Người Cơ Ho, còn được gọi là Cờ Ho, Kơ Ho, hoặc Kơho theo chính tả của tiếng dân tộc Cơ Ho. Đây là một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chủ yếu cư trú tại tỉnh Lâm Đồng.
Về đời sống kinh tế-xã hội
Theo tổng điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 1989, dân tộc Cơ Ho có trên 82.917 người, đến ngày 1 tháng 4 năm 1999 có 128.723 người. Địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc thiểu số này là tỉnh Lâm Đồng. Dân tộc thiểu số Cơ Ho bao gồm nhiều nhóm dân địa phương khác nhau như Cơ Ho Srê, Cơ Ho Chil, Cơ Ho Nộp, Cơ Ho Lạch, Cơ Ho T’ring và Cơ Ho Cờ Dòn.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cơ Ho ở Việt Nam có 166.112 người, cư trú tại 46 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cơ Ho cư trú tập trung tại các tỉnh Lâm Đồng với 145.665 người, chiếm tỷ lệ 12,3 % dân số toàn tỉnh và 87,7 % tổng số người Cơ Ho tại Việt Nam, tỉnh Bình Thuận có 11.233 người, tỉnh Khánh Hòa có 4.778 người, tỉnh Ninh Thuận có 2.860 người, tỉnh Đồng Nai có 792 người, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 247 người.
Thiếu nữ người dân tộc Cơ Ho
Người dân tộc thiểu số Cơ Ho có các nhóm dân khác nhau như:
- Nhóm dân Cơ Ho Srê là nhóm dân có dân số đông nhất trong các nhóm dân tộc Cơ Ho.
- Nhóm dân Cơ Ho Chil theo thống kê ngày 1 tháng 4 năm 1989 có khoảng 18.000 người. Trước đây, họ cư trú rải rác trên vùng núi cao thuộc thượng lưu sông Krông Knô ở phía Bắc và Tây-Bắc cao nguyên Lang Biang. Do tập quán sống du canh, du cư, nên từ lâu họ đã di chuyển xuống phía Nam thuộc vùng Bắc và Đông Bắc thành phố Đà Lạt, kế cận với địa bàn cư trú của nhóm dân Cơ Ho Lạch, người Chu Ru và Raglai. Hiện nay, nhóm dân này cư trú trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương và vùng phụ cận thành phố Đà Lạt...
- Nhóm dân Cơ Ho Lạch cư trú tập trung ở Xã Lát và một số vùng thuộc thung lũng xung quanh thành phố Đà Lạt. Do có điều kiện tiếp xúc, giao lưu lâu dài với người dân tộc Kinh nên đời sống kinh tế của nhóm dân này có những tiến bộ nhất định so với các nhóm Cơ Ho Cờ Dòn, Cơ Ho Nộp, Cơ Ho Chil...
Một nhạc cụ âm nhạc của người dân tộc Cơ Ho
- Nhóm dân Cơ Ho Nộp cư trú phía Nam huyện Di Linh, ven đường từ huyện Di Linh đi thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Do quá trình giao lưu văn hóa xã hội lâu đời với các dân tộc anh em ở tỉnh Bình Thuận, nhất là người dân tộc Chăm nên người Cơ Ho Nộp còn lưu giữ một số yếu tố văn hóa của các dân tộc đó như tục ăn trầu, và trồng trầu, trồng cau xung quanh địa điểm cư trú của mình.
- Nhóm dân Cơ Ho Cờ Dòn cư trú ở miền núi phía Đông-Nam huyện Di Linh, gọi là vùng Gia Bắc, kế cận với địa bàn cư trú của người Cơ Ho Nộp, tập trung đông nhất tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh.
- Nhóm dân Cơ Ho T'ring cư trú rải rác ở tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Kinh tế của người dân tộc thiểu số Cơ Ho chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có các hoạt động như săn bắt thú, hái lượm lâm thổ sản và một số nghề thủ công như rèn, đan lát, dệt...
