Chợ phiên Mường Lò
Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học về sự thiên di của các ngành Thái ở Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt qua hai cuốn sử thi của người Thái Đen:
"Quắm tố mương" và "Táy pú xấc", vào khoảng thế kỷ IX đến XI ngành Thái Đen do Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn đường di cư từ Mường Ôm,
Mường Ai đến Mường Lò cư trú và họ đã sáng tạo ra chữ viết để ghi lại những sinh hoạt văn hóa của mình. Chữ viết là phương tiện duy nhất để ghi chép các thông tin kinh tế, xã hội, văn hóa của dân tộc Thái. Và như thế, chữ Thái cổ đã trở thành di sản văn hóa của tộc người và nhân dân Thái Mường Lò.Chữ Thái cổ Mường Lò không có dấu ngắt câu, bởi vậy, các văn bản chủ yếu được viết bằng văn vần, có vần điệu như thơ, có nhạc điệu và tiết tấu rất cao để dễ đọc và dễ nhớ. Bởi vậy, không kể các bài "mo", "then", người Thái có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng nhân dân vẫn dễ dàng thuộc lòng và truyền khẩu như: "Quắm tố mương" – Kể chuyện bản mường; "Táy pú xấc" – Bước đường chinh chiến của cha ông; "Căm Hánh tặp xấc Hán cớ lương" – Cầm Hánh đánh giặc Hán cờ vàng; "Sống chụ xon xao" – Tiễn dặn người yêu; "Khun Lú nang Ủa" – Chàng Lú nàng Ủa; "Tản chụ xống xương" – Tâm tình yêu thương; "Tản chụ xiết xương" – Tâm tình trêu ghẹo yêu thương… Mỗi tác phẩm đều có độ dài hàng nghìn câu trở lên, nhưng hầu hết các thế hệ người Thái đều thuộc lòng và có khả năng "khắp" – hát, hò, ngâm.
Có rất nhiều cách "khắp" các tác phẩm thơ Thái, mà chỉ điểm qua, ta đã thấy sự phong phú đến ngạc nhiên: Nói tới các làn điệu dân ca Thái Mường Lò là nói tới sự phong phú, đặc sắc, không pha trộn mang tính đặc thù địa phương rất cao. Chính các làn điệu dân ca này đem lại sức sống cho hệ thống dân ca Thái Mường Lò. Mỗi làn điệu này không chỉ khác nhau về cách thức thể hiện, nơi thể hiện, nhạc cụ đệm, mà còn gắn với một nội dung hoặc mục đích thể hiện khác nhau.
Ở điệu "khắp xư" – tức là hát thơ, điệu này thường dùng để kể lại một câu chuyện về tình yêu, về lịch sử như: "Sống chụ xon xao", "Khun Lú nang Ủa", "Chương Han", "Quắm tố mương"…, lời khắp thường trầm lắng làm sống lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Lúc nông nhàn, cũng có khi chỉ trong một gia đình, người cao tuổi thường khắp để cho con cháu hiểu, biết sống và biết yêu, có trách nhiệm hơn với quê hương đất nước.
Khi khắp làn điệu này không dùng nhạc đệm, người nghe được lắng trong từng câu khắp trầm trầm, đi vào lòng người. Song cũng có tác phẩm khi thể hiện trong hội cưới, ngày vui lại được thể hiện theo làn điệu "Báo xao" – tức là trai gái hát đối đáp giao duyên, như truyện thơ "Sống chụ xon xao" – Tiễn dặn người yêu, trong tiếng nhạc dặt dìu của "pí pặp", "pí ló"…
Với điệu "Han nê" – tức là ở đây, tại đây, ngụ ý tự hào, chỉ dùng trong Hội xuân chơi hang Thẩm Lé. Giai điệu của làn điệu này dặt dìu, tình tứ, như muốn gửi trao những điều sâu kín của tâm hồn, như tiếng của con tim khát khao cháy bỏng yêu đương. Bởi vậy, khi thể hiện làn điệu này nhạc cụ thường dùng là "pí ló" và nhị – "so lo". Trong lòng hang, những làn điệu nhẹ nhàng tình tứ được âm thanh trong sáng, réo rắt của nhạc cụ thổi hồn, thấm sâu vào lòng đất, rung động mỗi trái tim yêu.
