Trang phục dân tộc Lô Lô
Dân tộc Lô Lô Có khoảng 3300 người cư trú ở vùng chủ yếu ở cùng cao núi đá phía Đông bắc Việt Nam. Dù là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam xong người Lô Lô vẫn đang chứng tỏ dân tộc mình có sức sống mãnh liệt.
Với số dân thưa thớt, họ đã sống xen kẽ lâu đời với những dân tộc khác, đất đai canh tác ít, lại phải thường xuyên tìm kiếm việc làm tại các vùng ngoài bản làng. Tuy nhiên cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc này vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn. Điều mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Trang phục phụ nữ dân tộc Lô Lô hoa
Người Lô Lô luôn tự hào rằng tổ tiên họ đã đến khai khẩn đất đai vùng núi đá biên giới phía Bắc tổ quốc. Người Lô Lô có 2 ngành là Lô Lô đen và Lô Lô hoa. Hai nhóm này chỉ khác nhau về bộ trang phục còn tiếng nói, phong tục tập quán thì không có gì khác biệt nhiều. Theo các tài liệu có được hiện nay đều cho rằng người Lô Lô ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 10, và rải rác sau đó. Qua đó có thể nói Lô Lô là một trong những dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn mảnh đất Đồng Văn. Bằng chứng là ngày nay người Tày hay người Mông vùng Cao Bằng, vẫn có tục cúng ma Lô Lô. Với chưa đầy 4000 người sống giữa rất nhiều dân tộc họ vẫn cư trú thành các thôn xóm riêng, chỉ từ vài hộ đến vài chục hộ tạo thành những Lô Lô trải nghĩa là xóm Lô Lô. Lô Lô trải này ở huyện Bảo Lạp tỉnh cao bằng có 81 hộ dân. Những cây cổ thụ lớn rải rác quanh xóm biến Lô Lô trải thành nơi êm đẹp.
Nhà cửa của người Lô Lô ở đây được sắp xếp theo một trật tự chung. Đó là dựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng nên tương đối thoáng mát. Nhìn từ ngoài vào có vẻ không khác mấy so với nhà của người Mông nhưng khi quan sát cách thức bố trí, sử dụng không gian trong nhà thì mới thấy sự khác biệt. cũng giống như người dân tộc Mông, Dân tộc Nùng, Dân tộc Bố y, sinh sống ở Cao Bằng, kiến trúc nhà ở của người Lô Lô là nhà gỗ hoặc nhà đất. Không gian nhà được tổ chức theo quy mô hẹp, khép kín. Nhà ở có 3 gian hoặc không có trái. Xung quanh nhà có hệ thống tường rào bao bọc đây là nét đặc trưng, rất riêng của các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao phía bắc Cao Bằng. Gian chính giữa nhà là gian tiếp khách và uống nước của gia đinh. Có cửa chính rộng 1,2 m cao 2m gồm 2 cánh khi mở quay vào trong nhà. Gian chính cũng là nơi để thờ cúng tổ tiên. Gia chủ thường đặt một bàn thờ nhỏ. Gian buồng được đặt ở bên phía tay trái hướng vào cửa chính. Ở gian buồn này cũng đặt một cửa sổ ở mặt trước. Khung nhà làm bằng gỗ tương đối đơn giản được kết cấu dựa trên các kèo gỗ có từ 3-5 chân. Nhà được thiết kế ba gian.
Nếu nói về bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Lô Lô thì không thể không kể đến trang phục truyền thống của nữ giới. Phụ nữ lô lô đen mặc áo cổ vuông chui đầu, có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo, tay áo rộng được ghép thành nhiều vòng và màu khác nhau. Áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài trùm phía sau hông, xà cạp quấn chân. Trang phục phụ nữ Lô Lô hoa có màu sắc rực rỡ hơn. Áo cánh , cổ tròn ,xẻ ngực, hoa văn ghép vải hình hoa tam giác mạch. Các ô vuông với màu sắc sặc sỡ, danh đỏ trang trí dọc sống lưng. Ống tay áo thường được ghép bằng nhiều vòng cải sặc sỡ. Chiếc khăn đội đầu với nhiều hoa văn họa tiết cầu kỳ với nhiều đồ trang sức đi kèm .
Tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng nhìn chung trang phục nữ giới hai nhóm này đều rất đẹp và được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn thể hiện trình độ thẩm mỹ tinh tế của đồng bào.
Một trong những điểm nhấn trong văn hóa của người Lô Lô lầ bộ trống đồng cổ mà người Lô Lô thường sử dụng trong các dịp cúng thổ thần, tổ tiên và trong đám tang. Người Lô Lô xem trống đồng là vật báu thiêng liêng mà cha ông truyền lại. Là biểu tượng sức sống của dân tộc, nối cõi thường với tâm linh. Người già Lô Lo kể lại rằng ngài xưa, mỗi họ thường có 1 bộ trống đồng dùng vào việc tang lễ hoặc gõ trống nhảy múa nhân dịp tết. Mỗi bộ gồm trống đực vào trống cái, ngày thường chôn sâu dưới đất, khi có dịp mới đào lên dùng. Chữ viết riêng của dân tộc Lô Lô đã bị mất đi theo năm tháng nhưng trống đồng vẫn còn đó. Sự hiện hữu của trống đồng cùng với âm thanh rền vang của nó là minh chứng của nền văn hóa Lô Lô rực rỡ tồn tại từ ngàn xưa.
Sầm Thị Phong (sưu tầm)