Thần bếp được người Thái Đen ở Mường Mít coi trọng không kém gì ma nhà (tổ tiên).
Hiện nay Người Thái Đen ở xã Mường Mít, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn giữ được nhiều tín ngưỡng cổ truyền của cha ông như: thờ ma nhà (phi hươn), thờ ma nhà ngoại (hươn nọi), tín ngưỡng và tục treo "tạy ho"… trong đó không thể không nhắc đến tín ngưỡng thờ thần bếp.
Bếp mang đến sự ấm no, hạnh phúc
Người Thái Đen ở Mường Mít quan niệm thần bếp (phi chi phay) đồng nghĩa với thần lửa (phi phay). Thần lửa giữ vị trí thiêng liêng trong ngôi nhà. Thần lửa giúp sưởi ấm các thành viên gia đình những ngày đông giá lạnh, giúp con người có cơm dẻo canh ngọt để ăn, có rượu ngon để uống… do vậy, đồng bào có nhiều nghi thức cúng thần bếp. Khi ngôi nhà mới vừa hoàn thành, gia đình dọn sang nhà mới và tổ chức nghi lễ cúng thần bếp. Ông cậu của gia chủ trịnh trọng treo lên đầu cột bếp một quả bí xanh vỏ phớt trắng.
Bên bếp lửa hồng...
Già làng Lò Văn Phớ (sinh năm 1930) ở bản Ít, xã Mường Mít cho biết tục treo quả bí xanh trên đỉnh cột bếp xuất phát từ truyền thuyết của người Thái Đen nơi đây kể rằng: "Xưa mắt người sáng chiếu rọi qua ba quả núi, chim muông ở đâu cũng bị người tìm săn bắt bèn lên trời kiện với Then. Then triệu người lên lấy bột gạo xoa vào mắt cho mắt người mờ đi. Khi Then thả người trở lại mặt đất, người không nhìn thấy gì. Thương tình, bí xanh giúp lấy bột gạo trong mắt người ra, nhưng vì sợ Then trách phạt nên bí xanh không dám lấy hết, chỉ lấy đủ cho mắt người nhìn thấy mọi vật xung quanh. Từ đó, người nhìn được, nhưng mắt không còn sáng như xưa, không tinh bằng mắt chim muông. Nhưng cũng kể từ đó, vỏ bí xanh có thêm màu phớt trắng mà không còn xanh tuyền như trước. Nhớ ơn bí xanh, người treo bí xanh lên đỉnh cột bếp để hưởng khói bếp, người ăn thứ gì, bí xanh cũng được hưởng thứ đó". Nhưng cũng có nhà không treo bí xanh mà treo cái đó bắt cá. Già làng Lò Văn Phớ cho biết thêm: "Người Thái Đen ở đây quan niệm của cải làm ra đưa về nhà sẽ được thần bếp giữ hộ. Khi thần bếp nổi giận phát hỏa cháy nhà thì của cải cũng sẽ tiêu tan".
Thần bếp được người Thái Đen ở Mường Mít coi trọng không kém gì ma nhà (tổ tiên). Trong lễ lên nhà mới, cùng với việc dâng lễ cúng tổ tiên (nếu bố mẹ của gia chủ đã chết), gia chủ còn phải dâng lễ cúng thần bếp. Một bà lão giỏi việc bếp núc được gia chủ mời về giúp việc nhóm lửa bếp để lấy phước về sau. Nếu lửa bếp nhóm lên được ngay thì đó là điềm lành, gia đình sẽ làm ăn khấm khá, có của ăn của để, có cơm lành canh ngọt, có rượu ngon, thịt béo… Nhưng nếu lửa vừa nhóm lên đã tắt thì thầy mo sẽ phải thỉnh mời thần bếp từ nhà cũ lên nhập lửa vào bếp ở nhà mới.
Nơi thiêng liêng với những kiêng kỵ
Người Thái Đen ở Mường Mít quan niệm nếu rượu nấu không ngon mặc dù người nấu, nguyên liệu và cách thức nấu rượu không thay đổi hoặc gà ấp trứng nở ít con thì đó là do vía của thần bếp ốm yếu, gia chủ phải sửa lễ mời thầy mo về cúng vía cho thần bếp. Lễ cúng diễn ra bên bếp lửa.
Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài việc lễ bàn thờ tổ tiên còn phải lễ cả thần bếp để thần bếp phù trợ cho việc bếp núc được tốt đẹp. Khi sinh con, sản phụ phải ở cữ 1 tháng gọi là bươn căm (tháng cấm). Trong thời gian đó, sản phụ và trẻ sơ sinh phải ở bên bếp lửa cả ngày lẫn đêm. Người chồng phải trông cho lửa bếp không bao giờ tắt để thần bếp bảo vệ vợ con, không cho các ma ác làm hại. Hết cữ, gia đình chọn ngày lành tháng tốt làm lễ ra cữ cho hai mẹ con và để tạ ơn thần bếp.
Trong nếp sống hàng ngày, những khi mưa to gió lớn, phụ nữ trong nhà lấy đũa cả cắm vào cạnh hòn đá kê làm kiềng bếp ngụ ý mong thần bếp phù hộ cho ngôi nhà được vững chãi trước mưa gió. Vào những ngày đông tháng giá, khi sưởi lửa đồng bào kiêng không đặt chân lên hoặc làm xê dịch hòn đá kê làm kiềng, cũng không được khạc nhổ vào hòn đá ấy; khi ngồi gần bếp không được quay lưng vào bếp. Khi đưa củi vào bếp đun nấu, bao giờ người Thái cũng để trống "cửa" sau của bếp để khi có giặc đến thần bếp sẽ phù hộ cho người nhà có lối thoát thân. Đồng thời, củi đưa vào bếp không được đưa đầu ngọn vào trước vì làm thế con cháu khi sinh sẽ ra ngược. Trên bếp, tai (tay cầm) chảo, nồi… bao giờ cũng phải đặt dọc theo hướng đòn nóc nhà, chỉ khi trong nhà có người chết thì tai chảo, nồi… mới được đặt theo hướng xà ngang để báo với thần bếp rằng nhà có tang.
Cùng với những biến đổi nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là sau khi di dân tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát, nhiều phong tục cổ truyền của người Thái Đen xã Mường Mít đang mai một, nhưng tín ngưỡng thờ thần bếp vẫn được duy trì trong các gia đình.