- Việc trồng trọt tùy theo đặc điểm địa lý và xã hội của mỗi nhóm dân, ngành trồng trọt ở mỗi nhóm dân có những nét khác nhau. Riêng đối với người Cơ Ho Srê, phương thức canh tác chủ yếu là trồng lúa trên ruộng nước ở các thung lũng (Srê có nghĩa là ruộng nước). Còn những nhóm người dân Cơ Ho khác do cư trú ở vùng núi cao nên thường phát rừng làm rẫy (mir) để trồng ngô, lúa rẫy, sắn. Họ thường phát rẫy theo từng bước tuần tự, trước tiên đàn bà, trẻ em dùng chà gạc (woát) chặt những cây nhỏ và dây leo nhưng không cần chặt đứt hẳn; tiếp đó đàn ông dùng rìu (sùng) đốn những cây lớn dần từ dưới lên đỉnh dốc, những cây này ngã sẽ kéo theo cây nhỏ và dây leo. Sau khi phơi nắng khoảng hơn một tháng, người dân châm lửa đốt rồi dọn rẫy để gieo hạt khi mùa mưa bắt đầu, thời điểm khoảng tháng tư. Những nhóm dân làm rẫy thường sống du cư, khi đất canh tác bạc màu lại chuyển đến nơi khác. Ngoài những cây lương thực chủ yếu, người Cơ Ho còn trồng lẫn các loại rau khác như bầu, bí, mướp, đậu... Họ cũng làm vườn, trồng cây ăn quả như mít, bơ, chuối, đu đủ...
- Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt... thường theo phương thức thả rong. Trâu, bò chỉ dùng làm sức kéo ở những vùng làm ruộng nước, còn lại chủ yếu để hiến tế trong các dịp nghi lễ.
- Việc làm các nghề khác như săn bắt thú rừng, đánh cá, hái lượm lâm thổ sản vẫn rất phổ biến. Các nghề thủ công phổ biến nhất là đan lát và rèn, riêng nhóm người dân Cơ Ho Chil còn có thêm nghề dệt; ngoài ra ở một số nơi có làm nghề gốm theo phương thức không có bàn xoay.
Công cụ sản xuất truyền thống thường là rìu (sùng); chà gạc (woát hay yoas, dùng để chặt cây, đây là một đoạn tre già uốn cong một đầu để tra lưỡi sắt), gậy chọc lỗ tra hạt (chrmul); riêng nhóm dân Cơ Ho Chil ngoài gậy chọc lỗ tra hạt còn có thêm p'hal (dùng để vừa chọc lỗ vừa tra hạt, có cán bằng gỗ, lưỡi sắt dài khoảng 28 cm, rộng 3-4 cm). Công cụ canh tác lúa nước của nhóm người dân Cơ Ho Srê có cuốc; cày (ngal) làm bằng gỗ, trước đây lưỡi cũng bằng gỗ nhưng gần đây thay bằng sắt; bừa (Sơkam) răng gỗ và Kơr (dùng để san đất cho bằng phẳng). Cày, bừa và kơr đều do 2 trâu kéo.
Các dụng cụ đan lát của người dân tộc Cơ Ho
Đơn vị tổ chức xã hội thường thấy của người dân tộc thiểu số Cơ Ho là Bon (tương đương với làng). Đây vừa là một đơn vị tổ chức xã hội, vừa là một đơn vị kinh tế tự cấp, tự túc của dân tộc Cơ Ho. Bon là làng truyền thống theo kiểu một công xã nông thôn mang đậm dấu ấn của thị tộc mẫu hệ dựa trên cơ sở cư trú trong những căn nhà dài, kế cận nhau theo nhóm dòng họ. Đứng đầu Bon là già làng (Kuang bon). Về quyền lợi kinh tế, già làng cũng giống như mọi thành viên khác của làng nhưng về mặt tinh thần, người này lại có uy tín gần như tuyệt đối so với các thành viên khác trong làng. Già làng là hiện thân của truyền thống và là một yếu tố tinh thần đưa đến sự thống nhất của cộng đồng (bon) trong xã hội truyền thống của người dân tộc Cơ Ho. Trong xã hội truyền thống thì chủ làng, cùng với chủ rừng (Tombri), thầy cúng và các gia trưởng hợp thành tầng lớp trên của người dân tộc Cơ Ho. Sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội truyền thống chủ yếu dựa vào sự khác biệt chút ít về những tư liệu sinh hoạt như chiêng, ché, nồi đồng, chứ không phải là các tư liệu sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Chưa có sự bóc lột sức lao động của những thành viên khác trong cộng đồng làng, cộng đồng dân tộc... Tuy nhiên trong xã hội đó, đã xuất hiện sự phân tầng xã hội như kẻ giàu, người nghèo, "con ở” hoặc "tôi tớ trong gia đình. Ở những vùng tập trung dân cư với mật độ cao, đã hình thành một tổ chức liên minh giữa những Bon với nhau trên cơ sở tự nguyện, gọi là M'đrông.
