Dân tộc Lô Lô trên cao nguyên đá (Triệu Sỉnh Lầy) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, August 4, 2016

Dân tộc Lô Lô trên cao nguyên đá (Triệu Sỉnh Lầy)

Thiếu nữ Lô Lô
Lô Lô, một trong những dân tộc ít người nhất tại VN từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Trong chuyến công tác dài ngày tại tỉnh miền núi này, chúng tôi đã được đồng nghiệp ở Báo Hà Giang giới thiệu lên viết bài. Trải qua nhiều năm tháng, cuộc sống của đồng bào Lô Lô đã ấm no hơn nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng nét văn hóa riêng của họ vẫn được giữ gìn và lưu truyền.

Bộ tộc ít người ở cánh đồng Thèn Pả
Cánh đồng Thèn Pả, cánh đồng duy nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn trong một buổi chiều vàng óng trông bình yên, mượt mà như bao cánh đồng khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên thật khéo sắp đặt! Bốn bề là núi đá lởm chởm. Trên đỉnh núi Rồng, kia là lá cờ đỏ sao vàng đánh dấu chủ quyền tổ quốc Việt Nam, nhìn sang bên kia là Trung Quốc. Thèn Pả nằm giữa bốn bề núi đá như vậy và bản người Lô Lô sinh sống trên đó, bình yên trong khói lam chiều nhè nhẹ bốc lên từ những nếp nhà.
Bản người Lô Lô có 70 hộ dân sinh sống bằng nghề làm nương, cuốc rẫy. Nhà dựng sát nhà. Nét kiến trúc rõ nhận thấy nhất ở bản là những ngôi nhà "trình tường". Tường nhà bằng đất sét nện, không trát, cứ thế mặc nắng mưa mà "trình" ra bên ngoài. Hộ nào khá giả thì mái nhà lợp ngói hoặc "tôn xi măng", hộ nào thường thì vẫn lợp tranh rạ. Giống như bao dân tộc khác sinh sống ở cao nguyên đá, hàng rào quanh nhà người Lô Lô cũng được sắp lại bằng những hòn đá tai mèo, theo quan niệm từ bao đời nay thì hàng rào bằng đá sẽ ngăn được giá rét và thú dữ. Tuy chỉ là những hòn đá sắp lên nhau nhưng hàng rào đá vững như tường xây, kết cấu sắp đá theo kiểu bí quyết gia truyền nên không thể bị xô đẩy.
Đẩy cánh cổng gỗ mộc mạc còn nguyên dấu bùn đất, chúng tôi thăm nhà chị Vàng Thị Xuyến. Sân nhà chị Xuyến nhỏ hẹp, sát nhà là chuồng bò, đầu hồi là cối xay ngô. Nhà người Lô Lô có hai cửa, một cửa chính chỉ mở ra vào buổi sáng rồi đóng lại, sinh hoạt trong ngày đi qua cánh cửa còn lại. Trên mỗi cánh cửa là những miếng bùa màu đỏ để trừ tà. Nhà chị Xuyến có hai gác, gác dưới để ăn nghỉ, nấu nướng; gác trên phơi ngô, thóc. Một dấu hiệu cho thấy sự no đủ ở đây là hai chiếc chảo lớn đặt trong bếp. Một chiếc nấu cám heo, một chiếc dùng nấu thắng cố, mèn mén.
Chị Xuyến mặc nguyên bộ váy dân tộc sặc sỡ ra đón chúng tôi. Cậu bé con chị năm nay học lớp hai cứ núp vào váy mẹ. Hỏi nó học có giỏi không, chị bảo: "Nó học giỏi lắm!". Nhà chị Xuyến có ba đứa con, hai gái, thằng này là út. Hai đứa chị đang đi chơi ngoài nương. Xuyến bảo nhà mình đủ ăn, một năm trồng được một nương thóc, hai nương ngô.
Nét văn hóa Lô Lô
Bạn đồng nghiệp ở Báo Hà Giang nói với chúng tôi rằng tại bản Lô Lô còn hai chiếc trống đồng cổ, một chiếc của nhà chị Vàng Thị Xuyến, một chiếc của nhà anh Vàng Dỉ Huân. Lúc đến nhà chị Xuyến, chúng tôi đã được tận tay, tận mắt sờ và nhìn vào chiếc trống cũ kỹ đã hoen gỉ một số chỗ. Chị Xuyến nói đó là chiếc trống do bố mẹ để lại, chị không biết nó có từ bao đời nay rồi. Lúc chúng tôi đến nhà anh Huân xem trống thì cả nhà đang ngồi tụm lại bên bếp lửa sưởi ấm, hút thuốc lào, xem Quốc hội họp được truyền hình trực tiếp qua ti vi. Trời rét, mặt ai cũng đỏ hồng, mắt đỏ hoe vì khói bếp.
Chiếc trống nhà anh Huân còn cũ nát hơn chiếc trống nhà chị Xuyến. Chị vợ tên Vàng Thị Mai vác nó ra giếng vừa đập bụi vừa giải thích: "Bộ trống có 14 chiếc nay chỉ còn lại chiếc này. Nó được dùng trong ngày lễ, Tết và đám ma". Theo phong tục người Lô Lô, lễ chính sẽ diễn ra vào ngày rằm tháng bảy, khi đó chiếc trống sẽ được lau chùi sạch sẽ rồi mang ra dùng. Nhà anh Huân thuộc diện gia thế ở bản nên còn có trống. Bố anh nguyên là Phó chủ tịch huyện Đồng Văn. Anh Huân hiện làm y tế xã, nhà có ti vi, đầu đĩa, sa-lông, xe máy. Vợ chồng anh có một cháu đang học lớp 5. Chị vợ nói: "Đẻ ít theo kế hoạch của Nhà nước thôi, đẻ nhiều lấy gì nuôi!".
Một nét văn hóa nữa được biết đến nhiều ở người Lô Lô là những bộ váy áo. Những bộ váy đã được du khách VN và cả nước ngoài tìm lên tận bản để đặt mua, một bộ giá từ 3 triệu đồng. Nhưng con gái, phụ nữ Lô Lô chưa bị "thương mại hóa" như ở nhiều vùng miền núi nổi tiếng du lịch khác. Phụ nữ Lô Lô còn hồn nhiên và trong trẻo lắm. Gặp khách lạ họ còn cúi đầu, che mặt, thậm chí còn chạy vì... ngượng. Họ không dệt quần áo để bán. Ai thích thì tự động hỏi mua, tự đặt cho họ dệt, may. Những bộ quần áo đã được cả các nhà tạo mẫu tìm lên để nghiên cứu, chuyển thể. Chúng tôi hỏi chị Xuyến là có bán áo không thì chị cười, lắc đầu. Hỏi có bán vòng bạc không, chị cũng lắc đầu. Hỏi chị rằng ai dạy chị may áo, chị bảo, người già dạy cho người trẻ. Con gái, phụ nữ Lô Lô cứ thế tự may theo bí quyết thôi. Nếu may cấp tốc thì 3 tháng xong một bộ, nếu làm từ từ thì 6 tháng mới xong.

Triệu Sỉnh Lầy (sưu tầm)

Share with your friends