Ở Việt Nam có hơn 9.600 người La Hủ (2009), thuộc 3 nhóm: La Hủ Na (đen), La Hủ Sư (vàng) và La Hủ Phung (trắng), sinh sống ở huyện Mường Tè (Lai Châu). Từ Vân Nam (Trung Quốc), tổ tiên của họ di cư tới Việt Nam khoảng 150 - 200 năm trước. Người La Hủ còn phân bố ở bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Ngôn ngữ La Hủ thuộc nhóm Tạng – Miến (ngữ hệ Hán – Tạng).
Trước kia, người La Hủ làm nương du canh, chủ yếu trồng ngô; về sau họ đã dần dần làm ruộng nước, lúa là cây lương thực chính. Hái lượm, săn bắn và bắt cá có vai trò quan trọng trong đời sống. Nghề đan lát khá phát triển, các sản phẩm như mâm, ghế mây, chiếu mây..., không chỉ dùng trong gia đình, mà còn được làm cho mục đích trao đổi, với người Thái, người Hà Nhì, để lấy vải, muối, nông cụ... Phụ nữ La Hủ mặc quần và áo. Thường ngày họ mặc áo dài, cài khuy bên nách phải, khi lễ tết hay đi chơi xa, mặc thêm chiếc áo ngắn ra ngoài. Loại áo này cài khuy đằng trước, không có ống tay, vạt trước được trang trí nhiều đồng xu bạc...
Từ chỗ khoảng 200 chòm xóm nhỏ rải rác, mỗi xóm chỉ 3-4 gia đình, trong quá trình thực hiện "định canh định cư" đã xuất hiện nhiều bản La Hủ tương đối đông người. Xưa kia nhà của người La Hủ rất đơn sơ, thậm chí lợp lá chuối, khi lá chuối ngả vàng thì họ bỏ đi nơi khác (nên họ còn được gọi là "Xá lá vàng"). Ngày nay nhà cửa của họ khá ổn định, đa số là nhà trệt, đa dạng về cả kiểu dáng nhà và hình thức bố trí trong nhà.
Ở người La Hủ hiện nay có những họ phổ biến như: Ly, Pờ, Vàng, Phùng, Giàng… Bên cạnh những tên gọi dòng họ ảnh hưởng từ các dân tộc khác này, người La Hủ còn có các tên goi dòng họ theo ngôn ngữ của mình và hầu hết mang tên loài thú hoặc chim, như: họ Ly là La lò (hổ) hay Phạ la thó lò (sóc nâu), họ Pờ là Pò ngá lò (một loại chim), họ Vàng là Pa thô ngác lò (chim gõ kiến)… Trong thờ cúng tổ tiên, tập quán của các nhóm La Hủ không hoàn toàn giống nhau, nhưng thường họ chỉ khấn gọi bố mẹ đã quá cố. Trong xã hội phụ hệ của La Hủ, tuy con gái không được thừa kế tài sản, nhưng phụ nữ khá bình đẳng với nam giới trong đời sống gia đình và việc trai gái tự do tìm hiểu nhau trước khi cưới được tôn trọng.
Xuất phát từ tín ngưỡng về hồn, các gia đình thường tổ chức lễ gọi hồn cho người ốm, cho lợn bị bệnh hoặc chậm lớn, gọi hồn lúa, hồn ngô khi gieo trồng xong, lúc thu hoạch... Hằng năm, sau vụ trồng ngô, dân bản cùng nhau tổ chức lễ cúng thần đất, để cầu an, cầu mùa màng bội thu. Những gia đình làm nghề rèn còn có lễ cúng tổ sư, tổ chức trong tháng 10 hằng năm. Khoảng tháng 11 dương lịch, sau khi thu hoạch xong ngô và lúa, là thời gian ăn Tết của các bản La Hủ, sớm muộn khác nhau tuỳ theo từng bản. Đó là dịp họ vui chơi, ăn uống, múa, hát, con trai thổi khèn.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người La Hủ: y phục nữ, trống, nỏ..., được giới thiệu trong không gian "Tạng – Miến" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".
Lý Thị Ninh (sưu tầm)