Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người M’Nông ở Việt Nam có dân số 102.741 người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người M’Nông cư trú tập trung tại các tỉnh: Đắk Lắk (40.344 người, chiếm 39,3% tổng số người M’Nông tại Việt Nam), Đắk Nông (39.964 người, chiếm 38,9% tổng số người M’Nông tại Việt Nam), Lâm Đồng (9.099 người), Bình Phước (8.599 người), Quảng Nam (13.685 người).
Tại Campuchia, theo SIL International, năm 2002 có khoảng 20.000 người M’Nông, chủ yếu sinh sống trong tỉnh Mondulkiri, giáp biên giới với các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk của Việt Nam. Tại đây họ còn được gọi là Phong, Phnong, Bunong, Budong, Phanong.
Sơn nữ M'Nông trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.Sơn nữ M’Nông trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.
Dân tộc M’nông thuộc chủng Indonesian. Ngôn ngữ M’nông thuộc nhóm Môn-Khmer miền núi phía Nam. Trong vốn từ vựng M’nông bộc lộ rõ sự ảnh hưởng của tiếng Chăm, qua ngôn ngữ Ê Đê và Giarai, là những ngôn ngữ thuộc nhóm Malay-Polynesia, bên cạnh sự ảnh hưởng sâu đậm hơn của nhóm Môn-Khmer…
Trong quá trình lịch sử phát triển tộc người của mình, do địa bàn cư trú phân tán trên một vùng rừng núi hiểm trở, việc giao lưu giữa các vùng M’nông rất khó khăn, hạn chế, đã phân chia cư dân M’nông ra rất nhiều nhóm địa phương. Nhưng các nhóm này vẫn tự nhận một tên gọi chung là M’nông.
Những nhóm địa phương của người M’nông có thể kể đến như:
-M’nông Gar, ở Tây Bắc Lâm Đồng và vùng hồ Lăk thuộc tỉnh Đăk Lăk
-M’nông Chil, cư trú trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và huyện Lắk thuộc tỉnh Đăk Lăk…
-M’nông Nông, ở Đăk Nông, Đăk Min tỉnh Đăk Lăk.
-M’nông Préh, ở Đăk Nông, Đăk Min, Krông Nô, Lắk, tỉnh ĐăkLăk
-M’nông Kuênh, ở huyện Krông Pách, tỉnh Đăk Lăk.
-M’nông Prâng, ở Đăk Nông, dăk Min, Lắk và EA Súp, tỉnh ĐăkLăk
-M’nông R’Lâm, ở huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk.
-M’nông Bu đâng, ở Bản Đôn, Đăk Lăk.
-M’nông Bu Nor, ở các huyện Đăk Nông, Đăk Min, tỉnh Đăk Lăk.
-M’nông Din Bri, ở vùng tả ngạn sông EA Krông, tỉnh Đăk Lăk
-M’nông Đíp, ở tỉnh Bình Phước và Đăk Lăk.
-M’nông Bíat, ở tỉnh Bình Phước và bên kia biên giới Campuchia-Việt Nam.
-M’nông Bu Dêh, ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Dăk Lăk.
-M’nông Si Tô, ở Đăk Song, tỉnh Đắk Nông.
-M’nông káh, ở các huyện Lắk, Đăk Nông, M’Drăk, tỉnh Đăk Lăk.
-M’nông Phê Dâm, ở vùng Quảng Tín, huyện Đăk Nông, tỉnh Đăk Lăk
Ngoài ra, còn có một số nhóm địa phương khác của người M’nông như: M’nông Rơ Đe, M’nông R’ông, M’nông K’Ziêng… cư trú ở Campuchia.
Mọi sinh hoạt, văn hóa, lễ hội của người M’nông Gar đều được Georges Codominas ghi chép và chụp lại. Mọi sinh hoạt, văn hóa, lễ hội của người M’nông Gar đều được Georges Codominas ghi chép và chụp lại.
Do có nhiều nhóm địa phương như vậy, nên cộng đồng dân tộc M’nông có nhiều phương ngữ, nhưng chủ yếu là phương ngữ M’nông miền Đông và phương ngữ M’nông miền Tây; Sự khác nhau giữa các phương ngữ đó là không đáng kể; Giữa các phương ngữ đó đều dễ dàng nghe và hiểu tiếng nói của nhau.
Người M’Nông làm rẫy là chính, ruộng nước chỉ có ở vùng ven hồ, đầm, sông. Những con vật nuôi thông thường ở trong các gia đình là trâu, chó, dê, lợn, gà và một số nhà nuôi cả voi. Người M’Nông ở Bản Đôn có nghề săn voi và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Nghề thủ công của người M’Nông có dệt vải sợi bông do phụ nữ đảm nhiệm và đan lát các dụng cụ như gùi, giỏ, mùng… do đàn ông làm.
Mỗi bản làng thường có vài chục nóc nhà, ông trưởng làng đóng vai trò to lớn trong dân làng. Mọi người sống theo kinh nghiệm và tập tục truyền lại từ nhiều đời. Nam nữ, trẻ, già ai cũng thích rượu cần và thuốc lá cuốn.
Nhà của người M’nông Gar, thường có mái buông chùm gần sát mặt đất, có kiến trúc mái cửa vòm như cửa tò vò, trông rất đẹp mắt. Thông thường, mỗi ngôi nhà của người M’nông Gar, M’nông Chil ở địa phương là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình có quan hệ huyết thống về phía mẹ.
Một buôn làng của người M'Nông (buôn Jun) bên hồ Lắk.Một buôn làng của người M’Nông (buôn Jun) bên hồ Lắk.
Xã hội truyền thống của người M’nông còn bảo lưu những dấu ấn khá sâu đậm của chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân. Sau lễ cưới, người con trai thường ở bên nhà vợ. Con cái sinh ra đều theo dòng họ mẹ và quyền thừa kế tài sản đều thuộc về những người con gái trong gia đình.
Trước đây, người M’nông theo tín ngưỡng đa thần, đặc biệt là các vị thần nông nghiệp và các vị chư thần giống như các vị thần của người Cơ Ho, người Mạ. Thiên Chúa Giáo và nhất là đạo Tin Lành đã thâm nhập và phát triển vào vùng người M’nông.
Theo nếp cũ trong luật tục hôn nhân, đến tuổi trưởng thành, người M’Nông phải cà răng mới được yêu đương lấy vợ lấy chồng. Phong tục cưới xin gồm 3 bước chính là dạm hỏi, lễ đính hôn, lễ cưới. Nhưng cũng có nơi đôi vợ chồng trẻ ở phía nào là tùy thỏa thuận giữa hai gia đình. Người M’Nông thích nhiều con, nhất là con gái. Sinh con sau một năm mới đặt tên chính thức.
Trong luật tục ma chay, người M’Nông có tập quán ca hát, gõ chiêng trống bên áo quan suốt ngày đêm. Sau khi hạ huyệt, họ dùng cây, que và lá cây trải kín miệng hố rồi mới lấp đất lên trên. Qua 7 ngày hoặc một tháng, gia chủ làm lễ đoạn tang.
