Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, trong đó có 54 dân tộc cư trú đan xen nhau và phân bố rải rác ở các vùng miền của đất nước. Có thể nhận thấy mỗi dân tộc là một bức tranh đầy màu sắc, đa dạng không chỉ về ngôn ngữ mà còn cả những nét đặc trưng về truyền thống văn hóa, lịch sử hình thành phát triển, …
"Dân tộc là một tập đoàn người ổn định và các tập đoàn người tương đối ổn định dựa trên mối liên hệ chung về khu vực cư trú, tiếng nói, sinh hoạt kinh tế, các đặc điểm sinh hoạt văn hoá. Trên cơ sở những mối liên hệ đó, mỗi dân tộc còn có một ý thức về thành phần dân tộc và tên gọi riêng của mình" (Viện văn hóa dân tộc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội & Nhân văn).
Dân tộc Nùng (tên gọi khác là Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Lài, Phần Sinh, Nùng Cháo, Nùng Inh, Quý Rịn, Nùng Dín, Khen Lài) thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái của hệ ngôn ngữ Thái-Kađai. Người Nùng sinh sống tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, ngoài ra còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắc Lắc. Dân tộc Nùng có quan hệ gần gũi với Dân tộc Tày và người Choang sống dọc biên giới Trung Quốc. Riêng đối với địa bàn Trung Quốc, dân tộc Nùng và và dân tộc Tày được xếp vào dân tộc Choang. Tuy không phải là dân tộc chiếm số lượng đông nhất trong 53 dân tộc thiểu số nhưng dân số người Nùng ngày càng gia tăng đáng kể ( Năm 1989 có 705.709 người, đến năm 2003 là 914.400người; năm 2009 có 968 800 người). Điều đó cho thấy, sự xuất hiện của dân tộc này đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển chung của toàn dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách tổng quát nhất về dân tộc Nùng sẽ có ý nghĩa to lớn đối với việc tìm hiểu sự ra đời, phát triển và biến đổi cũng như giúp chúng ta nắm bắt được những kiến thức cơ về dân tộc Nùng trong lịch dân tộc và trong thời đại ngày nay.
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:
Hiện nay dân tộc Nùng đã có mặt hầu khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam , nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở vùng Việt Bắc. Nên ở đây chỉ đưa ra những đặc điểm cở bản về điều kiện tự nhiên nơi mà đồng bào Nùng chiếm số lượng đông nhất, và đó cũng là địa bàn cư trú chính của tộc người này hiện nay. ( Việt Bắc).
Đất đai:
Vì ở vùng núi cao nên đất đai ở Việt Bắc chủ yếu là đất đất Feralit chiếm diện tích cao nhất. Song tùy điều kiện mà bị phân hóa thành các kiểu khác nhau từ đá mẹ, ví dụ như có đất feralit vàng đỏ, feralit vàng đỏ có mùn, feralit đỏ nâu, đất sialit-feralit nâu vàng…Ngoài ra còn có đất alit mùn núi cao tỉ lệ nhỏ và đất phù sa ở dọc các thung lũng sông bồn địa.
Địa hình và khí hậu:
Việt Bắc là vùng núi cao nằm trong vĩ tuyến 210 – 23022 Vĩ Bắc, môi trường tự nhiên mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, có dấu hiệu của vùng chuyển tiếp từ nhiệt đới đến Á nhiệt đới. Địa hình kiến trúc dạng cánh cung xen kẻ giữa các cánh cung là những dải rộng với các dòng sông. Tại đây các dòng sông đều mở rộng lòng với các bãi bồi, thềm đất xếp tầng thành những dãy song song với lòng sông đây là điều kiện khai thác nông nghiệp.
Nằm ở Đông Bắc nước ta, lại có địa hình cánh cung mở ra đón gió nên Việt Bắc là nơi tiếp nhận và ảnh hưởng sớm nhất của gió mùa đông bắc và cùng với hệ quả của quy luật đất đai cao nên yếu tố Á nhiệt đới núi cao có phần trội hơn yếu tố nhiệt đới.
1. Sông ngòi - nguồn nước :
Việt Bắc có 5 hệ thống sông chính gồm : Sông Thao, sông Lô, Sông Cầu, sông Thương, và sông Lục Nam hệ thống các sông chảy vào Tây Giang và các sông ở miền duyên hải. Hệ thống sông này chảy liên quan khắng khít nhau tạo một hệ thống sông ngòi trong vùng, ngoài ra còn có các hồ chứa nước. Chế dộ nước các sông phức tạp nhưng nhìn chung là lượng nước dồi dào dùng để phục vụ cho nông nghiệp và sản xuất điện..
1. Động thực vật:
Khá phong phú, tại đây có nhiều loại cây dùng lấy gỗ, làm củi và đặc biệt là dùng làm dược liệu trong y học và có nhiều loại động vật quý hiếm.
Tài nguyên khoán sản:
Đây là vùng giàu tài nguyên khoáng sản nhất nước ta.cụ thể như : mỏ đồng Tà Phời (Lào Cai), mỏ đồng Nậm Tia (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), mỏ chì-kẽm Bản Bó, mỏ ba rit Nà Ke, Chè Pẻn (huyện Bảo Lâm- Cao Bằng), các mỏ titan ở khu vực Núi Chúa (huyện Đại Từ- Thái Nguyên)…
Với điều kiện như trên tạo cho cư dân Nùng có nhiều khả năng kinh tế to lớn và toàn diện, phát triển một nền nông nghiệp đa cách năng xuất ổn định. Đã từ lâu ở Việt Bắc dân tộc Nùng xây dựng hệ thống ruộng bậc thang, và đây cũng là vùng giàu tài nguyên khoáng sản nhất, cũng từ cổ xưa cư dân Nùng đã biết tận dụng nguồn tài nguyên năng lượng nước chảy để phục vụ đời sống và sản xuất.
