Dân tộc Ba-na phân bố tập trung ở vùng thung lũng sông BLa thuộc tỉnh Kon Tum, ngoài ra còn ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Định, Phú Yên. Dân tộc Ba-na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn- Tây Nguyên, đã kiến lập nên nền văn hoá lâu đời độc đáo ở đây.
Kinh tế chủ yếu của người Ba-na là làm nương rẫy và ruộng khô, trồng trọt ngô, lúa và các loại hoa màu. Cùng với nông nghiệp là chăn nuôi, các nghề thủ công như dệt vải, nghề rèn, nghề gốm và đan lát cũng thịnh hành.
Dân cư sống thành buôn làng gọi là Plây, rải rác trên các sườn đồi, núi có suối nước; quanh Plây có rào gỗ bao bọc, mở cổng ra vào, mỗi Plây thường có 30 - 40 nóc nhà, gọi là Nam, theo kiểu nhà sàn; giữa Plây có một nhà công cộng gọi là nhà Rông, là trung tâm của các sinh hoạt chính trị, văn hoá, phong tục, nghi lễ của mỗi Plây. Dân tộc Ba-na có bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo và phong phú với nhiều biểu hiện truyền thống, chẳng hạn: quyền thừa kế tài sản bình đẳng giữa các con. Trai gái tự do tìm hiểu trong hôn nhân, khi lập gia đình, vợ chồng luân phiên sinh sống ở cả nhà trai và nhà gái, dựng nhà riêng khi sinh con đầu lòng; trẻ em được nuông chiều, mọi thành viên trong gia đình bình đẳng, thuận hoà. Về văn hoá phục sức, xưa kia người Ba-na có tục "cà răng căng tai", đeo nhiều vòng trang sức rực rỡ; đàn ông đóng khố cởi trần, đàn bà lấy vải cuốn làm váy và áo không tay. Trong ngày hội áo váy đều sặc sỡ hơn ngày thường. Đàn ông thường đeo gươm dài có vỏ đẹp hay mang ná với nhiều ống tên bao quanh thắt lưng.
Người Ba-na thờ nhiều thần linh, mỗi vị có tên riêng. Người chết hoá thành ma, lúc đầu ma ở mộ và sau lễ "bỏ mả", ma về với tổ tiên, vĩnh biệt người sống. Sinh hoạt văn hoá dân gian của người Ba-na rất phong phú, nhiều làn điệu dân ca, nhiều điệu múa trình diễn trong các hội lễ và nghi lễ tôn giáo; nhạc cụ đa dạng, gồm những bộ cồng chiêng (đúc bằng đồng), những đàn Tơ rưng, Brọ, Klông pút, Kơ ni, Khinh Khung,... và nhiều loại kèn. Nét kiến trúc biểu hiện là ngôi nhà Rông và tượng nhà Mồ bằng gỗ.
Mai Hạnh (sưu tầm)