Khi hoa mận nở trắng núi rừng, người Lô Lô xóm Nà Van, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng rộn ràng đón Tết. Tết của người Lô Lô ở đây mộc mạc nhưng hấp dẫn và đầy sức sống.
160202_TetDantocMọi người quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên.
Đường lên xóm Nà Van quanh co, đèo dốc cheo leo với một bên là núi cao, sương mù dày đặc lúc sáng sớm. Xóm Nà Van có khoảng 70 nóc nhà quây quần bên nhau, dựa lưng vào núi, phía trước mặt nhìn ra thung lũng, khung cảnh đặc trưng của xóm bản miền núi. Nhà sàn của người Lô Lô ở đây là nhà gỗ có 3 gian khá rộng rãi và không có chái.
Gian chính để thờ tổ tiên và tiếp khách; bàn thờ tổ tiên đặt đối diện với cửa chính, sát vách, được làm bằng những miếng gỗ hoặc mo tre vẽ mặt hình nhân, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ. Nhà được làm bằng gỗ dựa trên các kèo gỗ từ 3 đến 5 hàng chân, những vỉ kèo được liên kết với nhau bằng những đòn tay ngang dọc; gian giữa có nóc gọi là “xà đốc”.Những ngày cuối năm, mọi người quét dọn nhà cửa sạch sẽ; phụ nữ kéo sợi, dệt vải, chuẩn bị quần áo để mặc Tết. Trang phục của người Lô Lô đen có màu đen làm chủ đạo. Người phụ nữ mặc áo ngắn, màu đen chàm để hở bụng, xe ngực, hai ống tay hẹp nối từ bả vai xuống cổ tay bằng những khoanh vải màu xanh, đỏ, tím, vàng (thường là chín vòng màu khác nhau). Hai vạt áo trước được trang trí bởi một diềm vải hoa đỏ, khuy áo bằng vải, cài bằng cúc đồng có hình tròn; phía sau lưng được chắp những miếng vải màu hình tam giác tạo thành các ô vuông với những hoa văn răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước, mạng nhện; gấu áo được trang trí bằng diềm hoa đỏ rộng khoảng 1cm và đường vải màu xanh rộng khoảng 0,5cm chạy từ hai vạt cổ áo xuống đến gấu áo… Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần ống rộng nên rất thuận tiện cho việc đi lại, lên xuống, phía ngoài quần được choàng một tấm vải từ phía sau ra đằng trước mặt và cuộn chặt trước bụng. Đầu quấn khăn bằng vải chàm đen bên ngoài, ba lớp vải chàm trắng bên trong, đeo nhiều đồ trang sức bằng bạc. Còn trang phục của nam giới đơn giản hơn, màu đen cài khuy ngang, quần ống rộng cũng gần giống quần áo của người Tày, Nùng, đầu quấn khăn nhiều vòng. Chị Cô Thị Yên, người dân xóm Nà Van cho biết: Từ nhỏ, tôi đã được bà, mẹ dạy se tơ, dệt vải. Con gái ở đây trước khi đi lấy chồng phải biết se tơ, dệt vải. Bởi ngày trước, người ta chọn dâu, chọn vợ cũng nhìn vào tấm vải, đường kim để biết người con gái có khéo léo, biết chăm lo gia đình hay không. Trong xóm hiện vẫn còn nhiều người biết dệt vải và tự làm quần áo cho mình và gia đình để mặc vào dịp lễ, Tết.
Xóm có 70 hộ, trên 300 nhân khẩu, bà con chủ yếu trồng lúa, ngô, chăn nuôi bò, lợn, dê, nhà nuôi ít 1 – 2 con, nhà nuôi nhiều 7 – 8 con bò. Bà con người Lô Lô ở trên núi cao, trước đây đường đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá gặp nhiều khó khăn. Mấy năm gần đây được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con cũng được cải thiện đáng kể. Ngày nay, cùng với sự phát triển, đổi thay của nông thôn miền núi, các gia đình người Lô Lô cũng đã mua sắm được các trang thiết bị như xe máy, ti vi, máy xay sát, mua sắm được nhiều quần áo. Nhưng phụ nữ ở đây vẫn giữ được nét đẹp truyền thống từ những bộ trang phục của dân tộc, giá trị mỗi bộ trang phục bằng cả con bò.
Ngày Tết, mọi người khi gặp nhau đều chúc phúc cho nhau bằng những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng.
Cũng giống như các dân tộc khác, người Lô Lô rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và mâm cơm ngày Tết. Sáng mùng 1 Tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ để mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Trên bà thờ tổ tiên của người Lô Lô đều có những hình nhân làm bằng gỗ cây “mạy vjẹc” – một loại cây được người Lô Lô quan niệm là vật thiêng, được lấy từ trong khu rừng cấm của bản, đó là nơi được coi là nơi trú ngụ của thổ công, được gìn giữ và bảo vệ rất nghiêm ngặt, không cho ai chặt phá.
Ngày Tết, theo phong tục truyền thống, người Lô Lô chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh từ những thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra. Anh Cô Văn Lãng, người dân xóm Nà Van cho biết: Đó là cách để người Lô Lô tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi tà ma, rủi ro, đem lại may mắn trong năm mới.
Nếu như người Kinh, người Tày làm bánh chưng trong dịp Tết thì người Lô Lô làm bánh “chò mìa chá”. Bánh này cũng gói bằng lá dong giống bánh chưng nhưng không phải hình vuông mà hình một chiếc bánh gù. Màu bánh cũng rất đặc biệt bởi gạo được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng, có màu xám đen. Ngoài ra, dù là nhà có hoàn cảnh khó khăn hay khá giả thì bữa ăn trong ngày Tết không thể thiếu thịt gà, thịt lợn đen treo gác bếp, cá lam… Sau khi người cao tuổi trong gia đình đã hoàn thành nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên và cầu phúc, gia chủ mời khách quây quần bên mâm cơm Tết vừa ăn uống vừa trò chuyện, chúc nhau một năm mới đủ đầy, ấm no.
Trong những ngày xuân, những đứa trẻ vui đùa tìm trò chơi trên những nương rẫy quanh bản. Mọi người khi gặp nhau đều gửi lời chúc phúc cho nhau bằng những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng, mang đậm nét văn hoá của người vùng cao. Dân ca của người Lô Lô được truyền miệng từ đời này qua đời khác; mang giai điệu rung rung trầm đều, lời yêu thương da diết, chứa chan tình yêu con người, cuộc sống, thiên nhiên, ẩn chứa tâm tư, khát vọng của người vùng cao.
Với bản sắc riêng độc đáo của mình, xóm người Lô Lô vùng cao Nà Van từ nhiều năm nay đã trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn, thu hút khá đông du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô.
Hứa Thị Xuân (sưu tầm)