Ót N’drông (Sử thi) gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào M’nông và có ý nghĩa quan trọng trong việc trao truyền văn hóa cũng như kỹ năng sống. Dù ở khía cạnh nào của cuộc sống, Ót N’drông luôn có những lời khuyên kinh nghiệm hiệu quả và đó là cơ sở để người dân sống tốt hơn.
Hát sử thi, thể loại tự sự dân gian truyền miệng được lưu giữ trong trí nhớ của người M'nông từ đời này sang đời khác và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Ngọc Tâm
Trong văn hóa dân gian của người M’nông, Ót N’drông (sử thi) là bức họa tổng thể phản ánh những nét cơ bản trong đời sống xã hội thông qua những câu chuyện dài hàng ngàn, hàng vạn câu được lưu truyền theo phương thức truyền miệng.
Ót N’drông có nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Mỗi tác phẩm có nội dung, cốt truyện riêng biệt, nhưng chung quy lại đều phản ánh xã hội cổ xưa của người M’nông về phong tục, tập quán, sự giao lưu giữa người M’nông với các dân tộc anh em khác… Qua những câu chuyện kể, đồng bào đã chắt lọc thành những kinh nghiệm quý báu truyền lại cho con cháu học tập, noi theo.
Những năm qua, dưới sự nỗ lực của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cũng như ngành Văn hóa tỉnh, hàng chục tác phẩm Ót Ndrông của đồng bào M’nông được ghi chép và biên dịch như: “Mùa rẫy bon Tiăng”, “Cây nêu thần”, “Kể dòng con cháu Mẹ Chep”, “Bông Rõng và Tiăng”, “Mẹ Rông và Tiăng”... Những tác phẩm này được thể hiện bằng văn vần tự sự và xen vào là những câu mang tính triết lý, được chắt lọc, đúc rút thành kinh nghiệm và là tiền đề để hình thành bộ luật tục M’nông được lưu truyền cho các thế hệ sau. Do đó, Ót N’drông có giá trị lớn trong nghiên cứu các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, bởi trong nó chứa đựng nhiều mặt tri thức dân gian về tự nhiên, xã hội và con người. Mỗi câu chữ đều được sắp xếp một cách cô đọng, giàu ý nghĩa, phản ánh được những tri thức và kinh nghiệm sống của con người.
Nghệ nhân Y Kai dù tuổi đã cao vẫn say sưa hát sử thi.
Nét cơ bản của Ót N’drông là thông qua những câu nói vần được thể hiện một cách sinh động, gần gũi, nên được ví như chiếc “chìa khóa” để con người tiếp cận và vận dụng vào cuộc sống. Ót N’drông nói rằng, đất đai, rừng núi, sông suối là của ông bà, tổ tiên để lại, vì thế con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ, không được bán hay phá hoại những gì của tổ tiên để lại. Phát rẫy lúa không phát rừng già/ Phát rẫy lúa không phát cây to/ Gặp cây khô trong rừng chớ đốt/ Gặp cỏ khô trong rừng chớ đốt/ Đốt cỏ khô cháy qua rừng già… Hay như Đốt rẫy ta phải dọn bờ/ Không dọn bờ lửa cháy tràn rừng…
Bên cạnh đó, Ót N’drông còn dạy cho con cháu những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi hết sức cụ thể như cách chọn đất phù hợp với cây trồng, gieo trồng đúng thời vụ, trồng trọt chuyên canh, xen canh nhiều loại cây để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng khoai môn phải đào hố rộng/ Trồng củ chuối trên đất có nhiều tro/ Trồng khoai mỡ dưới gốc cây to… Đất khuất gió làm rẫy trồng dưa/ Nơi đất bằng làm rẫy trỉa lúa…
Đằng sau sự vất vả, lo lắng hay những phấn khởi trong lao động là kho tàng tri thức quý báu của đồng bào về kinh nghiệm, cách ứng xử trong đời sống hàng ngày. Ót N’drông chú trọng khuyên nhủ đến việc làm và không nên làm; đồng thời châm biếm, phê phán những người lười biếng và đề cao những người siêng năng, chăm chỉ và đưa ra lợi ích của việc làm hướng thiện.
Trong hôn nhân - gia đình, khi chọn vợ, chồng cũng dựa trên những đặc tính như: Cưới vợ phải chọn người trong sạch/ Cưới vợ phải chọn người đảm đang. Người đàn ông trong gia đình khi lớn lên phải học cách kiếm sống để nuôi vợ con. Việc nuôi dạy con cái cũng được thực hiện theo một quy định cụ thể: Dạy con cháu không được cãi nhau/ Lúc ăn cơm không được rủa nhau/ Lúc uống nước không được rủa nhau. Hay như: Có con gái cha mẹ phải giữ/ Có con trai cha mẹ phải răn.
Nghệ nhân Thị Pyơn ở bon Bu Prâng, xã Đắk N'Drung (Đắk Song) (ngoài cùng bên phải) hát kể sử thi cho mọi người cùng nghe.
Trong mối quan hệ cộng đồng, tinh thần cố kết dân tộc luôn được đề cao và xem đó là sức mạnh để xây dựng nên một bon làng giàu có. Mỗi khi trong bon có gia đình nào gặp hoạn nạn, hay khó khăn thì phải biết đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Lúc khó khăn tương trợ lẫn nhau/ Thấy cháy nhà không khoanh tay đứng nhìn/ Ngày nắng hạn giúp nhau lấy nước… Đổi công cho nhau khi làm cỏ rẫy/ Đổi công cho nhau khi giã lúa đã nhiều…
Đặc biệt, mỗi khi bon làng hay nhà nào có khách thì sự tiếp đón được diễn ra một cách trang trọng, thân thiết. Thuốc mời khách phải đựng trên khay/ Trầu cau mời khách phải đựng trên dĩa/ Mời chào khách bằng lời nói ngọt ngào… Khách đến tìm nhờ chị đun nước/ Khách đến tìm nhờ mẹ thổi cơm…
Trong Ót N’drông, việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc cũng được đề cập một cách cụ thể. Bộ chiêng thơ đánh uống làm cỏ lúa/ Bộ chiêng Vak đánh uống tuốt lúa/ Uống rượu mừng khách phải đánh chiêng cổ… Hay như Lễ kết hôn ta cúng thần ăn cơm nếp/ Có ống tép ta mời thần ăn trước.
Thùy Trang (sưu tầm)