Già làng cùng con cháu đến lễ trước mộ tổ tiên.
Sau Tết nguyên đán Kỷ Sửu vừa rồi, có anh nhà báo trẻ đi thực tế miền cực Bắc trở về, mang theo lời nhắn của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng với tôi: "Nhà báo quân đội à, lên quê mình dự lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu hè thôi".
Sau Tết nguyên đán Kỷ Sửu vừa rồi, có anh nhà báo trẻ đi thực tế miền cực Bắc trở về, mang theo lời nhắn của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng với tôi: "Nhà báo quân đội à, lên quê mình dự lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu hè thôi". Ngày trước, đi công tác Hà Giang tôi đã gặp thiếu tá Củng Dìu Pháng (dân tộc Pu Péo), Huyện đội phó Huyện đội Mèo Vạc, ông bảo, dân tộc mình ít người lắm, nhưng rừng Củng Chá còn thì dân tộc mình còn. Trên bản đồ dễ nhận ra cao nguyên đá Đồng Văn vẫn được gọi là mái nhà của Tổ quốc, còn "thủ đô" của người Pu Péo, lần tìm mãi tôi mới thấy được cái chấm bé tí tẹo bên rìa cao nguyên, ngay sát đường biên, bên kia là Vân Nam, Trung Quốc.
Chiếc xe khách xuất phát từ Hà Nội, qua hơn nửa ngày, bắt đầu trèo lên cao nguyên Đồng Văn - cái "nóc nhà" lợp toàn bằng thứ vật liệu đá xám, khô khốc, bụi bặm. Bao năm trở lại, cảnh quan vẫn như dạo nào. Đất trời mênh mang. Cư dân thưa thớt. Gió vẫn quất ràn rạt không ngừng nghỉ vào các vách núi trơ trụi, thảng gặp hai bên đường cây bụi lúp xúp cùng những vạt nương của người Mông (trước vẫn gọi là người Mèo) trỉa ngô trên hốc đá tai mèo. Đây là một trong những tỉnh có điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt và dân bản địa nghèo vào hàng nhất nhì cả nước. Xe qua khu vực Cổng Trời, trèo theo đường vòng cung, nhìn xuống thung lũng gặp lại khu dinh thự bề thế bằng đá trắng toát của Vương Chí Sình, giờ đã trở thành một điểm thăm quan du lịch.
Qua một ngày cật, nghỉ lại thị trấn Phó Bảng. Đêm, nghe được tiếng nai tác từ nước láng giềng vọng sang. Sáng, mở mắt mới thấy xung quanh khác hẳn: đá xám được thay bằng mầu xanh mát mắt của rừng. Thêm nửa giờ nữa, hai bên con đường trải nhựa phẳng phiu là rừng ngút tầm mắt, nhiều tầng tán, tịnh không thấy dấu vết của sự chặt phá, linh cảm mách bảo tôi, sắp đến Phố Là rồi.
Nhỏ bé nhưng đầy bản sắc
Ông Củng Dìu Pháng ra tận đường cái đón và dẫn tôi theo con đường mòn, vượt qua những vạt nương, ruộng bậc thang về bản Củng Chá quê ông. Tại bản đã có một vị khách đến trước tôi: anh cán bộ bảo tồn, bảo tàng của Sở Văn hoá thông tin tỉnh. Anh nói với tôi, đây là lần thứ hai được dự lễ cúng thần Rừng và anh đang có ý định sưu tầm, viết một cuốn sách về phong tục tập quán của người Pu Péo. Xã Phố Là có bốn bản, Củng Chá là lớn nhất với vài chục ngôi nhà vách đất, mái lợp ngói ống rêu phong nằm ở chân một ngọn đồi thấp, phía trước là khu rừng tươi tốt mà tôi đã thấy từ ngoài đường cái. Câu đầu ông Pháng khoe với tôi là, đợt điều tra dân số gần đây nhất, tổng số dân Pu Péo đã là 905 rồi. Thật mừng cho dân tộc của ông, đang sắp vượt qua ngưỡng "cực thiểu số"! Nhưng trong khoảng hơn mười năm vừa qua, số dân riêng ở xã này tăng chưa đến 100 thì chưa phải đã ở mức tăng bình thường. Tôi đem điều "thắc mắc" như vậy hỏi anh cán bộ sở văn hóa. Anh liền chỉ một thiếu nữ còn rất trẻ đang địu con đứng xem hành lễ gần đấy, bảo là năm ngoái đến đây anh được biết cô vừa 16 tuổi, "lấy chồng từ thuở mười lăm". Khi cô trở dạ, gia đình đưa ra rừng để đẻ, suýt mất cả mẹ lẫn con vì là ca "ngôi thai ngược". Người Pu Péo còn giữ tập tục đẻ con so ngoài rừng. Tuy Phố Là không phải là xã trọng điểm đói kém của huyện Đồng Văn, hàng năm tỉnh còn phải cứu đói cho một số hộ và số trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao. Hiện ở đây đang được cán bộ y tế tỉnh quan tâm vận động bà con ăn ở theo nếp sống mới. Việc tôn thờ, sống hòa hợp với thiên nhiên thông qua lễ cúng thần Rừng hàng năm là một tập tục tốt, cần giữ, song cũng còn những hủ tục ảnh hưởng đến sự phát triển của nòi giống thì cần được sớm loại bỏ, như tục tảo hôn, đẻ ngoài rừng không có chăm sóc y tế...
