Khâu Vai, một chợ tình đang chết... (Đoan Trang) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, May 14, 2016

Khâu Vai, một chợ tình đang chết... (Đoan Trang)

Bên bàn rượu. (Ảnh: Lovea7cva)

"… Mọi thứ đang biến đổi. Sự xuất hiện của những con đường lát gạch và những ngôi trường mới chẳng hạn, đã khiến thanh niên dễ gặp nhau ở bên ngoài chợ hơn, cũng như ngoài cái thời gian họp rất hạn chế của nó..." - Nhà báo Catherine McKinley viết trên tờ Wall Street Journal ngày 11/7, về chợ tình Khâu Vai nổi tiếng của người dân tộc thiểu số ở Hà Giang, Việt Nam.

Mỗi năm vào một ngày mùa xuân, người dân tộc thiểu số sống trên những triền núi xanh rì ở miền Bắc Việt Nam lại mặc trang phục đẹp nhất của họ và đi xuôi xuống một nơi để tham gia lễ hội xuân của họ: Chợ tình Khâu Vai.

Chính ở nơi đây mà người phụ nữ H'mông tên Nhung gặp chồng mình, năm bà mới 17 tuổi. Bây giờ đã lên ngôi bà, trùm lên vai chiếc khăn kẻ ô xanh, bà bảo từ bấy đến nay năm nào bà cũng đi Khâu Vai. "Tôi mong đến ngày họp chợ lắm. Năm nào chúng tôi cũng tới đây gặp bạn" – bà nói, giữa phiên chợ đông đúc, nườm nượp người.
Những buổi sinh hoạt đông người như thế đã một thời rất phổ biến ở các cộng đồng dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam - người Dao, Lôlô, Giáy, H'mông. Địa hình hiểm trở của vùng đất này khiến việc đi lại giữa các bản gần như là không thể, vì thế các phiên chợ là nơi tạo cơ hội cho người ta tìm bạn đời cũng như thắp lại lửa tình cũ. Về sau này, chợ trở thành nơi đơn giản là cho bạn bè gặp gỡ.
Sự xâm lấn của thế giới hiện đại, dưới hình thức những khách du lịch tò mò và những con đường rải nhựa làm cho việc đi lại và đến với nhau được dễ dàng hơn, lại đang hùa vào tàn phá các chợ tình, và chấm dứt một phong tục truyền thống ở vùng đất này của Việt Nam. Một số chợ tình biến dạng thành thứ gì đó chỉ khá hơn cái bẫy khách du lịch một chút. Ở Sapa chẳng hạn, các cặp trai gái thực hiện những hành vi tán tỉnh "theo thủ tục", ví dụ hát đêm hát đối với nhau, sau đó giơ mũ xin tiền boa từ khách.

Khúc tự tình bên hẻm núi. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Khâu Vai là một trong số rất ít chợ tình còn sót lại đến giờ, chỉ do về mặt địa lý, nó ở quá xa. Chợ này nằm cách biên giới Trung Quốc chừng 20 km. Đi từ Hà Nội thì mất khoảng hai ngày để vượt qua quãng đường xấp xỉ 360 km, địa hình xấu, với những vụ lở đất và những anh tài xế xe tải có cú cua xe rất đáng sợ.
Nhưng ngay cả ở Khâu Vai, mọi thứ cũng đang biến đổi. Sự xuất hiện của những con đường lát gạch và những ngôi trường mới chẳng hạn, đã khiến thanh niên dễ gặp nhau ở bên ngoài chợ hơn, cũng như ngoài cái thời gian họp rất hạn chế của nó. Và sự hiện đại mang đến cho Khâu Vai những tốp khách du lịch là dân thành thị. Đối với thế giới hiện có của những cộng đồng dân tộc, thì khách du lịch là người ngoài, và họ đông vượt những người thiểu số vốn đã sinh sống ở Khâu Vai từ bao thập kỷ nay.
Giờ đây, một con đường rải nhựa đã trải dài suốt mấy cây số trong chợ; đoạn còn lại sẽ sớm được hoàn thiện. 5 năm về trước, khi Ruou gặp vợ anh lần đầu tiên ở chợ, họ phải đi bộ tới đây mất một ngày trời. Năm nay, hai vợ chồng (cả hai mới 20 tuổi) mang theo đứa con gái nhỏ về chợ, và chuyến đi của họ chỉ mất một tiếng đồng hồ xe máy.
"Chợ tình đã chết", Jay Her, một người Mỹ gốc H'mông đến từ Minnesota, tuyên bố. Anh đặt chân tới Khâu Vai lần đầu vào năm 1994 để tìm lại nguồn gốc văn hóa của mình. Mùa xuân này anh trở lại cùng đứa em trai và bà mẹ vợ; cả ba đều tỏ ra thất vọng vô cùng. "Trước kia, người ta tán nhau là tán thật. Người già kể lể về cuộc sống, người trẻ gặp nhau và làm quen với nhau", Her nói.
Ngoài màn hát đêm, đối đáp với bạn tình về cuộc sống vợ chồng tương lai, chợ tình theo truyền thống còn có các trò chơi đặc biệt. Có trò chơi trong đó gái trai đứng thành hàng và ném bóng vải vào người nào làm họ để ý. Trò chơi này thường bắt đầu từ chiều tối và tiếp tục suốt đêm sang tận ngày hôm sau.

