Phù Lá là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng bào đã vượt qua rất nhiều khó khăn để xây dựng thôn bản, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Bên cạnh những yếu tố tiếp thu văn hóa của các dân tộc khác, đồng bào vẫn bảo lưu được những nét riêng của bản sắc dân tộc mình.
Người Phù Lá canh tác nông nghiệp lúa nước ruộng bậc thang, kết hợp với làm nương. Đồng bào cũng trồng bông, kéo sợi bằng con trượt, nhuộm, dệt vải. Các sản phẩm đan bằng mây, trúc với nhiều hoa văn, màu sắc như các đồ đựng quần áo, thức ăn rất nổi tiếng. Ngoài ra, họ còn giỏi dùng nỏ, tên tẩm thuốc độc để săn bắt thú và hái lượm sản phẩm rau, củ, quả trong rừng.
Phương tiện vận chuyển của nhóm Phù Lá Lão, Bồ Khô Pạ là đeo gùi đỡ bằng trán. Trái lại, nhóm Phù Lá Hán và Phù Lá Ðen cõng gùi trên lưng hoặc sử dụng ngựa thồ để chuyên chở.
Về trang phục, nam giới mặc quần dài, áo ngắn màu chàm đen; đặc biệt hai bên nẹp áo trước ngực, dọc lưng áo đính nhiều hạt cườm thành hình chữ thập, cổ tay áo táp thêm miếng vải đỏ, nâu.
Trang phục phụ nữ giữa các nhóm Phù Lá có khác nhau. Nhóm Phù Lá Lão, Bố Khô Pạ mặc váy, áo ngắn, cổ vuông chui đầu. Cổ áo, tay áo, thân áo, vạt áo đều cắt thẳng không có đường lượn; nẹp áo, vạt áo vừa thêu hoa văn hình quả trám, hình vuông, hình tam giác vừa trang trí hạt cườm, thắt lưng đính vỏ ốc núi. Các nhóm khác mặc quần, áo dài tới đầu gối, cài khuy bên nách.
Cả nam và nữ Phù Lá đều có thói quen đeo túi vải bên sườn. Miệng túi và quai túi đều thêu trang trí và đính hạt cườm.
Hầu hết các nhóm Phù Lá đều ở trên triền núi cao. Làng xóm thường cách xa nương. Cư dân nhóm Phù Lá Lão, Phù Lá Đen ở Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Chai ở nhà nền đất; Nhóm Phù Lá Hán, Phù Lá Bồ Khô Pạ ở nhà sàn. Dù ở nhà nền đất hay nhà sàn, người Phù Lá đều thống nhất bố trí bàn thờ tổ tiên ở gian giữa nơi nối hai miếng vách. Bên cạnh có mở một cửa giả rộng chừng 15 - 20cm gọi là cửa ma, chỉ khi cúng tổ tiên mới mở cửa. Nhà sàn mở cửa ở hai đầu hồi, nhà nền đất thì mở một cửa ở phía trước ở chính gian giữa.
Người Phù Lá thường có thói quen làm chòi để lúa trên rẫy hoặc làm kho chứa ngô, thóc cách nhà khoảng 10 - 20m để phòng hoả hoạn.
Trong hôn nhân, thanh niên nam nữ Phù Lá được tự do tìm hiểu để dẫn đến hôn nhân. Khi hai người thực sự yêu nhau thì bên nhà trai sửa lễ cúng tổ tiên, tổ chức một bữa ăn thân mật giữa hai gia đình và bà con họ hàng dân bản thân thiết đến chứng kiến. Từ đó đôi trai gái coi như đã đính hôn. Lễ cưới có thể tổ chức sau một, hai năm sau khi nhà trai đã chuẩn bị đủ gạo, thịt cho hai nhà ăn uống. Trong đám cưới có tục hát đối đáp, tục co kéo cô dâu giữa nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước bẩn (nước tro) và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới.
Trong tang ma, thi hài người chết để ở giữa nhà, đầu quay về phía bàn thờ, phía trên căng một chiếc chài rộng, đỉnh chài móc lên mái nhà. Cúng cơm có bát cơm cắm đôi đũa, một con gà (thui hay nướng, không cắt tiết, không rửa). Trong những ngày tang gia con cái trải đệm rơm ngủ hai bên quan tài, áo quan bằng thân gỗ khoét, có nắp đạy. Lễ viếng có kèn, trống. Khiêng quan tài ra đến nghĩa địa mới đào huyệt. Các nhóm Phù Lá đều làm nhà mồ. Người Phù Lá rất sợ người sống đi đưa ma mà hồn ở lại dưới mộ hay nghĩa địa.
Sự khéo léo của người phụ nữ thể hiện trên nét hoa văn mỗi bộ trang phục.
Người Phù Lá thường cúng tổ tiên vào các dịp như: Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Tết Đoan Ngọ (5/5), Rằm tháng 7 (14/7), lễ cơm mới (tháng 9 âm lịch), hoặc khi tổ chức cúng gọi hồn, cúng chữa bệnh, lên nhà mới… cầu mong cho gia đình được yên ổn làm ăn, con cháu người già đều mạnh khỏe, vật nuôi phát triển, mùa màng bội thu.
Dân tộc Phù Lá có kho tàng văn học dân gian phong phú, nhiều truyện cổ tích rất gần với môtip của người Việt, phản ánh tâm tư, tình cảm của người lao động, ca ngợi tình yêu chung thủy, tài năng trí tuệ của nhân dân. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Nhạc cụ tiêu biểu là trống được bưng bằng gia thú, gồm: trống đại, trung, tiểu thường dùng trong lễ hội và việc liên lạc bằng âm thanh của mỗi gia đình. Các loại nhạc cụ khá phổ biến là bộ hơi gồm: Khèn bầu (ma nhí) và các loại tiêu, sáo… Đặc biệt là sáo cúc kẹ (sáo mũi). Trai gái thích hát giao duyên. Nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xoè trong âm hưởng của các làn điệu dân ca Thái.
Dân tộc Phù Lá sống xen kẽ với các dân tộc khác nên nguy cơ đồng hóa về văn hóa, ngôn ngữ đang diễn ra và có nguy cơ xóa sổ những nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc. Do vậy, việc bảo tồn văn hóa dân tộc Phù Lá là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết đặt ra đối với ngành văn hóa và chính quyền địa phương nơi có đồng bào dân tộc Phù Lá đang sinh sống. Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nhất là phát huy được vai trò của chính người dân có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình
- Dân tộc Phù Lá có tên tự gọi là Lao Va Xơ, Bồ Khô Pạ, Phù Lá.
- Tên gọi khác: Xá Phó, Cần Thin.
- Nhóm địa phương: Phù Lá Lão, Bồ Khô Pạ, Phù Lá Ðen, Phù Lá Hán.
- Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến (ngữ hệ Hán - Tạng), có tiếng nói riêng, song không có chữ viết riêng.
- Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc Phù Lá ở Việt Nam có 10.944 người, cư trú chủ yếu ở Lào Cai , Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên...
Minh Phương (sưu tầm)