Người dân tộc Phù Lá ở khu vực Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có phong tục cúng cơm mới vào ngày 14 tháng 7 hàng năm (Tiếng dân tộc Phù Lá gọi là: Mờ Thà Bờ Xi Mí Vá, Sờ Si Ne); Nhằn tạ ơn thần rừng, thần núi, thần nương đã phù hộ, bảo vệ cho mùa màng của họ tươi tốt và được mùa. Trước đó, thường thì già bản cử người tuyển chọn cho được những giống lúa tốt, dẻo thơm và sinh trưởng ngắn ngày (từ 3 - 3.5 tháng) để có được cơm mới vào đúng ngày 14.7.
Để chắc chắn có được cơm mới đúng ngày cúng. Khi thu hoạch, lúa phải được phơi khô, quạt sạch, cho vào cối giã. Ngày mà người dân bản Phù Lá giã gạo lúa mới, cũng như một ngày hội thi giã gạo vậy. Ngay từ khi những con gà trống còn chưa cất tiếng gáy báo canh thì cả bản đã xôn xao gọi nhau dậy để giã gạo. Cùng với việc chuẩn bị lúa sớm, già bản còn phân công người chăn nuôi lợn và vịt ngay từ đầu năm (vì trong lễ cúng cơm mới, người Phù Lá chỉ giết lợn và thịt vịt).
Các món chính dùng làm lễ cúng cơm mới của người Phù Lá gồm có thịt lợn con (8 - 10 kg) luộc ướp với lá chua, chấm chéo (gồm muối tỏi, ớt, hạt tiêu rừng); tiết canh lợn, tiết canh vịt, thịt vịt luộc và cơm lúa mới… Sau khi mọi người đã chuẩn bị xong lễ vật, thì chủ nhà (thường là bố hoặc con trưởng) ăn mặc quần áo truyền thống, đầu chít khăn đen đem lễ vật đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên, rồi quỳ xuống bái lạy ba vái và đọc bài khấn: “Mớ thà bờ xi mí vá, sờ si ne”.
Lúa mới vợ chồng con cắt ở trên nương
Phơi trong nắng trên nhà sàn ta
Thóc vàng phơi trải kín sân nhà
Con hong gió bên kia sườn đồi
Gạo trắng trong con giã chày chân
Để trấu, cám phải cùng bay ra
Hạt gạo mẩy tròn dài, lại đẹp
Nồi cơm mới nấu gạo ngon thơm
Dâng lên để cúng bái tổ tiên, ông bà
Bố mẹ họ hàng hai bên nội ngoại gần xa
Cùng về đây uống rượu, ăn thịt
Ăn cơm mới no nê
Để rồi phù hộ cho đàn cháu, đàn con
Sang năm lúa lại tốt nhiều hơn mùa này
Khoai to, ngô lắm, trâu cầy sinh xôi nẩy nở
Trong nhà đầy gà, vịt, ngỗng, ngan, dê, lợn
Chật ních cả dưới sân ngoài chuồng
Nhà nhà, con, cháu, chắt ấm êm
Người mạnh khoẻ gây nên cơ đồ
Nhà cao, mái rộng, cột thêm to
Phên liếp càng vững chắc đầy bồ
thóc nương
Nhà kho ngô, xếp kín chật sàn
Trồng cao tới tận nóc bắp lăn ra ngoài
Để cho dân tộc Phù Lá người mạnh khoẻ
Mọi nhà vui đều có lúa mới ăn mừng.
Ngoài lễ cúng cơm mới ngay trong từng gia đình vào tháng 7 hàng năm, cả bản người dân tộc Phù Lá ở vùng Tuần Giáo (Điện Biên) còn làm lễ cúng các thần ngay tại nương vào vụ thu hoạch lúa chính vào tháng 10, tháng 11. Lúa chín, sau khi đã ấn định được ngày tốt, sáng sớm già bản cùng với người dân, mang một con lợn khoảng 50 - 60kg, một lồng gà, một đôi vịt, rượu trắng, rượu nếp, và dụng cụ thu hoạch lúa… lên nương. Mỗi người một việc, mổ lợn, giết gà, đồ xôi, làm bàn thờ… Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong, già bản ăn mặc quần áo chỉnh tề, đầu đội khăn đen ngồi trước bàn thờ ngay lại nương lúa bái lạy:
“Con lạy thần rừng, thần núi, thần nương đã giúp dân bản Phù Lá canh giữ, sâu bọ, muông thú cho cây lúa bông to, hạt chắc, thóc nhiều… Vì thế nên hôm nay, dân bản người Phù Lá chúng con chọn được ngày tốt, tháng tốt, gọi là có chút lễ vật: Lá Xi Đơ (rượu); Vẻ mé hét da (thịt lợn); Ré mé hét da (thịt gà); Ý chà Pạ hét da (thịt vịt); Ý xí vẻ mé da (tiết canh lợn); Ý xí ré mé da (tiết canh gà); Ý xí ý chà pạ da (tiết canh vịt); Dảm mé da (cơm)… Mời thần nừng, thần núi, thần nương hãy ăn thịt cho nhiều, uống rượu cho say, ăn tiết canh cho đủ, ăn cơm cho no, để sang năm lại phù hộ cho mùa lúa nương của dân bản Phù Lá chúng con được tốt tươi, sai bông trĩu hạt hơn năm nay. Dân bản chúng con lại mang các thứ lễ vật lên cúng các Thần…”
Hoàng Duy Trần (sưu tầm)