Người Lô Lô có tinh thần đoàn kết rất cao.
Từ lâu, đồng bào người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) đã tồn tại tục thờ thần đá rất độc đáo vào những ngày lễ tết. Nhiều câu chuyện kỳ lạ xoay quanh tập tục này mang màu sắc tâm linh và đậm nét văn hóa dân tộc.
Khám phá công thức tuyệt mật của loại “kỳ tửu” ở xứ Mường/ Địa đạo Vịnh Mốc vào top kỳ quan chưa được khám phá
Năm nào cũng vậy, cả làng đều tổ chức lễ dâng tế thần núi đá, đây được gọi là lễ "Mể lồ pỉ" (Lễ thờ thần đá). Khi tiến hành làm lễ, những lời cầu nguyện bằng tiếng dân tộc của già làng hét to vang vọng núi sâu để cầu khẩn các vị thần đá, núi bảo vệ, trút mưa, tỏa nắng cho dân làng trồng trọt thuận lợi, tươi tốt…
"Thần đá hộ mệnh" bảo vệ bản làng
Huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm cách thành phố Cao Bằng khoảng 100km, tập chung chủ yếu các dân tộc H'Mông, Lô Lô, Sán Chỉ, Dao… sinh sống rải rác tại các thung lũng, sườn đồi, vùng sâu, vùng xa nên đường giao thông đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, những dân tộc thiểu số nơi đây có tinh thần đoàn kết rất cao, mọi tục lệ đều tổ chức cả bản làng, cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Đặc biệt, người Lô Lô ở Bảo Lạc, Bảo Lâm có nhiều phong tục tập quán, nhiều bản sắc văn hóa độc đáo và khác biệt so với các dân tộc khác. Trong đó, tục ma khô thờ cúng người chết, tục thờ thần đá là một trong những tập tục nổi tiếng, điển hình của người Lô Lô nơi sơn cước này.
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết và tiết thanh minh tháng 3, người dân bản xã Hồng Trị, Bảo Toàn, Kim Cúc… thuộc huyện Bảo Lạc và xã Đức Hạnh ở huyện Bảo Lâm đều tổ chức lễ cúng thờ thần đá. Mọi người trong bản tụ tập càng lúc càng đông trước miếu thờ thần đá.Tiến hành lễ cầu khấn, thờ cúng, già làng bắt đầu khai lễ với những lời cầu nguyện đại diện cho bản làng: "Mà thuy… thuy pủ… thuy mỷ, mì toỏng giá suế, tinh sây tú suế…. Hú … dù mì lô, mòa pú… (Năm này, qua năm khác… năm nào dân bản cũng dâng lễ tế… Hỡi thần đá, thần rừng linh thiêng…). Lúc này, tất cả đều trang nghiêm, ai cũng phải chắp tay trước ngực cúi xuống lạy, mắt hướng lên miếu thờ cầu khấn các vị thần bảo vệ dân làng, cho mưa, nắng hài hòa để nương rẫy tươi tốt, muông thú tụ bầy về núi...
Theo già làng Ban Văn Voọng ở bản Cốc Xả, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc cho biết: ''Lễ Mể lồ pỉ" của người Lô Lô chúng tôi đã có từ thời xa xưa. Dân tộc chúng tôi sinh sống trên non cao nên đã gắn bó với đá từ thuở hồng hoang. Hòn đá thiêng ở đâu là người Lô Lô ở đó. Ngày xưa, tổ tiên người Lô Lô cư trú tại, xã Bảo Toàn rồi sang đến đất xã Hồng Trị, Kim Cúc thuộc huyện Bảo Lạc, xã Đức Hạnh ở huyện Bảo Lâm bây giờ vẫn luôn gắn bó với núi đá. Đá dùng để xây hàng rào, tạo ra những khe suối nước ngọt, lấp những hố sâu, đường mấp mô cho bà con đi lại dễ dàng hơn. Vì vậy, tự bao giờ tổ tiên dân tộc chúng tôi đã coi đá cũng giống như những vị thần trên trời, linh thiêng và gần gũi.
Đi bất cứ nơi đâu, người Lô Lô đều thấy những hòn đá thần hộ mệnh xuất hiện trên một mảnh đất bằng phẳng, trong cánh rừng già gần bản làng. Chúng tôi chọn hòn đá biểu tượng cho sự thiêng linh, là thần đá hộ mệnh và để thờ cúng là một tảng đá có hình dẹt, chóp nhọn cao 40 đến 50cm, rộng đáy khoảng 45cm để dựng đứng ngay đầu làng. Từ lâu, dân tộc Lô Lô luôn tin rằng, thần đá là thần hộ mệnh bảo vệ cho bản làng, mang lại sự hòa thuận, ấm no, mùa màng thuận lợi cho mọi gia đình, đồng thời cũng là thực hiện quy định nghiêm khắc không được chặt phá rừng thiêng nơi có thần đá…".
Công phu, tốn kém với lễ "Mể lồ pỉ"
Lễ "Mể lồ pỉ" của người Lô Lô được tổ chức cũng long trọng không kém tục làm ma khô, mừng lúa mới, thậm chí còn hơn dịp lễ tết. Đây là tục thờ cúng thần đá nên cả cộng đồng nội tộc đều tham gia, góp tiền bạc, trâu, bò, chó, lợn, gà để giết mổ, đem thịt và tiết canh dâng lên miếu thờ thần đá. Đặc biệt, mỗi một loài vật nuôi đều phải có một vị chủ tế riêng là những người có tuổi, uy tín trong bản.
