Dân tộc Phù Lá ở Yên Bái có hơn 600 người, sống tập trung ở 2 thôn: Thôn Lầu và thôn Nhầy xã Châu Quế Thượng (Huyện Văn Yên), một số khác ở các huyện Văn Chấn, Yên Bình và thành phố Yên Bái.
Nhóm Phù Lá ở Yên Bái có tên gọi Xá Phó, ngôn ngữ sử dụng thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng- Miến, có tiếng nói song không có chữ viết riêng.
Nơi cư trú trước kia trên triền núi thấp, đại bộ phận ở nhà sàn. Ngoài nhà ở các gia đình còn có nhà phụ để chứa thóc trên nương rẫy. Cách bài trí trong nhà cơ bản giống nhau, bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa nơi nối hai tấm vách, bên cạnh có mở một cửa giả gọi là “cửa ma”, cửa này chỉ mở ra khi cúng lễ. Bàn thờ có cắm vài cái lông gà, một tờ giấy vàng và một gói lá nhỏ giắt trên liếp.
Hoạt động kinh tế truyền thống của người Phù Lá ở Yên Bái chủ yếu dựa vào nương rẫy, tự cung tự cấp. Hiện nay đồng bào đã chuyển sang canh tác ruộng nước kết hợp với kinh tế vườn rừng và chăn nuôi. Nghề phụ gia đình khá phát triển, đáng chú ý là nghề đan lát bằng mây, tre, trúc các đồ dùng đựng quần áo, thức ăn… với kiểu dáng và hoa văn đẹp. Đàn ông Phù Lá giỏi làm nỏ và bắn nỏ, phụ nữ lo việc trồng bông dệt vải. Dụng cụ sản xuất là cày, cuốc, dao tay, dao phát nương..
Trang phục của phụ nữ đáng chú ý là áo chui đầu cổ vuông, áo ngắn, không che kín cạp váy nên có thêm giải thắt ngoài cạp. Trang phục của nam giới nổi bật là chiếc áo xẻ ngực, không có cổ riêng, thân áo được đính nhiều hạt cườm thành những hình chữ thập. Ca hát có hát sinh hoạt, hát ru con, giao duyên và nhạc cụ khá phổ biến là khèn bầu, sáo mũi.
Tục cưới xin gồm nhiều nghi lễ phức tạp, thông thường qua bước: lễ đánh tiếng, dạm hỏi, ăn hỏi chính thức và lễ cưới. Ma chay có nét riêng biệt, mộ đã chôn rồi người thân tuyệt đối không được đến. Sau 12 ngày kể từ ngày mai táng gia đình người quá cố làm lễ sửa mộ và không có bốc mộ. Mỗi khi cúng tổ tiên thì cúng bếp, bếp được đặt khi dựng nhà mới.
Hứa Ban Mai (sưu tầm)