Những món ăn dân giã của người Ba Na
Từ bao đời nay, Ba Na luôn là tộc người bí ẩn, là chủ nhân của nhiều luật tục lạ lẫm và bí hiểm, cùng đó là những món ẩm thực đặc trưng quen mà lạ, mà khi đụng đũa, thực khách phương xa sẽ ngây ngất, sẽ nhớ mãi không thôi...
Sống giữa núi rừng, người Ba Na ở Kon Tum đã biết tận dụng thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình. Nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng được bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây biến thành những món ăn dân giã mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa.
Thức ăn hàng ngày của người Ba Na đơn giản, gần như có gì ăn nấy, thường đạm bạc, chủ yếu là rau xanh, măng, nấm theo mùa; cá, cua, ốc, ếch kiếm được tùy thuộc sự tháo vát, đảm đang của các thành viên mỗi gia đình.
Thức ăn hàng ngày của người Ba Na đơn giản, gần như có gì ăn nấy, thường đạm bạc, chủ yếu là rau xanh, măng, nấm theo mùa; cá, cua, ốc, ếch kiếm được tùy thuộc sự tháo vát, đảm đang của các thành viên mỗi gia đình.
Cháo nấm mối
Đây là món ăn quen thuộc và ưa thích của người Ba Na. Trước kia đồng bào thường nấu cháo bỏ vào trong vỏ bầu khô mang theo mỗi khi đi làm xa. Sau những giờ lao động mệt nhọc, giải lao được thưởng thức món cháo mát lạnh đựng trong bầu, cái nắng, cái gió của cao nguyên như dịu đi phần nào.
Nấm mối thường chỉ mọc vào đầu mùa mưa, trong khi làm nương rẫy, người ta thường bắt gặp những đám nấm mọc rải rác trên rẫy mì, rẫy bắp. Nấm lấy về rửa sạch, loại bỏ phần gốc rồi xé nhỏ. Khi nấu cháo đồng bào không để nguyên hạt gạo mà dùng cối giã gạo thật mịn rồi mới đem nấu. Nước sôi, bỏ nấm vào nồi nấu trước khoảng dăm phút rồi cho bột gạo vào. Trong khi cho bột vào, một tay rắc nhẹ để bột không bị dính cục, một tay cầm cây đũa bếp quấy thật đều. Người nấu phải quấy đều tay để cháo không bị vón cục. Trước khi bắc xuống, cho vào nồi cháo một chút muối, một chút bột tiêu rừng.
Tôm lam rau dớn
Trong các loại rau rừng, rau dớn được xếp vào hàng đặc sản ở Kon Tum, ai đã nếm thử một lần sẽ nhớ mãi hương vị. Rau dớn sinh sôi phát triển vào mùa mưa. Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, bà con cứ men theo những con sông, khe suối, là có thể hái được rau, có khi bắt gặp cả một thảm rau xanh mượt dưới những tán rừng già rậm rạp, bên những khe suối. Rau dớn có thể chế biến thành nhiều món như luộc, nộm, xào, nấu canh và đặc biệt là món Tôm lam rau dớn.
Tôm để nguyên con rửa sạch cùng với rau dớn. Cho tôm và rau vào ống lồ ô. (Chọn những ống lồ ô “bánh tẻ”, tức là không già quá, cũng không non quá. Nếu ống già khi đốt dễ bị cháy, nếu ống non quá thì lại hay bị óp, nứt). Sau khi bỏ tôm và rau vào ống lồ ô, nêm muối vừa ăn, xóc đều rồi nút lại bằng lá chuối. Đem ống lồ ô nướng trên bếp than, khoảng 15 - 20 phút. Khi nướng thỉnh thoảng xoay tròn ống để tôm và rau chín đều. Đổ món ăn ra đĩa hoặc lá chuối đã chuẩn bị sẵn là có được món tôm lam rau dớn thơm ngon, màu xanh mượt của rau kết hợp với màu vàng tươi của tôm khiến món ăn càng trở nên bắt mắt.
Những người phụ nữ Ba Na đảm đang, tháo vát.
Cá suối nấu măng le
Mùa mưa cũng là lúc những búp măng thi nhau mọc. Măng le không to như măng nứa, măng vầu nhưng ruột đặc, rất giòn và ngọt. Sau mỗi buổi lên nương, trên đường về, những người phụ nữ thường tranh thủ kiếm thêm ít rau, măng cho bữa cơm gia đình. Trong lúc đó người đàn ông cũng tranh thủ quăng chài bắt cá, tôm để nấu với măng. Món Cá suối nấu măng le quen thuộc nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.
Măng rửa sạch rồi thái mỏng. Cá rửa sạch, những con to mổ bỏ ruột rồi cứ để nguyên con. Cho măng vào nồi nấu trước, khi măng gần chín thì cho cá vào rồi nêm mắm muối, gia vị. Tiếp tục đun trên bếp khoảng 10 phút cho cá chín và vị ngọt của cá thấm đều vào măng. Để làm tăng thêm hương vị và khử mùi tanh của cá suối cho thêm một ít lá é. Vị ngọt tươi thơm ngon của cá suối cùng với vị giòn sần sật của măng le khiến những ai đã từng một lần thưởng thức khó có thể quên.
Thịt mùi nấu cà đắng
Để có một món Thịt mùi nấu cà đắng ngon, người ta thường chọn những miếng thịt heo ba chỉ, khi nấu sẽ tạo được độ ngon và béo. Đem gói thịt trong lá chuối rồi để trên gác bếp1 - 2 ngày cho thịt có mùi. Cách chế biến này khiến cho món ăn trở nên độc đáo, có hương vị riêng. Sau đó thịt được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Cà đắng rửa sạch, bổ đôi, hoặc bổ ba. Cho cà và thịt vào ống lồ ô rồi nêm gia vị vừa ăn, dùng lá cây nút ống lại và đem nướng trên bếp lửa. Khi các nguyên liệu đã chín, dùng đũa bếp xọc thật mạnh để cà và thịt nhuyễn vào nhau, cho thêm lá é, một thứ gia vị quen thuộc và phổ biến của người Ba Na làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Để đổ thức ăn từ trong ống ra cũng phải có "tay nghề". Người ta dùng tay trái nắm vào thân ống lồ ô, dùng tay phải đập nhẹ lên cổ tay trái, cứ như vậy cho đến khi món ăn nằm gọn trên đĩa. Thịt mùi nấu cà đắng là sự kết hợp hài hoà giữa các nguyên liệu và gia vị. Khi ăn vừa cảm nhận được béo ngậy của thịt mùi, vị bùi pha chút đăng đắng của cà cùng mùi thơm rất riêng của lá é. Tất cả hoà quyện vào nhau khiến món ăn ngon khó tả.
Có lên miền sơn cước, có thưởng thức những món ngon của người Ba Na bên bếp lửa đỏ rực, bên những ché rượu cần thơm lựng với những người già và nghe các cụ kể về nguồn gốc của từng món ăn, khi đó ta mới cảm thụ hết tinh hoa ẩm thực cũng như tính cách của tộc người anh em này. Những món ăn của người Ba Na đậm đà, đẫm hương vị núi rừng, đong đầy tình cảm, sự phóng khoáng và chiều sâu tâm hồn, thực sự là tinh túy của đại ngàn, của một thuở hoang sơ đáng để chúng ta khám phá.
Mạc Phi (sưu tầm)