Lễ hội của người dân tộc Cơ Ho
Người dân tộc Cơ Ho vui chơi ngày Tết
Trong xã hội truyền thống của người dân tộc Cơ Ho đã tồn tại hai hình thức gia đình theo chế độ mẫu hệ là gia đình lớn và gia đình nhỏ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân, sau hôn lễ, người đàn ông về nhà vợ ở; nếu gặp trường hợp gia đình hiếm muộn thì người phụ nữ vẫn có thể ở nhà chồng. Con cái được tính dòng họ theo mẹ, con gái là người thừa kế. Tập tục cổ truyền của người dân tộc Cơ Ho là tuyệt đối cấm kỵ việc kết hôn giữa những người có cùng một dòng họ, nhất là ở cùng một địa phương. Con chú, con bác, con dì, không được lấy nhau. Trái lại, con cô, con cậu từ hai phía có thể có quan hệ hôn nhân với nhau theo luật tục. Sau khi vợ chết, người chồng có thể kết hôn với người em gái của vợ. Và ngược lại, nếu chồng chết, người vợ góa có thể kết hôn với người em trai của chồng nếu đôi bên ưng thuận. Hôn nhân của người dân tộc Cơ Ho dựa trên cơ sở sự ưng thuận giữa hai bên trai gái, cha mẹ không quyết định. Theo xu thế phát triển của quá trình giải thể các gia đình lớn chuyển dần sang gia đình nhỏ đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là ở những vùng kinh tế phát triển hoặc ở gần đường giao thông lớn, ven đô thị. Độ tuổi kết hôn của người dân tộc Cơ Ho thường từ 16 đến 17 tuổi đối với nữ và từ 18 đến 20 tuổi đối với nam; bình quân một phụ nữ sinh từ 5 đến 6 con nên tỷ lệ sinh khá cao.
- Ẩm thực: người dân tộc Cơ Ho thường ăn ba bữa, theo tập quán ăn bốc, lương thực chính là gạo ăn với thực phẩm như cá, thịt, rau. Trước kia, họ nấu ăn bằng ống nứa, sau này mới dùng các dụng cụ nấu ăn bằng đất nung, đồng, gang. Các món ăn thường chế biến khô để thuận tiện cho việc ăn bốc. Thực phẩm kho hoặc luộc, canh được chế biến từ rau trộn với tấm và cho thêm ớt, muối. Thức uống là nước suối, dụng cụ trữ nước uống là những quả bầu khô hoặc ghè. Người dân tộc Cơ Ho hút các loại cây thuốc phơi khô cuốn lại, rượu cần (tơrnơm) làm từ gạo, ngô, sắn...với men chế biến từ cây rừng rất được ưa chuộng trong các bữa tiệc, lễ hội...
- Trang phục: trang phục của đàn ông là khố bằng vải bản rộng, dài khoảng từ 1,5 đến 2 m, có hoa văn theo dải dọc. Phụ nữ dùng váy bằng một tấm vải quấn quanh người rồi giắt cạp. Váy nền đen, có diềm hoa văn trắng. Nếu thời tiết lạnh, họ khoác thêm chăn (ùi) ra ngoài. Phụ nữ dùng vòng cổ, vòng tay, cườm và khuyên căng tai làm đồ trang sức.
- Nhà ở: người dân tộc Cơ Ho ở nhà sàn dài bằng gỗ, hai mái uốn cong, lợp bằng cỏ tranh, có liếp nghiêng ra phía ngoài và cũng lợp tranh để chống lạnh. Trước cửa ra vào có cầu thang lên xuống, vách đối diện với cửa để ché, giỏ đựng đồ đạc và bàn thờ. Mọi sinh hoạt chủ yếu như ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách... đều diễn ra quanh bếp lửa ở trong nhà.