Lễ thờ cúng thần đá của người Lô Lô hằng năm được tổ chức quy mô cả cộng đồng, nhà nào cũng phải có một con vật đã luộc chín mang đến cúng thần linh. Trong đó, con chó biểu trưng cho sự áp chế lại tai họa, con gà và lợn là sự sung túc no đủ, trâu bò là sự khỏe mạnh, bình an cho bà con dân bản. Trước con vật tế đã mổ và bát tiết đỏ au, chủ tế của các con vật bắt đầu đọc lời khấn tế trước miếu thờ thần đá hộ mệnh.
Trước khi kết thúc màn tế lễ, chủ tế đưa ra lời cam kết thay mặt mọi người trong nội tộc với thần đá hộ mệnh sẽ không ai đốt, chặt phá cây, không bắn giết thú rừng, không làm điều ác… Nếu trái lời thề sẽ bị trả giá và chịu sự trừng phạt thích đáng của cộng đồng người Lô Lô cũng như thần đá linh thiêng.
Màn cầu khấn trước khi bắt đầu lễ "Mể lồ pỉ" của chủ tế trước miếu thờ Thần đá.
Anh Nà Văn Đáo, Trưởng bản Nà Van, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc cho hay: "Trước ngày tế lễ, trong bản làng, mái nhà sàn nhà nào cũng tỏa khói để làm đồ lễ cúng. Năm nào cũng vậy, đến ngày lễ "Mể lồ pỉ", nhà nào cũng đều chuẩn bị nhiều món ăn, bày biện một mâm cỗ chật ních và nấu rượu ngô nóng cho mọi người uống. Trong họ hàng, mọi người góp tiền lại để thịt một con trâu và một con lợn, gà thì nhà nào cũng phải có, còn chó thì trong dòng họ cứ thay phiên nhau thịt để làm vật cúng tế thần đá. Những ngày như vậy, mặc dù rất bận rộn nhưng vui lắm vì tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao".
Theo các cụ cao niên dân tộc Lô Lô ở xã Hồng Trị cho rằng, trong việc tế lễ "Mể lồ pỉ", nếu dân làng càng hào phóng, thành tâm bao nhiêu thì thần đá hộ mệnh sẽ càng bảo vệ và phù hộ cho họ càng nhiều, chăn nuôi, trồng trọt đều thuận lợi. Sau khi cúng tế xong, các già làng, chủ tế có trách nhiệm chia đều đồ cúng lễ cho từng nhà và dành một phần để lại mời mọi người trong bản cùng lên ăn ở nơi thờ thần đá. Đối với người Lô Lô, lễ vật cúng thần được chia đều cho mọi người thì ai cũng được hưởng sự che chở của thần đá.
Thờ thần đá để… giữ rừng
Ở các bản làng người Lô Lô, những mái nhà sàn thường dựa lưng vào vách núi bên rừng già tạo nên phong cảnh đẹp hữu tình, thu hút khách du lịch nước ngoài tham quan. Đường vào các bản đều là những hàng cây cổ thụ xếp thành hàng như một bờ rào khổng lồ, có cây mấy người ôm không xuể. Người dân ở đây cho hay, có những năm khô hạn nhưng vẫn có nước chảy ra từ các khe đá. Mưa lốc đổ xuống ầm ầm như thác nhưng lúa, ngô trên nương rẫy không trôi vì bên trên có rừng ngăn nước… Cứ làm lễ xong có trời mưa gieo ngô, trồng lúa, chim chóc, thú rừng lại kéo về.
Người Lô Lô có tiếng nói riêng nhưng lại không có chữ viết. Hiện nay, chỉ có những người cao niên mới biết làm lễ tế thần bởi vì trước đây đã từng đi theo người già và học thuộc. Để làm lễ cúng thần đá một cách suôn sẻ, thuận lợi thì trước khi làm lễ cúng, người chủ tế phải kiêng 3 ngày không ra khỏi nhà, không nói chuyện với ai để tập trung đọc thuộc lại các bài lễ cúng. Khi cúng lễ phải tập trung trí nhớ vì dài hàng nghìn câu, nếu quên hay sai từ nào, lời cầu không đến tai thần sẽ bị họa giáng xuống toàn dân bản, nhẹ thì súc vật bị chết, nặng thì mọi người bị đau ốm bệnh tật liên miên.Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của tục thờ thần đá, già làng Voọng giải thích rằng: "Từ hồi nhỏ, chúng tôi đã được người già luôn dặn dò và lý giải về ý nghĩa của tục thờ thần đá gắn với việc giữ và bảo vệ rừng, đó là hai việc không thể tách rời bởi vì việc thành tâm thờ cúng sẽ được thần đá và rừng bảo vệ. Các thế hệ cha ông chúng tôi cũng như vậy, lớn lên trong những câu chuyện về rừng và núi đá, cả cuộc đời gắn bó với chúng. Và cũng không biết tục thờ thần đá có từ khi nào, cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau để bảo vệ rừng mãi xanh tươi".
Người Lô Lô có lễ thờ thần đá, cúng ma khô, đánh trống đồng cổ vào dịp thờ cúng… chỉ là lưu truyền miệng qua từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc học thuộc hàng trăm, nghìn câu khấn, tế lễ cũng không phải điều đơn giản nên thế hệ trẻ cũng không ai kiên trì học đến thành thục. Do đó, nhiều bản làng dân tộc Lô Lô không có chủ tế thờ cúng phải nhờ người bản khác đến để tiến hành làm lễ. Lễ "Mể lồ pỉ" thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như ý thức và trách nhiệm cộng đồng dân tộc trong việc bảo vệ và gìn giữ núi rừng
Hoàng Thị Lê (sưu tầm)