Cách đây 10 thế kỷ, xòe vốn chỉ là một vũ điệu dân dã được tổ chức trong các dịp lập bản, dựng mường hay trong các dịp lễ hội của người Thái. Ngày nay, xòe đã phát triển thành 36 điệu và trở thành vũ điệu mang tính biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.
Mường So – quê hương xòe Thái
Huyền sử của người Thái vùng Tây Bắc kể rằng, vào khoảng thế kỷ X, vị tù trưởng ở vùng Mường Lò (thuộc địa phận tỉnh Yên Bái ngày nay) là Lạc Trượng dẫn dân đến vùng Mường So (thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu ngày nay) để khai hoang, lập bản. Tương truyền, chính vùng đất mới này là nơi khởi thủy của những điệu xòe nổi tiếng của người Thái vùng Tây Bắc.
Nguyên thủy, xòe chỉ là điệu múa của trai bản và gái mường nắm tay nhau kết thành vòng tròn rồi nhảy theo nhịp. Nhạc cụ đệm cho xòe là đàn tính tẩu kết hợp với trống, nhị, chiêng và thanh la.
Trước năm 1954, cả vùng đồng bào Thái ở xứ Mường So nằm dưới sự cai trị của vua Thái Đèo Văn Ân. Đèo Văn Ân là ông vua đa tình và rất yêu xòe Thái, nên vùng Mường So có hàng trăm đội gái xòe và những lễ hội xòe thường được tổ chức từ ngày này đến tháng khác. Vào những dịp diễn ra lễ hội xòe, trai gái các bản mường người Thái tụ hội về bên bờ sông Nậm Na bắt chuyện làm quen múa xòe, rồi cùng nhau uống rượu ngô thơm lừng. Tiếng hát gọi bạn, tiếng tính tẩu réo rắt dưới ánh lửa bập bùng tạo nên những đêm xòe Tây Bắc đầy mộng mị.
Theo quan niệm của người Thái, trước khi tổ chức hội xòe phải dựng cây nêu được ví như chiếc thang bắc lên trời và dâng các lễ vật để mời thần linh (then), tổ tiên về cùng vui xòe. Ảnh: Thông Thiện
Điệu xòe của các báo sao (người con gái múa) rước, đón các vị thần linh. Ảnh: Trang Linh
Trang phục truyền thống của dân tộc Thái là váy cóm tạo sự mềm mại, thon gọn, uyển chuyển cho những cô gái tham gia xòe. Ảnh: Trang Linh
Khởi thủy, xòe Thái chỉ là điệu múa dân bản nắm tay nhau thành vòng tròn rồi múa theo nhịp chân 2 tiến 1 lùi. Ảnh: Thông Thiện
Điệu xòe hoa ban. Ảnh: Thông Thiện
Một điệu xòe quạt. Ảnh: Trang Linh
Đến những năm đầu thế kỷ XX, từ một vũ điệu dân dã, xòe đã trở thành “vũ điệu cung đình” phục vụ các vị tù trưởng vùng Tây Bắc. Theo nghệ nhân Lò Thị Phẹ (89 tuổi), người con gái xòe cuối cùng còn sống trong đội xòe của vua Đèo Văn Ân khi xưa cho biết, đội xòe xứ Mường So trước những năm đã theo chân người Pháp sang tận Pari biểu diễn xòe hoa, xòe nón, xòe khăn, xòe hoa ban... làm mê hoặc người phương Tây.
Nghệ nhân Lò Thị Phẹ tiết lộ thêm: “Các bậc thần linh, tổ tiên của người Thái chúng tôi sống ở Mường Then (tức trên Trời - PV). Vì thế, trước khi tổ chức tiệc xòe, chúng tôi đều làm lễ dựng cây nêu, hát mời Then (tức ông Trời - PV) về chung vui hội xòe với bà con dân bản”.
Hôm chúng tôi đến, bà Phẹ đang gấp rút tập luyện những điệu xoè cổ cho đội xòe xứ Mường So để chuẩn bị sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc múa hát giao lưu nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Ngày nay, xòe đã phát triển cực thịnh và trở thành “tài sản” chung của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Xòe trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, của những ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc vẫn thường diễn ra hàng năm ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái...
“Tiệc xòe” xứ Mường
Theo bà Đỗ Thị Tấc, nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian tỉnh Lai Châu, xòe chiêng là lễ hội lớn nhất vào mùa xuân của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc nói chung và ở Mường Than nói riêng. Người Thái tổ chức xòe chiêng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và bản làng yên vui. Lễ hội xòe chiêng nổi tiếng đến mức được ví như “tiệc xòe”, bởi những buổi xòe chiêng bao giờ cũng có rất nhiều điệu xòe hấp dẫn, vì thế nó giống như một bữa tiệc có nhiều món ngon vật lạ.
Ở Tây Bắc ngày nay có 4 vùng người Thái cư trú đông đúc đó là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Và đây cũng chính là những vùng có các đội xòe nổi tiếng nhất vùng Tây Bắc.
Mở đầu hội xòe chiêng là tiếng tính tẩu véo von hòa nhịp cùng tiếng cười của gái mường gần, trai bản xa nô nức kéo về. Tiếng chiêng, tiếng trống thúc giục như mời gọi vào hội. Những lúc ấy, không phân biệt là người Thái, người Mông hay Dao… Tất cả cùng nắm chặt tay nhau kết thành những vòng xòe múa nhịp nhàng uyển chuyển theo tiếng nhạc dập dìu. Lớp xòe trong, vòng xòe ngoài lấp lánh ánh cúc bạc áo cóm (trang phục truyền thống của người Thái) nhịp nhàng vây quanh đống lửa, nhìn từ xa như đoá hoa ban khổng lồ bung cánh khoe sắc giữa núi rừng.
Trong đó có những điệu xòe nổi tiếng làm nghiêng ngã núi rừng Tây Bắc như: xòe hoa, xòe vòng, xòe nón, xòe quạt, xòe khăn…
Ngày nay, người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) còn thành lập cả những đội xòe để phục vụ khách du lịch. Ví như ở bản Lác, bản Pom Coọng là hai bản du lịch cộng đồng có tới gần 10 đội xòe.
Bài: Thông Thiện, Ảnh: Trang Linh-Thông Thiện