NGUỒN GỐC DÂN TỘC NÙNG.
1. Ngôn ngữ và chữ viết:
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ dân tộc Nùng chỉ tồn tại ở phía đông sông Hồng nối liền với trung tâm của Việt Bắc. Tiếng Nùng và Tày có chung một nguồn gốc nhưng có sự khác biệt. Nhóm ngôn ngữ dân tộc Nùng Lòi, Nùng an, Nùng Dín mang nhiều đặc điểm riêng, nên cũng khác khá xa so với người bản địa. Bộ phận này phức tạp đến mức nhiều khi người của các nhóm Nùng nhưng cũng không hiểu nổi tiếng nói của nhau.
Chữ viết: Giai đoạn cổ đại dân tộc Nùng không có chữ viết, đến giai đoạn cận đại (từ thế kỷ XVII.) dân tộc Nùng dùng chữ Nôm gọi là chữ Nôm Nùng, thời kỳ hiện nay dân tộc Nùng vừa chữ Nôm (Nùng) và vừa dùng chữ La Tinh. Tuy nhiên hiện nay chữ Nôm Nùng đang dần bị mai một đi bởi sự lấn át chữ quốc ngữ và hầu như nó không được sử dụng, chỉ có một số người già và người làm nghề thầy cúng còn biết (bài Mo Nùng còn ghi lại bằng chữ Nôm trên giấy bản. Gia phả nhiều dòng họ còn giữ lại cũng ghi bằng chữ Nôm Nùng). Cũng chính vì thời kỳ cổ đại của dân tộc Nùng chưa có chữ viết nên các sử liệu của họ vào thời kỳ này rất ít.
Nhân chủng.
Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu gần đây, xem xét sự hình thành các dân tộc Việt Nam trong sự hình thành các dân tộc khác trong khu vực thì có thể nói rằng tất cả các dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc, đó là chủng Cổ Mã Lai. Quá trình hình thành các dân tộc Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn:
Vào thời kỳ đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm trước đây), có một bộ phận thuộc Đại chủng Á, sống ở vùng Tây Tạng di cư về phía đông nam, tới vùng ngày nay là Đông Dương thì dừng lại. Tại đây, bộ phận của Đại chủng Á kết hợp với bộ phận của Đại chủng Úc bản địa và kết quả là sự ra đời của chủng Cổ Mã Lai (tiếng Pháp: Indonésien).
Cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời kỳ đồ đồng (khoảng 5.000 năm trước đây). Tại khu vực mà ngày nay là miền bắc Việt Nam, miền nam Trung Quốc (từ sông Dương Tử trở xuống), có sự chuyển biến do chủng Cổ Mã Lai tiếp xúc thường xuyên với Đại chủng Á từ phía bắc tràn xuống, sự chuyển biến này hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (tiếng Pháp: austro-asiatique).
Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia thành một loạt các dân tộc mà các cổ thư Việt Nam và Trung Hoa gọi là Bách Việt. Ban đầu, họ nói một số thứ tiếng như: Môn-Khơ me, Việt-Mường,Tày-Thái, Mèo-Dao,... Sau này quá trình chia tách này tiếp tục để hình thành nên các dân tộc và các ngôn ngữ như ngày nay. Trong khi đó, phía nam Việt Nam, dọc theo dải Trường Sơn vẫn là địa bàn cư trú của người Cổ Mã Lai. Theo thời gian họ chuyển biến thành chủng Nam Đảo.
Như vậy dân tộc Nùng thuộc chủng Nam Á, nhóm ngôn ngữ Tày-Thái của hệ ngôn ngữ Thái-Kađai. Đặc điểm nhân học đó là: Da ngâm, mắt và tóc đen, hình tóc thẳng thường cứng, lông trên người ít phát triển, sống mũi ít dô. Vóc dáng trung bình, đầu thuộc hai loại dài trung bình và ngắn trung bình. Nếp mi góc phát triển (45% trở lên), sống mũi thấp, cánh mũi rộng trung bình, môi hơi dày, môi trên hơi dô.
Lịch sử dân tộc Nùng:
Dân tộc Nùng có chung nguồn gốc với người Tày trong lịch sử, họ cùng thuộc khối Bách Việt xưa kia. Sau khi thiết lập đường biên giới phía bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc vào thế kỷ XI, lúc kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống, các cư dân Tày – Thái ở hai nước được hình thành phát triển trong điều kiện riêng.
Nùng vốn là tên gọi của một trong bốn dòng họ lớn ở Quảng Tây (Trung Quốc) trở thành tên dân tộc vào khoảng thế kỷ XV. Còn ở Việt Nam tên Nùng (Nồng) đã có từ lâu đời, những người Nùng sống ở Việt Nam trước kia đã hòa vào người Tày, còn những người Nùng cư trú ở những nơi đang sinh sống là mới di chuyền vào Việt Nam khoảng hơn 200 năm nay. Trước đây người Nùng tự phân biệt mình và gọi là người áo đen (để phân biệt với người dân tộc khác). B
Dân tộc Nùng thời Hai Bà Trưng họ cũng đã tham gia chống ách thống trị của nhà Hán vào những năm 40 đầu Công nguyên, ngày nay nhân dân ta ở một số nơi Việt Bắc và ở Quảng Tây (Trung Quốc) vẫn còn ghi nhớ, cũng như sau đó họ tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn vào thế kỷ XI lật đổ ách thống trị nhà Lương thành lập nước Vạn Xuân.
Thế kỷ XV trong cuộc kháng chiến chống quân Minh 10 năm, nhân dân các dân tộc Nùng đã tham gia đông đảo. Đến thế kỷ XVII, XVIII trong thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến các vương triều thiếu kiên quyết và bất lực đối với việc bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cuộc đấu tranh của các dân tộc Nùng gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng.