Chúng tôi ra phía cửa rừng. Trên một bãi rộng, có đông trai, gái đang tất bật sửa soạn bàn thờ, cỗ cúng cho buổi lễ cúng thần Rừng sẽ bắt đầu vào đầu giờ chiều. Trước khi làm lễ, mọi người đều ra thắp hương khu mộ tổ đặt ở bìa rừng. Mộ tổ của người Pu Péo Phố Là được xây cất vuông vức bằng đá trắng, phía đầu mộ khắc hoa văn khá đẹp. Ông Pháng thành kính để lên thành mộ ít đồ cúng hoa quả, rồi thắp bó nhang, chẳng mấy chốc hương khói bay nghi ngút. Tôi chợt thấy, phía trước còn đặt sẵn đôi trống đồng để nằm trên cỏ, mặt trống hướng về nhau. Sở dĩ tôi nhận ra ngay là trống đồng vì nó cũng có dáng hao hao giống trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn - niềm tự hào của người Việt cổ vẫn trưng bày trong các bảo tàng ở Hà Nội. Ông Pháng bảo, bảo vật của dân tộc ông có đôi, đực và cái, cứ mỗi lần đánh trống là âm thanh của trời phát ra, sẽ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Nói rồi, ông cầm dùi trống dài như cái chày giã gạo, hai đầu đều bọc vải, thúc qua thúc lại, liên tiếp phát ra tiếng "bục, bục" trầm đục. Anh cán bộ Sở Văn hoá vui vẻ đóng vai trò người hướng dẫn cho tôi. Hoá ra, từ lâu anh đã có tìm hiểu sâu về trống đồng rồi. Anh bảo, đây là nhạc cụ gõ độc đáo của riêng vùng Đông nam Á và còn là biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo của mỗi dân tộc sở hữu nó. Các dân tộc Mường, Khơ Mú, Pu Péo ở nước ta từ thời xa xưa đã chế được trống đồng. Hậu Hán thư, quyển 14 còn ghi rõ: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận". Hà Giang thuộc bộ Tân Hưng, trong số 15 bộ thuộc nước Văn Lang, đôi trống này có thể tuổi hàng nghìn năm đã được thư tịch kể trên của Trung Quốc mô tả, từng chứng kiến bao sự thăng trầm lịch sử của riêng dân tộc Pu Péo và của cả đất nước ta thuở ban đầu. Rõ ràng, với sự hiện diện của đôi trống cổ thế này, đã minh chứng hùng hồn cho nền văn hoá lâu đời của cộng đồng Pu Péo, tuy còn nhỏ bé song đã đầy bản sắc riêng.
Coi rừng thiêng còn hơn cả trời
Buổi chiều. Bàn thờ thần Rừng đã được sửa soạn hoàn chỉnh, đặt chính giữa con đường mòn vào rừng Củng Chá, nhìn xéo về chóp đỉnh Đồng Văn. Dưới chân bàn buộc mấy con gà trống to cùng một con dê tơ. Loạt tầu lá chuối xanh mướt được các thanh niên trải trên bàn, mỗi tầu đặt một miếng trứng gà bên cạnh cái bánh chưng gói bằng nếp cẩm màu đen nhánh (tiếng Pu Péo gọi là mí uột lăng). Ông Pháng bảo, mí uột lăng còn được làm vào đêm 29 tết, ngụ ý trút bỏ vận đen của năm trước. Sáng mùng 1 thì mở mí uột lìn, tức bánh chưng trắng để đón vận may năm mới. Giờ đến lễ trọng vào hè, cũng không thể thiếu hai món cơm thiêng ấy. Mỗi vuông lá chuối đặt lễ cúng tiến một vị thần, lần lượt là: thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước, thần Gió, thần Mây... Người Pu Péo trọng cái thật trước mắt, nên coi rừng còn cao hơn cả trời. Quan niệm đó là độc đáo và thiên về duy vật cổ sơ.
