Nét đẹp trong ngôn ngữ dân tộc Tày (Triệu Thị Kiều Dung) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Sunday, June 5, 2016

Nét đẹp trong ngôn ngữ dân tộc Tày (Triệu Thị Kiều Dung)


Một số tác phẩm Nôm Tày được xuất bản và phát hành từ ngồn kinh phí sự nghiệp KH&CN tỉnh Cao Bằng.
Dân tộc Tày là dân tộc thiểu số đông dân nhất Việt Nam. Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc Tày có 1.626.329 người. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Tày thuộc các tỉnh miền núi phái Bắc Việt Nam như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái…Và một số Tỉnh ở Phía Nam như: Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai… cũng có người Tày cư trú, nhưng họ là cư dân mới chuyển vào trong thời gian gần đây. Như vậy, có thể nói khu vực Đông bắc bộ được coi là nơi sinh tụ lâu đời của người Tày trong đó Lạng Sơn (có 259.496 người) và Cao Bằng (có 207.805 người) đây là hai tỉnh có số người Tày cư trú đông đúc nhất.

 Khảo cứu nhiều dòng họ người Tày ở Cao Bằng cho thấy, nhiều dòng họ người Tày tại đây có nguồn gốc khác nhau, có thể là người Tày cổ trước đây còn gọi là người Thổ (cư dân bản địa đã sinh sống từ lâu đời), có thể là Tày lưu quan (từ nơi khác đến làm quan và ở lại) cũng có thể là người Kinh từ miền xuôi lên, người Hoa từ Trung Quốc sang,….Điều đó chứng tỏ rằng, người Tày ngày nay có nhiều nguồn gốc hoà hợp, cụ thể như: dòng họ Bế đều khai là dân tộc Tày, nhưng cụ tổ là người Thanh Hoá lên Cao Bằng dạy chữ Nho rồi bén duyên với con gái dân tộc Tày và ở rể tại Cao Bằng. Theo phong tục tập quán của người Tày, người chồng đến ăn nghiệp bên vợ, con cái sinh ra phải mang họ vợ và họ của người chồng thường chỉ còn một chữ  đệm giữa họ và tên, con cái được xác định là người dân tộc Tày. Gia phả các dòng họ Thân dân tộc Tày ở xã Bình Long, huyện Hoà An ghi lại, họ vốn là người Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang…        


Như vậy, trong quá trình phát triển, dân tộc Tày có quan hệ giao thoa về nhiều mặt như trong lĩnh vực văn hoá và ngôn ngữ. Văn hoá dân tộc Tày vẫn mang màu sắc riêng nhưng không vì thế mà kém đi sự đặc sắc, phong phú và đa dạng. Hoà trong dòng chảy của nền văn hoá, ngôn ngữ dân tộc Tày cũng tiếp nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của ngôn ngữ dân tộc Kinh và các dân tộc anh em khác.
Ngôn ngữ của dân tộc Tày là tiếng Tày. Tiếng Tày có vị trí quan trọng và được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày của cư dân bản xứ. Song để biểu thị các khái niệm xã hội, chính trị, pháp lý, khoa học…thì tiếng Tày phải vay mượn từ tiếng Hán và đặc biệt từ tiếng phổ thông là tiếng Việt. Sự vay mượn được hình thành trong thực tiễn đời sống nên phù hợp với quy luật, điều đó đã làm cho tiếng Tày trở nên phong phú, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ trở thành công cụ giao tiếp trong cộng đồng cư dân người Tày xưa và nay.
So với vùng dân tộc thiểu số trong khu vực Đông Bắc bộ, việc học chữ Hán của người Tày là phát triển hơn cả. Một lớp Nho sĩ bình dân tức là lớp tri thức dân tộc nhỏ đã hình thành. Tuy trình độ học vấn của họ không cao lắm, nhưng họ gắn bó chặt chẽ với nhân dân, họ đã góp sức cùng quần chúng nhân dân xây dựng nền ngôn ngữ và văn học dân tộc, chủ yếu là văn học dân gian có sắc thái riêng biệt.
Trước khi có chữ Quốc ngữ thì chữ Hán và chữ Nôm Tày được sử dụng phổ biến trong dân gian. Bao gồm các từ chỉ sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, cây cối, con vật, thời gian, không gian và những từ chỉ hoạt động trạng thái của người và vật trong xã hội. Và một số từ ngữ mượn chữ Hán và chữ Nôm để diễn đạt các khái niệm trìu tượng, những thuật ngữ văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.
Sau khi chữ quốc ngữ được sử dụng một cách phổ biến, nhất là từ khi hệ thống chữ Tày được la tinh hoá, và "Phương án chữ Tày Nùng" được chính  thức công bố và sử dụng năm 1961, thì phạm vi sử dụng tiếng Tày trong đời sống xã hội càng trở nên quan trọng. Sách báo được viết bằng tiếng Tày thuộc nhiều thể loại khác nhau trong nhiều lĩnh vực được xuất bản ngày càng nhiều trong khu vực Đông Bắc.