Trong công cuộc chống quân xâm lược Thanh, nhân dân Nùng ở các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi của Quang Trung, đã tập kích các đồn trại quân Thanh ở vùng biên giới. Dưới thời nhà Nguyễn mặc dù ra sức cũng cố chế độ phong kiến nhưng loạn lạc xảy ra liên miên, vùng cư trú của dân tộc Nùng cũng có nhiều biến động.
Sau khi người Pháp thiết lập bộ máy cai trị trên nước ta, trong phong trào chung chống thực dân của cả nước, nhiều nơi vùng đồng bào Nùng cũng có những cuộc vận động tổ chức đánh địch, người nùng cũng tham gia vào phong trào Việt Nam Quang Phục Hội da Phan Bội Châu phát động…
Qua đó cho ta thấy trong thời kỳ lịch sử cận hiện đại, sự phát triển của dântộc Nùng đã ở nấc thang cao hơn nhiều so với trước đây trên nhiều phương diện. Và ngay nay đồng bào Nùng sống hòa đồng vào các đồng bào khác tạo nên một thể thống nhất cho dân tộc Việt Nam.
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN
. Lễ hội:
Lễ hội của dân tộc Nùng khá phong phú, tháng giêng ăn tết Nguyên đán, tháng 2 không tết, tháng 3 có tết Thanh minh(03-03 AL), tháng 5 ăn tết Đoan ngọ(05-05AL), tháng 6 có tết cúng ruộng vừa cấy xong(06-06), tháng 7 có tết trong hai ngày 14-15 AL, tháng 8 tết ăn cơm mới, tháng 9 có tết Trùng dương (09-09 AL), tháng 10 có tết cơm lam (10-10AL), tháng 11 và 12 làm bánh dầy, bánh trôi. Nhìn chung tết của dân tộc Nùng ít mang màu sắc tôn giáo, đa phần gắn chặt với thời vụ nông nghiệp.
Tết mang tính lễ hội của toàn cộng đồng là “Lồng tổng”(xuống đồng), mục đích của hội là tổ chức ngày vui họp mặt sau một mùa làm ăn của phần lễ ra, sang phần hội nó phô bày cái đẹp, mọi sắc thái ưu việt của cộng đồng nhằm phấn đấu cho chân, thiện , mỹ của dân tộc người Nùng. Dân tộc Nùng tổ chức lễ hội, đa phần là tương đồng với dân tộc Tày, vì đa phần dân tộc Nùng sống đan xen với dân tộc Tày..
Tôn giáo, tín ngưỡng
Có những nét tương đồng với tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc khác trong khu vực và trên đất nước ta. Dân tộc Nùng chịu ảnh hưởng về giáo lý cũng như lễ thức của Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo..Cũng giống dân tộc Tày, dân tộc Nùng đều suy tôn một cá nhân làm đại diện cho toàn thể cộng đồng, người đó có thể cho là một vị thần linh đầu thai xuống trần cai trị thiên hạ, thường được gọi là con trời.
Dân tộc Nùng thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ tổ tiên có bài vị, lư hương và được đặt vào nơi trang trọng nhất. Ngoài ra, mỗi nhà còn thờ bà mụ Mẹ Hoa (Thần bảo hộ trẻ nhỏ), mẹ cửa (thần trông nhà). Ngày lễ, tết có cúng chè, rượu và các món ăn, dân tộc Nùng cúng ma sàn (phi thang sàn) và các cô hồn đầu ngõ vào dịp tết nguyên đán. Các thầy tào,thầy mo theo ý tưởng từ xưa họ có khả năng tiếp xúc với các loại ma thần nên được gọi là cân thả hụng (người mắt sáng). Họ hành nghề cúng bái, cầu sự tốt lành cho người dân. Vì thế họ được mọi người kính nể.
Dân tộc Nùng thờ Phi thang sàn (ma ngoài sàn), họ không có vị thần của toàn dân tộc, điều đó phản ánh quá trình hình thành và cư trú tộc người đa dạng và phức tạp. Tục thờ thần bản mệnh của cộng đồng: là Trời -_Đất, sau được thấy là Ngọc Hoàng Thượng đế, là đấng tối cao trên trời. Chúa đất đại diện cho đấng tối cao dưới trần gian.
Mỗi gia đình thường có một bàn thờ tổ tiên để giữa nhà nơi trang trọng nhất, chỉ có người chủ nhân gia đình mới được làm chủ lễ, chỉ có con trai mới được dến gần, các nàng dâu khi về nhà chồng, có nơi phải biếu nhà chồng một bức trướng hay một rèm hoa treo trước bàn thờ để bày tôn kính ma tổ tiên nhà chồng.
Nhìn chung các phong tục tập quán cũng như về tôn giáo của dân tộc Nùng đều có những nét tương đồng với người Tày.
1. Văn học
Có hai mảng chính đó là văn chương truyền miệng và văn học thành văn.
Văn chương truyền miệng gồm có thành ngữ, tục ngữ, truyện cổ tích. Phuối pác, rọi (nói ví), câu đố và đồng dao, dân ca.
Văn học thành văn gồm có: lời ca nghi lễ, giao duyên, truyện thơ và thơ ca xã hội. Dân tộc Nùng cũng như dân tộc Tày họ sử dụng thơ ca vào đời sống sinh hoạt rất phong phú. Ví dụ : Trong đám cưới, hay trong chuyện rượu (cỏ lẩu), trong cúng, tế lễ dao duyên.
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VẬT CHẤT:
Nhà cửa:
Dân tộc Nùng có hai loại nhà chính đó là nhà sàn và nhà đất ngoài ra còn có nhà sàn nữa đất nhưng không phổ biến.