Đêm Khâu Vai. (Ảnh: GVT)

Theo truyền thuyết, chợ tình Khâu Vai được tổ chức lần đầu năm 1919 để tưởng nhớ mối tình tuyệt vọng giữa một đôi trai gái bị gia đình cấm cản. Chuyện này có hai dị bản, một kết thúc có hậu, một không hậu lắm. Trong dị bản ít có hậu, một chàng trai và một cô gái yêu nhau. Để hai bên gia đình được hòa bình yên ấm, họ không lấy nhau. Tuy nhiên mỗi năm một lần, họ gặp nhau ở Khâu Vai vào đúng ngày họ chia tay: 26/3 âm lịch. Trong dị bản có hậu, đôi trai gái chống lại gia đình, trốn đến Khâu Vai, khi ấy là một vùng đất hẻo lánh nhưng màu mỡ giữa những núi đá cao bao quanh; và họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi.
Cho dù nguồn gốc như thế nào thì chợ tình Khâu Vai cũng là một sự kiện sinh hoạt văn hóa lớn trong suốt thế kỷ 20 ở những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Khâu Vai và huyện Đồng Văn liền kề. "Đó là một truyền thống rất có ý nghĩa, cần được bảo tồn", ông Nguyễn Trọng Báu, một người chuyên viết về các dân tộc thiểu số ở VN, nói. Theo ông, chợ tình Khâu Vai như một hình thức hóa giải những ẩn ức, bế tắc cho cả cộng đồng, bằng cách tạo cho người ta một lối thoát về tình cảm. Những đôi không lấy được nhau còn có cơ hội gặp nhau lần nữa, những cặp nam nữ trẻ tuổi có thể đến đây để tìm hiểu nhau.
Người H'mông di cư từ vùng đất phía nam Trung Quốc đến VN đã từ hai thế kỷ qua và cho tới nay, họ vẫn chưa hoàn toàn bị đồng hóa với nền văn hóa chính thống của VN. Nhiều người sinh sống ở Hà Giang và làm giàu bằng việc trồng thuốc phiện. Nhưng việc này sau đó bị Chính phủ VN cấm, nên người H'mông trong các làng bây giờ lại trồng ngô và lúa. Độc lập một cách bướng bỉnh, họ chiếm không đầy 1% dân số VN và bị tách khỏi đà phát triển kinh tế vốn tập trung vào các đô thị, mãi cho đến một thập kỷ trước, khi những chương trình xóa đói giảm nghèo bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sâu vùng xa.
Việc Chính phủ VN phát triển cơ hội giáo dục cho người dân tộc – những người mà gần đây vẫn bị tách khỏi giáo dục chính thống bởi những rào cản địa lý hay ngôn ngữ - cũng cho phép thanh thiếu niên có thể vươn ra ngoài cộng đồng, giảm đi vai trò xã hội của những phiên chợ như Khâu Vai.
Ly Nhinh Oanh, một cô bé dân tộc Giáy, 14 tuổi, đang học ở trường nội trú dành cho các học sinh dân tộc ít người. Cô đến chợ chơi cho vui, không phải để kiếm chồng: "Cháu không muốn lấy chồng sớm. Cháu muốn học hết lớp 12 và tìm việc làm. Cháu sẽ lấy chồng sau, ở đâu đó". Oanh hy vọng sẽ gặp được một chàng trai thành thị, có lẽ là khi đang học trường cấp ba ở một thị trấn gần đó hay là tại thị xã Hà Giang, trung tâm của tỉnh Hà Giang, cách chợ Khâu Vai khoảng 160 km về phía tây nam.
Theo Bussarawan Teerawichitchainan, một nhà nghiên cứu trước làm việc ở Ủy ban Dân tộc, đồng tác giả một nghiên cứu của Ủy ban về tuổi dậy thì của người VN ở các vùng miền núi phía Bắc, thì những người như em Oanh "ít bị bố mẹ kiểm soát hơn và độc lập hơn trong việc khám phá những mối quan hệ lãng mạn" so với thế hệ bố mẹ chúng.