Ngôn ngữ của người Tày rất giàu và đẹp, điều đó đã khiến cho lời ăn tiếng nói của người Tày trở nên hết sức phong phú, uyển chuyển, tinh tế và khái quát. Với số đơn vị ngữ âm phong phú đã tạo ra các từ ngữ diễn đạt mọi khía cạnh của đời sống vật chất và tinh thần bên cạnh vốn từ vay mượn từ tiếng Hán và tiếng Việt. Bởi thế, tiếng Tày đã trở thành phương tiện lưu truyền một kho tàng văn học dân gian phong phú bao gồm: truyện cổ tích, thần thoại và vốn thi ca cổ truyền gồm: dân ca trữ tình, thơ ca đám cưới, hát ru, văn cúng bái, văn than... không biết được sáng tác từ bao giờ. Nội dung chủ yếu của những câu chuyện đó nhằm giải thích vũ trụ, nguồn gốc loài người, nguồn gốc các dân tộc, nêu lên lòng chính nghĩa, ghét gian tà, tinh thần đấu tranh chống lực lượng siêu nhiên thần kỳ, chống cường quyền ác bá, đấu tranh để giữ trọn vẹn mối tình chung thuỷ lứa đôi, bạn bè, đấu tranh chống ngoại xâm, truyền thống đoàn kết dân tộc…Ta có thể tìm thấy vô vàn dẫn chứng nói lên điều đó. Ví dụ như nói về tình cảm giữa con người với con người, đồng bào dân tộc Tày thường truyền nhau câu:  
"Lảc mạy tẩn, lạc gần rì"  (Rễ cây  ngắn, rễ người dài). 
Hay ca ngợi giá trị của con người quý hơn mọi giá trị tiền bạc được các thế hệ ông cha đúc kết lại: 
"Ngần chèn tang tôm nhả
Tha nả tảy xiên kim"(Tiền bạc như đất cỏ
Danh dự tựa ngàn vàng".

Những lời thơ, câu văn hàm súc, triết lý và vô cùng ý nghĩa ấy, lúc đầu được lưu truyền từ người này sang người khác bằng phương thức truyền miệng, về sau được ghi chép bằng chữ Nôm Tày và chữ Tày theo phiên âm la tinh.
Chữ Nôm Tày xuất hiện và được dùng để sáng tác, ghi chép văn chương, còn trong đời sống hàng ngày, tiếng Tày giữ địa vị là phương tiện giao tiếp phổ biến. Đó là lời cha ông nói với con cháu, là hàng xóm nói với láng giềng, là lời nam thanh hát đối với nữ tú qua những câu sli tiếng lượn (làn điệu dân ca của người Tày) như: 
"Tính vuồn tính khát sai tả coóc
Mèng vuồn mèng hăn bioóc dạn tom
Cáy vuồn cáy hăn non dạn khuế
Lủc vuồn lủc hăn mẻ dạn giăng
Nghĩa vuồn nghĩa hăn căn dạn phuối...."
(Dịch thơ:
Đàn tính buồn, đàn tính đứt dây
Ong buồn hoa nở ong bay chẳng vờn
Gà buồn lười bới sâu ăn
Con buồn thấy mẹ ngại ngần dạ thưa
Người buồn gặp nghĩa thờ ơ
Lời sao ngại nói biết chờ đợi chi?

Nhìn chung, trong đời sống ngôn ngữ, văn hoá của người Tày, tiếng dân tộc và tiếng phổ thông cùng hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tiếng Tày không chỉ còn là của riêng người Tày và các dân tộc thiểu số láng giềng mà đã được hàng vạn người Kinh sinh sống và làm việc bên cạnh người Tày cũng coi đó là phương tiện ngôn ngữ thường xuyên sử dụng trong giao tiếp.


Ngôn ngữ là tiền đề cho đối tượng văn hoá phát triển. Và sự phát triển của văn hoá tạo tiền đề trở lại cho ngôn ngữ phát triển. Chính vì vậy, người Tày đã sử dụng ngôn ngữ để ghi chép và gìn giữ những giá trị văn hoá vật chất cũng như văn hoá tinh thần của dân tộc mình.

Có thể nói, ngôn ngữ có khả năng tổng hợp và khái quát lại mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tập trung tiến trình phát triển những nét văn hoá của cộng đồng. Chính vì vậy, cho đến ngày nay, ngôn ngữ của dân tộc Tày vẫn luôn là mảng đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu và đối với những ai có hứng thú tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo, riêng biệt của dân tộc này.

Triệu Thị Kiều Dung

Share with your friends