Vốn văn hóa nghệ thuật được lưu truyền qua các thế hệ là chủ yếu là do truyền khẩu. Đặc biệt là tập quán kể chuyện sử thi của người M’Nông tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá quý báu. Kho tàng truyện cổ M’Nông bao gồm những thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, thế sự… phản ánh quá khứ về nhận thức của con người về vũ trụ và nhân sinh, đồng thời để lại nhiều dấu vết hoạt động của con người trong xã hội xưa đậm đà bản sắc.
Dân ca M’Nông giàu chất trữ tình và rất dễ hát, âm điệu thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong một bài, câu trước so với câu sau đều có nhịp tăng giảm để tạo nên những âm thanh trầm bổng. Kho tàng dân ca và nhạc cụ của người M’Nông đa dạng với các bộ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đặc biệt đàn đá mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Văn học truyền khẩu của người M’Nông ngoài dân ca và truyện cổ còn có ca dao và tù ngữ cũng không kém phần phong phú. Nhìn chung văn học nghệ thuật dân gian M’Nông đã làm tăng thêm hương sắc cho nền văn hóa dân gian Việt Nam.
Các Sử thi của tộc M’Nông:
1. Cướp Chiêng Cổ Bon Tiăng
2. Lêng Nghịch Đá Thần Của Yang
3. Bắt Con Lươn Ở Suối Dak Huch
4. Con Đĩa Nuốt Bon Tiăng
5. Cướp Chăn Lêng Của Jrêng, Lênh Con Ốt
6. Kră, Nông Cướp Binh, Kông Con Lông
7. Lấy Hoa Bạc, Hoa Đồng
8. Lêng, Kong Mbong Lấy Ché Voi Trắng
9. Thuốc Cá Ở Hồ Bầu Trời, Mặt Trăng
10. Yơng, Yang Lấy Ống Bạc Tượng Người
11. Bing Con Măch Xin Làm Vợ Yang
12. Con Hổ Cắn Mẹ Rong
13. Đẻ Lêng
14. Kể Gia Phả Sử Thi – Ot Ndrong
15. Lấy Ché Con Ó Của Tiăng
16. Lùa Cây Bạc, Cây Đồng
17. Rôch, Rông Bắt Hồn Lêng
18. Tiăng Cướp Djăn, Dje
19. Tiăng Lấy Gươm Tự Chém
20. Tiăng Lấy Lại Ché Rlung Chim Phượng Hoàng Ở Bom Kla
21. Ting, Rung Chết
22. Trâu Bon Tiăng Chạy Đến Bon Krơn, Lơng Con Jiăng
23. Yang Bán Bing Con Lông
24. Cướp Bung Con Klêt
25. Sung, Trang Con Mung Thăm Tiăng
26. Tiăng Giành Lại Bụi Tre Lồ Ô
Dưới đây mình có các bài:
– Đàn đá, nhạc cụ độc đáo của người M’Nông
– Kèn Rlet – Nhạc cụ độc đáo của người M’nông
– Âm nhạc dân gian trong nghi lễ của người M’nông
– Lễ sum họp của người M’nông, Đắk Nông
– Lễ cúng mưa đầu mùa của đồng bào M’nông, Đắk Nông
– Nghi lễ cắm nêu cúng lúa của người M’nông, Đắk Nông
– Lễ cúng nhập hồn lúa của người M’nông
– Độc đáo Lễ mừng thọ của người M’nông, Đắk Nông
– Độc đáo nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của người M’nông, Đắk Lắk
– Độc đáo lễ cưới của người M’nông Gar ở Đắk Lắk
– Trò chơi dân gian độc đáo trong các lễ hội truyền thống của người M’nông, Đắk Nông
– Trang phục truyền thống của người M’nông
– Nhà dài M’nông
Đàn đá M'Nông.Đàn đá M’Nông.
Đàn đá, nhạc cụ độc đáo của người M’Nông
Từ hàng ngàn năm trước, trên vùng đất Tây nguyên đã xuất hiện và lưu truyền một loại nhạc cụ vô cùng độc đáo, đó là loại nhạc cụ thuộc hệ gõ thường gọi là đàn đá, người M’Nông gọi là Goong lǔ (tức là cồng đá). Đàn đá như biểu hiện cho tiếng lòng của người Tây Nguyên, mỗi âm thanh của nó được đánh lên, người nghe như cảm được người Tây Nguyên đang gửi lòng mình vào đá . Tiếng đàn như âm vang trầm hùng của núi rừng, tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá còn thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân bản địa.
Bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện tại nơi cư trú của đồng bào M’Nông là ở huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông vào năm 1993. Đồng bào M’Nông ở đây kể rằng: khi đánh cá ở suối Đắk Kar một người dân đã tìm được 3 thanh đá gõ vào nghe âm thanh rất thích. Sau đó những thanh đá đó được các nhà nghiên cứu xác định là của bộ đàn đá cổ có từ thời đồ đá, cách đây gần 3.000 năm. Người tiền sử đã dùng các loại đá có sẵn ngay trên mảnh đất mình sinh sống để tạo ra đàn đá. Những phiến đá thô, tưởng như vô tri, vô giác đã được người xưa chế tác ra nhạc cụ và thật kỳ diệu từ những thanh đá ấy đã cất lên âm hưởng như tiếng vọng của đại ngàn Tây Nguyên vang vọng tới ngày nay. Ông Nguyên Tâm, nhà nghiên cứu về đàn đá ở Tây Nguyên, cho biết: “ Những tảng đá mang âm thanh rất lạ, mà nguyên nhân nó ở dưới nước lâu ngày, bị nước bòn mòn phía ngoài, chỉ còn phần xương của nó, nên độ cứng của nó rất lớn. Khi đánh nó phát âm thanh như tiếng chuông, đó chính là nguyên liệu làm đàn đá…Khi đánh lên nó như hoà điệu với núi rừng, như đưa con người trở về với đời sống nguyên sơ, đưa chúng ta trở về với thiên nhiên, rừng núi”
Nhờ nhạy cảm, giỏi thẩm âm và tìm tòi sáng tạo, người M’Nông đã làm ra những bộ đàn đá nguyên sơ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Những phiến đá dùng để làm đàn đá gọi là đá nham, đá sừng. Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng hay thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh.
Sơn nam M'Nông biểu diễn đàn đá.Sơn nam M’Nông biểu diễn đàn đá.
Người M’nông đã làm những bộ đàn đá gọi là Goong lǔ (Cồng đá), là nhạc khí tự thân vang, gồm một bộ sáu thanh đá có kích thước lớn bé và hình dáng khác nhau. Thanh dài nhất khoảng 30 cm, thanh ngắn nhất chừng 10 cm, nặng khoảng 5-7 kg. Mỗi thanh có âm sắc tương ứng với một chiếc chiêng trong bộ chiêng Cung Bor sáu chiếc. Đàn đá cổ xưa đã được đồng bào M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này phục vụ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày thường, người dân thường cất chúng trong gùi lớn, đến lễ tết mới mang ra trưng bày, biểu diễn. Vì ý nghĩa linh thiêng, đây là nhạc cụ duy nhất được trình tấu trong những ngày lẽ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ hội ăn trâu, uống rượu cần. Người M’Nông xưa quan niệm thanh âm của đàn đá như một phương tiện để nối liền giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại. Ông Điểu Nhôm, nghệ nhân đàn đá người M’Nông ở xã Quảng Tín, huyện Rlấp, tỉnh Đắc Nông, tâm sự: “ Mình đánh cái cồng chiêng này mình như nhớ lại ông già bà già mình lúc con sống. Tiếng đá này không thể bỏ được vì là truyền thống dân tộc mình từ xưa đến bây giờ. Con cháu sau này cũng không thể để mất đi truyền thống. Mình đánh để mừng lúa mới, mừng được mùa, mong lúa đầy kho để phát triển hơn”
Tiếng đàn đá trong ngày hội như lời vang vọng của núi rừng. Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vừa vui nhộn vừa trầm lắng, nhịp nhàng, du dương khó tả… Ở âm vực cao, tiếng đàn đá nghe thanh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang lên như tiếng dội từ vách đá. Tiếng đàn đá lúc như thì thầm từ quá khứ, như lời kể sẻ chia vui buồn với người dân Bon làng. Điều thú vị là các thang âm của bộ đàn đá tìm thấy ở thời nay hoàn toàn tương đồng với thang âm cồng chiêng Tây nguyên.
Qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng vẫn lưu giữ được những bộ đàn đá cổ. Tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’nông cổ xưa vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ như tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.
Kèn Rlet.Kèn Rlet.
Kèn Rlet – Nhạc cụ độc đáo của người M’nông
Trong các loại nhạc của người M’nông, kèn Rlet là loại nhạc cụ đặc biệt, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh.
Người M’nông tin rằng, đời sống, sức khoẻ, công việc làm ăn của mọi thành viên trong gia đình, dòng họ phụ thuộc vào ba vị thần: đó là thần Lúa, thần Kuắt (Kuắt là một túi dây rừng) và thần Rlet. Đồng bào tin rằng khi thổi Rlet có thể gọi được thần Lúa về, đuổi ma xấu đi, chính vì thế Kèn Rlet không thể thiếu trong lễ cúng lớn, có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh của cộng đồng người M’nông.
Kèn Rlet được cấu tạo gồm một ống nứa nhỏ đường kính chừng 1,5-1,8cm, dài khoảng 35cm, cắm xuyên qua vỏ một quả bầu khô. Đoạn ống nứa nằm trong thân bầu có một lỗ nhỏ; gắn một lưỡi gà làm bộ phận phát âm; đầu kia của ống nứa được cắm ngang qua một ống nứa lớn có đường kính khoảng 5cm, dài từ 15-20cm, đáy ống có mắt nứa bịt kín, đầu trên vát nhọn…
Khi thổi Rlet người ta đổ nước vào ống này để luồng hơi thổi phải qua ống nước mới ra ngoài, khiến âm thanh của Rlet trở nên trong và ấm hơn. ống của Rlet được khoét 3 lỗ, khi thổi kèn, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, kèn Rlet sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một phối âm phù hợp với ba chiếc chiêng dẹt của người M’nông.
Đồng bào M’nông quan niệm nhà nào có kèn Rlet để trong nhà thổi thời gian từ một tháng đến lâu nhất là ba năm phải cúng một con trâu, cúng trâu xong thì mang kèn Rlet cất trên bàn thờ ông bà, không thổi nữa. Mỗi lần nhà có làm lễ cúng bái đều phải cúng kèn Rlet. Họ cho rằng có kèn Rlet để trên bàn thờ, ma quỷ không dám vào nhà quấy phá gia đình.
Nghệ nhân K' Ngân thôi kèn Rlet.Nghệ nhân K’ Ngân thôi kèn Rlet.
Ngày làm kèn Rlet phải mời các già làng, cử một số thanh niên đến giúp việc chuẩn bị cho nhà sắp tổ chức lễ. Gia đình nào làm kèn này phải kiêng cữ đủ chuyện: cữ ăn cá lóc, cá trê, cữ ăn thịt trâu bò cúng lễ, khi xuất bán vật nuôi cũng phải cúng bái. Chủ nhà giữ tục kiêng cữ đến khi nào tuốt lúa xong, chém trâu tạ thần linh, bỏ kèn thì mới hết kiêng cữ. Cuối năm đó, dù có thu được vài gùi lúa cũng buộc phải giết trâu hoặc bò cúng trả ơn thần kèn Rlet đã bảo vệ cho rẫy lúa và gia đình trong cả năm.
Có ba trường hợp phải làm kèn Rlet:
Thứ nhất, thú rừng vào rẫy hoặc bị chết trong rẫy, người ta phải làm kèn để đuổi các thần xấu ấy đi. Trường hợp này họ thổi kèn từ lúc chưa tỉa lúa đến tháng ba năm sau, chém trâu hoặc bò tạ thần linh rồi bỏ.
Thứ hai, trong nhà có người đau ốm triền miên, chữa trị không hết phải làm kèn để đuổi ma quỷ quấy phá. Trường hợp này có thể thổi đến ba năm, sau đó chém trâu tạ thần rồi mới bỏ.
Thứ ba, làm kèn Rlet gọi thần lúa từ trên trời xuống. Trường hợp này, từ ngày làm kèn đến ngày chém trâu tạ thần không quá một tháng thì bỏ, không được sử dụng nữa.
Việc thổi kèn Rlet không được tuỳ tiện mà phải theo một quy định đặc biệt, người ta phải làm một cái sạp cho người thổi Rlet (có thể là đàn ông hoặc đàn bà song phải là người đứng đắn, tốt, được bà con hàng xóm yêu mến, công nhận), ngồi để thổi kèn sát cạnh cột buộc trâu.
Cùng với Đinh Tak ta của người Êđê, kèn Rlet của người M’nông cũng được các nhà nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian Tây Nguyên cải tiến, thể nghiệm, sáng tác những bài bản mới dựa trên chất liệu dân gian để đưa vào phục vụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp.
Nhạc cụ người M'Nông.Nhạc cụ người M’Nông.
Âm nhạc dân gian trong nghi lễ của người M’nông
Trong các lễ hội của đồng bào M’nông thì các loại hình âm nhạc dân gian được sử dụng một cách phổ biến, rộng rãi và được chia làm hai nhóm: nhóm âm nhạc nghi lễ sẽ tham gia trực tiếp vào tiến trình của nghi lễ và nhóm âm nhạc dùng trong phần hội.
Có lẽ do âm hưởng của cuộc sống luôn gần gũi với môi trường thiên nhiên như tiếng cành cây, tiếng chim hót, tiếng của thân tre, nứa đập vào nhau, tiếng nước chảy róc rách…nên các nhạc cụ đã hình thành nên một hệ thống âm thanh tương ứng. Âm thanh của các loại nhạc cụ cũng phản ánh khá rõ những quan niệm của đồng bào đối với thần linh, với gia đình, dòng họ, cộng đồng, không chỉ là cơn gió mát xoa dịu những nhọc nhằn, lo toan của cuộc sống mà còn làm an lòng cộng đồng, bon làng.
