Ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có những nghệ nhân đang nỗ lực lưu giữ, truyền dạy những nét đẹp văn hóa của dân tộc Si La cho thế hệ trẻ.
Bản Seo Hai có hơn 60 hộ dân với gần 300 nhân khẩu đều là người dân tộc Si La.
Ở bản, cụ Hù Chà Khao là người hiểu biết nhiều về tập tục, nét văn hóa của người Si La. Không khó để có thể tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm sát sườn đồi ở cuối bản của cụ, khi đường bêtông đã được trải dài đến tận cổng. Tuổi đã ngoài 80 nhưng nghệ nhân Khao vẫn khỏe và minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu nét văn hóa của dân tộc mình, cụ Khao như được “tiếp thêm lửa”.
Nghệ nhân Hù Chà Khao cho biết người Si La có luật tục, hương ước riêng để thể hiện phong tục, tập quán của mình. Bản sắc dân tộc được thể hiện trong việc thờ tổ tiên, tổ chức lễ cưới hỏi, lễ mừng cơm mới, lễ tạ ơn trời đất hay đơn giản chỉ là cách đặt tên con.
Nói về những mũi tên và cọc tiêu với hình thù lạ được dựng thành cổng chào ở đầu bản, cụ Khao cho biết, đó là biểu tượng của nghi lễ “Mía lô lô” hay còn gọi là lễ Cấm bản. Theo truyền thống, lễ Cấm bản nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt và thường được tổ chức trước các vụ sản xuất. Qua các buổi lễ, tế, việc diễn xướng được thực hiện, góp phần lưu giữ được cái hồn của dân tộc và truyền thụ lại cho thế hệ sau.
Trong quá trình lao động sản xuất, người Si La đã tự tạo ra một số nhạc cụ với những điệu múa, câu dân ca phục vụ đời sống tinh thần. Cầm trên tay chiếc sáo “Là pí”- sáo ngắn và sáo “Pờ tư thế lế”- sáo dài, cụ Khao nói, nhạc cụ của người Si La chủ yếu làm từ tre, nứa và gỗ rừng. Tuy chế tác thủ công và đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên cùng giai điệu dân ca sẽ có âm hưởng riêng, tạo ấn tượng lạ cho người nghe. Việc sử dụng những nhạc cụ cũng có luật lệ riêng, phù hợp với thời gian sản xuất nên không phải lúc nào cũng có thể cất tiếng được. Một ngày, người nghệ nhân này có thể hoàn thành một sản phẩm đàn tính 3 dây.
Tâm huyết với việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Si La, nghệ nhân Hù Chà Khao đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong bản, ngoài nghệ nhân Hù Chà Khao, nghệ nhân Hù Cố Xuân cũng là một người dồn hết tâm huyết để truyền đạt các điệu dân ca, giao duyên cho thế hệ trẻ. Chúng tôi đến gặp bà Xuân trong lúc bà đang say sưa chỉ dẫn những động tác múa dân tộc cho các nữ thanh niên trong bản. Từng động tác, từng cử chỉ múa của họ được bà chú ý từng ly từng tý. Mỗi bước chân còn lệch, ngón tay chưa đủ độ nghiêng hay ánh mắt nhìn của người múa sai hướng… đều được nghệ nhân Hù Cố Xuân uốn nắn cho các bạn trẻ.
Nghệ nhân Hù Cố Xuân chia sẻ: nhiều nét văn hóa của dân tộc Si La chúng tôi đã bị mất đi. Thế hệ sau bây giờ nhiều người không còn thấy hứng thú với những điệu nhảy, những câu ca cổ nữa. Đây là những nét văn hóa đặc sắc, không những người con của dân tộc Si La phải bảo tồn mà các cấp chính quyền khác cũng cần có trách nhiệm quan tâm hơn. Bản thân tôi và nghệ nhân Khao đã tích cực truyền đạt cho thế hệ sau nhưng cần phải mở rộng khảo sát, sưu tầm hay phục dựng các nghi thức tế lễ, văn hóa của người dân tộc Si La.
Em Hù Thị Liên đang là học sinh trung học phổ thông tại trường huyện Mường Tè, dù trường cách nhà gần 15km nhưng cuối tuần là Liên lại về để tham gia múa, hát cùng các bạn trong bản. Với Liên, được hiểu biết về văn hóa của dân tộc là một niềm vinh dự để những bạn trẻ như em góp phần lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa độc đáo ấy.
Trưởng bản Seo Hai Giàng Chà Ngời cho biết được sự quan tâm của Nhà nước, những năm qua, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng ở địa phương như nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, bể chứa nước sinh hoạt, đường giao thông bêtông mà đặc biệt là cây cầu treo bằng sắt bắc qua sông Đà đã tạo điều kiện cho bà con trong bản buôn bán nông sản. Có sự quan tâm này, bà con trong bản đã từ bỏ được tập quán du canh du cư, đời sống đã ấm no hơn nhiều. Từ đó, bà con chú ý hơn đến việc gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình.
Quang Huy (sưu tầm)