Nhà sàn:
Là dạng truyền thống và phổ biến nhất của dân tộc Nùng ở Việt Nam. Có hai kiểu, nhà sàn hai mái và nhà sàn bốn mái ( kết cấu phức tạp). Bộ sườn của nhà dân tộc Nùng có nhiều kiểu kèo khác nhau: có kiểu 4 hàng cột, 5 hàng cột, 7 hàng cột. Trong đó kiểu vì 7 hàng cột của dân tộc Nùng là kiểu vì hoàn thiện và mẫu mực, ở kiểu này thường thấy có một hoặc hai trụ ngắn hình ‘‘quả bí’’ đứng trên xà ngang, có tác dụng như là chống kèo vậy.
Nhìn chung sự khác biệt về chi tiết, bộ phận ở các kiểu kèo có thể là do tập quán giữa các vùng hoặc do nằm trong sự biến đổi phát triển chung của nguồn gốc nhà qua mỗi thời kỳ. Vì thế ở ngôi nhà giữa được nhiều đặc điểm cổ truyền hơn thì bao giờ số cột và kèo cũng giữ nguyên gốc của nó.
Việc giảm bớt số cột ở trong hai vì kèo càng thấy rõ từng thời kỳ phát, biến đổi. Sau này với mục đích tạo không gian rộng rãi trong lòng nhà. Trước kia đồng bào sử dụng cả cột tròn và cả cột vuông, nhưng cột tròn phổ biến hơn. Theo quan niệm và kinh nghiệm việc ghép vuông, dặt ngoãm, nấc ở cột tròn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với cột vuông. Việc dựng ngôi nhà sàn đòi hỏi không ít thòi gian và nhân công, riêng chuẩn bị vật liệu thường đã mất 3-5 năm hoặc hơn. Việc chuẩn bị này không thường xuyên mà vào thời kỳ nông nhàn, gỗ đem về thường được ngâm ao, ruộng đến khi làm mới được vớt lên.
Chọn nền nhà và chọn hướng nhà là một việc rất quan trọng, nên cần phải xem xét thận trọng, vì theo quan niệm của đồng bào việc đó có ảnh hưởng đến công việc lầm ăn, sinh sống sau này của gia đình, dân tộc Nùng thường mời thầy mo, và thầy địa lý để làm việc này.
Dụng cụ làm nhà của dân tộc Nùng khá đầy đủ như: cưa, đục, búa, dao, rìu..quá trình dựng nhà ở thường qua các bước : lắp vì kèo, xả xà dọc, đặt hoành mái, đặt li tô, lợp mái, rải ván sàn, làm tường vách, làm bếp đến làm bàn thờ, quay buồng, làm cửa, làm sàn ngoài và cầu thang.
Ngôi nhà sàn của dân tộc Nùng cửa ra vào có thể mở ở mặt trước, hoặc hai đầu hồi, cửa chính thường đặt cầu thang lên xuống, còn cửa phụ là nơi bếp hay ra sàn, nhiều nơi nhà sàn không có cửa sổ và mái hiên. Cầu thang lên xuống được làm bằng trụ gỗ, bằng đá, và bao giờ cũng là số bậc lẽ 3,5, 7, 9….vì họ quan niệm rằng bậc chẵn dành cho thế giới bên kia.
Mỗi ngôi nhà ngoài sự giúp dỡ của họ hang thì cần phải có sự góp sức của các thợ chuyên nghiệp, những người này thường làm những công đoạn quan trọng nhất của ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà thường ở được vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Trong ngôi nhà có thể nói bàn thờ là nơi tập trung trang trí của gia đình và chiếm hầu như gần trọn 1 đến 2 gian.
Nhà đất:
Ngày càng xuất hiện nhiều ở dân tộc Nùng sinh sống với rất nhiều thay đổi so với ngôi nhà cổ truyền nhỏ về quy mô, đơn giản và kết cấu bộ sườn. Nhưng nhìn chung kỹ thuật làm mái dựng vì kèo hầu hết là đuc mộng ngoãm, nối và tạo lỗ khi làm tường. Bộ sườn của nhữn ngôi nhà vách vắt đất, phên tre, nứa khác với những nhà xây gạch. Về mặt kỹ thuật hệ thống con xỏ được sử dụng nhiều trong những vì kèo, tương tụ như kết cấu nhà của đồng bào Việt (dao giao lưu hoặc do các thợ người Việt làm).
Nhiều nơi ở Lạng Sơn, từng có nhà đất nhưng vẫn làm một ngôi nhà sàn nhỏ kế bên ngôi nhà chính, bàn thờ tổ tiên và nhà bếp vẫn được đạt ở ngôi nhà sàn phụ đó, điều này cho thấy yếu tố cổ truyền đã được bảo lưu gần như là nguyên vẹn ở ngôi nhà phụ.
Thời gian gần đây vì có sự giao lưu giữa người Việt với dân tộc Nùng nên ngôi nhà của dân tộc Nùng dường như có sự lai căng về kết cấu với kiểu nhà của người Kinh
2. Trang phục.
Trang phục Nùng khá phong phú và đa dạng, nhìn chung có tính thống nhất. Trong sự thống nhất đó tuy trang phục được phân biệt theo giới tính và theo độ tuổi, theo địa vị xã hội và theo nhóm địa phương. Nam giới ít đeo đồ trang sức, có một số người đeo vòng bạc. Y phuc nam giới thường ngắn và hẹp, chiếc áo 4 thân của nam giới Nùng Phàn Slinh cắt may hơi khít người và ngắn, ống tay áo hẹp. Áo dài 5 thân mà Nùng an vẫn đang còn dùng phổ biến là hơi hệp ngang và chỉ buông chấm hông, đỉnh tà áo dài cánh 4 thân và áo dài 5 thân của nam giới Nùng thường viền chỉ đỏ.
