Từ ngàn xưa, dân tộc Thái có truyện thơ lịch sử, kể lại quá trình thiên di của dân tộc vào Tây Bắc như "Táy pú xớc" hay "Quắm tố mương".
"Quắm tố mương" (chuyện bản mường) thường được các bậc cao niên hay Mo then kể lại cho con cháu nghe. Lời hát của các Mo then trong lễ cúng hồn giống như một áng du ký ca đầy hình tượng đẹp được diễn tả bằng văn phong trau chuốt. "Quắm tố mương" kể lại khung cảnh thời xa xưa cùng lịch sử thiên di của dân tộc Thái đen vào Tây Bắc.
Theo huyền thoại dân tộc Thái thì tổ tiên của họ là Tạo Xuông, Tạo Ngần từ trên trời xuống Mường Bôn, tức mường dưới trần gian. Hai anh em đi đến núi "Keo Ưởng, Thi Thốp, Thi Thưa" thì bị chặn lại vì 2 hòn đá ngày đêm đập vào nhau kêu công cốc (như trâu bò nhai lại cỏ). Muốn đi qua núi "Keo Ưởng" phải lạy thần núi, xin 2 hòn đá ngừng đập mới qua được. Sau đó họ phải vượt qua con sông rộng, lắm sóng dữ, ghềnh thác. Qua con sông là đến địa phận của trần gian. Khó khăn là thế nên tên thần thoại của dòng Nặm Tao là dòng "Nặm Ta Khôm, Nặm Ta Khái" (tức là sông Đắng – sông Xối).Theo các nhà dân tộc học thì dòng Nặm Tao là con đường mà tổ tiên dân tộc Thái thiên di vào Việt Nam từ thế kỷ XI-XIV do hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần ngành Thái đen, thiên di xuống khai phá miền Mường Lò. Cháu Tạo Ngần là Lò Lạng Chượng, con trai thứ 7 của Lò Cầm Quảng, thủ lĩnh người Thái ở Mường Lò thuộc tỉnh Lào Cai ngày nay. Sau khi chia bản, phân mường cho 6 anh cai quản, Lạn Chượng là con út nên không có phần. Lạng Chượng xin cha dẫn 1 ngàn quân sĩ văn võ song toàn đi tìm đất, tìm mường cai quản. Trong cuộc hành trình, Lạng Chượng cầm binh đánh thắng các bộ tộc Nam Á. Truyền thuyết dân tộc Thái kể rằng: "Quân Nam Á có tên làm bằng đồng sắc nhọn, quân Lạng Chượng chỉ có tên tre. Lạng Chượng mới lập mưu thách nhau bắn xem tên ai cắm vào đá là thắng. Quân Nam Á bắn tên đồng vào đá thì bật ra, quân Lạng Chượng nạp cụm sáp ong vào đầu tên tre nên bắn vào đá thì dính. Quân Nam Á chịu thua, phải để quân Lạng Chượng chiếm đất, còn quân Nam Á phải chạy vào rừng sâu mà ở".
Đội quân của Lạng Chượng tiến đến Mường Quài, huyện Tuần Giáo ngày nay, rồi vào Mường Phăng, đứng trên đỉnh Pú Phạ nhìn xuống, Mường Theng hiện ra trước mặt. Đất ấy, tên người Thái đặt nghe rất huyền thoại Mướng Theng là Cõi Trời (do ông trời làm chủ) là Mường Thanh ngày nay. Trong "Quắm tố mương" có đoạn viết:
"Đất Mường Theng rất tốt
Có con suối chảy giữa cánh đồng
Làm ruộng một vụ ăn cả năm
Mường này làm ta yêu mến
Mường tròn tựa vành nong
Lượn cong như sừng trâu
Mường này tốt Pú ở
Mường rộng Pú mới ăn...".
Nhiều năm sau, đất Mường Theng trở thành "cố đô" của nhiều đời tù trưởng. Vậy nên, dòng Nặm Tao hiển nhiên là địa đầu phía đông và biên giới Lào là địa đầu phía Tây của vùng văn hoá Tây Bắc.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử cho đến hôm nay, đồng bào dân tộc Thái Mường Thanh đã biến nơi này thành vùng đất giàu có và sầm uất. Đất Mường Thanh là vùng đồng bằng rộng lớn: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Thanh là Mường Thanh, Lò là Nghĩa Lộ, Than là Than Uyên, Tấc là Mường Tấc. Đấy là bốn đồng bằng rộng ở Tây Bắc mà Mường Thanh là nhất. Cánh đồng lúa Mường Thanh, vùng đất thiên thời - địa lợi - nhân hòa ấynổi tiếng với danh gạo tám thơm Điện Biên. Hàng năm, sau vụ thu hoạch lúa mùa, đồng bào dân tộc Thái (Điện Biên) lại tổ chức lễ hội "Lạng Chượng khai phá Mường Thanh" nhằm ôn lại truyền thống, công ơn của cha ông trên con đường khai phá và xây dựng Mường Thanh, nhớ đến công đức của các bậc xây dựng bản mường và cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc. Đến nơi đây, chúng ta bắt gặp những nếp nhà sàn lợp ngói với biểu tượng "khau cút", đó là hai thanh gỗ bắt chéo nhau có chạm trổ hình hoa sen và hai vầng trăng khuyết hướng vào nhau, ngụ ý hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần cùng con cháu của người luôn nhớ đến nhau. Dân tộc Thái (Mường Thanh) còn có những điệu khắp sư (hát thơ) trữ tình với những câu truyện thơ nổi tiếng, hòa trong hồn sương pí thiết tha. Những ngày lễ tết, các bản, các mường rộn vang tiếng trống xoè nồng say cùng các cô gái ngực căng tròn, lộng lẫy trong bộ trang phục thổ cẩm di dự hội... Đó là những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Thái khi đọc đến "Quắm tố mương" để ôn lại truyền thống lịch sử của bản mường. Những nét đẹp đó như những viên ngọc quý, ngày ngày được mài giũa tỏa sáng muôn màu.