Bà con dân tộc Sán Dìu xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn gói bánh Chưng chuẩn bị Tết Nguyên đán
Đối với mỗi người dân đất Việt, Tết cổ truyền dân tộc bao giờ cũng thiêng liêng nhất. Ở tỉnh Bắc Giang, có khá nhiều phong tục đón Tết độc đáo, giàu bản sắc dân tộc. Một trong số đó phải kể đến phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Theo phong tục, những ngày giáp Tết, phần lớn mọi nhà tự chưng cất rượu để uống và mời khách trong những ngày xuân. Men rượu được làm từ các loại thảo dược bổ dưỡng như vạt hương, tai chó, cây trăm rễ... Quá trình nấu rượu cũng hết sức cầu kỳ, công phu như gạo nấu phải ngon, đun đều lửa. Rượu men lá có hương vị thơm nồng, dễ uống, say êm.
Trước Tết từ 1-2 ngày, các gia đình tổ chức gói bánh chưng. Cùng với nguyên liệu như gạo, đỗ xanh, thịt lợn có sẵn của nhà, bà con còn dùng lá ỏng, một loại cây thuốc quý trồng trên rừng để bọc bên trong chiếc bánh, bên ngoài là lá rong. Ưu điểm của loại lá ỏng là khi bóc bánh rất chóc, không bị dính. Bánh chưng được gói hình thon dài. Khi luộc chín bánh dẻo, mịn, có vị thơm bùi.
Giấy đỏ được dán lên các vị trí quan trọng trong nhà của đồng bào Sán Dìu trong ngày Têt
Người Sán Dìu rất chú trọng trang trí nhà cửa, gần tết nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ để trang trí quanh nhà. Mỗi mảnh giấy dài khoảng 15cm, rộng 6 cm và được dán lên các vị trí như bàn thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng, chuồng trâu, lợn... cây cối hoặc các vật dụng lao động sản xuất như cuốc, xẻng, lưỡi cày... Theo đồng bào dân tộc Sán Dìu, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp.
Ngày 30 tết, các gia đình đều thịt lợn làm giò, chả, nem cùng nhiều thực phẩm mang đậm nét đặc trưng ngày Tết. Trên bàn thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo hoa quả và đồ vàng mã, không thể thiếu 2 cây hoa cải vàng. Đây là biểu tượng của một năm mùa màng bội thu, thắng lợi; mọi người mạnh khỏe, đoàn kết. Dịp Tết, các gia đình hay mời thày cúng đến làm lễ tại nhà. Trên bàn thờ, đều dán bùa trấn trạch để trừ ma, quỷ.
Sáng mồng một tết, người Sán Dìu không ăn mặn mà ăn chay.
Đây là một tập quán khá đặc biệt. Đồ chay là cháo chè. Cháo chè được nấu từ gạo nếp cùng đỗ xanh và đường. Trên mâm cúng bao giờ cũng có 5 bát cháo. Trong lễ cúng chay, thày cúng, hoặc chủ nhà gõ chùng chọe thanh la và thổi tù và, chiêu quân âm binh về ăn Tết, phù hộ, độ trì cho gia chủ. Sau khi tục cúng chay hoàn tất, mọi người trong gia đình quây quần, cùng nhau thưởng thức đồ chay do chính tay mình làm. Hương vị thơm mát, ngọt nhẹ của món cháo chè trong ngày mồng một tết khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Trong phong tục đón Tết của người Sán Dìu ở Lục Ngạn, có một điều rất thú vị, độc đáo đó là tục gánh nước vào sáng mồng 1 tết. Sáng sớm, con cháu của gia đình ra sông, suối mang theo thùng nước cùng khoanh bánh chưng, giấy bạc, thắp hương xin phép các vị thần mua nước về nhà. Nếu gánh nước đó nặng, năm đó gia đình sẽ làm ăn phát tài, thóc lúa đầy bồ, chăn nuôi thuận lợi. Nước còn được đun sôi để pha trà, hay nấu cháo chè.
Trong 3 ngày tết, ngày mồng hai được coi là ngày Tết chính. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Gia đình nào có con gái lấy chồng ở xa thì vào ngày mồng hai vẫn lặn lội về nhà đẻ để chúc Tết, mừng lì xì cho ông, bà, bố mẹ. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời anh em, họ hàng, người thân. Quanh mâm cơm ngày Tết, mọi người cùng nhau hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Ngày mồng một và mồng hai, người Sán Dìu kiêng quét nhà. Tất cả rác nếu có sẽ được thu gom lại một góc trong nhà. Việc quét nhà được làm vào sáng mồng ba tết. Rác được hót vào một chiếc rá rách, trong đó có một mẩu bánh chưng và 3 nén hương, sau đó được đưa ra đổ ở gốc cây, bờ bụi nào đó ở ngoài cổng. Tục lệ này nhằm để đuổi ma đói ra khỏi nhà.
Một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu trong những ngày Tết là việc tổ chức hát Sọong cô. Theo tiếng Sán Dìu, Sọong nghĩa là hát, còn cô nghĩa là ca. Ở từng thôn, bản, từng tốp thanh niên, trung niên thậm chí cả người cao tuổi, mỗi tốp gồm khoảng 4-8 người, bên nam, bên nữ tập trung hát ở nhà văn hóa hoặc sân đình, chùa, thậm chí trong khu vườn rộng, hoặc bên bờ suối. Đặc biệt, những gia đình nào được khách đến chơi và ca hát tại nhà thì đó là một niềm vinh hạnh. Chính vì lẽ đó, gia chủ rất phấn khởi, đón tiếp khách nồng hậu, chu đáo. Lời ca và giai điệu của Sọong cô mềm dẻo, đầy sức lan tỏa, diễn đạt tâm tư tình cảm của người hát, làm mê say lòng người. Nội dung của những bài hát Sọong cô trong những ngày xuân là những lời chúc sức khỏe, cầu mong mùa màng bội thu, súc vật không bị dịch bệnh, nhà nhà no đủ.
Trong những ngày xuân, đồng bào dân tộc Sán Dìu thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động thể thao như tát cầu mây, đánh xèng, đánh đáo. Đây là những trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, lễ hội và được lưu truyền từ đời này, qua đời khác
Lương Thị Tăng (sưu tầm).