Nam giới Nùng ở số nhóm như Nùng Dín, Nùng an thường đeo ‘‘vì cùn’’ tấm đệm vai dung để lót vai trong khi mang vác, gánh nặng cho đỡ đau với đỡ hại quần áo. Tạp dề dùng đeo trước bụng để bảo vệ quần áo khỏi bẩn, được làm bằng một vuông vải hình chữ nhật, dài ngắn tùy ý theo kích thước, tầm vóc của mỗi người. Đầu trên có đính dây vải để buộc vào quanh bụng, đầu dưới dài đến ngang ống chân. Tục xăm mình, bịt răng vàng, bạc, đeo vòng kim loại ở nam giới Nùng khá phổ biến.
Trang phục nữ giới cũng khá phong phú và đa dạng hơn, tuy cách tạo hình của trang phục nữ giới Tày, Nùng có nhiều điểm giống nhau nhưng màu sắc, kiểu cách hoa văn trang trí và kích thước khác nhau rất rõ. Màu sắc chủ đạo trong trang phục của phụ nữ Nùng đó là màu xanh, đen, xanh tím than, xanh phớt nâu, xanh phớt hồng. Về kỹ thuật tạo hình phụ nữ Nùng nói chung giống y phục của phụ nữ Tày, điểm khác nhau căn bản là ở chổ áo dân tộc Nùng cổ đứng, tà xẻ cao, thường rộng và ngắn. Áo dài của tất cả nhóm Nùng thường chỉ dài quá thắt lưng hoặc nhiều lắm là che kín mông, thân ống tay rộng, chiếc quần dài của phụ nữ Nùng cũng thuộc loại quần ta ống và cạp rộng. Duy chỉ có áo, váy của phụ nữ nùng Dín là khác với kiểu so với các nhóm Nùng khác nhau.
Khăn đội đầu của phụ nữ Nùng gồm có khăn vấn, khăn vuông, khăn hoa trùm phía ngoài, khăn vấn rộng 20cm dài 80cm, ở đầu khăn có đính tua chỉ màu và các hạt bạc nhỏ. Phụ nữ Nùng Dín có khăn chíp được dùng khi tham dự các sinh hoạt văn hóa cộng đồng đó là loại khăn vấn bằng vải chàm, có kích thước 0,2 x1m. Phụ nữ Nùng An đầu đội bằng chiếc khăn dệt hao khổ 25x25cm quanh mép khăn có thêu chỉ, khăn này được đội trên khăn vấn, mối giắt lồng dưới rất khéo. Phụ nữ Nùng Lòi vấn tóc đội khăn như phụ nữ Nùng Cháo và người Việt ở vùng đồng bằng.
Phụ nữ các nhóm Nùng thường bịt răng ván và ưa thích dùng đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, hoa tai, dây chuyền xà tích. Dùng nhiều trang sức hơn cả là ở người Nùng Dín và ngược lại phụ nữ Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi sử dụng trang sức bằng bạc ít hơn. Trong các trang sức của họ có bộ trâm cài đầu khá độc đáo. Trâm làm bằng bạc, gồm 4 chiếc (3 chiếc bán nguyệt, 1 chiếc hình bướm).
Phụ nữ các nhóm Nùng thắt dây lưng dệt bằng vải sợi bông hoặc tơ tằm dài khoảng 2m ở dây lưng cũng có những hoa văn trang trí khác nhau. Ngoài sự khác nhau về trang phục theo giới tính, thì dân tộc Nùng có sự phân biệt về tuổi tác. Quần áo trẻ em cũng được cắt may theo kiểu người lớn, nhưng ít hoa văn hơn. Mũ trẻ em hình bán cầu thường được khân chắp bằng các mảnh vải khác nhau về màu sắc, hình tam giác. Trang phục của người có tuổi thường đơn giản hơn, ít hoa văn hơn.
Ở cư dân Nùng người chết được mặt những bộ đồ quần áo mới và liệm vào quan tài trong một tấm vải trắng. Con trai con gái người quá cố mặt tang phục màu trăng nhưng đẻ mặt chỉ lộ ra ngoài, điều đó thể hiện tình cảm của người còn sống dành cho người đã chết.
Ăn uống:
Cơm gạo tẻ là thành phần chủ yếu trong những bữa ăn thường nhật của dân tộc Nùng, lúa nếp không được cấy nhiều và chỉ được dùng vào trong những dịp lễ tết. Lương thực phụ hàng đầu đó là ngô, sau đến sắn, khoai dùng để ăn độn với cơm hoặc ăn vào bữa phụ.
Dân tộc Nùng có hai bữa ăn chính đó là lúc trưa (11 giờ), và tối (lúc 18 giờ). Ngoài ra còn có 2-3 bữa phụ tùy theo điều kiện của mỗi nhà. Thực phẩm chủ yếu cho bữa ăn hàng ngày có rau, măng, đậu, còn cá, thịt, trứng, cua, ốc..tỉ lệ rất thấp và không thường xuyên.
Thức uống ở cư dân Nùng đến nay đã hạn chế dùng đến nước lã, nước đun sôi để nguội hay nước trà lá được sử dụng phổ biến. Rượu có hai loại ‘‘lẩu slieu’’ (rượu cất) và rượu ủ ‘‘lẩu van’’ rượu nếp. Rượu để càng lâu ngày, càng được nâng cao chất lượng. Rượu được dùng trong cúng, tế, lễ hội và dùng một ít trong bữa ăn. Nhìn chung cơ cấu bũa ăn của dân tộc Nùng không quá cầu kỳ, mang tính văn hóa cao, tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà cơ cấu bữa ăn khác.
TỔ CHỨC GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI.
