Trang phục Sán Dìu của nam và nữ đều do đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Sán Dìu làm ra. Người phụ nữ Sán Dìu luôn mặc hai áo đi theo cặp, áo trong màu sáng (gọi là yếm), áo ngoài màu đen có 3 vạt, cổ áo hình chữ V, được nẹp bằng vải trắng, trên cổ áo có gắn hai chiếc cúc bằng bạc tạo âm thanh vui nhộn khi mặc bộ trang phục.
Rìa cổ áo được viền một dải nhỏ vải khác màu. Váy có hai mảnh được khâu chéo, nhiều nếp gấp, rộng, xoè ra như cánh hoa, phần cạp váy được khâu xếp lại, có hai dây để buộc cho vừa một vòng bụng. Thêm nét duyên dáng cho người phụ nữ Sán Dìu, bộ trang phục còn có chiếc dải váy được dệt bằng chỉ nhiều màu, dây xà tích, vòng cổ, vòng tay bằng bạc.
Bộ trang phục của người Sán Dìu không thể không nói tới hai chiếc khăn thắt ở eo lưng và xà cạp. Thắt lưng có 4 màu: Xanh, đỏ, tím, hồng, mỗi cái dài 1,2 m đến 1,5 m, rộng 20 cm đến 30 cm, được làm bằng vải mỏng, hai đầu làm tua rủ. Người phụ nữ Sán Dìu thường vấn tóc, quấn khăn theo hình mỏ quạ. Đặc biệt, trong trang phục người phụ nữ Sán Dìu còn có thêm chiếc túi đựng trầu khâu theo hình múi bưởi với tua dua được dệt bằng chỉ đỏ, thường buộc quanh thắt lưng để đựng các têm trầu, đi đôi với túi đựng trầu là con dao cau được chạm trổ cầu kỳ thường được chị em dùng như một thứ trang sức để trưng diện.
Trang phục của đàn ông Sán Dìu lại đơn giản, mộc mạc hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ. Áo có màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng, quần dài, cạp chun, ống quần rất rộng để thuận lợi cho việc leo núi, đồi. Trong những ngày lễ tết, đám cưới, hát giao duyên người Sán Dìu xúng xính trong những bộ trang phục mới hơn ngày thường. Điều đáng chú ý là bộ trang phục của người Sán Dìu do chính đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu nhuộm màu cho vải để có những màu sắc ưng ý.Đối với bộ trang phục phụ nữ người Sán Dìu, công đoạn nhuộm chàm mất khá nhiều thời gian, trồng cây chàm nhuộm vải cũng vất vả, cầu kỳ. Người phụ nữ Sán Dìu đến nơi ở mới không quên mang theo hạt chàm giống. Chàm được trồng vào tháng 2 và thu hoạch vào tháng 7, chàm cắt về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào vại, qua một đêm thứ nước đó được hoà với nước tro bếp và một bát nước vôi (theo kinh nghiệm phải có tro bếp và vôi mới giữ được màu), sau đó khuấy đều, để lắng 30 phút, lấy thứ nước lắng phía bên dưới có màu vàng đem phơi khô. Đến đây, người phụ nữ Sán Dìu lại lên rừng tìm đủ 4 loại cây: Cây chỉ thiên, cây lau sau, cây dáp thanh, vỏ cây núc nác mang về ngâm cùng cốt cây chàm đã khô. Theo người Sán Dìu, cây chàm phải được ngâm cùng bốn loại cây này thì vải mới lên được màu sẫm. Sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm. Đây là công đoạn thứ 2, vải nhuộm một lần có màu xanh lợt, dễ phai, nhuộm nhiều lần rồi mang phơi nắng, sắc xanh nhạt sẽ thẫm lại thành sắc chàm sẫm như màu của núi rừng. Vải đem nhuộm phải là vải tấm, dày, sợi chỉ bắt màu.
Đối với trang phục của nam giới người Sán Dìu thì công việc nhuộm vải không mất nhiều thời gian. Người phụ nữ Sán Dìu bung củ nâu, khi nước có màu đỏ đồng thì đưa vải vào ngâm. Vải cũng được ngâm thành nhiều lần rồi phơi nắng. Khi vải đã có màu chàm thì đem giặt sạch với nước giếng rồi phơi lại một lần nữa. Người Sán Dìu thường để mặt phải củatấm vải hướng về phía mặt trời để vải bắt màu. Như vậy là hoàn thành việc nhuộm chàm cho bộ trang phục. Đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu xanh màu chàm là dấu ấn của những lần nhuộm chàm. Người phụ nữ Sán Dìu khi đã làm mẹ có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng chàm và nhuộm vải chàm. Người Sán Dìu đánh giá tài năng, đức hạnh của người phụ nữ thông qua khả năng nhuộm chàm. Trang phục của người Sán Dìu được hình thành theo tháng ngày nhọc nhằn của người phụ nữ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật người Sán Dìu làm ra với sự cần cù, khéo léo góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hoá các dân tộc./.
Nông Gia Khảm (sưu tầm)