Vùng đất Đắk Nông có nền văn hoá cổ truyền khá đa dạng của nhiều dân tộc đậm nét truyền thống và bản sắc riêng.
Từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông dọc theo quốc lộ 14 hướng đi thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk khoảng 28 km, rẽ trái khoảng 12 km bạn sẽ đến làng văn hóa đồng bào dân tộc M’Nông, một trong những làng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc biệt là các tác phẩm sử thi, trường ca…
Nơi đây còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng rất độc đáo như sử thi Đam San dài hàng ngàn câu. Các luật tục cổ, kiến trúc nhà sàn, nhà rông và tượng nhà mồ còn chứa bao điều bí ẩn đầy hấp dẫn. Các loại nhạc cụ dân tộc từ lâu đời đã trở nên nổi tiếng và là niềm tự hào của cả vùng Tây Nguyên, của văn hoá dân gian Việt Nam: bộ đàn đá của người M’nông (huyện Lắk), bộ chiêng đá được phát hiện tại Đắk R’lấp có niên đại hàng ngàn năm về trước, đàn T’rưng, đàn Klông pút, đàn nước, kèn, sáo…
Làng văn hóa đồng bào M’Nông có khoảng 1.500 hộ dân, trong đó bon Bu Prâng là bon tiêu biểu còn lưu giữ được hơn 200 pho sử thi M’Nông – Ot Nrong có tính hệ thống cao và có giá trị nhân văn lớn (bộ sử thi phổ hệ). Đặc biệt, trong bon Bu Prâng có gia đình nghệ nhân Điểu Kâu đã nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và lưu giữ hàng trăm bộ sử thi Ot Nrong của vùng này.
Cách thể hiện các bài Ot Nrong là hát, hát trong lúc lên rẫy, hát bên bếp lửa hồng, trong các ngày lễ hội mọi người cùng quây quần bên ché rượu cần cùng với tiếng chiêng rộn rã…
Văn hóa M’nông trong tết mừng lúa mới.
Có thể nói rằng, thông qua ngôn ngữ truyền miệng, hát Ot Nrong thể hiện sự đoàn kết trong gia đình và xã hội, gắn liền truyền thống giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời nó còn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của đồng bào Mnông sau những ngày lao động vất vả.
Nếu đúng dịp, du khách sẽ được tham dự những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian. Trong lễ hội, cả buôn làng cầm tay nhau nhảy múa xung quanh đống lửa theo nhịp của cồng, chiêng.
Thiếu nữ M'nông lấy nước trong lễ cúng bến nước.
Đến thăm bon Bu Prâng, du khách không thể không ghé thăm khu nhà mồ của đồng bào M’Nông. Đây là một trong những nét kiến trúc truyền thống, văn hoá tín ngưỡng của đồng bào trong quá trình hình thành và phát triển. Nhà mồ là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa thể hiện qua các mô típ, dáng dấp riêng của từng dân tộc.
Kiến trúc nhà mồ mang tính đặc trưng ở nghệ thuật trang trí, hình tượng, văn hoa chạm trổ khá công phu trên chất liệu gỗ, đến kiến trúc nhà mang hình khối có trang trí các búp sen bằng chất liệu kết dính theo văn hóa Tây Nguyên. Ngoài ra, các lễ hội trong buôn thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm với các hoạt động: lễ mừng được mùa, lễ cúng sức khoẻ cho người, lễ cúng sức khoẻ cho voi, lễ hội ăn trâu, lễ cơm mới…
Dân tộc M’nông có tên gọi khác như Bu-dâng, Preh, Ger, Nong, Prâng, Rlăm, Kuyênh, Chil Bu Nor, nhóm M’Nông Bu-dâng – Sống tập trung ở phía nam tỉnh Đắc Lắc, một phần tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương.
Dân tộc M’nông thuộc nhóm loại hình nhân chủng Anđônêdien. Có tầm vóc thấp, nước da ngăm đen, môi hơi dày, râu thưa, mắt nâu đen, tóc đen, thẳng. Nhiều người có tóc xoăn. Ngôn ngữ M’nông thuộc nhóm Môn- Khơme miền núi phía Nam.
Người M’nông là cư dân nông nghiệp từ lâu đời. Trong sinh hoạt kinh tế truyền thống, phương thức phát rừng làm rẫy (mir) chiếm vị trí trọng yếu. Cây lương thực chính của đồng bào là lúa tẻ. Số lượng lúa nếp gieo trồng không đáng kể. Ngoài lúa ra, ngô, khoai, sắn cũng được đồng bào trồng thêm trên rẫy để làm lương thực phụ và nhất là dùng cho chăn nuôi heo, gà…Công cụ làm rẫy của người M’nông chủ yếu là: Chà gạc (Viêh), rìu (sùng), gậy chọc lỗ (Rmul), cuốc, Wăng Wít (dụng cụ làm cỏ) và cào…Rượu cần, là một nhu cầu phổ biến đối với người M’nông. Nam, nữ, trẻ, già ai cũng thích rượu cần và thuốc lá cuốn.
Hoàng Thị Lê (sưu tầm)