Cụ chủ lễ Củng Díu Lèng dáng nhỏ thó, mặc áo dài màu chàm xẻ một bên nách, đầu cuốn khăn xanh hình chữ "nhân". Rượu đổ tràn các bát đặt trên bàn thờ. Mới chỉ bầy ra những món bằng ngũ cốc, chưa có món mặn và con dê tơ như hiểu sắp tới giờ phải hiến sinh, bỗng cất mấy tiếng be be thống thiết. Cụ chủ lễ cúi đầu khấn bằng tiếng Pu Péo (ông Pháng đứng bên dịch lại cho tôi không sót lời nào): "Mời chư thần về uống rượu ngô men lá, ăn bánh nếp, trứng gà. Đều là sản vật rừng cả. Rồi sẽ ăn thịt gà, thịt dê, chúng cũng được rừng nuôi lớn. Tôi già cả nhất bản Củng Chá, xin thay mặt con cháu dâng lên ngài lễ vật để ngài phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, sấm sét, mưa gió không làm chết người, mất gia súc. Hôm nay cả bản họp tại đây thề với thần, giữ rừng nguyên vẹn, ai chặt cây, săn thú sẽ bị trừng phạt không tha...” Lễ cúng kéo dài khoảng nửa giờ, cuối buổi cụ chủ lễ cầm một cành trúc vẩy đi vẩy lại xung quanh; tiếp đến gà, dê được mang cắt tiết, xả thịt làm các món. Mặt trời dần lặn vào cao nguyên đá phía xa. Sau khi cúng đồ mặn một lần nữa, cả bản quây quần quanh bãi cỏ ăn uống, chúc tụng. Ông Pháng còn giải thích cho tôi thêm một điều. Cuộc đời người Pu Péo gắn chặt với rừng, ở nhà chỉ cúng từ ông tổ đời thứ năm trở lại, các vị trên nữa thì đã ra rừng, thường trú ngụ dưới gốc đa to. Bởi thế chặt cây, giết thú là phạm vào cả tằng tổ cùng con cháu mình.
Buổi lễ vãn. Tôi nhìn lên khu rừng xanh thẫm đang dần chìm vào sương, đây mới đúng nghĩa rừng "nguyên sinh", bao đời nay không hề có dấu rìu phạm vào. Kỷ cương được giữ vững gần như tuyệt đối, bởi một lời thề còn cao hơn bất cứ hương ước, hay định chế hành chính nào. Hà Giang có được bao nhiêu khu rừng như Củng Chá nhỉ? Tôi chợt hỏi nhỏ anh cán bộ Sở Văn hoá đứng bên, anh ngẫm ngợi rồi lắc đầu, ngụ ý bảo: không nhiều đâu! Lòng tôi bỗng chạnh buồn. Trên đất nước ta, đã có bao nhiêu chương trình, dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng không được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Trọng đại như Dự án trồng 5 triệu hec-ta rừng, đạt độ che phủ cả nước 47% do Quốc hội khoá trước thông qua đã không thành công như mong muốn và không biết đến bao giờ đất trống đồi trọc mới thôi bị bào mòn, sụt lở, trong khi nhiều khu rừng tự nhiên bị lén lút tàn phá, môi trường sống tiếp tục bị hủy hoại.
Dường như thần Rừng đã nổi giận. Thiên tai mỗi năm lại ập đến, có xu hướng khốc liệt hơn. Trồng mới và bảo vệ rừng ở Việt Nam đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng vong quốc gia. Vậy thì trước hết hãy lên Phố Là mà học cách dân tộc nhỏ bé này hành xử nhất quán, trân trọng với thiên nhiên. Anh cán bộ Sở Văn hoá còn khẳng định với tôi: Củng Chá thực sự là một điểm sáng trong bảo vệ rừng và phát huy truyền thống văn hóa, một điểm sáng được thắp lên từ thuở ban sơ, đã được một cộng đồng bản địa chung sức chung lòng gìn giữ, phát huy cho tới tận hôm nay và cả mai sau!
Phạm Quang Đẩu