Vũ điệu cồng chiêng trong lễ hội của người Xơ Đăng.
Xơ Đăng là tộc người thiểu số gồm 5 nhóm địa phương chính: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Ca Dong và Hà Lăng; cư trú tập trung ở các huyện Dak Tô, Sa Thầy, Dak Glây, Kon Plông, Ngọc Hồi, Dak Hà (tỉnh Kon Tum), huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện Cư M’gar, Krông Pak (tỉnh Dak Lak). Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Xơ Đăng là một trong số ít dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên còn bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống nguyên gốc.
Kiến trúc nhà rông là tinh hoa văn hóa nổi bật nhất của người Xơ Đăng, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà rông được đặt ở giữa mỗi làng của người Xơ Đăng, là công trình kiến trúc có vai trò quan trọng nhất trong đời sống cộng đồng. Nhà rông chẳng những là nơi để đồng bào nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu, tiếp khách, là nơi phô bày những chiến tích săn bắn, tiến hành các cuộc họp quan trọng để xét xử, kiện cáo, trao đổi kinh nghiệm sản xuất... mà còn là công trình mỹ thuật, chứa đựng nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa, trang trí dân gian. Đây cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội tâm linh cộng đồng và là cầu nối để các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống. Kiến trúc nhà rông đã được phục dựng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam...
Người Xơ Đăng hiện vẫn còn giữ gìn nghề dệt vải thổ cẩm theo lối cổ truyền. Gần đây, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xơ Đăng một số nơi đã được phục hồi vững chắc hơn. Bên cạnh nghề dệt vải, người Xơ Đăng còn có một số nghề thủ công khác như đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình như gùi, nong nia... Chiếc gùi Xơ Đăng hết sức đa dạng như gùi có nắp để đựng vật quý, gùi ba chân, gùi ba ngăn của nam giới (còn gọi là gùi cánh dơi), gùi lấy nước, gùi củi, gùi lúa... Kho tàng ẩm thực Xơ Đăng có các món ăn dân gian độc đáo, đặc biệt là các món nấu từ ống nứa và rượu cần... Rượu cần là thứ đồ uống không thể thiếu trong các lễ hội lớn của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người. Người Xơ Đăng cũng bảo lưu, gìn giữ những chiếc ché cổ quý giá như ché hoa văn rồng, ché mẹ bồng con, trở thành bảo vật của gia đình. Bảo tàng Kon Tum, Bảo tàng Dak Lak đã sưu tầm nhiều bộ sưu tập hiện vật dân tộc học về người Xơ Đăng phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu.
Nhà rông của người Xơ Đăng trên núi Ngọc Linh.
Nhờ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, đến nay dân tộc Xơ Đăng vẫn bảo lưu được các loại hình trang phục với những nét đặc trưng theo từng nhóm địa phương. Trang phục đậm chất Tây Nguyên của dân tộc Xơ Đăng với các loại khố, áo của đàn ông; áo chui đầu tay áo được khoét sát nách và váy quấn của phụ nữ, khăn đội đầu, tấm choàng, tấm địu trẻ em... Các thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như một dấu hiệu cho những chàng trai biết mình chưa xây dựng gia đình để có thể trò chuyện, tìm hiểu. Khi về nhà chồng, người con gái cũng đem theo tấm choàng và giữ gìn như một vật quý của thời con gái. Cùng với bộ trang phục, còn có các loại hình trang sức như vòng đồng, vòng bạc, chuỗi hạt cườm, đặc biệt là các loại trang sức cổ xưa như nanh, vuốt thú... làm nên sắc phục Xơ Đăng. Có thể nói rằng, trang phục truyền thống của dân tộc Xơ Đăng là loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, phong phú, đa dạng về loại hình, sản phẩm, có giá trị thẩm mỹ với những đường nét hoa văn, sắc màu độc đáo mang nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
A3 Biểu diễn đàn t'rưng
Về đời sống văn hóa tinh thần, người Xơ Đăng cũng tích lũy một kho tàng đồ sộ với các loại hình diễn xướng dân gian như múa, hát, âm nhạc. Người Xơ Đăng thích tấu cồng chiêng, múa hát, chơi đàn và kể chuyện cổ. Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ mà còn có tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ hội ăn trâu huê. Họ có nhiều nhạc cụ như đàn, tiêu biểu như đàn gong, đàn bro, đàn t’rưng, đàn nhị, sáo, ống vỗ klong put, trống, chiêng, cồng, tù và... Đặc biệt, đàn nước của người Xơ Đăng là loại nhạc cụ độc đáo dùng để đuổi chim, thú trên rẫy. Đàn nước của người Xơ Đăng đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, là một hiện vật gây được sự hứng thú của khách tham quan. Người Xơ Đăng có một số lễ hội dân gian tiêu biểu như lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng... Trong lễ nghi vòng đời người, đáng chú ý là lễ cầu sức khỏe, lễ thổi tai, lễ cưới, lễ tang, đặc biệt là lễ cúng máng nước được tổ chức vào lúc nông nhàn, chuẩn bị vào vụ mùa mới. Trong lễ nghi nông nghiệp, nổi bật là lễ ăn mừng lúa mới, lễ cầu mùa để tạ ơn thần lúa cho mùa màng bội thu. Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ mừng nhà rông mới, lễ hiến sinh trâu hay còn gọi là “lễ đâm trâu huê”.
Văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng mang nét đặc trưng của tiểu vùng văn hóa Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, do tác động nhiều mặt, văn hóa truyền thống của đồng bào Xơ Đăng đang có nguy cơ bị mai một cần có hướng bảo tồn, phát huy…
Minh Khuyên (sưu tầm)