Bên cạnh các loại nhạc cụ thì các hình thức nghệ thuật ca hát cũng thường xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội của người M’nông. Hình thức ca hát gắn bó với các lễ nghi là khấn thần (rac brah) và nó mang yếu tố hát kể, hát khóc như khóc trâu…Điều đáng nói nữa là cùng với những loại nhạc cụ, làn điệu dân ca thì ở bất kỳ một lễ hội nào của đồng bào M’nông cũng đều có sự hiện diện của những điệu múa xoang truyền thống. Có thể nói, sự góp mặt của âm nhạc làm cho không gian của lễ hội như huyền bí, linh thiêng hơn và chính âm nhạc là “phần hồn” tạo nên sự hoàn thiện cho toàn bộ nội dung của các nghi lễ. Bởi vậy, các lễ hội cổ truyền của đồng bào M’nông không chỉ mang giá trị tinh thần to lớn mà còn mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Điều dễ nhận thấy nhất là nhạc cụ của người M’nông tuy đơn giản, thô sơ, được chế tạo từ những nguyên liệu có trong tự nhiên như tre nứa, lồ ô, gỗ…nhưng không kém phần phong phú về chủng loại. Việc sử dụng các nhạc cụ của đồng bào M’nông luôn gắn liền với nhiều sự kiện của đời sống xã hội. Phong phú, đa dạng và chiếm một tỉ lệ khá cao là các nhạc cụ thuộc bộ gõ, chúng bao gồm từ những nhạc cụ có cấu tạo, cấu trúc âm thanh đơn giản cho đến những loại có cấu tạo phức tạp. Trong các lễ hội cổ truyền của đồng bào M’nông thì không thể vắng mặt dàn cồng chiêng. Do cồng chiêng là nhạc cụ thiêng, là “linh hồn” của dân tộc nên chỉ được sử dụng trong lễ hội lớn của cộng đồng như lễ mừng lúa mới, lễ sum họp cộng đồng, lễ kết nghĩa bon buôn…Ở đây, tiếng chiêng là lời hiệu triệu, là “linh hồn” làm nên buổi lễ, là phương tiện giúp con người giao tiếp, thỉnh cầu thần linh chứng giám lòng thành và ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…Thậm chí, tại các nghi lễ liên quan đến voi hay nghi lễ thuộc vòng sinh trưởng của cây thì cũng có sự xuất hiện của dàn chiêng. Mặt khác, xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” nên đồng bào M’nông cho rằng mỗi nhạc cụ đều có một vị thần trú ngụ, nên phải được sử dụng trong một không gian, ngữ cảnh nhất định. Trong các lễ hội, nghi lễ, ngoài cồng chiêng còn có sự tham gia của các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như M’boắt, Drơn, Mló, Goong rêng…Chính những nhạc cụ này làm nên không khí vui nhộn cho lễ hội. Riêng nhạc cụ Đing gơr chỉ được sử dụng trong tang lễ.
Lễ sum họp của người M'nông, Đắk Nông. Lễ sum họp của người M’nông, Đắk Nông.
Lễ sum họp của người M’nông, Đắk Nông
Lễ hội sum họp của người M’Nông (Đắk Nông) là dịp để bà con thắt chặt thêm sợi dây liên kết, tình cảm của dòng tộc và cộng đồng giữa các bon làng với nhau để chống chọi với thiên tai, thú dữ và giặc dã bên ngoài.
Lễ sum họp cộng đồng thường được tổ chức vào đầu mùa xuân, khi hạt lúa đã đầy bồ, cà phê đã đầy kho. Đây là lễ lớn với sự tham gia của nhiều bon làng, nên phải 3 đến 5 năm mới tổ chức một lần với quy mô lớn từ 5 – 10 bon làng tham gia.
Trước lễ hội khoảng 2 tháng, khi vừa thu hoạch xong, già làng của các bon sẽ họp lại, thống nhất địa điểm, quy mô tổ chức lễ. Đến dự lễ, mỗi bon làng đều mang theo các sản vật tự làm ra như heo, gà, lúa gạo, rượu cần; và bon chủ nhà cũng phải chuẩn bị tương tự như vậy để đãi khách.
Dâng trâu để tế thần trong lễ Sum họp.Dâng trâu để tế thần trong lễ Sum họp.
Trước ngày lễ một tuần, 1 cây nêu lớn sẽ được dựng lên, để thông tin và mời gọi các thần linh biết mà về dự lễ với bon làng. Phần ngọn trên cây nêu được trang trí nhiều bông, hình chim, nai kết bằng tre nứa, được tô vẽ khéo léo, tinh xảo. Thân cây nêu trang trí hoa văn với màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng. Ở giữa thân cây nêu là một mâm tre hình vuông bày biện các lễ vật cúng thần như thịt, cơm, bầu rượu cần.
Bên cạnh cây nêu lớn còn dựng một cây nêu thấp hơn bằng cây gòn gai, đầu cây được gọt thành hình mỏ con chim đại bàng với ý nghĩa thông tin cho tổ tiên biết để về dự lễ. Ngay trước hai cây nêu là một hàng rào nhỏ tượng trưng cho ranh giới giữa con người trần tục và thần linh. Quanh hai cây nêu dựng thêm hai nhà dài bằng tre lợp lá, là nơi để mọi người giao lưu, nghỉ ngơi khi đã chu đáo và thành kính chuẩn bị xong mọi thứ.
Mở đầu lễ, các giàn chiêng thi nhau tấu lên những bài chiêng chào đón khách; nam thanh nữ tú nắm tay nhau ca hát, nhảy múa vòng tròn quanh cây nêu. Đây cũng là lúc già làng tiến hành nghi thức đâm trâu cầu các thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, dân làng gắn bó.
Ðồng bào các dân tộc sum vầy bên lửa trại Lễ Sum họp cộng đồng.Ðồng bào các dân tộc sum vầy bên lửa trại Lễ Sum họp cộng đồng.
Sau khi làm lễ đâm trâu để tế thần, thịt trâu được chế biến tại chỗ để mời khách, một phần được chia ra cho mọi người trong bon mang về, người không đi cũng có phần. Cứ thế mọi người vừa thưởng thức món ăn, rượu cần, vừa giao lưu sinh hoạt, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các nghệ nhân hát kể Ot’rông quanh đống lửa bập bùng kéo dài tận đêm khuya. Ngày hôm sau, mọi người tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian như bắn nỏ, nhảy bảo bố, đẩy gậy, đi cà khoeo, kéo co… tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút đông đảo người dân đến xem và đây là dịp tốt để các dân tộc trong tỉnh trao đổi, học tập lẫn nhau về cách bảo tồn các môn thể thao dân tộc.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội Sum họp cộng đồng, không khí lễ hội rất linh thiêng, sôi nổi và phấn khởi, những người tham gia tái hiện lại lễ hội cũng như người dân đến xem luôn hoà quyện với nhau trong không khí rộn ràng của lễ hội, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với bon làng mình, cộng đồng mình.
Có thể nói, lễ hội Sum họp cộng đồng là một lễ hội lớn có tầm vóc và quy mô lớn của đồng bào M’nông, nó vượt ra khỏi không gian, thời gian và cộng đồng bon làng. Nếu trong phần lễ thể hiện nguyện vọng của đồng bào cầu mong thần linh phù hộ mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng no đủ, xua đuổi ma qũy, thú dữ giữ gìn bình yên cho các bon làng, nhà nhà no ấm thì phần hội là tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người. Đây là một dịp tốt để các nghệ nhân, các thành viên trong các bon làng thể hiện tài năng, sức quyến rũ bởi các tiếng mục mà họ mang tới lễ hội như: diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, hội thi các môn thể thao dân tộc… Tính cộng đồng trong phần hội này rất cao khi những người đến xem cũng được tham gia nhảy múa, uống rượu cần như những người chủ nhân của lễ hội.