Một buổi trình diễn văn nghệ của người Cơ Ho
Người dân tộc Cơ Ho tin rằng mọi mặt của đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định. Tín ngưỡng về siêu nhiên trong quan niệm của người Cơ Ho có tính chất đa thần... Thần linh (yang) là thế lực phù hộ cho con người và ma quỷ (chà) lại gây tai họa. Vị thần tối cao là Nđu, rồi có thần Mặt Trời, Mặt Trăng, thần Núi, thần Sông, thần Đất, thần Lúa... Người dân tộc Cơ Ho thường cúng tế trong những dịp thực hiện hoặc xảy ra những sự kiện quan trọng như hiếu hỷ, những giai đoạn trong sản xuất, ốm đau bệnh tật... Liên quan đến trồng lúa, người dân tộc Cơ Ho thực hiện các lễ nghi ở từng công đoạn như gieo lúa, khi lúa trổ bông, đạp lúa và cho lúa vào kho. Trong các nghi lễ cúng tế, tuỳ tầm quan trọng của buổi lễ, họ dùng trâu, lợn, dê hoặc gà để tế sống cùng với rượu. Bàn thờ (nao) thường đặt ở chỗ trang trọng và tôn nghiêm nhất trong nhà. Bàn thờ ngày trước làm bằng ván gỗ có chạm trổ nhưng nay hầu như không còn nữa, giờ đây người ta nhận ra chỗ thờ cúng nhờ những nhánh cây, bông lúa vắt trên mái đối diện với cửa ra vào.
Đến nay các lễ nghi phong tục cổ truyền của người dân tộc Cơ Ho vẫn còn được bảo lưu. Nhưng bên cạnh đó, mấy chục năm lại đây một bộ phận khá lớn người dân tộc Cơ Ho đã tin theo những tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Thiên Chúa Giáo, nhất là đạo Tin Lành. Kinh thánh và các tài liệu truyền giáo khác được dịch ra tiếng Cơ Ho và các mục sư, người truyền đạo đã sử dụng ngôn ngữ đó trong việc truyền giảng đạo.
Về văn hóa, văn học
- Chữ viết: vào đầu thế kỷ thư 20, chữ Cơ Ho được xây dựng bằng hệ thống chữ Latin, mặc dù đã được cải tiến nhiều lần và được dùng để dạy trong một số trường học nhưng loại chữ này chưa phổ cập.
- Văn học nghệ thuật: vốn văn học nghệ thuật dân gian Cơ Ho khá phong phú. Thơ ca đậm chất trữ tình và giàu nhạc tính. Một số vũ khúc cổ truyền thường được diễn trong các lễ hội. Các nhạc cụ truyền thống như bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr)... có khả năng hòa âm với lời ca hoặc độc tấu. Gần đây, Ông Nguyễn Huy Trọng, một linh mục ở giáo xứ Kala, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã sưu tập được khoảng 400 truyện cổ tích, nhiều câu thơ (tam pla) và 30 trường ca, sử thi của người Cơ Ho trong đó có trường ca Gơ Plom Kòn Yồi dài hơn 6.000 câu. Những kết quả sưu tập này bước đầu đã được gửi cho cơ quan chuyên môn.
- Lễ hội: hàng năm, người Cơ Ho tổ chức ăn Tết khi mùa màng đã thu hoạch xong theo thời vụ, hiện nay thường vào tháng 12 dương lịch. Tết này có ý nghĩa là đón lúa về nhà (Nhô Lir Bông hay Nhô Lirvong ). Theo tập quán, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để cả Bon tổ chức lễ đâm trâu (nho sa rơ pu) trong dịp này. Lễ tổ chức ngoài trời trước nhà chủ có vật hiến tế, nhà già làng hay trên mảnh đất rộng, bằng phẳng, cao ráo trong làng với cây nêu trang trí sặc sỡ. Mọi người nhảy múa theo tiếng cồng chiêng. Thịt trâu được chia cho từng gia đình, còn máu trâu bôi vào trán những người dự lễ như một sự cầu phúc. Lễ Tết kéo dài từ 7 đến 10 ngày, trong các ngày Tết, dân làng đến chung vui với từng gia đình. Trong từng gia đình, người ta cũng tổ chức hiến tế gà, bôi máu lên vựa thóc, sàn kho, cửa ra vào, cửa sổ. Sau Tết, người ta mới được ăn lúa mới và thực hiện các công việc lớn như làm nhà, chuyển làng...
Thanh Thanh (sưu tầm)