Văn Hóa Dân tộc thiểu số Văn hóa người Mạ (Minh Bắc) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, July 21, 2016

Văn Hóa Dân tộc thiểu số Văn hóa người Mạ (Minh Bắc)

Một cô gái dân tộc Mạ

Hình ảnh của Văn hóa người Mạ         
Người Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer sống tập trung ở lưu vực sông Đồng Nai, thuộc các huyện ở phía tây nam tỉnh Lâm Đồng với số dân khoảng gần 30.000 người. Ngoài tộc danh thống nhất là Mạ còn gọi là Châu Mạ hay Chô Mạ. Người Mạ gồm các nhóm khác nhau như Mạ Ngăn, Chô Tơ, Chô Sốp, Chô Rô...

Người Mạ sống thành từng buôn có từ 5-10 nhà sàn dài. Mỗi nhà sàn là nơi chung cư các thế hệ cùng huyết thống, đứng đầu là quăng buôn (trưởng làng). Nhà sàn dài khoảng 30-40m, làm bằng gỗ, có hai mái, lợp cỏ tranh hay lá mây. Mỗi sàn có từ 15 tới 20 bếp. Nhà sàn người Mạ hiện nay phổ biến chỉ cao hơn mặt đất khoảng 40-60cm. Cũng có nơi nhà sàn thấp gần như nhà trệt (nhà đất).

Y phục truyền thống của người Mạ mang những sắc thái chung về loại hình của các dân tộc Tây Nguyên. Nữ mặc váy dài quá bắp chân. Nam đóng khố, về mùa nắng nóng thì ở trần. Khố có 2 loại: dài và ngắn. Có loại đơn giản chỉ có một màu chàm sẫm và hai đường hoa văn đơn sơ chạy dọc theo rìa mép. Song cũng có loại được thêu dệt nhiều đường hoa văn dọc theo rìa mép và hai dải hoa văn ở hai đầu khố.

Nam nữ đều mặc áo chui đầu. Nữ mặc áo vừa sát vào thân và dài đến thắt lưng, kín tà, hai vạt sau, trước đều nhau, cổ thấp bằng vai. Áo nam thường rộng hơn một chút, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước và dài che kín mông. Áo có nhiều loại: áo dài tay, áo ngắn tay, áo cộc tay. Mùa lạnh, người già yếu còn khoác lên mình một tấm mền cho ấm.

Thuở trước, người Mạ có tục cà răng căng tai nhưng nay đã bãi bỏ. Có điều ngày nay nam nữ vẫn thích đeo nhiều vòng đồng ở cổ tay. Riêng nữ giới thích đeo xâu chuỗi hạt cườm có nhiều màu sắc ở cổ cùng những chiếc vòng đồng truyền thống.

Trong hôn nhân, nhà trai chủ động đi hỏi cưới. Lễ thành hôn được tổ chức ở nhà gái trước sự chứng kiến của hai họ, chủ làng và ông mối. Sau lễ cưới, nếu là rể nghèo không đủ sính lễ nộp cho nhà vợ trong ngày cưới thì thời gian cư trú bên nhà vợ phải kéo dài cho đến khi những sính lễ trên được thanh toán.

Người Mạ tin ở vạn vật hữu linh. Họ thờ nhiều vị thần như thần sông, thần núi, thần lửa, thần lúa... nhưng Giàng là vị thần cao nhất. Các lực lượng siêu hình mà họ gọi chung là Giàng đều quan niệm là thần thiện, trái lại là thần ác, ma quái gọi là “chác”.

Những cuộc lễ cúng thần nông nghiệp được tiến hành theo chu kỳ canh tác của nông lịch Mạ. Một lễ cầu mùa vào thời kỳ gieo hạt và một lễ ăn mừng cơm mới được tổ chức vào lúc thu hoạch lúa để tạ ơn thần linh. Và, cũng để làm vui lòng thần linh, họ tổ chức lễ hiếu sinh tức lễ ăn trâu hay chém trâu thật linh đình.

Trong một năm, người Mạ có rất nhiều lễ cúng, quan trọng nhất là lễ cúng Yang Bơnơm và Yang Koi

Trong những lúc nông nhàn, người già thường kể trường ca. Có những thiên trường ca diễn tả suốt hai, ba đêm liền mới hết. Trường ca Mạ một mặt phản ánh cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên để khắc phục khó khăn qua các hoạt động sản xuất, một mặt phản ánh cuộc đấu tranh xã hội để hướng tới sự công bằng, tín nghĩa, chống thói hư tật xấu.

Ngoài ra, tâm hồn người Mạ còn được thể hiện rõ nét hơn, sống động hơn ở những bài dân ca trữ tình mà họ gọi là “tam pớt”, một thể loại hát giao duyên giữa nam và nữ. Dân ca thường đi đôi với nhạc cổ để tăng thêm sức truyền cảm. Nhạc cụ truyền thống của người Mạ chủ yếu là bộ chiêng đồng gồm 6 chiếc to nhỏ khác nhau và đều không có núm .

Khi hòa tấu còn có trống da đánh giáo đầu, giữ nhịp và đổ hồi khi kết thúc. Kèn bầu của người Mạ có loại 6 ống, dài ngắn khác nhau, và được kết thành 2 bè: bè trên 4 ống và bè dưới 2 ống. Ngoài ra người Mạ còn sử dụng một số nhạc cụ khác như: kèn bằng sừng trâu (tù và), đàn lồ ô 6 ống, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô.

Ngày nay, tuy tiếp xúc nhiều với người Kinh và nhiều dân tộc khác nhưng văn hóa Mạ vẫn được bảo lưu và phát huy theo sự phát triển chung của đất nước. Văn hóa Mạ thật sự đã đóng góp một phần quan trọng trong nền văn hóa đa dân tộc Tây Nguyên – Trường Sơn.
Minh Bắc (sưu tầm)

Share with your friends