Thông qua lễ hội, làm tăng thêm sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng bon làng và rộng hơn là nhiều bon làng, nhiều tộc người; đồng thời việc tổ chức lễ hội còn góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào M’nông.
Già làng thực hiện nghi thức bôi máu lên cây nêu.Già làng thực hiện nghi thức bôi máu lên cây nêu.
Lễ cúng mưa đầu mùa của đồng bào M’nông, Đắk Nông
Cúng mưa đầu mùa là một nghi lễ quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người M’Nông (Đắk Nông); là dịp để người dân trong bon chia sẻ, giúp đỡ nhau và cầu mong cuộc sống an lành, ấm no…
Theo quan niệm của người M’Nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần tổ chức lễ cúng cầu may, giải độc. Sau khi chọn được ngày tốt, già làng sẽ thông báo cho mọi người trong bon. Lễ cúng được thực hiện trên một khuôn viên rộng đã được quét dọn sạch sẽ. Mọi người tham gia đều phải mặc trang phục truyền thống để thể hiện sự trang trọng, thiêng liêng. Tại khu vực làm lễ, già làng sẽ đặt một quả bí kỳ nam tại cổng nơi làm lễ với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ không cho vào hại dân làng.
Linh hồn của lễ là cây nêu được làm bằng cây tre, có chiều dài từ 2-3m, trên thân cây gắn những hình con vật đan bằng tre nứa rất sinh động như dê, trâu, chim, gà… Trên ngọn cây nêu có treo một chùm bông lúa tượng trưng được vót ra từ thân cây tre già. Trước đó, những người phụ nữ trong bon đã chuẩn bị những món ăn truyền thống như canh thụt, canh bồi, cơm lam, thịt nướng… chuẩn bị dâng cúng thần linh.
Trước khi làm lễ, già làng lấy huyết heo bôi lên cây nêu để mời các thần linh về chứng giám cho bon làng. Sau khi báo với các thần linh về dự lễ cúng mưa, già làng thông báo với bà con trong bon thực hiện các nghi lễ cúng mưa đầu mùa. Nghi thức dâng lễ vật cho các thần linh diễn ra ngay tại gốc cây nêu.
Lễ vật là những sản phẩm, thành quả lao động sản xuất của mọi người trong bon làng làm ra, bao gồm: một ché rượu cần, một chén tiết heo, thịt heo nướng, 5 quả trứng gà, 1-2 cục than, 2-3 củ nghệ, một quả bí kỳ nam, một khúc chuối được khắc hình con voi. Lễ vật đựng sẵn trong những chiếc gùi được các chàng trai, cô gái mang đến; già làng sẽ lần lượt nhận lấy và đặt vào trong nia.
Già làng dâng lễ vật lên các thần linh.Già làng dâng lễ vật lên các thần linh.
Khi các thủ tục dâng lễ đã hoàn tất, già làng tiến hành cúng để cầu may, giải hạn với những lời khấn có nội dung: “Hỡi các thần siêu nhiên, các dịch bệnh tai họa, ma quỷ, xui xẻo… đừng nên vào bon làng chúng tôi, để bon làng có sức khỏe lao động, sản xuất, trồng lúa, hoa trái, trồng cây đậu, cây sắn được xanh tốt từ cơn mưa này. Bon làng no đủ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, bình yên”.
Sau khi cúng xong, già làng cùng bà con uống rượu cần cảm ơn thần linh đã che chở cho bon làng, mọi người lại cùng nhau gióng lên những hồi chiêng, những giai điệu m’buốt, làn điệu dân ca được cất cao, hòa nhịp, kết nối con người với thần linh, con người với thiên nhiên…
Những bài hát dân ca trong lễ cúng mưa đầu mùa vang vọng ước mong, kèm theo những nỗi niềm hân hoan: mùa mưa lại đến với bon làng, mưa làm cho hạt nảy mầm, cho hoa màu phát triển, đơm hoa khoe sắc thắm, tôm cá dưới nước tung tăng bơi lội; từ cơn mưa, nay cho mưa thuận gió hòa, đừng có sấm sét… Kết thúc phần lễ, các bon làng trong xã sẽ tổ chức thi kéo co cùng nhiều trò chơi dân gian khác.
Nghi lễ kết thúc khi già làng mời những người con trai, con gái của bon làng đánh chiêng, múa hát mừng lễ hội. Sau lễ cúng, mọi người không được đi khỏi bon, làng trong 4 ngày sau đó.
Lễ cúng nêu của người M’Nông.Lễ cúng nêu của người M’Nông.
Nghi lễ cắm nêu cúng lúa của người M’nông, Đắk Nông
Cắm nêu cúng lúa là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh của người M’nông (Đắk Nông), nhằm cầu mong thần linh che chở và phù hộ cho lúa tốt, được mùa, gia đình no ấm, hạnh phúc…
Đắk Nông là vùng đất giao thoa, hội tụ những giá trị của văn hóa vật chất và tinh thần. Các lễ hội của đồng bào M’nông là loại hình văn hóa dân gian hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng. Ở đó còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng thể hiện qua các lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh huyền bí như lễ hội: rượu cần, mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, lễ trưởng thành,… Trong đó nghi lễ cắm nêu cúng lúa.
Lễ cắm nêu cúng lúa được diễn ra khi lúa đã được làm cỏ, vun gốc hai lần. Lễ cắm nêu cúng lúa được tiến hành như sau: Buổi sáng ngày chuẩn bị cắm nêu cúng lúa, chủ rẫy đi ra khu rẫy sẽ cúng lúa, lấy dây buộc túm phần lá của vài bụi lúa và khấn thông báo cho thần lúa biết ngày làm lễ cắm nêu cúng lúa. Đại ý lời khấn: Hôm nay ta báo cho hồn lúa, hồn kê, hồn bầu, hồn bí ta sẽ cắm nêu cúng lúa. Các thần lúa, thần kê, thần đậu, thần mướp đến ngày đó các thần gọi nhau về ăn lợn, ăn gà, ăn vịt, uống rượu nhà ta. Mời các thần ở luôn nhà mình. Khấn vái hẹn ngày với các thần lúa xong, chủ rẫy bắt đầu làm nêu cúng lúa.
Lễ vật cúng gồm: lợn, gà, vịt, rượu, hai cây nêu đã làm (một cây để cắm trước nhà, một cây cắm ở ngoài rẫy), cây cau rừng, cây lúa khô, củ bí kì nam (khắc thành mặt người). Những con vật hiến sinh này đều được buộc quanh cột nêu từ tối hôm trước cho đến sáng hôm sau.
Tối hôm đó chủ nhà khấn vái mời các thần lúa, thần ngô, thần đậu, thần mướp, thần bầu bí đến ăn lợn gà và ở lại nhà mình.
Sáng hôm sau chủ nhà giết các con vật hiến sinh này lấy tiết, mật, gan, tim và một con gà đem vào rẫy làm lễ cúng. Chủ rẫy dựng một cây nêu ở trên rẫy và lấy tiết con vật hiến sinh bôi vào cây nêu, cầu xin thần lúa yên tâm ở lại với rẫy gia đình nhà mình.