Các hình thức và mối quan hệ trong gia đình:
Đồng bào Nùng thường gọi gia đình là “Tu lườn”, đã từ lâu gia đình phụ quyền là loại hình gia đình chủ yếu ở các vùng đồng bào Nùng. Phổ biến nhất vẫn là gia đình hai thế hệ đó là bố mẹ và con cái chua có gia đình. Cũng có những gia đình có cả em trai chưa vợ, em gái chưa chồng, hoạc anh em họ hàng.
Đáng chú ý là trong các gia đình còn có con gái đã lấy chồng nhưng sau khi cưới vẫn ở lại sống chung với bố mẹ đẻ cho tới khi sắp sinh con đầu lòng mới về nhà chồng. Thời gian các cô gái ở lại nhà bố mẹ đẻ có thể kéo dài tới hàng chục năm nếu cô chậm sinh nở. Ở các nhóm Nùng Giang, Nùng Pẻng, Nùng An, Nùng Cháo, tùy mức độ khác nhau vẫn duy trì hình thái gia đình lớn, tuy rằng quy mô và thành phần của nó so với gia đình lớn trước kia đã bị thu hẹp hơn nhiều. Hiện nay phổ biến là gia đình gồm 2, 3 anh em đã có vợ, có con nhưng vẫn sống chung với bố mẹ, tiến hành sản xuất, ăn, chi tiêu chung. Tuy nhiên hình thức này chỉ duy trì khi cha mẹ còn sống, còn khi bố mẹ qua đời các cặp vợ chồng tách ra ở riêng.
Trước 1945 ở dân tộc Nùng đã từng tồn tại những gia đình lớn, thành viên của gia đình có thể lên đến hàng chục người, họ cùng chung sống với nhau, kể cả chi tiêu, làm ăn chung. Kiểu gia đình này người Nùng Lòi gọi là “ lườn lai pỏ mè lục lùa pú dả” ( nhà có nhiều bố mẹ, con cháu, ông bà). Thường con cái tách ra ở riêng khi cưới vợ cho con trai út. Con trai thứ sẽ lần lượt tách ra ở riêng, con cả cùng với vợ con ở với bố mẹ. Tuy ra ở riêng nhưng các anh em vẫn ở gần nhau để quan tâm giúp đỡ nhau về mọi mặt trong sinh hoạt đời sống. Người cha hoặc con trai trưởng có quyền bao quát chung, còn quyền hành thực sự thuộc về chủ gia đình nhỏ.
Tỉ lệ nhân khẩu trên dưới 10 người chiếm tỷ lệ cao trong gia đình của dân tộc Nùng Phàn Slinh (Lạng Sơn), Nùng An (Cao Bằng). Mỗi tiểu gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập, có tài sản riêng, uy tín của chủ rườn tùy thuộc vào cách ứng xử của ông ta vói mọi người trong gia đình và xã hội. Trong tổ chức sản xuất cũng như trong sinh hoạt hằng ngày gia đình tuân thủ theo phân công lao động theo giới. Đàn ông làm những công việc nặng nhọc, đàn bà làm những công việc nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên phụ nữ Nùng có thể làm tốt những công việc nặng nhọc mà không kém gì so vói nam giới, họ có thể đi cày, tham gia vào viêc làm nương, phát rẫy. Đặc biệt phụ nữ Nùng An còn nổi tiếng với nghề rèn, đan lát giỏi. Việc chăn gia súc, cắt cỏ thường dành cho phụ nữ và trẻ em.
Trong gia đình Nùng tính chất gia trưởng phụ quyền rất cao, phản ánh rõ nét trong đời sống hàng ngày trên mọi lĩnh vực, điều này không chỉ biểu hiện qua vai trò người bố, chồng, cha là người quyết định mà còn biểu hiện rõ rệt trong việc phân chia tài sản, chỉ có con trai, mới được quyền thừa kế. Việc phân chia tài sản được tiến hành khi bố mẹ về già hay đã qua đời hoặc khi một trong những người con trai cùng vợ con tách ra ở riêng. Con trai trưởng được nhận phần nhiều hơn và ở chung với bố mẹ, có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Khi bố mẹ đã khuất bóng thì lo tang ma, thờ cúng .
Tuy nhiên ở dân tộc Nùng Dín Hoàng Sa Phì (Hà Giang) thì tài sản của bố mệ để lại cho người con trai út, người con trai út là người lập gia đình sau cùng, ở chung và phụng dưỡng bố mẹ. Trường hợp gia đình không có con trai thì khi bố mẹ mất tài sản được phân lại cho chàng rễ, con rể phải đổi họ và có trách nhiệm thờ cúng ông bà, cha mẹ khuất bóng.
Người phụ nữ trong gia đình ở địa vị thấp hơn nam giới, trong gia đình người phụ nữ phải tuân thủ những quy tắc chặt chẽ như: không được đi ngang qua phía trước bàn thờ trong nhà, không ngồi vào chổ tiếp khách của nam giới ở gian ngoài, không ngồi cùng chiếu với bố, anh chồng, không được đến chổ ngủ dành riêng cho bố, chú, bác chồng. Bố chồng và con dâu thường không ăn cơm cùng mâm, không đi cùng đường, không làm một chổ trên một ruộng, rẫy. Thường bố, anh chồng khôngbao giờ vào buồng con dâu, không trực tiếp đưa đồ cho con dâu mà phải để chổ nào đấy rồi con đâu tự lấy. Ngay cả khi con dâu ở cự, người trong nhà đi vắng bố chồng cũng không trực tiếp đưa cơm hay bất cứ vật gì cho con dâu. Thậm chí cháu khóc ông cũng không được vào phòng bế cháu ra mà phai nhờ người khác bế cháu ra hộ.