Thế rồi đến các khách du lịch. Họ tới đây bằng xe ôtô, đa số từ Hà Nội. Những chiếc đèn pha với cường độ lớn rọi sáng những bóng tối của núi đồi về đêm, khi cỗ máy bốn bánh rú ga lăn vào con đường rải sỏi dẫn tới Khâu Vai. Trong chợ, dưới ánh đèn neon, khách du lịch, chủ yếu là đàn ông, giơ máy ảnh chụp và trêu ghẹo các cô gái dân tộc trẻ. Một số người bóng gió về bà vợ ở nhà và đùa cợt chuyện sex. Các cô gái, có vẻ không ấn tượng gì, quay đi. Trong khi tỷ lệ kết hôn giữa người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số với nhau đang tăng lên, thì hôn nhân giữa người Kinh và người thiểu số - vốn khác biệt rất lớn về văn hóa – vẫn tiếp tục hiếm như ngày xưa, theo nghiên cứu của Ủy ban Dân tộc.
Các quầy hàng ngày trước bán đồ trang sức và trang phục của người dân tộc thiểu số, giờ bán đồ chơi chạy pin và những món đồ sứ hay hàng thủy tinh rẻ tiền của Trung Quốc. Trong khi đó thì khách du lịch đàn ông "giao lưu" với đàn ông H'mông ở chợ, rủ họ uống rượu và trả tiền để họ múa khèn. Đó là một điệu múa truyền thống, người đàn ông vừa múa vừa thổi khèn mà không để khèn rời khỏi môi lúc nào. Ngày xưa, điệu múa này được coi như một cách để thu hút phụ nữ, vì phụ nữ coi nó như dấu hiệu để đo sức khỏe của người đàn ông. Nhưng ngày nay, chẳng phụ nữ nào xem múa khèn nữa. Bây giờ khán giả cũng như người biểu diễn đều là đàn ông say rượu.
Bất chấp những tiến bộ có được nhờ đầu tư của Chính phủ VN vào các khu vực thiểu số, cũng như những chương trình xóa đói giảm nghèo có định hướng vào các lĩnh vực y tế và giáo dục, nghèo đói vẫn ám ảnh những cộng đồng dân tộc thiểu số này. Vẫn còn quá ít trường học cho trẻ em thiểu số - những người cần trường học nhất - và mặc dù việc phát triển cơ sở hạ tầng đã mang lại điện, nước, đường xá cho một số lượng đáng kể những cộng đồng vốn bị cô lập, nhưng những người khó tiếp cận nhất vẫn tiếp tục nghèo một cách tuyệt vọng. Năm 2004, 61% người dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, trong khi chỉ 14% người Kinh (dân tộc chiếm đa số ở VN) là còn nghèo đói – theo một nghiên cứu năm 2006 của WB.
Tuy nhiên trong khi nhiều người ngoài than thở về sự biến đổi của chợ tình, gần như rất ít người dân địa phương để ý tới chuyện đó. Màn đêm buông xuống, đèn neon – thứ ánh sáng mà chỉ gần đây mới thay nến làm nguồn sáng chủ lực ở đây – chiếu sáng một mảnh vải may tay, những trang phục thêu và những chiếc răng mạ vàng. Món đồ sứ hình một người mẹ Dao và đứa con nhỏ có vẻ chẳng được ai để ý. Các cô gái người Kinh đang bận chen lấn xung quanh đó, mặc cả với người chủ hàng (cũng là người Kinh) về giá cả những chiếc vòng giả ngọc bích.

Chợ tình đang tan. (Ảnh: Lovea7cva)

Trong đám đông người dân tộc, Pang Su Thi ngồi im lặng. Đó là một người Lôlô, dân tộc thiểu số ở huyện Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Năm nào bà cũng đến đây để hy vọng gặp lại mối tình cũ, người mà bà gặp lần đầu tiên ở chợ cách đây gần 30 năm. Bà Thi kể, vì người này là dân huyện khác, bố bà không cho họ cưới nhau. Thay vì thế, bà bị bố ép lấy một người đàn ông cùng làng, giờ họ đã có với nhau hai mặt con.
Bà đưa mắt nhìn đám đông, tìm kiếm trong vô vọng. "Đời tôi thế là hết rồi", bà khóc. "Chúng tôi đã luôn luôn gặp nhau ở nơi này, và giờ đây anh ấy không đến".

Đoan Trang (biên dịch)

Share with your friends