Khi cúng rẫy xong, chủ nhà chặt một số cây cau rừng đem về cùng với củ bí kì nam (tượng trưng cho thần giữ nhà) đem về đặt trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Người M’nông quan niệm rằng, củ bí kì nam sẽ giữ cho gió bão không tràn qua rẫy, các thần xấu, thần ác như thần Krăch, thần Ndu thấy củ bí kì nam cũng phải tránh xa, không vào phá rẫy.
Cúng trên rẫy xong, về nhà: chủ nhà lấy tiết gà, vịt bôi vào cây nêu ở nhà rồi khấn vái: Hôm nay mời các thần sâu, thần mối về nhà uống rượu, ăn thịt, mong các thần sâu, thần mối ăn no uống say bảy tám ngày liền, ngủ thật say ba bốn tháng mới tỉnh, không ra được rẫy để phá lúa. Bà vợ chủ rẫy hát cúng: Hỡi các thần hãy xua đuổi con chuột, con sóc, con heo rừng tránh xa không vào rẫy phá lúa, phù hộ cho gia đình được mùa, gia đình tôi sẽ làm lễ tạ ơn các thần.
Sau đó người nhà cũng không quên mời khách đến chung vui với gia đình, họ cùng nhau gặp gỡ ca hát, nhấp những ché rượu cần vui vẻ. Rồi mọi người bắt đầu uống rượu, người trộn lúa giống khi trỉa lúa được mời uống trước, tiếp đến chủ nhà và bà con anh em trong bon làng. Mọi người vừa uống rượu vừa đánh chiêng hát múa vui vẻ cùng hòa quyện với âm thanh hùng vĩ của núi rừng trầm bổng, cái âm hưởng của cuộc sống lao động nơi núi rừng hoang sơ.
Thực hiện nghi thức cúng lúa trong kho.Thực hiện nghi thức cúng lúa trong kho.
Lễ cúng nhập hồn lúa của người M’nông
Lễ cúng nhập hồn lúa của người M’nông vừa là nghi thức tâm linh, gọi thần lúa từ nương rẫy về kho, ở cùng với các thành viên trong gia đình, vừa là để phù hộ cho mọi người có sức khỏe, sung túc cả năm…
Trong quan niệm của người M’Nông xã Đắc Phơi (Đắk Lắk), thần Lúa là linh hồn của mọi vật, là vị thần đáng tôn thờ nhất. Khi lúa chín, các nghi lễ cúng lúa sẽ rộn lên trong các gia đình. Từ lễ tuốt lúa đến cúng hồn lúa từ rẫy về kho sẽ được tổ chức nhộn nhịp.
Cúng nhập hồn cho lúa là lễ cuối cùng trong nghi thức cúng vòng đời lúa. Trước đó, bà con đã làm lễ cúng lúa trổ đòng, dựng cây nêu ở ngoài rẫy để cầu được mùa, lúa chắc hạt và lễ cúng tuốt lúa.
Khi năm cũ sắp hết năm mới đang đến, khi lúa rẫy đã về kho, cái cuốc cái cào đã được rửa sạch giắt dưới gầm sàn, đồng bào M’nông ở xã Đắc Phơi lại tổ chức lễ nhập hồn lúa.
Đồ lễ cúng gồm: bột gạo, rượu cần, tiết heo, và những gié lúa được bỏ trong gùi nhỏ, chủ nhà dùng một đoạn ống tre được chặt ra từ cây nêu trồng ở rẫy từ lúc lúa trổ đòng để thổi, gọi hồn lúa về ở cùng gia đình, cho ai cũng được sức khỏe, cho cả năm luôn đủ ăn, sung túc… Con gà trống như một vật chứng được dùng để cúng hôm tuốt lúa ở rẫy lại được đem ra lấy tiết để cúng nhập hồn lúa vào kho. Tiết ở miệng gà được bôi lên khắp các dụng cụ, vật dụng sinh hoạt của gia đình để chứng tỏ rằng hồn lúa đã hiện diện ở nhà.
Bột gạo được giã từ những hạt lúa mới rồi trộn với tiết gà, bôi lên cổ của tất cả các thành viên trong gia đình để cầu mong sức khỏe, kho lúa cũng được vẽ bùa để cầu mong mùa màng tốt tươi, lúa luôn đầy kho.
Kết thúc lễ cúng bà con cả buôn cùng ăn cơm mới, uống rượu cần, đánh chiêng và múa hát.Kết thúc lễ cúng bà con cả buôn cùng ăn cơm mới, uống rượu cần, đánh chiêng và múa hát.
Lúa rẫy được cất trong kho từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chỉ dùng để nấu cháo, làm rượu cần và thết đãi bà con họ hàng trong các dịp lễ tết.
Đồ lễ cúng tại kho lúa gồm đầu lợn, rượu, cháo, muối. chủ nhà leo lên nóc kho lúa, dùng sừng trâu đổ rượu từ trên đỉnh kho lúa cho đến khi rượu chảy xuống tận đáy kho, chảy xuống gầm sàn, như thế cả gia đình sẽ có một năm đủ đầy, sung túc.
Khi các nghi thức cúng lễ đã xong là lúc bà con cả buôn cùng ăn cơm mới, uống rượu cần, đánh chiêng và múa hát. Với bà con ở buôn Jê Juk thì đây là dịp để mọi người cùng gặp, chuyện trò sau những ngày mùa vất vả, cùng ăn uống, vui chơi để chúc mừng cho vụ mùa bội thu.
Kết thúc một vụ mùa cũng là lúc tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới, ai cũng cầu mong năm mới sẽ có thêm nhiều may mắn, trâu bò lợn gà thêm sinh sôi, lúa ngô khoai sắn thêm tốt tươi.
Lễ cúng nhập hồn lúa vừa là nghi thức tâm linh, gọi thần lúa từ nương rẫy về kho, ở cùng với các thành viên trong gia đình, phù hộ cho mọi người có sức khỏe, đủ ăn, sung túc cả năm, vừa là câu chuyện văn hóa đẹp, thể hiện sự trân trọng của cộng đồng đối với cây lúa – sản vật chính đem lại no ấm cho buôn làng.
Con em dân tộc M’nông tổ chức lễ mừng thọ cho cha, mẹ khi bước sang tuổi 60.Con em dân tộc M’nông tổ chức lễ mừng thọ cho cha, mẹ khi bước sang tuổi 60.
Độc đáo Lễ mừng thọ của người M’nông, Đắk Nông
Với đồng bào M’nông (Đắk Nông), lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn, nó là một hình thức nhắc nhở cho thế hệ trẻ khắc ghi công ơn của đấng sinh thành đã có công cưu mang và dưỡng dục, hy sinh cho con lớn khôn thành người nhân nghĩa.
Theo phong tục truyền thống của đồng bào M’nông thì con gái lập gia đình được chia tài sản, được hưởng thừa kế tài sản của cha, mẹ. Vì vậy, lễ mừng thọ do người con gái cả tổ chức hoặc do sự đóng góp của tất cả chị em khi cha mẹ đã bước sang tuổi 60 (thường tổ chức vào tháng 3 hàng năm, sau khi đã kết thúc mùa rẫy).