Khi người già đến thăm nhau, trong bữa cơm thân mật lại khắp điệu "Nả lảu". Tuy cũng là "Khắp mơi lảu" – tức hát mời rượu, nhưng lời hát như lắng đọng sự trải nghiệm, sự ưu tư, trăn trở, chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc đời. Song cũng là "Khắp mơi lảu", nhưng khi thanh niên nam nữ đến thăm nhau lại khắp theo làn điệu được gọi là: "Nả lảu khom côn nóm". Lời hát rộn ràng tươi vui, đầy ẩn ý vẫn không kém phần tinh tế và lịch lãm.
Khi ru con, điệu "Xiêng co ók lụk" lại mượt mà, nhẹ nhàng đằm thắm gửi gắm tất cả tình thương yêu vô bờ bến, những lời khuyên răn về đạo làm người, những ước mơ về thế hệ mai sau, như từng giọt sương mai thấm dần vào lòng đất, tưới mát, nuôi dưỡng những hạt mầm từ lúc còn xanh non tơ mới nhú. Ở làn điệu này, các bà mẹ không chỉ hát ru đứa con yêu đã chào đời, mà còn hát ru cả khi con yêu còn trong bụng mẹ như một cách "Thai giáo".
Còn trong làn điệu "Khống khái" – tức là hát đồng dao, lại rộn ràng sôi nổi, không chỉ đem lại niềm vui trong sáng cho trẻ em, mà thông qua đó, chuyển tải những bài học, những kinh nghiệm sống một cách nhẹ nhàng và sâu sắc. Khi khắp làn điệu này, có khi chính nhịp điệu của lời ca đã tạo nên nhạc điệu, nhưng cũng có khi được đệm bằng "Pí ló nhính" – tức là pí ló dành cho nữ giới (loại pí này làm bằng nứa tép, có ba lỗ, khác với pí ló dành cho nam có bốn lỗ), tạo nên sự sôi nổi, nhưng thấm nhuần ý nghĩa nhân sinh…
Có thể kể ra rất nhiều những làn điệu dân ca Thái Mường Lò khác, như: "Khắp một án ní" dành cho bà mo trong những trường hợp như: "Nhá phay" – Lễ thổi sưởi lửa cho sản phụ mới sinh và đặt tên cho cháu bé. "Púk quẩy púk ỏi" – tức là lễ xin số xin tuổi, cầu cho các bậc sinh thành mạnh khỏe, trường thọ. "Tám khuôn quai" – tức cúng vía trâu. "Xên xống khỏi" – giỗ tết…
Mỗi làn điệu cũng có những khác biệt về làn điệu khắp và nhạc cụ đệm. Không những thế, các ông mo, bà mo khi cúng không chỉ khắp những lời mang yếu tố tâm linh huyền bí, mà còn khuyên bảo, động viên mỗi con người phải sống có nghĩa vụ, trách nhiệm, đúng với đạo làm người với các bậc sinh thành, với chồng, vợ, với cộng đồng.
Tóm lại, cùng sự thiên di tìm miền đất mới và công cuộc chống giặc, mở mang bờ cõi và sự phát triển kinh tế – xã hội của một dân tộc có nền văn minh lúa nước phát triển, chữ Thái cổ Mường Lò đã hình thành và phát triển từ rất sớm. Chữ Thái cổ Mường Lò đã góp phần quan trọng vào việc ghi chép, lưu trữ những áng sử thi, những tác phẩm văn học, luật tục… làm phong phú thêm bề dày lịch sử của vùng đất tổ của người Thái đen Tây Bắc, đồng thời tạo điều kiện và chắp cánh cho ngôn ngữ nói và các điệu "khắp" hoàn thiện và phong phú hơn.