Mọi sinh hoạt của phụ nữ chỉ ở trong phạm vi phần trong của nhà, con gái hay con dâu chỉ tiếp khách nữ ở trong buồng bếp. Mọi hoạt động đi lại của con gái phải hết sức thận trọng, khi ngồi phụ nữ không được quay lưng vào bàn thờ tổ tiên. Khi mời khách uống nước, họ phỉa cúi khom người xuống, mời xong, lùi lại một bước rồi quay đi. Theo quan niệm của dân tộc Nùng họ nội lúc nào cũng quan trọng hơn họ ngoại.
Hôn nhân trong xã hội Nùng
Dân tộc Nùng có quy định rất chặt chẽ trong hôn nhân gia đình, cấm lấy người trong dòng tộc với nhau, trừ những người họ xa khác chi. Tuy nhiên những trường hợp họ xa lấy nhau cũng rất hiếm.
Tiêu chuẩn người chồng trong xã hội Nùng xưa cũng như nay là khỏe mạnh, cần cù, cày bừa thành thạo, săn bắn giỏi. Trai Nùng thích tìm vợ là những người “Nả hang khàng suổi phịn siêng” (con gái mặt vuông chữ điền trông như tiên) và không thích kết hôn với những cô “kiêu sải bố thưng tum, mì cua tẻ sè lùm sèo móp”( gót chân không chạm đất khổ suốt đời). Nhiều nơi đồng bào thường dánh giá những đức tính của người dâu tương lai qua cách làm ăn của người mẹ:
“Chiếu khẩu lệ chiếu phàng, Chiếu nàng lẽ chiếu mẻ” (Muốn biết được lúa, nhìn vào gốc rạ, Muốn biết nàng dâu nhìn vào người mẹ).
Trong tình yêu nam, nữ Nùng được chủ động ở mức độ nhất định, được thổ lộ tình cảm với người mình yêu vào dịp hội hè hàng năm như hôi “hồng tông” (xuống đồng). Các buổi chợ phiên, những ngày cưới của bạn bè, vào các buổi lao động chung của làng..Họ biểu lộ tình cảm bằng những bài hát đối đáp Sli, lượn, những bài cò lẫu, “Phong slư”. Người Nùng Phàn Slinh đôi trai gái đã có tình ý với nhau họ trao đổi quà tặng cho nhau, con gái tặng con trai cái “con lót” (giỏ đựng chỉ), cái “cưn nả”(khăn đội đầu nam giới) và nhận lại của bạn trai cái “an sả”, “phooc phum” ( cái lược). Trước kia mặc dù nam nữ thanh niên Nùng được tự do tìm hiểu, thổ lộ tình cảm nhưng hôn nhân do cha , mẹ sắp đặt vẫn là hình thức hôn nhân chủ đạo.
Hiện tượng ngoại tình, hoang thai cũng hiếm có, theo luật tộc Nùng nếu người vợ ngoại tình sẽ bị đuổi ra khỏi nhà chồng và phải bồi thường tài sản cho nhà chồng. Nếu người chồng ngoại tình sẽ phải nộp phạt một con trâu đẻ bồi thường danh dự cho nhà gái. Ỏ dân tộc Nùng An sau khi vợ cả tổ chức cưới vợ lẽ cho chồng thì bà ta sẽ làm một ngôi nhà khác hoặc ngăn nhà ra ở riêng cùng với con cái của mình.
Theo luật tục của dân tộc Nùng Din ở Bắc Giang và Hoàng Su Phì- hà Giang nếu vợ chết, chồng có thể lấy em gái vợ. Em trai chết anh trai có thể lấy em dâu “Phú lùng âu mẻ nả”. Song hiện nay những hiện tượng như thế rất hiếm.
Trong hôn nhân dân tộc Nùng cũng như dân tộc Tày có tập tục ở rể (ở rể tạm và ở rễ suốt đời). Trong đám cưới phí tốn cho hôn lễ do nhà trai lo liệu. Người Nùng Din ở rể được giảm 1/3 số lễ vật trong hôn lễ. Sau lễ 3 ngày người mẹ chồng đón nàng dâu về giúp việc nhà. Khi người vợ ra về thì người chồng cũng theo về bên nhà vợ, chàng rể thường ở nhà vợ cho đến khi em trai của vợ trưởng thành sống tự lập, lúc đó bố mẹ vợ sẽ chia một ít tài sản cho đôi vợ chồng này ra ở riêng.Tuy cùng địa bàn cư trú và cùng sinh hoạt với dân tộcTày nhưng giũa hai tộc người này ít khi kết hôn với nhau, đa phần người Nùng hoặc Tày thích kết hôn với người dân tộc mình mà thôi.
Nghi lễ cưới:
Trong lễ dạm của dân tộc Nùng Dín(Hà Giang) nhà trai tìm một bà mối đứng tuổi trong bản (là người ăn nói hoạt bát, hiểu biết, vui vẻ, trung thực) đến nhà gái thăm hỏi, tìm hiểu mọi mặt về gia thế, đặc biệt về cô gái, giới thiệu với nhà gái về chàng trai và gia đình anh ta. Nếu nhà gái có thiện cảm sẽ cho biết ngày sinh tháng đẻ của con gái mình. Trong khi đó ở người Nùng An (Cao Bằng) bà mối “Me slo” thường là bà cô họ, thay mặt nhà trai mang theo 20 lá trầu, 1 cây vỏ, 1kg đường đến nhà chạm ngõ. Lễ vật được trưng trong một cái “chỏng vả” ( giỏ con bằng tre) do chính tay chàng trai đan, đây cũng là hình thức để bày tỏ cho gia đình, nhất là cô gái biết được sự khéo léo của chàng trai. Người Nùng An chỉ tiến hành lễ chạm vào những ngày chẵn của âm lịc và kiêng vào những ngày có chuyện không hay xảy ra trong bản. Người mối đi một mình, khi đến thường được nhà gái tiếp đón vui vẻ và làm cơm tiếp đãi. Nếu nhà gái ưng thuận lễ vật sẽ được mẹ cô gái đặt lên bàn thờ tổ tiên, hai đến ba ngày sau người mối quay lại nhà cô gái xin lá số “au mình” của cô gái. Trường hợp khước từ nhà gái trả lại mâm lễ vật.