Lễ mừng thọ của người M’nông diễn ra theo trình tự: Người nhà chuẩn bị tất cả các đồ cúng như rượu cần, thủ lợn, gà, xôi, câu chúc thọ… Đến giờ tốt, thầy cúng thắp hương cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người già được khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu.
Lễ vật tặng bố, mẹ thường là một bộ quần áo thổ cẩm truyền thống, gia đình nào khá giả thì tặng cho bố mẹ một đôi chăn thổ cẩm, ché rượu cần, làm thịt một con heo chừng 50kg, sau đó làm một mâm cơm cúng tổ tiên rồi mừng người thượng thọ.
Trong buổi lễ, các thành viên trong gia đình lần lượt thay phiên nhau mời bố mẹ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc cha, mẹ. Kể từ khi lễ mừng thọ kết thúc thì tất cả mọi công việc thường ngày của các cụ đều được giao cho con cháu.
Lễ mừng thọ cũng là một hình thức nhắc nhở cho thế hệ trẻ khắc ghi công ơn của đấng sinh thành.Lễ mừng thọ cũng là một hình thức nhắc nhở cho thế hệ trẻ khắc ghi công ơn của đấng sinh thành.
Hằng tuần, con cháu trong gia đình luân phiên đến thăm hỏi, trò chuyện, ai muốn đón cha mẹ về nhà mình chơi phải được sự đồng ý của người chị cả. Khi cha, mẹ sang tuổi 80, ngoài việc gia đình mừng thọ theo định kỳ 10 mùa rẫy thì già làng cùng dân làng đóng góp, tổ chức mừng thọ ở nhà văn hóa cộng đồng. Sau khi ăn uống và nhận lời chúc mừng của con cái và bà con thì các cụ sẽ nói về bí quyết sống lâu, sống khỏe của mình.
Người M’Nông tâm niệm: “ Còn cha còn mẹ thì còn tất cả , mất cha mất mẹ như nhà mất nóc”. Bởi vây, với đồng bào M’nông, lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn. Bởi lẽ, mỗi khi nhà nào tổ chức lễ mừng thọ thì con cháu, bà con trong bon đều tề tựu để cầu chúc cho ông bà sống lâu trăm tuổi. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để cho anh chị em trong nhà quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và trải nghiệm của cuộc sống, cùng nhau xây dựng kế hoạch để chăm sóc đấng sinh thành tốt hơn.
Bên cạnh đó, Lễ mừng thọ cũng là một hình thức nhắc nhở cho thế hệ trẻ khắc ghi công ơn của đấng sinh thành đã có công cưu mang và dưỡng dục. Vì thế, cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu nhưng đồng bào chúng tôi vẫn luôn chăm sóc cho ông bà cha mẹ một cách đầy đủ và chu đáo.
Lễ mừng thọ là một trong những truyền thống tốt đẹp của người M’nông nói riêng và của cả dân tộc ta nói chung. Vì thế, việc duy trì, gìn giữ phong tục lễ mừng thọ của đồng bào M’nông góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, lối ứng xử giữa con người với con người ngày càng tốt đẹp hơn.
photo
Voi là biểu tưởng sức mạnh trong đời sống của người M'nông.Voi là biểu tưởng sức mạnh trong đời sống của người M’nông.
Độc đáo nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của người M’nông, Đắk Lắk
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk) là một nghi lễ truyền thống, được tộc người M’nông nơi đây gìn giữ, lưu truyền hàng ngàn đời nay.
Đối với đồng bào M’nông, voi là một tài sản quý, là biểu tượng sức mạnh, sự giàu có và tinh thần thượng võ của gia đình, buôn làng. Chính vì vậy, đồng bào M’nông có khá nhiều nghi lễ đối với voi. Một trong số đó có nghi lễ cúng sức khỏe cho voi.
Nghi lễ cúng sức khẻo cho voi được tổ chức hàng năm tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, thời gian tổ chức không cố định, tuỳ thuộc vào công việc, sức khỏe của voi và của chủ voi. Nghi lễ này được cộng đồng cả buôn cùng tham gia, mỗi gia đình đều đóng góp lễ vật như choé rượu, con heo lớn nhỏ tuỳ theo điều kiện. Đặc biệt, khi chủ voi nào tổ chức nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của mình thì tất cả các con voi khác trong buôn hoặc một số buôn gần đó cũng được cúng.
photo
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của người M’Nông.Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của người M’Nông.
Theo truyền thống của M’nông, nghi lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức trong 3 ngày, có ý nghĩa tưởng nhớ đến tổ tiên, những người có công đối với buôn đã khuất; cầu cho chủ voi và gia đình có sức khẻo dồi dào, mùa màng bội thu, có cuộc sống no đủ để chăm sóc cho đàn voi; cầu cho đàn voi có sức khỏe để phụ giúp đồng bào những công việc nặng như kéo gỗ, vận chuyễn hàng hóa, bắt, thuần dưỡng voi rừng… Và nhất là cầu cho con voi luôn trung thành với chủ, được các vị thần linh cai quản và che chở, như vị thần Yang Tel là vị thần cai quản đất đai, phù hộ cho nương rẫy của chủ voi trong việc chọn rẫy và canh tác sao cho đất đai màu mỡ, hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, cây cỏ xanh tươi quanh năm đủ thức ăn cho đàn voi, luôn theo dõi đàn voi nhà. Đặc biệt là những con voi mới thuần chủng.
Nghi lễ cúng tổ chức thứ tự, ngày thứ nhất cúng tổ tiên (Trôc băng jang), ngày thứ hai cúng sức khỏe cho chủ nhà (Văt săk gal săk jăn), ngày thứ ba cúng sức khỏe cho voi (Văt yo gal jăn).
Trong lúc đọc lời cúng, thầy cúng dùng vật tế, rượu pha huyết bôi lên đầu từng con voi do nài voi điều khiển đến thứ tư theo độ tuổi của voi (lớn trước, nhỏ sau), ý nghĩa thể hiện sự trung thành giữa voi và người, để các thần linh ngăn cản và chỉ bảo đàn voi không phá hoại mùa màng, hoa màu của con người làm ra. Sau khi nghi thức cúng voi hoàn tất, chủ nhà voi mời tất cả chủ voi, nài voi và tất cả khách đến dự một buổi ăn mừng, mọi người chúc nhau những điều tốt lành cho đến tan buổi tiệc.
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi được người M’nông tổ chức hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cô dâu chú rễ M'Nông.Cô dâu chú rễ M’Nông.
Độc đáo lễ cưới của người M’nông Gar ở Đắk Lắk
Dân tộc M’nông Gar có những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần làm phong phú nét văn hóa chung của công đồng dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Một trong những biểu hiện đó là các nghi thức trong lễ cưới.
Lễ cưới của dân tộc M’nông Gar ở Đắk Lắk là một phong tục đẹp, giàu tính nhân văn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Theo phong tục của đồng bào M’nông Gar, cứ sau một mùa rẫy là các bon làng tổ chức các nghi lễ – lễ hội vòng đời người, nhằm tạ ơn các vị thần linh trong trời đất, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, heo bò đầy sân, chật bãi. Trong các nghi lễ này, có lễ cưới truyền thống được mọi người quan tâm hơn cả.
