm đà vị cay của ớt, tỏi, riềng, vị mặn của muối rang, hương thơm của rau làm biết bao người phải ngẩn ngơ khi đã một lần nếm thử.