Dân tộc Nùng lòi thường nhờ chú, bác người có gia đình đầy đủ, đông con sang đặt vấn đề với nhà gái, đôi khi phải đi 3-4 lần mới nhận được lá số “ạu nỉnh” của cô gái sau đó họ nhờ thầy mo xem tuổi hợp hay không? Nếu hợp tuổi thì hai bên bàn bạc rồi tiến hành đến hôn lễ. Trong trường hợp không hợp tuổi thì nhà trai trả lại lá “ạu nỉnh” và một ít tiền hoặc một số lễ vật cho nhà gái tiền gọi là “Xèn quá hồng” để bồi thường danh dự cho nhà gái.
Theo quan niệm của dân tộc Nùng Phàn Slinh Cao Lộc, Lang Sơn trên đường đi gặp rắn là tốt, gặp người đang cắt tóc, phụ nữ đang gội đầu, hay nghe tu hú kêu là không tốt, nên phải quay về đi lần khác.
Trong trường hợp hai bên gia đình đồng ý cho con đi đến hôn nhân thì sau một thời gian nhất định, nhà trai tiến hành lễ ăn hỏi. Ở dân tộc Nùng Lòi gọi là “háp mỉnh hom”, còn với dân tộc Nùng Phàn Slinh thì gọi là “téc xèn”(đặt tiền) hay “đắt cáy” (lễ gà), dân tộc Nùng An có lễ “pay khả cáy” nhà gái. Trong lễ này nhà gái mời họ hàng thân thích đến dự để bàn bạc và thống nhất với đại diện nhà trai về đồ sính lễ, tiền cưới mà nhà trai phải nộp cho nhà gái, tùy theo từng phong tục của mõi vùng khác nhau mà lễ vật có thể khác nhau nhưng nhất thiết là phải có gà. Dân tộc Nùng Lòi nhờ ông mối “pỏ mòi”cùng anh em trong dòng họ mang lễ vật sang nhà gái để làm lễ “háp mỉnh hom” thường đến vào buổi tối, lễ vật có 100 bánh dầy, một đôi gà thiến, 1kg thịt lợn, 1l rượu, nhà gái nhận đưa lên bàn thờ . Sau khi làm lễ xong nhà gái biếu lại nhà trai 10 cái bành dầy, nửa con gà và sau đó chính thức là thông gia.
Dân tộc Nùng An đến ngày lễ “Pây khả cáy” ông mối “Lão Slo” cùng một em bé khoảng 12-13 tuổi, mang lễ vật gồm 1 đôi gà thiến, 6kg thịt lợn, hai chai rượu, 10 ống gạo nếp sang nhà gái. Một số họ hàng nhà gái ra đón lễ, nhà gái dùng các lễ vật đó để cúng tổ tiên, ông cậu “tả Slung” chủ trì buổi lễ sau đó tiến hành các nghi lễ tiếp theo.
Dân tộc Nùng quan niệm rằng nếu hôm cưới mà sáng sớm có mưa phùn, buổi chiều hửng nắng thì sau này đôi trai gái đó sẽ làm ăn thuận buồm xuôi gió. Nếu vào ngày dó có sấm sét, thì việc làm ăn ắt khó khăn, những điều rủi ro có thể xảy ra.
Trên đường rước dâu hai đám cưới gặp nhau thì 2 cô dâu dừng lại mời trầu hoặc trao khăn đội đầu cho nhau. Dẫn đầu đoàn cưới dân tộc Nùng Lòi là ông mối “Pở Mòi” sau đó đến rễ, phù rễ, một cô đón, sau đến 2 thanh niên khiêng lợn quay, đến một em trai gánh xôi, một em gái gánh 8 con gà thiến, 1 con gà luộc, 1 dải lụa hồng, 1 mảnh vải ( tùm khó) để trả công ơn mang nặng đẻ đau cho mẹ cô dâu. Từ trong nhà đi ra không một ai trong đoàn dẫm chân lên bậc cửa chính.
Thành phần rước dâu của dân tộc Nùng Lòi có ông mối, chàng rễ, phà rễ, hai thiếu nữ và một bé gái 12-13 tuổi, lễ vật gồm xôi, đôi gà thiến, hai cây nến và tờ giấy ghi lộc mệnh của cô dâu được đính trên mảnh vải đen đem đến bàn thờ.
Tục lệ sinh đẻ
Dân tộc Nùng quan niệm gia đình hạnh phúc là gia đình có đông con. Trước kia cũng như hiện nay, kén chọn vợ cho con trai, bậc cha mẹ thường tìm hiểu rất kỹ về lai lịch cha mẹ đẻ, nhất là bà mẹ cô dâu. Xem người mẹ đẻ có tốt không và nuôi con có tốt không. Những người phụ nữ không chồng, con bị xã hội coi thường.
Người phụ nữ mang thai không nên làm việc nặng, đối với dân tộc Nùng An, Lòi, khuyên phụ nữ mang thai nhiều điều kiêng kỵ như: không bước qua dây buộc nghựa, trâu bò vì quan niệm rằng sau này đứa bé sẽ bị trang hoa cổ hoạc sẽ luôn há mồm. Không ăn ốc vì trẻ sinh ra bị dớt dãi, không ăn cơm cháy sợ dính ruột, không đánh rắng sợ lưỡi đứa trẻ luôn thè ra. Người chồng tuân thủ một số kiêng kỵ nhất định như : không chọc tiếc lợn, cắt tiết gà, vịt, không đi viếng đám ma, không được khiêng quan tài
Vi Đức Hồi sưu tầm