Lễ cưới theo phong tục cổ truyền của người M’nông Gar, trải qua các nghi thức sau:
Lễ dạm: Sau khi đã chọn được cô gái vừa ý, chàng trai thưa với cha mẹ. Nếu cha mẹ của chàng trai đồng ý thì nhờ ông cậu trong gia đình hoặc ông mối trong dòng họ đi đến nhà gái để ngỏ lời cho con trai mình, gọi là lễ dạm. Đến nhà gái, nhà trai đặt lên chiếc nia một tô gạo trắng, một con gà nướng, một chuỗi cườm đeo cổ, một chiếc váy. Ông cậu hoặc ông mối thay mặt chàng trai hỏi cô gái làm vợ. Nhà gái cử người trong dòng họ ra tiếp lễ và yêu cầu nhà trai đọc gia phả của gia đình mình. Sau đó nhà gái đọc gia phả nhà mình, nếu hai bên không cùng một bà tổ, không cùng một dòng họ thì được kết hôn với nhau. Tuy vậy, trước khi nhận lễ của nhà trai, cha mẹ cô gái hỏi con gái mình lần nữa, nếu cô gái đồng ý thì mới nhận. Lúc này cha mẹ cô gái mang một ché rượu lớn để làm lễ nhận lời hứa hôn. Thầy cúng đại diện nhà gái lấy cần hút ra một bát rượu pha tiết gà trống rồi xoa lên cột nhà chính, thần đá bếp, kho thóc, nhà cửa… khấn báo với các thần linh là nhà gái đã nhận lời hứa hôn với nhà trai. Sau đó hai bên cùng uống rượu vui vẻ và chọn ngày làm lễ ăn hỏi.
Lễ hỏi: Sau lễ dạm một năm, gia đình nhà trai tiến hành lễ hỏi vợ cho con trai mình. Trong lễ này, gia đình nhà trai chuẩn bị hai ống nứa đựng măng chua, một chuỗi cườm, một vòng đồng. Đến nhà gái, nhà trai đặt mọi lễ vật lên cái nia, và xin phép nhà gái hỏi vợ cho con trai mình. Bên nhà gái cử người nhận lễ vật và cho nhà trai làm lễ hỏi vợ.
Lễ cưới bên nhà gái: Sau lễ hỏi khoảng một tuần thì hai bên tổ chức lễ cưới. Đầu tiên là lễ cưới bên nhà gái. Nhà gái chuẩn bị 100 gùi gạo giã trắng như bông, 100 ché rượu, giết một con bò để đãi khách. Chuẩn bị 50 cái tô, 50 cái chén, 50 chuỗi cườm để làm quà tặng cho cha mẹ và dòng họ chú rể. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái, gồm 6 ché rượu lớn, ba ché cao tượng trưng cho người chồng, ba ché thấp tượng trưng cho người vợ; 50 ống đựng măng chua bịt da trâu, trong đó có một ống cao và một ống thấp; một chuỗi cườm; một cái xà gạc; 1 con dao nhỏ; một cái cuốc nhỏ; tất cả đựng trong một cái gùi được trang trí những tua bông chỉ màu đỏ, vàng, xanh. Lễ vật của nhà trai mang qua nhà gái còn có một con heo lớn (khoảng 7 gang tay), 1 con gà trống thiến để nhà gái làm lễ cúng tổ tiên ông bà trong ngày cưới.
Múa "Mừng hạnh phúc lứa đôi" của dân tộc M'Nông.Múa “Mừng hạnh phúc lứa đôi” của dân tộc M’Nông.
Nhà gái thực hiện nghi thức bôi tiết heo pha rượu lên các lễ vật của nhà trai mang đến. Sau đó là nghi thức trao lễ vật. Sau nghi thức trao lễ vật, nhà gái làm lễ dâng rượu lên thần ông bà, thần bảo vệ sức khoẻ, hạnh phúc cho đôi trai gái, thần mẹ sinh, cha dưỡng của đôi trai gái, rồi mời cha mẹ, cô cậu của cô dâu, chú rể uống rượu, và can dặn đôi trai gái ăn ở hoà thuận, thương yêu nhau, tôn trọng họ hàng hai bên, đoàn kết với bon làng.
Tiếp đến là nghi thức cụng đầu. Trong nghi thức này, hai ông mối hai bên kể gia phả của dòng họ, nêu gương tốt của ông bà để đôi vợ chồng trẻ học tập.Trong lúc đôi trai gái đang say sưa nghe kể gia phả, thì bất ngờ ông mối xô cô dâu, chú rể chạm vào nhau thật mạnh, va càng mạnh càng mạnh càng tốt (với ý nghĩa tâm đầu ý hợp) để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc bền lâu. Sau nghi lễ này còn có nghi thức mời cơm cha mẹ thể hiện sự báo hiếu đối với cha mẹ hai bên của đôi trai gái; nghi thức tung gà thể hiện sự xin lỗi của chủ nhà về những gì còn thiếu xót trong đám cưới của nhà gái. Ở đây mọi người vừa uống rượu vừa ăn thịt, ăn cơm giao lưu vui vẻ, ai cũng cầu cho đôi bạn trẻ sống hạnh phúc. Cuối cùng là nghi thức tiễn nhà trai về.
Lễ cưới bên nhà trai: Các nghi thức lễ cưới bên nhà trai cũng như bên nhà gái: dâng lễ vật, dâng rượu, mời cơm cha mẹ, tung gà,mời rượu, tiễn nhà gái ra về. Trước khi chia tay nhà gái, nhà trai mang con heo cúng trao cho nhà gái, nhà gái cũng chỉ nhận một nữa đầu heo. Nhà gái ra về, cô dâu ở lại bên nhà chồng trong vòng 7 ngày. Trong bảy ngày này, cô dâu được nhà trai dẫn đi thăm bà con họ hàng của chàng trai, hoà mình cùng cuộc sống gia đình nhà trai như: nấu cơm, giã gạo, làm rượu, dệt vải, đi rừng kiếm củi, hái măng…
Sau một tuần, cha mẹ cô gái mang lễ vật (1 con gà, 1 ché rượu) sang nhà trai xin đón đôi trai gái về ở nhà mình. Nhà trai làm con heo đãi nhà gái rồi đưa tiễn đôi bạn trẻ về nhà gái trong tình cảm yêu thương quyến luyến.
Lễ cưới của dân tộc M’nông Gar là một phong tục đẹp, nằm trong nghi lễ vòng đời. Đây là một nghi lễ giàu tính nhân văn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, cần được gìn giữ, phát huy trong đời sống cộng đồng.
Những trò chơi dân gian luôn là những điểm nhấn tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong các lễ hội của người M’nông.Những trò chơi dân gian luôn là những điểm nhấn tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong các lễ hội của người M’nông.
Trò chơi dân gian độc đáo trong các lễ hội truyền thống của người M’nông, Đắk Nông
Trong các lễ hội của người M’nông (Đắk Nông) không thể thiếu các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào. Nó luôn mang lại sự hào hứng thú vị cho người tham gia.
Trong các lễ hội truyền thống của người M’nông, bên cạnh phần nghi lễ linh thiêng, trang trọng, một trong những hoạt động không thể thiếu mang đậm bản sắc văn hóa đó là các trò chơi dân gian như: Đánh chiêng đốt cây chuối tươi, thi bắt cá, bắt cá trong ché…
Triệu Thị Bắc